Trang chủ » Tranh luận » CEO Nguyễn Duy Hưng: Hãy tự phòng vệ trước cái bẫy trên TTCK

CEO Nguyễn Duy Hưng: Hãy tự phòng vệ trước cái bẫy trên TTCK

Tác giả:

LTS: Trực tuyến trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – báo VietNamNet, “tổng chỉ huy” Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ những cảm nhận, đánh giá sâu sắc của mình về kinh tế Việt Nam, mối quan hệ với nền kinh tế láng giềng để tránh bị lệ thuộc, hình ảnh doanh nhân Việt và các câu chuyện, các cách làm từ thiện… Đặc biệt, những nhận xét của ông về thành công, thất bại của thị trường chứng khoán năm 2010 cũng như dự báo năm 2011… là những thông tin, bài học có giá trị cho nhà đầu tư.

Mời độc giả theo dõi toàn văn trực tuyến.

Năm 2010: Lẫn lộn buồn vui

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam của Báo VietNamNet đang mở diễn đàn để bạn đọc trao đổi, tranh luận với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, những vị Tướng trên mặt trận kinh tế. Hôm nay chúng ta đối thoại với ông Nguyễn Duy Hưng – CEO của SSI.

Thưa ông, những ngày cuối năm này, ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình trong năm qua?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Cảm ơn VietNamNet cho tôi cơ hội giao lưu cùng độc giả cũng như các nhà đầu tư cùng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm qua, đầu năm khi chúng ta tưởng khó khăn nhưng lại không quá khó, rồi đến lúc chúng ta thấy dường như tốt lên thì rồi một loạt vấn đề nảy sinh như lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng và nền kinh tế có những dấu hiệu khó khăn nhất định.

Niềm tin đã có rất nhiều trên TTCK những ngày đầu năm, nhưng rồi câu chuyện các nhóm làm giá, các “tổ lái” trên TTCK bắt đầu vào cuộc, nhà đầu tư bắt đầu hoang mang vì những thông tin về chuyện làm giá chứng khoán.

Nhiều loại cổ phiếu không có nền tảng tốt gì cả mà giá tăng lên 3 đến 4 lần và sau đó thì rơi vào trạng thái rơi tự do và niềm tin nhà đầu tư rối loạn.

Ông Nguyễn Duy Hưng – CEO của SSI và Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đang cùng trực tuyến tại tòa soạn báo VietNamNet (ảnh Lê Ahn Dũng)

Lúc đó Nhà nước bắt đầu khởi tố vụ án làm giá chứng khoán. Việc này tuy không làm triệt để được nhưng đã gửi ra bên ngoài thông điệp rõ ràng rằng chúng ta phải làm minh bạch thị trường. Và chỉ thế thôi, thị trường cuối năm bắt đầu lấy lại niềm tin dù khó khăn vẫn còn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông đã nói những thông điệp về minh bạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng phát biểu sẽ làm sao minh bạch hơn, dân chủ hơn, công bằng hơn trong môi trường kinh tế xã hội của đất nước. Vậy theo ông, chúng ta nên bắt đầu từ đâu để thực hiện?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Muốn có minh bạch thì phải có những tiêu chuẩn về minh bạch, đồng thời chúng ta sẽ có những chế tài để nếu ai không thực hiện đúng thì điều chỉnh. Câu chuyện minh bạch là cảm tính do mỗi người nhìn nhận khác nhau thì không đánh giá được và vẫn như một khẩu hiệu mà chúng ta vươn tới.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Những chuẩn đó là gì? Ai đặt ra những chuẩn đó?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Mọi chuẩn đều xuất phát từ các cơ quan làm luật và dựa trên các mục tiêu và đưa ra các chế tài để giám sát việc thực hiện.

Đối với thị trường chứng khoán, Quốc hội đặt ra chuẩn. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát.

Chúng ta phải có chế tài về công bố thông tin. Tất cả thông tin đưa ra nhằm làm ảnh hưởng không đúng với bản chất của thị trường, nếu không có chuẩn thì rất khó xử lý.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy tổng kết lại thì vui hay buồn nhiều hơn, hưng phấn hơn hay ưu tư nhiều hơn?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Cảm giác lẫn lộn, cuối năm chúng ta không đạt được như đầu năm kỳ vọng thì hơi buồn nhưng nó lại tốt hơn giữa năm thì lại vui.

Và nhất là khi niềm tin nhà đầu tư trở lại thì tôi thấy không gì vui hơn.

Với những thông điệp của Nhà nước được gửi ra là tích cực, nhưng câu chuyện là chúng ta có duy trì được lòng tin của nhà đầu tư trong năm tới hay không.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta ở đây là ai?

