Trang chủ » Kinh tế 24h » “Oan án” cá tra: WWF cần công khai tiêu chí đánh giá

“Oan án” cá tra: WWF cần công khai tiêu chí đánh giá

Tác giả:

Ông Tuấn cũng cho biết, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với đại diện WWF Việt Nam xung quanh việc cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của WWF xếp cá tra của Việt Nam vào danh sách “đỏ”.

Theo Phó Tổng cục trưởng, hai bên trao đổi thẳng thắn và thống nhất một số hành động trong những ngày tới.

Theo đó, WWF Việt Nam sẽ liên lạc trực tiếp với các cơ quan đồng cấp tại 6 nước châu Âu để chuyển tải phản ứng từ phía Việt Nam. Yêu cầu tổ chức này công khai và minh bạch các tiêu chí đánh giá để có được kết quả.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị được đối thoại trực tiếp với đại diện WWF toàn cầu để cùng đánh giá các tiêu chí nêu ra.

TS Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản. Ảnh: Cao Nhật

“Nếu kết quả đánh giá không thỏa đáng, chúng tôi đề nghị họ phải thu hồi các tờ rơi cẩm nang tiêu dùng đã phát hành”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, thông tin từ phía WWF Việt Nam cho thấy, có thể trong chiều nay hoặc ngày mai, cơ quan này mới nhận được danh sách cụ thể các tiêu chí mà WWF tại 6 nước châu Âu dựa vào để đánh giá.

Hôm qua, WWF Việt Nam cũng đã chính thức lên tiếng lý giải sự thay đổi này bắt nguồn từ phương pháp đánh giá mới bao gồm 19 tiêu chí tập trung chủ yếu vào các vấn đề môi trường.

Tuy nhiên WWF Việt Nam không tham gia tiến trình này, bao gồm cả phát triển phương pháp đánh giá lẫn đánh giá thực địa.

Cụ thể, ba tổ chức phi chính phủ bao gồm WWF, Hội Bảo tồn Sinh vật Biển (MSC) và Quĩ Biển Bắc (NSF) cùng tham gia phát triển phương pháp đánh giá, trong đó phần đánh giá thực địa do một tư vấn độc lập thực hiện.

Cũng theo WWF Việt Nam, cẩm nang này được xuất bản hàng năm tại một số quốc gia nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng đây không phải là rào cản pháp lý đối với thương mại quốc tế.

Cẩm nang hướng dẫn bao gồm ba danh mục: Màu Xanh – Thực phẩm nên sử dụng; Màu Vàng – Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng và Màu Đỏ – Đừng mua.

Bất kỳ một sản phẩm nào nằm trong danh sách đỏ đều có thể được đưa lên danh sách vàng hoặc xanh, nếu ngành công nghiệp đó đáp ứng được những nhu cầu đánh giá đề ra.