Trang chủ » Kinh tế 24h » Những “độc chiêu” chống bão giá của bà nội trợ

Những “độc chiêu” chống bão giá của bà nội trợ

Tác giả:

Dùng bếp từ thay bếp ga

Dù đã giảm 5.000 đồng/bình nhưng gas vẫn đang giữ giá ở mức cao 330.000 đồng/bình 12kg. Trong khi giá gas vẫn có xu hướng tăng cao trong thời gian tới thì bếp từ được cho là “sự lựa chọn hoàn hảo” của những bà nội trợ.

Theo ghi nhận của báo SGTT, thời gian gần đây, tại các siêu thị điện máy ở TP HCM, gian hàng bán bếp từ luôn đông khách thăm quan.

Hiệu suất năng lượng của bếp từ cao, ít gây hao phí

Đại diện của siêu thị điện máy Thiên Hòa cho biết, khoảng một tháng trở lại đây bếp từ bán khá chạy, đặc biệt là các loại bếp do Việt Nam sản xuất có giá từ 850.000 – 1,2 triệu đồng/bếp.

Các loại bếp do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất với giá khá bình dân từ 500.000-800.000 đồng/bếp cũng được nhiều người yêu thích. Với những loại bếp cao cấp nhập khẩu có giá từ 20 triệu đồng trở lên, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu bếp từ cao cấp của Đức cho biết, mỗi tháng đơn vị này bán ít nhất 30 cái tại thị trường TP.HCM.

Chị Ngọc Sương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, nhà khá đông người nên mỗi bình gas sử dụng chưa đầy một tháng đã hết. “Thời gian trước, giá gas thấp nên không tính toán, nhưng hiện đã lên cao quá và cũng hao… tiền quá”, chị Sương nói. Mới đây, chị đã quyết định đổi qua sử dụng bếp từ.

Bếp từ có hiệu suất sử dụng nhiệt để nấu nướng lên đến 85-90%, con số này ở bếp gas là 40%. Với hiệu suất cao như thế, bếp điện từ sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí lẫn thời gian.

Ngoài ra bếp từ dễ dàng vệ sinh, có thể lau chùi thường xuyên vì mặt tiếp xúc là kính chịu lực. Người tiêu dùng cũng hoàn toàn yên tâm vì các bức xạ sóng điện từ có cường độ rất thấp, hoàn toàn không gây hại tới sức khỏe của người sử dụng.

Săn đồ giảm giá ở siêu thị

Trong thời điểm giá cả leo thang như hiện nay, với nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn, siêu thị đang có sức hút mạnh với người tiêu dùng.

Từ 17/11 đến 24/12, Big C đồng loạt triển khai các chương trình khuyến mãi mới theo ba chủ đề áp dụng cho hơn 1.300 mặt hàng có mức giảm giá từ 5-45% khiến khách hàng ào ào kéo nhau đến siêu thị để mua được hàng giá rẻ.

Trong đó chương trình “Wah! Chất lượng giá rẻ” chuyên về thực phẩm tươi sống, đem đến cho người tiêu dùng khoảng 300 mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt tươi sống, thức ăn chế biến sẵn… luôn tươi ngon có mức giảm giá từ 5-40%.

Nhiều sản phẩm đang tạo cơn sốt tại siêu thị mà theo nhiều người tiêu dùng là có giá gây “sốc” như: cà chua 4.000 đồng/kg, bắp cải 3.000 đồng/kg, cải thảo 7.500 đồng/kg, gà công nghiệp nguyên con 45.900 đồng/kg…Riêng cà chua, do giá bán tại siêu thị chỉ bằng 1/3 giá trên thị trường nên sản phẩm này thu hút được rất nhiều người mua.

Một người tiêu dùng nhận xét, giá thịt ngoài chợ cao hơn giá bán ở siêu thị hơn 10.000 đồng một kg tùy loại; còn rau củ, trái cây, các loại nước mắm, dầu ăn tính ra chênh hơn giá siêu thị có loại tới gần 20.000 đồng.

Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng đang khuyến mãi 800 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, với mức giảm giá 50%. Trong đó, nhóm hàng gia dụng, thực phẩm, sữa, may mặc ưu tiên giảm nhiều nhất.

