Trang chủ » Kinh tế 24h » Dân “phát sốt” vì thực phẩm Hàn Quốc

Dân “phát sốt” vì thực phẩm Hàn Quốc

Tác giả:

Thoải mái lựa chọn

Các cửa hàng, siêu thị chuyên bán thực phẩm nhập khẩu Hàn Quốc mọc lên ngày càng nhiều, tập trung đông ở đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định và khu đô thị Trung Hòa.

Nói đến thực phẩm Hàn, người sành mua sắm sẽ nghĩ ngay đến kim chi, mì trộn. Hiện nay, các mặt hàng có mặt ở Việt Nam đã phong phú hơn rất nhiều, bao gồm cả rau quả tươi, thịt bò, đồ hộp và thực phẩm khô đóng gói.

Theo khảo sát của PV, mặt hàng có tần số xuất hiện ở hầu hết các siêu thị lớn, nhỏ như Big C, Co.op Mart, Fivi Mart, Hapro, Uni Mart,.. bao gồm cá hồi, kim chi, rong biển, nấm và các loại mì. So với các sản phẩm cùng loại trong nước, một số sản phẩm nhập khẩu có giá cao gấp 3-4 lần.

Cụ thể, kim chi nhập khẩu có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg (trong nước 60.000-110.000 đồng/kg), nấm kim châm nhập khẩu 39.000 đồng/gói 200g (trong nước 18.000 đồng/gói 200g), ớt bột nhập khẩu 180.000 đồng/kg (trong nước 50.000 – 70.000 đồng/kg), thịt bò nhập khẩu loại ngon 500.000-600.000 đồng/kg (trong nước 130.000-140.000 đồng/kg)…

Mì Hàn Quốc được các bạn trẻ rất yêu thích (Ảnh La Hoàn)

Giá chênh lệch giữa hàng nội – ngoại khá cao, nhưng người tiêu dùng chuộng ẩm thực Hàn vẫn không ngại “rút hầu bao” dù đang thời điểm bão giá.

“Mình rất thích kim chi và cơm cuộn rong biển của Hàn Quốc. Cứ cuối tuần rảnh là lại đi siêu thị mua nguyên liệu về tự làm. Nếu mua hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu để làm 2kg kim chi mất khoảng 200.000-300.000 đồng”, chị Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

“Thỉnh thoảng nhà có khách, làm món nướng mình vẫn thường mua thịt bò nhập khẩu. So với thịt bò Việt thì giá cao hơn nhưng loại này nướng ngon mà không bị cháy”, chị Hương nói thêm.

Chị Dung, nhân viên của một siêu thị mini chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc trên đường Nguyễn Thị Định cho biết siêu thị này chủ yếu bán thực phẩm cho người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam. Thời gian gần đây có khá nhiều người Việt ghé qua siêu thị để mua hàng.

“Mặt hàng được nhiều người Việt ưa chuộng là các loại nguyên liệu để làm món kim chi như cải thảo, ớt bột, lá kim, rong biển, tép khô. Thỉnh thoảng cũng có người đến mua gạo để làm món kimbab dù giá gạo nhập khẩu cao hơn rất nhiều, 330.000 đồng/gói 5 kg”, chị Dung nói.

Ngoài thực phẩm tươi sống, các sản phẩm từ nhân sâm và nấm linh chi của Hàn Quốc cũng rất được ưa chuộng. Là những sản vật quý hiếm nên giá của các sản phẩm này không hề “dễ thở”. Linh chi 500.000 đồng/cây, rượu sâm có giá trên 1 triệu đồng/lít, hồng sâm củ, sâm lát đều có giá trên 1 triệu đồng/hộp.

Chị Phạm Lan, nhân viên quầy hàng nhân sâm và nấm linh chi Hàn Quốc tại siêu thị Uni Mart cho biết sản phẩm bán chạy nhất là nước sâm, rượu sâm, hồng sâm củ, sâm lát và mặt nạ nhân sâm. Khách hàng của chị phần lớn là những người chịu chi, mỗi lần mua sắm lên tới vài triệu đồng.

“Sính ngoại” làm tăng nguy cơ nhập siêu

Giữa năm 2010, Việt Nam áp dụng biểu thuế ưu đãi đặc biệt với các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc để thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2010 – 2011.

Theo đó, thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam như thịt cừu, trâu, bò, heo… giảm chỉ còn 7-10%. Các mặt hàng sữa có mức thuế phổ biến từ 10-15%. Các mặt hàng cá, hoa quả có thuế suất phổ biến từ 15-20%…

Được hưởng mức thuế suất ưu đãi, hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều, giá thành hợp lý hơn. Trong đó nhóm hàng thực phẩm như thịt và sản phẩm thịt; rau củ quả; đồ uống rượu, bia, nước ngọt…gia tăng đáng kể.

Tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng sẽ làm tăng nguy cơ nhập siêu (Ảnh La Hoàn)

Người tiêu dùng được lợi nhưng lại tạo sức ép cạnh tranh cho các mặt hàng trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng rất dễ dẫn đến hệ lụy nhập siêu trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng 37,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2009 là 2,093 tỷ USD, cùng kỳ năm 2010 là 2,915 tỷ USD. Như vậy là nhập siêu 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để hạn chế tình trạng nhập siêu cần phải đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là muốn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân từ ưu tiên dùng hàng Việt đến thói quen dùng hàng Việt.

Dù biết rằng người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và cách tiêu tiền. Tuy nhiên để “cứu” các doanh nghiệp trong nước, sử dụng hàng Việt ngay từ những thứ nhỏ nhất như thực phẩm sẽ góp phần làm giảm nguy cơ nhập siêu của nước ta.

“Thực ra không phải loại gạo Hàn Quốc nào cũng dẻo, các loại gạo dẻo của Việt Nam cũng có thể dùng làm kimbab được mà giá lại rẻ hơn rất nhiều. Siêu thị tôi làm việc bán gạo Hàn Quốc thật, nhưng nếu làm kimbab thì tôi vẫn chọn gạo Việt”, chị Dung – nhân viên của một siêu thị mini chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc trên đường Nguyễn Thị Định nói.