Trang chủ » Kinh tế 24h » 15 chính sách tác động đời sống từ ngày 1.1.2011

15 chính sách tác động đời sống từ ngày 1.1.2011

Tác giả:

HTML clipboard

1. Tăng lương tối thiểu

Chính phủ đã ban hành nghị định 107 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời ban hành nghị định 108 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động (gọi chung là doanh nghiệp trong nước).

Theo đó, mức lương tối thiểu cho lao động làm việc ở các đơn vị trên được chia theo 4 vùng. Mức lương tối thiểu vùng sắp tới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 100.000 – 370.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng sắp tới sẽ cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 100.000 – 370.000 đồng/tháng.

Mức cao nhất thuộc về vùng 1, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 1,55 triệu đồng/tháng, mức lương tối thiểu thấp nhất là vùng 4, doanh nghiệp trong nước với 830.000 đồng/tháng.

2. Nộp thuế qua ATM, internet, Mobile

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 180 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Theo đó, từ ngày 1.1.2011, người nộp thuế có thể lựa chọn các hình thức nộp thuế điện tử như giao dịch trực tiếp với ngân hàng nơi mở tài khoản thông qua các kênh giao dịch điện tử (Internet, Mobile, ATM) hoặc thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Về thủ tục đăng ký, người nộp thuế lập tờ khai đăng ký thuế điện tử (gồm tờ khai đăng ký thuế lần đầu, đăng ký bổ sung, đăng ký thay đổi) trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc lập bằng các phần mềm, công cụ đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế.

Sau khi hoàn thành việc lập tờ khai đăng ký thuế điện tử, người nộp thuế gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan thuế thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo xác nhận đến người nộp thuế.

3. Tăng giá nước sạch

Nhiều thành phố đồng loạt tăng giá nước sạch. Giá nước sạch cho sinh hoạt ở Đà Nẵng tăng hơn 30%, cho các mục đích sử dụng khác tăng gần 100%. TP.HCM tăng từ 4.000 đồng lên 4.400 đồng/m3 ở hạn mức 1, tăng từ 7.500 lên 8.300 đồng/m3 ở hạn mức 2…

4. Tăng giá vé xe buýt

Sở Giao thông vận tải TP.HCM tăng giá vé xe buýt thêm 1.000 đồng/vé trên 111 tuyến buýt có trợ giá. Đối với vé lượt (vé mua trực tiếp trên xe), các tuyến có cự ly dưới 31 km tăng từ 3.000 đồng/lượt lên 4.000 đồng/lượt; các tuyến có cự ly trên 31 km, tăng từ 3.000 đồng/lượt lên 4.000 đồng/lượt đối với khách đi dưới 1/2 cự ly tuyến và tăng từ 4.000 đồng/lượt lên 5.000 đồng/lượt đối với khách đi trên 1/2 cự ly tuyến…

5. Hành nghề xe ôm, ba gác phải đeo thẻ

Hiện còn rất nhiều người hành nghề xe ôm chưa làm thẻ hành nghề. Ảnh: TL SGTT

Theo quyết định số 71 của UBND TP.HCM, từ ngày 1.1.2011, tất cả những người hành nghề vận tải chở khách và hàng hoá bằng xe hai, ba bánh sẽ phải đăng ký đeo thẻ hành nghề.

Việc chế tài để thực hiện quyết định 71, các cơ quan ban ngành liên quan tại TP.HCM sẽ căn cứ vào khoản 1, điều 31 nghị định 34 của Chính phủ.

Theo đó, mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 – 60.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ chở hành khách, hàng hoá không có biển hiệu hoặc trang phục theo quy định.

6. Giảm thuế nhập khẩu ô tô

Theo biểu thuế mới của bộ Tài chính, dòng xe chở người 9 chỗ ngồi trở xuống (thuộc nhóm 8703) đồng loạt áp dụng thuế suất 82% thay cho mức 83% hiện hành.

Mức thuế này áp dụng với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 1,8 lít, từ 1,8 lít đến 2,5 lít. Các loại xe có dung tích xi lanh từ 2,5 lít trở lên áp dụng thuế suất 77%, thay cho mức 83% hiện hành. Đối với dòng xe 2 cầu, thuế suất áp dụng tại thời điểm năm 2011 là 72%, thay cho mức 77% hiện hành.

Bộ Tài chính cho rằng mức thuế này được điều chỉnh theo lộ trình cam kết thuế quan khi ký hiệp định WTO. Cụ thể, cam kết ASEAN, năm 2011, thuế suất dự kiến với dòng xe này là 70% và cam kết WTO là 83%. Đối với xe 2 cầu, thuế suất theo cam kết ASEAN là 70% và cam kết WTO 73%.

7. Doanh nghiệp tự in hóa đơn

Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, các doanh nghiệp được tự in, đặt in hóa đơn hoặc tạo hóa đơn điện tử, có hiệu lực từ ngày 1.1.2011.

Như vậy, thay vì việc mua và sử dụng hóa đơn do bộ Tài chính, tổng cục Thuế phát hành, các doanh nghiệp được tự chủ trong việc sử dụng hóa đơn. Đây được xem là thay đổi quan trọng trong nhận thức và việc sử dụng hóa đơn chứng từ trên toàn quốc, xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế.