Chúng ta là tất cả những thành tố cấu tạo nên thị trường và mỗi người phải có trách nhiệm xây dựng thị trường đó từ cơ quan nhà nước đến các công ty và các nhà đầu tư.

Chúng ta hay nói về những nhóm thao túng thị trường, bản thân những nhà đầu tư họ biết nhưng tại sao họ vẫn tham gia thì đó là vì lòng tham.

Ai cũng nghĩ là ta sẽ ra khỏi được thị trường trước người khác một bước nhưng đó là bi kịch của tất cả những người đó.

Đó là sự khác biệt giữa mong muốn và thực tiễn. Cơ quan quản lý nhà nước hãy làm sao để những hiện tượng đó không có đất sống trong thị trường này. Những người tham gia thị trường đừng tiếp tay, những nhà đầu tư đừng để cho những mầm mống đó có cơ hội sống ở thị trường.

Khi đó chúng ta có một thị trường minh bạch và niềm tin sẽ được duy trì.

Tại sao VN không là thùng gạo, cốc cà phê của thế giới?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bây giờ rộng ra một chút, VietNamNet đang có một chủ đề là làm thế nào để kinh tế Việt Nam cùng phát triển với sự phát triển của Trung Quốc, trong vai trò là lãnh đạo của một doanh nghiệp ông suy nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Để tồn tại và phát triển được, chúng ta phải dựa vào sở trường của mình. Không được dựa vào sở trường của người khác và sở đoản của mình để cạnh tranh. Lúc này là lúc chúng ta phải ngồi lại với nhau để chúng ta nhìn nhận chúng ta có những sở trường gì mà Trung Quốc không có.

Một trong những thế mà tôi nghĩ cần được ưu tiên phát triển là khu vực chế biến thực phẩm và lương thực, đó là khu vực mà ta có thể hoàn toàn cạnh tranh được với Trung Quốc.

Trung Quốc đang mang nhiều tai tiếng về chất lượng thực phẩm. Chúng ta trong top đầu các nước sản xuất gạo, cà phê, thủy sản… nhưng chúng ta chưa đầu tư đúng mức trong chế biết là gia tăng giá trị sản phẩm.

Một lĩnh vực nữa mà tôi nghĩ chúng ta có thế mạnh là về phần mềm. Trung Quốc rất giỏi nhưng họ bị vướng vấn đề ký tự ngôn ngữ… Công nghiệp cạnh tranh về giá thì tôi nghĩ chúng ta không có nhiều tiềm năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trung Quốc được coi là đại công xưởng của thế giới, theo ông Việt Nam sẽ là gì của thế giới?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Đây là một câu hỏi khó cho một người không nghiên cứu đầy đủ như tôi, nhưng tại sao chúng ta không là thùng gạo của thế giới hoặc là cốc cà phê sáng của thế giới?

Thiếu thùng gạo chắc không ai sống được, mà thiếu cà phê thì bớt thi vị, sáng tạo (cười).

Chúng ta đang ru ngủ mình nhiều quá

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Còn về độ cần mẫn, hoạt bát của người Việt Nam, tố chất của con người Việt Nam có thể giúp gì cho một ngành kinh tế nào đó của chúng ta trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi nghĩ nhiều người vẫn tranh luận về những tố chất của người Việt Nam. Rằng chúng ta trí tuệ cao nhưng việc áp dụng những trí tuệ này vào thực tiễn thì hiện nay chưa hiệu quả. Thực tế nhiều khi chứng minh là chúng ta đang tự ru ngủ mình nhiều quá.

Có thể chúng ta có rất nhiều nhân viên phần mềm giỏi nhưng những người kiến trúc hệ thống lại chưa giỏi. Đặc biệt là những người đi sau như chúng ta, nếu cứ tiếp tục gia công thì câu chuyện lại khác nữa.

Chúng ta cần sản xuất những gì thiết thực nhất cho cuộc sống. Người Nhật có thể không bỏ quá nhiều tiền nghiên cứu về vũ trụ nhưng họ vui sướng vì sản xuất được một cái móc điện thoại có thể bán khắp toàn cầu.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với kinh nghiệm của ông, ông cảm nhận và chia sẻ gì trong chuyện tận dụng nguồn nhân lực cho công ty của mình?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu chúng ta tổ chức tốt, chúng ta có bộ máy có thể cung cấp dịch vụ ở tầm quốc tế và có thể giữ được thị trường trong nước của chúng ta, không để nước ngoài “nuốt” đã khó, nhưng để bành trướng ra nước ngoài thì hiện nay chưa đủ.

