Trang chủ » Điểm nóng » Hòa bình Trung Đông: Chờ đợi một siêu nhân?

Hòa bình Trung Đông: Chờ đợi một siêu nhân?

Tác giả:

Một trong những điều ngớ ngẩn nhất từng được viết ra là câu nói của F. Scott Fitzgerald “Không có màn diễn thứ hai trong cuộc sống Mỹ”.

Nhưng cũng không trách được vì Fitzgerald lúc đó chưa được chứng kiến cuộc đời của Đại tá Oliver North, cựu thống đốc New York Elliot Spitzer, phụ tá phủ tổng thống Mỹ thời Nixon G. Gordon Liddy, phụ tá Cố vấn an ninh quốc gia Elliott Abrams, hay toàn bộ sự nghiệp của Madonna.

Tôi thậm chí còn đánh cuộc rằng Tiger Woods vẫn sẽ có được màn diễn thứ hai khá thành công sau vụ việc đáng xấu hổ của chính mình.

Cuộc gặp gỡ ba bên lịch sử giữa Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel và Thủ tướng Palestine.

Nếu Fitzgerald còn sống cho tới ngày nay và nghiên cứu chính sách Trung Đông của Mỹ, chắc chắn ông sẽ không bao giờ viết ra những lời ngớ ngẩn như thế.

Tôi muốn nhắc tới bài viết trên tờ Politico của Laura Rozen với tựa đề “Vấn đề Trung Đông: Hãy chờ đợi một siêu nhân”.

Stephan Walt là giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Chính trị John.F.Kenedy, Đại học Harvard. Ông nhận bằng tiến sỹ khoa học chính trị tại trường Đại học California ở Berkeley.

Gần đây, ông gây sự chú ý lớn khi là đồng tác giả của cuốn sách đầy tranh cãi: “Vận động hành lang của Israel và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”

GS Walt là một học giả đầy ảnh hưởng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, người ta gọi ông là “nhà hiện thực chủ nghĩa trong thời đại lý tưởng”.

Rozen phân tích chính quyền Obama đang tính chuyện đưa cựu quan chức dưới thời Clinton, Martin Indyk, trở lại chính phủ để tái khởi động cuộc đàm phán Israel-Palestine vốn đang hồi hấp hối.

Bà cũng đánh giá về khả năng bổ nhiệm cựu tổng thống Bill Clinton làm phái viên đặc biệt, một ý tưởng mới đây được Steve Clemons của Quỹ Nước Mỹ mới hết sức ủng hộ.

Chờ đợi một siêu nhân? Hay đó giống như chờ đợi một ảo tưởng?

Chẳng nói cũng rõ cách giải quyết vấn đề Trung Đông của chính quyền Obama chính là một thất bại mất mặt, nhưng thật khó có thể tin những động thái nhân sự như trên có thể giúp ích gì được.

Đây không phải là sự đả kích cá nhân, nhưng đâu phải những con người này không có cơ hội để mang lại một hiệp ước hòa bình Israel-Palestine những năm 1990 – khi tình hình còn thuận lợi hơn nhiều – và phải chăng những nỗ lực của họ cuối cùng chỉ đi đến kết cục gần như thất bại hoàn toàn? (Điều đó cũng diễn ra với Dennis Ross, người đang là nhân vật chính phụ trách vấn đề Trung Đông của chính quyền đương nhiệm, và ông dường như đang lập lại sai lầm của chính mình khi xưa).

Clinton, Indyk, và Ross đều được trao cơ hội vàng với Hiệp định Hòa bình Oslo từ năm 1993, và rồi họ đã phung phí cả quãng thời gian còn lại của những năm 1990 đó. Họ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ người dân Israel và Palestine, nhưng hành động và thái độ của Mỹ suốt cả thập niên này khó có thể là thứ khơi dậy được lòng tin.

Hoa Kỳ cũng không nên quên rằng Indyk là kiến trúc sư trưởng của chính sách “ngăn chặn kép”, một chính sách khờ khạo đã đặt Mỹ trước một bài toán khó khăn ở thế bất đồng với cả hai quốc gia (Iran và Iraq), những nước vốn chẳng ưa gì nhau.

Nó cũng khiến Mỹ phải duy trì lực lượng trên không và trên bộ lớn tại vịnh Ba Tư, qua đó đóng góp vào sự trỗi dậy của al Qaeda. Và như cả Ken Pollock và Trita Parsi đã chỉ ra, động cơ chính của chính sách ngăn chặn kép là trấn an Israel về Iran, để nước này sẵn sàng  hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình hơn. Và hiệu quả chính sách ra sao thì chúng ta cũng đã biết rồi đó.

Với vị cựu tổng thống, rõ ràng ông nhận ra giá trị mà một hiệp ước hòa bình mang lại, và tôi không nghi ngờ sự nhiệt thành của ông trong vấn đề này. Nhưng thành tích trong quá khứ của ông có vẻ cũng không đáng khích lệ cho lắm.

Số người định cư Israel đã tăng hơn gấp đôi trong tám năm ông làm tổng thống, và ông không hề mảy may muốn ngừng chuyện đó lại. Hơn thế nữa, ông còn thuyết phục Yasser Arafat tới dự hội nghị cấp cao Trại David được chuẩn bị qua loa, bằng lời hứa với Arafat rằng ông sẽ không bị kể tội nếu cuộc đàm phán không thành.

Nhưng khi các cuộc đàm phán sụp đổ, Clinton đã đi ra và đứng trước micro rồi đổ tất cả mọi tội lỗi lên đầu Arafat, mặc cho những lời hứa trước đây và những bằng chứng tìm được. (Arafat cũng góp phần trong thất bại tại Trại David, nhưng cả Mỹ và Israel cũng có trách nhiệm ở đây chứ).

Vở diễn trừng phạt chính trị đó góp câu chuyện hoang đường rằng Israel “không có đối tác” để đàm phán hòa bình, một niềm tin đã cản trở tất cả những nỗ lực sau đó nhằm chấm dứt thảm kịch xung đột trên.

Như thế, nhìn vào chính sách Trung Đông của Mỹ, có thể thấy vô số những vở diễn được lặp lại.

Ở một đất nước 300 triệu dân, bạn sẽ nghĩ họ có thể tìm được vài gương mặt mới để giải quyết những vấn đề này, thay vì những “người cũ” vốn đã được thử sức và thất bại.

Mỹ lại “tái sử dụng” vẫn những người đó (phần lớn vì nguyên do chính trị trong nước), những người từng lựa chọn chiến lược đàm phán ít nhiều giống nhau. Hoa Kỳ trông đợi một kết cục khác có hậu hơn.

Nhưng có thể chúng ta sẽ chỉ được xem một vở kịch xưa cũ và giống như bất cứ thảm họa nào khác, vở kịch này luôn kết thúc rất buồn.

  • Đình Ngân dịch (theo Foreign Policy)