Trang chủ » Điểm nóng » Ngẫm lại “quả bom” trong chính trị Mỹ của Stephen Walt

Ngẫm lại “quả bom” trong chính trị Mỹ của Stephen Walt

Tác giả:

Trong số ra ngày 23/3/2006, London Review of Books, tờ tạp chí uy tín của Anh, đăng bài luận nhan đề Các nhóm vận động hành lang Israel (The Israel Lobby) của hai học giả danh tiếng người Mỹ (GS. Stephen Walt của ĐH Harvard và GS. John Mearsheimer của ĐH Chicago). Bài luận sau này đã được phát triển thành cuốn sách cùng tên của hai tác giả.

Dù đã lường trước, bài viết vẫn vấp phải không ít lời chỉ trích và bác bỏ. Một số nhà phê bình nghi ngờ sự uyên thâm của hai ông và rằng lý lẽ của họ, theo ngôn ngữ của cây bút Christopher Hitchens, “thoáng một thứ mùi không thể lẫn vào đâu được”. Dĩ nhiên, mùi đang nói đến ở đây là mùi của tư tưởng chống Do Thái.

Tuy nhiên, những nhận định có phần thái quá như vậy về hai tác giả là điều rất đáng tiếc. Dù tựa đề khá khiêu khích, nhưng bài luận dựa trên rất nhiều nguồn chuẩn và gần như “miễn bàn cãi”. Nhưng nó lại đưa ra hai luận điểm khác biệt và quan trọng.

Trước tiên là sự ủng hộ “đặc biệt” cho Israel suốt nhiều thập niên qua không phục vụ lợi ích cao nhất của Mỹ. Đây là khẳng định còn đang được bàn luận.

Nhận định thứ hai của các tác giả gây tranh cãi hơn: Lựa chọn chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều năm đã bị bóp méo bởi một nhóm gây áp lực từ trong nước mang tên “Israel Lobby” (Nhóm vận động hành lang cho Israel).

Việc một nhóm vận động hành lang Israel quyền lực đang tồn tại là điều khó có thể phủ nhận với những ai am hiểu cách thức hoạt động của Washington. Nòng cốt của nó là Ủy ban Công vụ Mỹ Isreal, cùng với rất nhiều các tổ chức Do Thái quốc gia.

Liệu Nhóm vận động hành lang Israel có tác động tới lựa chọn chính sách đối ngoại của Mỹ? Dĩ nhiên là có – đó là một trong những mục tiêu của nhóm. Và nó đã khá thành công: Isreal là nơi tiếp nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ và phản ứng của Mỹ đối với cách hành xử của Isreal hoặc mang tính ủng hộ, hoặc không chỉ trích.

Nhưng có phải áp lực phải ủng hộ Israel đã bóp méo các quyết định của Mỹ? Đó là vấn đề đang cần đánh giá. Các nhà lãnh đạo lỗi lạc của Israel cùng những người ủng hộ phía Mỹ đã gây áp lực rất lớn để Mỹ tiến hành cuộc tấn công Iraq; nhưng Mỹ hiện nay có lẽ sẽ vẫn ở Iraq ngay cả khi không có cuộc vận động của Israel.

Liệu Israel, theo cách nói của hai tác giả Mearsheimer và Walt, “có là một bên có trách nhiệm trong cuộc chiến chống khủng bố”. Có thể có, nhưng đó cũng là điều đáng tranh luận.

Bài luận và các vấn đề nó nêu ra về chính sách đối ngoại Mỹ đã được mổ xẻ và thảo luận ở nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, tại Mỹ, đó lại là chuyện khác: giới truyền thông chính thống gần như hoàn toàn im lặng. Tại sao? Mấy lý do đưa ra cũng rất dễ hiểu.

Thứ nhất, một báo cáo học thuật tương đối khó hiểu thường khó nhận được nhiều quan tâm chung của độc giả. Tiếp đến là khẳng định về ảnh hưởng của Do Thái đối với chính phủ Mỹ cũng khó có căn cứ xác đáng và cuộc tranh luận về chúng không tránh khỏi thu hút sự quan tâm từ giới cực đoạn chính trị. Và cuối cùng là quan điểm cho rằng Washington dù sao cũng đã đầy những cuộc vận động hành lang kiểu này để gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách và bóp méo lựa chọn của họ.

Mỗi lý do trên đều giải thích cho sự thờ ơ ban đầu của báo giới chính thống đối với bài luận của Mearsheimer và Walt. Nhưng chúng không thể lý giải thuyết phục tại sao họ vẫn giữ im lặng ngay cả khi bài viết đặt ra những vấn đề nóng bỏng trong giới hàn lâm, cộng động Do Thái, các tạp chí bình luận, các trang Web, và trong phần còn lại của thế giới.