Khi chúng ta ra nước ngoài để cạnh tranh thì hệ thống của chúng ta chưa đủ sức để cạnh tranh được. Những thị trường khác ở đây là những nơi có trình độ phát triển hơn chúng ta.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người nói DN Việt Nam thiếu sự gắn kết, sớm thỏa mãn, trong chuyện này ông cảm nhận ra sao về đội ngũ của mình?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu câu hỏi về nhận định chung của Việt Nam thì tôi không có câu trả lời, nhưng với SSI thì không. Chúng tôi luôn muốn tiến lên.

Nhưng để phát triển thành một cái tầm khác thì cần môi trường mà không thể ngày một ngày hai có được.

Chúng ta cũng đang tranh luận có hay không tỉ phú người Việt, đó là câu chuyện nhiều người hay hỏi. Vấn đề ở đây là khối tài sản phải sinh lời, và với tình trạng hiện nay của chúng ta thì tỷ phú đích thực không dễ có và dưới con mắt của tôi thì không có.

Muốn có tầm vươn lên được thì không thể ngày một ngày hai, không có câu chuyện thần kỳ chỉ trong một ngày. Ai mà tiến nhanh quá nhiều khi lại là rủi ro.

Sự minh bạch tuyệt đối là vũ khí của SSI

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ở Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu, ông giải quyết thế nào với SSI?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi nghĩ là câu chuyện này không chỉ ở SSI mà là bất cứ công ty nào có tham vọng tăng trưởng.

Hôm nay công ty chỉ vài triệu USD, nhưng rồi năm tới lên đến hàng trăm triệu USD và nguồn nhân lực đây không chỉ là nhân viên mà còn là ông chủ ấy có đủ năng lực thích ứng với nhứng biến đổi của môi trường cạnh tranh.

Và nếu chúng ta vận hành một hệ thống vượt ngoài khả năng của chúng ta thì tự nó phát sinh rủi ro.

Thực tế cuộc đời chúng ta có thể thấy nhiều tấm gương, khi còn nhỏ người ta vẫn hành thành công, nhưng khi đạt đến điều đó rồi thì có khi lại trở thành tội đồ.

Tôi nhiều lần nói với nhân viên của tôi, SSI vận hành như một đội bóng, chúng ta xây dựng triết lý, chiến lược bóng đá trước, sau đó chúng ta tìm người lắp vào những vị trí đó. Một yếu tố để chiến thắng là đội bóng đó phải có tham vọng để chiến thắng, ai không có tham vọng thì dù rất giỏi cũng phải đứng ra ngoài cho những người tham vọng vào đá. Đó là triết lý nhân sự của chúng tôi.

Đối với chúng tôi thì những cá nhân xuất sắc phải gắn bó trong một tập thể xuất sắc để cùng nhau hoạt động. Còn cá nhân rất xuất sắc nhưng không gắn bó được với tập thể thì cũng thôi.

Đó là lý do tại sao SSI thay đổi nhân lực rất nhanh nhưng vẫn gắn kết được rất tốt, không bị rủi ro.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: SSI có chiến lược gì độc đáo hơn hẳn để làm nên thành công của SSI so với các công ty khác?

Ông Nguyễn Duy Hưng: SSI là một tổ chức tài chính trung gian làm chức năng kết nối vốn và cơ hội đầu tư. Chúng tôi kết nối những người có tiền vào những dự án đang cần tiền. Đó là sứ mệnh của SSI.

Chúng tôi xác định rằng trong ngành tài chính điều quan trọng nhất là phải giữ được chữ Tín. Ở SSI nói và hành động chúng tôi phải cố gắng đồng nhất. Có thể tại thời điểm này họ nói về chúng tôi thế này thế khác nhưng sau đó họ sẽ nhận thấy rằng: À, không có mâu thuẫn gì ở đây.

Việc thứ hai là chúng tôi xây dựng một đội ngũ trên cơ sở suy nghĩ theo suy nghĩ của thế giới nhưng hành động theo kinh nghiệm Việt Nam. Để tất cả những nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam họ sẽ chọn cửa chúng tôi để vào.

Chúng tôi tạo thành cửa để các doanh nghiệp tốt có nhu cầu huy động vốn, hơn 50% thị phần huy động vốn năm vừa qua là do chúng tôi làm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng điều gì tạo ra sự độc đáo của SSI?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Sự minh bạch tuyệt đối. Đó là vũ khí của chúng tôi trong cạnh tranh.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông đã phải đối phó với các “tiểu xảo”, thậm chí là “võ bẩn” của đối thủ cạnh tranh như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thật ra khi chúng ta lấy concept (khái niệm) là sự minh bạch tuyệt đối thì chúng ta không quan tâm nhiều tới chuyện đó. Nếu ai chống lại sự minh bạch thì bản thân họ tự đá vào chân mình và họ sẽ ngã xuống. Trong quá trình cạnh tranh, khi chúng ta đang dẫn đầu thì chúng ta không ngoái lại nên không biết người ta làm gì với mình.