Tại Hà Nội, các siêu thị bán lẻ của hệ thống Co.op mart, Big C, Fivi Mart, Hapro… bỗng dưng kẹt cứng từ đầu tháng 11 đến nay, khiến khách hàng luôn trong tình trạng mướt mồ hôi chọn lựa hàng hóa, tính tiền.

Lượng khách hàng đến siêu thị tăng đột biến khiến nhiều siêu thị buộc phải giới hạn số lượng cho một người một ngày để hạn chế sức mua của khách, nhằm tránh nạn đầu cơ hàng. Tại siêu thị Big C Thăng Long, mỗi khách hàng được khuyến cáo chỉ mua không quá 4 kg một ngày. Trong khi đó, siêu thị Fivimart cũng chỉ cho phép mỗi khách hàng được mua hai gói đường mỗi ngày.

Đi chợ đầu mối mua thực phẩm giá rẻ

Chợ sỉ không còn là nơi dành riêng cho tiểu thương, mà còn dành cho nhiều bà nội trợ.

Dạo quanh một vòng các khu chợ đầu mối buổi sớm như: Long Biên, Ngã Tư Sở, Dịch Vọng Hậu… mới thấy nhiều bà nội trợ chịu khó dậy sớm để mua được thực phẩm với giá rẻ.

Thực phẩm ở chợ đầu mối được bán với giá rẻ, lại tươi ngon nên nhiều người thương mua thực phẩm cho cả ngày hoặc mua về dự trữ trong tủ lạnh ăn dần.

“Mua ở chợ lẻ gần nhà, những hôm cao điểm, cà chua lên 20 nghìn đồng/ kg, khoai tây 18 nghìn đồng/kg, su hào 7 nghìn/củ, tôm loại to 220 nghìn/kg. Trong khi đó, tại chợ Ngã Tư Sở, giá khá ổn định, cà chua chỉ 7 nghìn đồng/kg, khoai tây 8 nghìn đồng/kg, su hào 2 nghìn/củ, tôm loại to cũng chỉ 120 nghìn đồng/kg. Thật bất ngờ với mức giá siêu rẻ này”, Chị Thủy (Khương Đình, Hà Nội) nói.

Tuy nhiên, điều mà nhiều bà nội trợ thường gặp là bị hoa mắt bởi hàng giá rẻ, mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng. Tốt nhất, trước khi ra chợ sỉ nên liệt kê sẵn những thứ cần mua để tránh lãng phí.

Ăn cơm nhà thay quà quán

Thay vì buổi sáng kéo nhau ra quán ăn phở, nhiều bà nội trợ đã dậy sớm ra chợ mua đồ ăn về tự nấu cho cả nhà.

Chị Phương Anh (Định Công, Hà Nội) cho biết nhà chị có 5 người, giá mỗi bát phở là 20.000 đồng, tính ra tiền ăn sáng của gia đình chị cũng 100.000 đồng một ngày. Từ khi bão giá, chị chịu khó dậy sớm một chút để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Ăn sáng ở nhà vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh vừa giảm được một nửa chi phí, chị tâm sự.

Chuẩn bị cơm hộp mang đến cơ quan vừa sạch vừa tiết kiệm

 

Nhiều nhân viên văn phòng cũng bỏ thói quen ra ngoài ăn trưa bằng cách chuẩn bị cơm hộp ở nhà rồi mang theo. Cơ quan nào nhiều người mang cơm thì tự góp tiền mua tủ lạnh, lò vi sóng. Khi tới cơ quan họ bỏ vào tủ lạnh, tới giờ ăn thì cho hộp cơm vào lò vi sóng vài phút.

“Ăn trưa ở các quán sang thì quá mắc tiền, ăn cơm bụi thì quá bẩn. Hơn nữa, đi lại cũng mất thời gian. Tự nấu vừa sạch vừa rẻ”, chị Ngoan (nhân viên công ty Habico, Hà Nội) chia sẻ.

Ngoài ra, còn nhiều kế sách giảm chi tiêu khác như chuyển từ dầu ăn đóng chai sang dùng loại chiết can bán lẻ khi giá dầu đóng chai liên tục tăng (giá mỗi lít dầu ăn can rẻ hơn so với dầu ăn đóng chai từ 8.000 đến 12.000 đồng một lít); thịt lợn tăng thì chuyển sang ăn thịt bò hoặc gà; tăng cường các bữa ăn chay.