8. Tăng thuế xuất khẩu vàng

Theo Thông tư số 184/2010/TT-BTC quy định mức thuế suất của biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, bộ Tài chính cho biết: Các loại vàng nguyên liệu thuộc nhóm 8718; các loại vàng trang sức khác có hàm lượng cao; vàng miếng vàng thỏi, vàng bột có hàm lượng dưới 99,99% sẽ chịu thuế suất 10% so với mức 0% hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.1.2011.

Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế đối với vàng trang sức sẽ hạn chế được hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế để “lách” quy định xin giấy phép xuất khẩu vàng trang sức.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vàng có hàm lượng từ 99,99% khi xuất khẩu phải xin giấy phép, còn vàng trang sức có hàm lượng dưới mức này thì không phải xin phép.

9. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động tiền đồng

Từ 1.1.2011, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng quốc gia theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Do đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải bình đẳng như các ngân hàng thương mại trong nước trong việc áp dụng các giới hạn về cấp tín dụng và bảo lãnh.

Thêm vào đó, từ ngày 1.1.2011, các ngân hàng nước ngoài sẽ được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các cá nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng, không còn bị hạn chế theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh.

10. Thêm 7 mặt hàng phải có tem CR khi lưu thông trên thị trường

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử do bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, từ 1.1.2011, bảy loại thiết bị điện và điện tử gồm bàn ủi, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và dán tem hợp quy (CR) khi đưa ra thị trường.

Trước đó, từ 1.6.2010 (rồi gia hạn đến 15.9.2010), các loại thiết bị điện, điện tử là dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; dụng cụ điện đun và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác; ấm đun nước; nồi cơm điện và quạt điện cũng đã đáp ứng những điều kiện tương tự mới được lưu thông trên thị trường.

11. Kinh doanh xuất khẩu gạo có điều kiện

Từ ngày 1.1.2011, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo phải tuân thủ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP quy định các điều kiện như: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành.

12. Tám nhóm hàng chịu thuế môi trường

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1.1.2011, 8 nhóm hàng hóa sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường.

Đó là, nhóm hàng hóa xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn chịu mức thuế môi trường từ 1.000đ – 4.000đ/lít), than đá (10.000đ – 50.000đ/tấn), dung dịch HCFC (1.000đ – 5.000đ/kg), túi ni lông (30.000đ – 50.000đ/kg), thuốc trừ (500đ – 2.000đ/kg), thuốc bảo quản lâm sản (1.000 – 3000đ/kg), thuốc khử trùng (1.000 – 3.000đ/kg), các loại thuốc trừ mối hạn chế sử dụng (1.000 – 3.000đ/kg).

13. TPHCM áp dụng hải quan điện tử đại trà

Theo cục Hải quan TPHCM, từ 1.1.2011, tất cả các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu ở ba loại hình: kinh doanh, sản xuất xuất khẩu và gia công trên địa bàn TPHCM đều phải thực hiện thông quan bằng hình thức hải quan điện tử tại 12/12 chi cục thuộc cục Hải quan TPHCM với phần mềm khai báo mới và có một số thay đổi trong phương thức truyền tải dữ liệu.

Điểm thay đổi của phần mềm mới so với phần mềm cũ là các thông tin dữ liệu của doanh nghiệp khi khai báo sẽ truyền về cục Hải quan TPHCM, sau đó chuyển về từng chi cục có hàng hóa cần thông quan thay vì truyền về trung tâm dữ liệu tập trung như trước đây.

14. Giá đất ở Hà Nội, TP.HCM cao nhất là 81 triệu đồng/m2

Khung giá đất năm 2011 của hai thành phố lớn này không thay đổi nhiều so với năm 2010, với mục tiêu là để kích cầu. Giá đất cao nhất ở Hà Nội và TP.HCM đều ở mức 81 triệu đồng/m2.

15. Sử dụng giấy phép lái xe mới

Bộ GTVT ban hành Thông tư 35/2010 về việc phê duyệt mẫu giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Việc đổi GPLX theo mẫu mới thống nhất trên cả nước bắt đầu từ ngày 1.1.2011. Bộ GTVT cho biết các loại GPLX đã cấp vẫn được tiếp tục sử dụng, người bị mất hoặc có nhu cầu đổi cũng sẽ được làm theo mẫu mới.

Giấy phép lái xe mới sẽ hiển thị song ngữ tiếng Việt, Anh bao gồm các thông tin ảnh chân dung (được in trực tiếp trên GPLX), tên người được cấp giấy phép, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú. Các dòng chữ: “Giấy phép lái xe/Driver’s license”, “Các loại xe cơ giới đường bộ được phép điều khiển”, Ngày trúng tuyển” sẽ in chữ màu đỏ, các chữ còn lại màu đen.

Giấy phép lái xe mới sẽ có lớp màng phủ bảo an, phôi được làm bằng vật liệu chịu được nước và nhiệt độ cao (Pet) hoặc vật liệu có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương, có hoa văn màu vàng rơm và có ký hiệu bảo mật chống làm giả.