Nhưng với tôn chỉ là sự minh bạch và rõ ràng, chúng tôi nghĩ nếu họ tự nhảy vào cản phá thì họ sẽ tự gặt những điều không hay do họ gây ra.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tại sao?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nói cho cùng thì trong ngắn hạn chúng ta có thể chịu thiệt thòi do đối thủ cạnh tranh gây ra, nhưng về dài hạn thì những điều đó không hợp với lẽ đời thì bản thân chuyện đó sẽ bị triệt tiêu và nó sẽ gây ra những hậu quả nhất định và những người gieo ra nó thì phải hứng chịu.

Vì đối với TTCK tất cả là niềm tin. Khi anh đứng ra nói xấu tôi nhưng một thời gian sau người ta thấy là không phải thì anh mới là người bị mất niềm tin chứ không phải người bị nói xấu.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng đó là công ty với công ty họ dùng những biện pháp đối mặt rõ ràng, còn nếu họ dùng những thủ đoạn nặc danh, bôi bẩn?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Cũng như thế thôi vì họ dùng biện pháp bôi xấu người khác. Tại thời điểm đó, người ta có thể tưởng ông bị nói xấu là xấu thật nhưng sau đó người ta sẽ biết đó không phải là sự thật. Lúc đấy thì người ta lại quay đầu lại với những người tung ra những tin đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế ông đã đối mặt với những chuyện đó bao giờ chưa?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi thường xuyên đối mặt với những chuyện đó và sau mỗi sự cố đó thì uy tín của chúng tôi trên thị trường lại tốt hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Cao Thành Việt hỏi: Bây giờ ông đã là người giàu có và thành công rồi nhưng ông có thể chia sẻ một câu chuyện sai lầm của mình trong quá khứ và cách thức ông vượt qua sai lầm được không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thật ra sai lầm của mỗi con người rất nhiều. Nhưng nếu bị hỏi một cách đột ngột về sai lầm trong quá khứ để trả lời thì không.

Như bạn nào hỏi công ty địa ốc SSI là một sai lầm thì đến giờ phút này chưa thể gọi là sai lầm vì công ty vẫn đang tồn tại. Nhiều công ty trong thị trường này vẫn chưa phát triển mà vẫn đang nằm chờ thời.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Nguyễn Văn Tấn hỏi: Trong công việc ai cũng có thành công và thất bại. Với công ty địa ốc SSI, ông cho là thất bại hay thành công? Ông kỳ vọng gì ở công ty này khi thị trường chứng khoán hình như không dành cho ông những khu đất đẹp?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Mọi người hay nhìn bất động sản phải giành được những khu đất đẹp. Mỗi người có một thế mạnh riêng. Với những con người của SSI thì không có đủ khả năng và thế mạnh để làm nhưữn khu đất đẹp và ngược lại các khu đất đẹp chưa chắc đã đem lại hiệu quả cao như mọi người nghĩ. Công ty bất động sản SSI vẫn tồn tại và hoạt động.

Doanh nhân Việt thông minh, sắc bén, táo bạo, yêu nước

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trách nhiệm của doanh nghiệp giảng dạy rất nhiều ở các trường kinh doanh và dư luận xã hội cũng thường nêu. Ông có thể lý giải làm sao cân bằng giữa lợi nhuận và tiêu chí trách nhiệm xã hội, môi trường, lợi ích cộng đồng?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Theo luật pháp Việt Nam thì tất cả những gì đầu tư vào lĩnh vực mang yếu tố tài trợ, giúp đỡ đều phải lấy từ quỹ phúc lợi sau khi đóng thuế.

Chúng tôi đã làm rất nhiều. Chúng tôi tài trợ cho những thứ mà ai cũng thấy thích, ai cũng thấy cần phải làm nhưng có ít yếu tố quảng cáo nên ít người làm. Chẳng hạn chúng tôi tài trợ thi toán quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam, thi vật lý quốc tế ở Việt Nam, những đêm nhạc giao hưởng khó bán vé, tài trợ làm trường nội trú trên miền núi. Năm nay làm 4 trường ở Hà Tĩnh, vừa là trường học, vừa là điểm trốn lũ cho bà con.

SSI không có chủ trương quảng cáo trực tiếp. Chúng tôi không bao giờ gắn tài trợ xã hội vào quảng cáo. Chúng tôi chỉ làm những gì mà chúng tôi cần phải làm và hiện nay những tổ chức đó khó thu xếp được tiền để làm. Chúng tôi làm âm thầm.