Có một điều khác đang ngự trị ở đây: sự sợ hãi. Sợ bị nghĩ là châm ngòi cho cuộc tranh cãi về “âm mưu Do Thái”. Sợ bị nghĩ là chống Israel; và ,vì thế, cuối cùng sợ bị cho là phát ngôn chống Do Thái.

Kết quả cuối cùng: việc không thể xem xét một vấn đề lớn trong chính sách công là điều hết sức đáng tiếc. Vì thế, bạn sẽ hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu người châu Âu cũng hào hứng tranh luận chủ đề này như thế? Liệu châu Âu không phải là điểm nóng của những người phản Do Thái vốn luôn tận dụng cơ hội để tấn công Israel và người bạn Mỹ của nước này?

Nhưng chính David Aaronovitch, cây bút của tờ Thời báo London, dù chỉ trích cả Mearsheimer và Walt, vẫn thừa nhận: “Tôi thông cảm với mong muốn nhìn nhận lại lịch sử của họ, bởi Mỹ đã không thông hiểu hoàn cảnh khó khăn của người Palestine”.

Và chính nhà văn Đức Christoph Bertram, một người bạn bấy lâu của Mỹ tại đất nước nơi mọi nhân vật chính phủ đều phải hết sức cẩn trọng khi đánh giá những vấn đề như thế, đã viết trên tờ Die Zeit, “hiếm khi thấy có học giả nào lại khao khát và cam đảm phá vỡ điều cấm kỵ đến thế”.

Làm sao có thể giải thích được thực tế rằng ngay tại Israel, các vấn đề khó chịu đặt ra bởi giáo sư Mearsheimer and Walt lại được triệt để “phát sóng” nhất. Chính một nhà báo Israel của tờ Haaretz hàng ngày đã miêu tả các cố vấn chính sách đối ngoại Mỹ Richard Perle and Douglas Feith là “đang duy trì một sự cân bằng mong manh giữa lòng trung thành với chính phủ Mỹ và lợi ích của Israel”.

Còn tờ Jerusalem Post bảo thủ thì miêu tả Paul Wolfowitz, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ thời bấy giờ, là “quá thân Israel”. Liệu chúng ta có thể kết luận người Israel là “chống chủ nghĩa phục quốc?”

Tác hại gây ra bởi sự e ngại chống chủ nghĩa Do Thái của Mỹ khi thảo luận về Israel thể hiện ở ba mặt.

– Gây hại cho người Do Thái: hoạt động chống Do Thái là thực tế khó phủ nhận. Nhưng không thể chỉ vì lý do đó mà nhầm lẫn với các chỉ trích chính trị nhắm vào Israel.

– Không tốt cho Israel: bằng cách đảm bảo sự ủng hộ vô điều kiện, Mỹ khuyến khích Israel hành động bất chấp hậu quả. Phóng viên người Israel Tom Segev đã miêu tả bài viết của Mearsheimer-Walt là ngạo mạn nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Họ đúng. Nếu Mỹ để mặc Israel trước đây, cuộc sống hôm nay sẽ tốt hơn… nhóm vận động hành lang Israel tại Mỹ cũng sẽ làm tổn hao lợi ích thực của Israel”.

– Nhưng trên tất cả, sự khắc kỷ còn làm hại cho chính Mỹ. Người Mỹ đang phủ nhận sự tham gia của chính mình vào những cuộc đối thoại chuyển động không ngừng trên trường quốc tế.

Daniel Levy (từng là nhà đàm phán hòa bình Israel) viết trên tờ Haaretz, bài luận của Mearsheimer-Walt sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, một sự nhắc nhở về thiệt hại mà việc vận động hành lang của Israel đang gây ra cho cả hai nước.

Vì thế, sẽ khó hiểu cho các thế hệ tương lai của Mỹ rằng tại sao sức mạnh to lớn và thanh danh quốc tế của Mỹ lại gắn liền đến vậy với một nhà nước đối tác Trung Đông nhỏ và nhiều tranh cãi.

Sẽ khó hiểu với cả châu Âu, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Họ sẽ hỏi tại sao Mỹ lại lựa chọn để mất liên lạc với phần còn lại của cộng đồng quốc tế về vấn đề này?

Mỹ có thể không thích ẩn ý của câu hỏi này. Nhưng nó rất cấp thiết. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ; và không liên quan gì tới chống Do Thái. Mỹ không thể thờ ơ việc này.

Ngày 15/1/2011 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Diễn đàn 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam – VNR500 sẽ được tổ chức với sự tham gia của Stephen M. Walt – Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Harvard. Ông sẽ trình bày về vấn đề: “Doanh nghiệp và hoạt động vận động hành lang (lobby)”. Ban tổ chức hy vọng qua Diễn đàn này sẽ được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về vấn đề còn tương đối mới mẻ và phức tạp là xây dựng quan hệ và tác động vào chính sách, quyết định của chính quyền.