Hằng năm quỹ để làm việc đó của chúng tôi là hàng chục tỷ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Liệu ông có tạo ra một quỹ để chuyên môn làm những việc như vậy không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Đến giờ phút này thì chúng tôi mới thống nhất với nhau rằng hàng năm, chúng tôi trích lợi nhuận sau thuế đưa về Quỹ khen thưởng để làm những việc đó. Còn bước xa hơn, thành một cái quỹ huy động cả những nhà hảo tâm khác thì cần có nhiều thứ nữa, như concept quỹ, điều lệ quỹ , và ban điều hành quỹ  chuyên nghiệp. Khi gắn với tiền bạc thì phải minh bạch, rõ ràng.

Vì bất cứ mục đích gì mà “nói một đằng, làm một nẻo” thì sự ảnh hưởng với tư cách cá nhân và uy tín doanh nghiệp là vô cùng lớn. Để làm được quỹ đến là câu chuyện chúng tôi đã nghĩ đến nhưng chưa có cơ hội và thời gian nghĩ đến.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhìn chung về giới doanh nhân Việt Nam hiện nay, ông có những cảm nhận gì?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chúng ta có đội ngũ doanh nhân rất sắc bén, thông minh, táo bạo và đặc biệt là những người đó rất yêu nước. Họ hiểu những gì họ có ngày hôm nay đều từ quê hương đất nước, từ cơ chế này.

Nhưng trong quá trình làm cũng có người này người khác, nên những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình tham gia doanh nghiệp trên thị trường là không thể tránh. Một câu để khái quát toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam thì khó và không trả lời được.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trước kia, trong xã hội, hình ảnh doanh nhân có vẻ tiêu cực hơn, nhưng hiện nay doanh nhân có vẻ đã được trân trọng nhiều hơn, ngưỡng mộ nhiều hơn. Bên cạnh đó vẫn có những tâm lý là những nhà lãnh đạo DN ỷ có nhiều tiền mà kệch cỡm, hợm hĩnh, ngông nghênh. Ông cảm nhận về tâm lý đó như thế nào? Liệu người ta có nhìn như thế này không.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Ngày xưa mọi người đánh giá chưa tốt và sau này được đánh giá tốt hơn thì lỗi và công đều do truyền thông. Lãnh đạo doanh nghiệp hay một con người bình thường, mỗi người có một cá tính. Có thể không phải là lãnh đạo doanh nghiệp thì người ngông nghênh vẫn ngông nghênh.

Ngông nghênh hay khiêm tốn, mềm dẻo hay cứng rắn là tính người, không phụ thuộc vào người đó đang ở vị trí gì. Các câu chuyện về xây dựng cá tính cho một giới nào đấy là sản phẩm của giới truyền thông.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôi thì nghĩ khác, khi có khả năng kinh tế tài chính cao và quyền lực thì hay bị nhiễm tính ngông nghênh, trịnh thượng. Ông nghĩ sao về mệnh đề này?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi không đồng tình lắm vì nếu chúng ta ra cuộc sống này và gặp những điều tai ương, trái mắt thì tỉ lệ gắn với những người thành công như doanh nghiệp hay trên chính trường rất ít so với các thành tố bên ngoài. Đấy là tỉ lệ chung của người Việt Nam thôi.

Nên chăng VietNamNet nên làm một thống kê, survey (điều tra) xem tỷ lệ bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp ngông nghênh hay tỉ lệ bao nhiêu phần trăm quan chức ngông nghênh, nó có khác xa với tỉ lệ của người Việt Nam hay không. Tôi nghĩ nó là vấn đề chung của con người chứ không phải riêng giới nào.

1 đồng hay 1 tỷ cũng xuất phát từ tấm lòng

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trên thế giới nhiều doanh nhân lớn đã thành đạt như Bill Gates và Warren Buffet họ thường hiến tài sản lớn cho xã hội không phải vì làm thương hiệu mà họ mong muốn đóng góp những giá trị nhân bản và văn hóa mới cho nhân loại. Giới doanh nghiệp Việt Nam đã có tâm lý đó và đã làm việc đó chưa? Đã có những doanh nhân đóng góp cho giá trị văn hoá chưa?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Trước tiên phải nhìn nhận là rất cảm phục các tỷ phú đã dám hiến tiền để làm công tác xã hội. Mặt khác, cũng phải nhìn luật pháp nước họ cũng dễ để họ làm việc đó. Chỉ cần họ bỏ tài sản cá nhân sang một quỹ do họ quản lý thì thuế phải đóng là rất khác. Chi cái gì, mua cái gì và tài sản được in – out ra sao cũng do chính họ quyết định. Tức là họ vẫn được dùng tài sản theo cách họ muốn nhưng thuế đóng rất khác.

Ở Việt Nam cũng có nhiều tấm gương làm từ thiện. Đó cũng là tấm lòng, mà đã là tấm lòng thì đừng bao giờ so sánh 1 đồng với 1 tỷ.

1 đồng của đứa trẻ con bớt tiền quà sáng để tặng bạn còn được đánh giá cao hơn người có trăm tỷ, ngàn tỷ của ai đó mang tặng vì động cơ nào đó. Nên rất khó để so sánh tấm lòng của họ.

Những tấm gương đó ở Việt Nam có rất nhiều mà không chỉ giới doanh nghiệp. Tôi nghĩ là những tấm gương lá lành đùm lá rách ở ta có nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.

 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Quay trở lại với doanh nghiệp và doanh nhân, hiện nay người ta cho là có quy luật, ở các nước phát triển cũng vậy, khi các nhóm lợi, các doanh nghiệp có khả năng tài chính sẽ cấu kết các nhóm lợi ích và thao túng chính sách của Chính phủ. Ông thấy ở Việt Nam đã có chưa, và nếu có thì ở mức độ nào và làm thế nào để loại bỏ những tác hại tiêu cực của nó?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Với một doanh nghiệp thì câu trả lời không thể chính xác vì không thể nào có đủ thông tin để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, vấn đề ngăn chặn nó là câu chuyện của cả thế giới đặt ra, bằng cách phải minh bạch tất cả các hoạt động của xã hội cũng như của nền kinh tế.

Ví dụ như với doanh nghiệp được minh bạch hoá theo chuẩn, như chuẩn niêm yết thị trường chứng khoán, thì những cấu kết, những việc làm không đúng với chuẩn mực sẽ được loại bỏ rất nhiều.

Điều cần làm là phải minh bạch hóa nền kinh tế, minh bạch hóa xã hội. Đó là điều duy nhất để ngăn chặn vấn đề mà ông vừa đặt ra.

Lái được cả thị trường chứng khoán là khó

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc nên tôi sẽ dành thời gian để ông đối thoại với bạn đọc.

Bạn Nguyễn Hồng Hải hỏi: Theo quan điểm của ông việc triển khai những sản phẩm như cho vay chứng khoán, bán khống chứng khoán tại thị trường Việt Nam có những rủi ro gì? Tại sao hầu hết các nước khác đều áp dụng?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tất cả những sản phẩm đó đều có rủi ro.

Thứ nhất luật pháp nước ta chưa quy định nên nếu có đỗ vỡ, tranh chấp sau khi những sản phẩm này được bán ra thì thiệt thòi sẽ chủ yếu nằm ở nhà đầu tư.

Thứ hai, tất cả các sản phẩm tài chính đều phải được cơ quan nhà nước phê chuẩn trước khi thực hiện. Tuỳ theo mức độ phát triển của xã hội, văn hoá của mỗi nước và mức độ chấp nhận rủi ro của người dân mà mỗi nước họ đưa ra những sản phẩm khác nhau. Những sản phẩm tài chính phái sinh là sản phẩm rất hiện đại nhưng phải được áp dụng đồng đều ở tất cả các thành tố của thị trường, phải được giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và phải được nhà đầu tư hiểu thấu đáo khi tham gia những sản phẩm này.

Nếu chúng ta lấy sản phẩm ở Mỹ về thì về nguyên tắc không khác nhưng có rủi ro cho nhà đầu tư. Rủi ro chính là ở công ty cung cấp. Khi người ta kiện thì hợp đồng vô hiệu lực. Nếu họ ràng buộc rất kỹ thì họ chỉ bảo vệ công ty họ chứ không bảo vệ nhà đầu tư.

Ở Việt Nam chưa thực hiện được là vì pháp luật chưa đề cập tới sản phẩm này và chưa cho phép áp dụng sản phẩm này trên toàn bộ thị trường.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi cũng của bạn đọc Nguyễn Hồng Hải: Các nhà đầu tư đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam? Và theo ông, cần làm gì để thu hút dòng tiền nước ngoài đầu tư mạnh hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khác nhau. Có những người không có niềm tin nữa thì họ bán. Những người nghĩ rằng có tiềm năng thì họ sẽ mua. Chính vì thế trên thị trường luôn có người bán, người mua.

Gần 1 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam, nước ngoài mua nhiều hơn bán. Chính vì thế, chúng ta thấy rằng nước ngoài nhìn tương đối khả dĩ về Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn rõ dòng vốn đầu tư vào Việt Nam là dài hạn hay ngắn hạn. Nếu là dòng vốn đầu tư dài hạn thì chúng ta thấy rằng họ tin tưởng nhiều hơn vào kinh tế dài hạn của Việt Nam. Nếu chỉ là dòng vốn ngắn hạn thì họ chỉ mới thoả mãn với tiêu chí mua bán ngắn của thị trường.

Để biết họ nghĩ gì thì hỏi họ không chính xác bằng nhìn họ hành động để phân tích. Nhìn những gì họ hành động thì chúng tôi thấy họ đang có niềm tin ngắn hạn và dài hạn nhiều hơn những người chán thị trường mà đi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Độc giả Trương Quang Dũng hỏi: Nhiều khi mã chứng khoán lên và xuống vì bị ảnh hưởng bởi một nhóm người mà báo chí gọi là “đội lái”. Mã chứng khoán tôi muốn nói là VN Index. Với mã này, cơ cấu và thành phần tham gia phức tạp hơn nhưng có thể điểm qua gồm có: 1. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam; 2. Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn và tổng công ty trong nước; 3. Các tổ chức khác trong nước. Còn các thành viên nào kể thiếu ở đây và ông dự báo thế nào về thành phần “đội lái” này trong những năm tới?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thật ra, người ta chỉ có thể làm giá một số mã và độ thanh khoản rất thấp. Nếu lái được cả thị trường chứng khoán là khó, không làm được vì lượng tiền đâu ra mà làm được?

Chúng ta nhìn giao dịch trên thị trường có một số mã cổ phiếu rất thấp, một ngày giao dịch khoảng vài chục ngàn cổ phiếu, sau đó được bơm giá trần lên liên tục hoặc những mã mà giá trị vốn hoá không lớn thì có thể làm được giá. Nếu không thì chả ai làm giá làm gì.

Thứ hai là làm giá xong phải bán được mới thu lợi nhuận. Nếu không bán được thì làm giá làm gì? Vì thế, nếu nghĩ có tổ chức lớn tham gia làm giá là không có.

Đừng nên sa vào “cái bẫy” VNI

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Nguyễn Tiến Dũng: Ông dự đoán thế nào về triển vọng thị trường chứng khoán trong quý I/2011? Với kinh nghiệm dày dặn thì ông dự đoán hết quý I/2011 là bao nhiêu điểm?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Quý I/2011 sẽ có một số lợi thế.

Thứ nhất buộc lãi suất ngân hàng trong trào lưu đi xuống và đó là tin tốt cho thị trường chứng khoán. Qua năm tài chính thì ngân hàng sẽ giải ngân nhiều hơn làm dòng tiền đổ vào thị trường sẽ tốt hơn. Rất nhiều công ty tốt tồn tại qua mọi thời kỳ của thị trường đang phát triển.

Những tin xấu là nước ngoài hạ định mức tín nhiệm của Việt Nam cũng sẽ gây ít nhiều hoang mang cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta cũng chưa rõ lãi suất được huy động cũng như lãi suất cho vay sẽ được hạ xuống thế nào. Chúng ta vẫn bộ chi, lạm phát vẫn cao.

Với cái nhìn cá nhân thì quý I/2011 TTCK biến động không nhiều. Còn trong 2011 thì chỉ biến động khoảng 20% so với cuối năm 2010.

Bạn Nguyễn Văn Sơn hỏi hiện nay một số cổ phiếu có ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số VNI như MSN, BVH… Chỉ cần đặt một lệnh mua bán với một số lượng tối thiểu cổ phiếu (10 đơn vị) với mức giá tăng hoặc giảm (đặc biệt là với biên độ lớn) là có thể làm thay đổi chỉ số VNI một cách rõ rệt. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư và làm thay đổi chiều hướng thị trường. Với những mục đích khác nhau, một số tổ chức hoặc các nhà đầu tư cá nhân có thể sử dụng các cổ phiếu này để tác động lên thị trường chứng khoán, theo chiều hướng có lợi cho họ. Ông đánh giá điều này như thế nào? Theo ông, đây có phải là hạn chế của cách tính điểm chỉ số VNI hay không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi nghĩ VNI chỉ là một trong những thông số để chúng ta tham khảo quyết định đầu tư. VNI sẽ có tác dụng nhiều hơn cho các quỹ đầu tư chỉ số ở bên ngoài khi đầu tư họ phải so sánh danh mục của họ biến động thế nào so với VNI. Còn với các nhà đầu tư trong nước thì nên đầu tư vào các cổ phiếu cụ thể.

Nếu nghĩ đó là cái bẫy thì chúng ta không nên sa vào cái bẫy đó. Có nghĩa là đó là một yếu tố để tham khảo, còn chúng ta nên nghiên cứu các cổ phiếu, mã chứng khoán cụ thể để đưa ra quyết định cho mình. Còn tham khảo sự biến động của VNI được dẫn dắt bởi những cổ phiếu lớn như thế thì chúng ta sẽ bớt ảnh hưởng của nó để tự phòng vệ cho mình.

Biết tiêu tiền tốt hơn là có nhiều tiền

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Nguyễn Việt Hùng hỏi: Nhân viên ở Việt Nam trong thời buổi cạnh tranh, chuyển tiếp này thường nghĩ ngắn và chụp giựt, không trung thành với công ty, thậm chí sẵn sang bỏ công ty, thậm chí làm việc sai trái trục lợi cá nhân. Với SSI, ông có biện pháp nào hạn chế cao nhất việc trục lợi cá nhân và làm điểu không tốt với công ty?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thứ nhất là concept để tuyển người và giữ người của SSI là chúng tôi tuyển người làm việc vì công ty và gắn với lợi ích công ty. Còn trong quá trình làm việc mà có những người như bạn đề cập thì chúng tôi rất mong họ đi sớm. Chúng tôi không lo giữ những người như thế.

Bất cứ nhân viên nào ở SSI nếu trục lợi riêng thì chắc chắn bị nghỉ việc.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Cao Thành Việt hỏi: Ông có thể chia sẻ triết lý sống của mình không?


Ông Nguyễn Duy Hưng: Hạnh phúc nhất là được làm nhiều nhất những gì mình muốn và ít phải làm nhất những cái mình phải làm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay ông đã làm được bao nhiêu trong số đó?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Lòng tham của con người là vô tận nên không ai có thể đưa ra % trong số này được. Nhưng có một điều là tôi vui và hài lòng với cuộc sống của tôi và những gì tôi làm được.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vẫn bạn đọc Cao Thành Việt hỏi: Là người giàu có, ông quan niệm thế nào về tiền bạc?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi nghĩ là tất cả mọi người đều nghĩ là tiền bạc vô cùng quý giá nhưng không phải là tất cả. Biết tiêu đồng tiền hoặc biết đầu tư đồng tiền hợp lý còn là niềm vui hơn rất nhiều so với việc sở hữu đồng tiền.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cuốn sách nào ông đọc và thấy ảnh hưởng nhất tới cá nhân của mình? Vẫn là câu hỏi của bạn đọc này.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Quên đi để sống.

Con người hàng ngày phải đối chọi với rất nhiều điều không hài lòng trong cuộc sống. Nếu mọi người nhìn đó là sự bình thường thì họ sẽ sống vui hơn, có ý nghĩa hơn.

Cứ thử tưởng tượng, nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng ta được sống thì bao nhiêu phiền muộn đi hết. Tại sao không quên hết phiền muộn để tận hưởng cuộc sống.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Phan Huy Đạt hỏi: Theo ông thì khó khăn và thách thức lớn nhất năm 2011 của kinh tế Việt Nam là gì?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Là hiệu quả của các đầu tư. Huy động vốn đã khó nhưng đầu tư hiệu quả còn khó hơn nhiều.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rất nhiều bạn đọc từ Đà Lạt, TP.HCM, Đà Nẵng. Có một câu hỏi vui của bạn Duy Tuấn: Ông là người giỏi nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay thế ông có ý định trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thứ nhất, tôi không phải là người giỏi nhất trên thị trường chứng khoán . Mệnh đề đầu tiên đã sai thì mệnh đề sau luôn đúng, có nghĩa là tôi không có ý định gì hết. (cười)

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trước khi kết thúc buổi trực tuyến với bạn đọc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Báo VietNamNet ông có lời gì thêm với bạn đọc?

Trên TTCK cũng giống như trong cuộc đời này thì không ai bảo vệ mình bằng chính mình. Trước khi chúng ta nói rằng mình không có ai bảo vệ thì chúng ta phải tự hỏi rằng chính chúng ta đã biết cách tự bảo vệ mình hay chưa?

Như chuyện “làm giá” chứng khoán, nếu như chúng ta tự bảo vệ mình, chúng ta đưa ra những giá trị đầu tư an toàn và phù hợp với các tiêu chí của mình, chúng ta không adua theo thì chúng ta sẽ không là người bị hại.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, tôi xin chúc các bạn đọc VietNamNet, các nhà đầu tư một năm mới nhiều thành công. Một lần nữa cảm ơn VietNamNet vì đã cho tôi có cơ hội được giao lưu hôm nay.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúc SSI tiếp tục một năm phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, chúc mọi sự tốt lành, một năm mới hạnh phúc! VietNamNet xin cảm ơn các bạn đọc đã gửi câu hỏi và theo dõi buổi giao lưu trực tuyến.