Trang chủ » Kinh doanh » 5 bài học “nhớ đời” của đầu tư năm 2010

5 bài học “nhớ đời” của đầu tư năm 2010

Tác giả:

1. “Lạm bàn” chính sách góp phần khuyếch đại hiệu ứng tâm lý của thị trường.

Ảnh hưởng của môi trường kinh tế vĩ mô và môi trường kinh tế thế giới đến TTCK trong nước, vốn đã được kiểm chứng trong những giai đoạn thăng trầm của năm 2008 và 2009, lại tiếp tục giành được sự quan tâm đặc biệt của thị trường trong năm 2010 vừa qua. Tuy nhiên, khác với những năm trước, tác động ảnh hưởng này đến tâm lý nhà đầu tư trong năm 2010 đã được khuyếch đại lên nhiều bởi việc nở rộ các hoạt động “luận bàn hay đúng hơn là lạm bàn về chính sách”.

Cùng với những yếu tố ngoại cảnh khác, việc “lạm bàn” sôi nổi về CPI, về khủng hoảng nợ của Châu Âu, về dòng tiền và đặc biệt là các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ (như về Thông tư 13, Thông tư 19,..) đã tạo ra những con sóng tăng hoặc giảm mạnh kéo dài gần như liên tục qua nhiều phiên.

Lời bàn: Năm 2011 là năm khởi đầu của các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (5 năm & 10 năm), là năm đánh dấu vị thế mới của Việt nam (từ vị thế nước nghèo bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình),.. do vậy vấn đề “Tạo nền tảng vững chắc” chắc sẽ là ưu tiên được lựa chọn và bàn thảo nhiều trong các chương trình nghị sự của năm.

Mặt khác, năm 2011 cũng là năm có hiệu lực thi hành của hàng loạt văn bản Luật đã được ban hành trong năm 2010 (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán sửa đổi,…), do vậy sẽ cần phải xây dựng và ban hành hành loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,.. cho các văn bản luật đó. Những sự kiện và thay đổi đó sẽ lại tạo ra chất liệu cho các cuộc lạm bàn chính sách tiếp tục thi triển trong năm tới. Để tự bảo vệ mình trước những nhiễu loạn của việc “lạm bàn” này, nhà đầu tư cần phải lưu tâm đến cơ sở luận cứ của những lập luận, nhận định và đánh giá đó.

2. Triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp quyết định xu hướng giá của cổ phiếu.

“Cùng dưới gầm trời nam”, cùng hoạt động trong một môi trường kinh tế vĩ mô như nhau, thế nhưng mức giảm của chỉ số VNIndex và HNX-Index trong năm 2010 lại khác nhau quá xa (so với 31/12/2009, VNIndex đóng cửa năm 2010 giảm 2% và HNX-Index giảm 32%). Vì sao lại như vậy ? vì hoạt động thao túng bóp méo chỉ số cũng có, nhưng chủ yếu là do khả năng tạo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE tốt hơn ở HNX.

Lời bàn: Cho đến thời điểm hiện nay, trên cả 02 sàn (HOSE & HNX) có 646 công ty niêm yết và sang năm 2011 danh sách các công ty niêm yết sẽ tiếp tục được kéo dài thêm (dự kiến sàn HNX sẽ có thêm khoảng 100 công ty). Tìm kiếm được những công ty tốt để tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn trước khi ra quyết định mua bán, trong một “rừng” công ty như vậy thực là khó đối với nhà đầu tư.

Đây chính là lúc nhà đầu tư cần đến các công cụ sàng lọc, phân loại cổ phiếu dựa trên các chỉ tiêu tài chính cơ bản phù hợp của quá khứ, đến dịch vụ của các tổ chức cung ứng dịch vụ thông tin đầu tư chứng khoán, và ngược lại các tổ chức này cũng phải chứng minh và thuyết phục được thị trường về tính chuyên nghiệp và chất lượng của dịch vụ được cung ứng.

Các doanh nghiệp và cổ phiếu được sàng lọc phân loại, trước khi đi tới quyết định mua bán, cần phải được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá sâu hơn về triển vọng lợi nhuận sắp tới. Dùng phương pháp nào để phân tích và đánh giá triển vọng lợi nhuận của công ty, cổ phiếu ? Câu trả lời là: phải tùy thuộc vào đối tượng bị đánh giá. Do vậy, việc trước tiên là phải hiểu được công ty, hiểu được xu hướng vận động của thị trường, hiểu được thời thế. “Biết người” là đã đảm bảo được 50% thắng lợi.

3. Quản trị rủi ro cần phải được tính đến trước khi quyết định “dùng margin” hay “cấp margin”

Mặc dù chưa được thừa nhận chính thức về mặt pháp lý, nhưng việc cung cấp và sử dụng dịch vụ margin dưới hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư đã nảy nở từ giữa năm 2009 và phát triển mạnh trong năm 2010.

Qua số liệu BCTC cho thấy, ở một số công ty chứng khoán giá trị Tài khoản “Hợp đồng hợp tác đầu tư” chiếm khoảng 20% – 30% tổng giá trị tài sản và khoảng 20% – 30% tổng doanh thu là do hoạt động này mang lại.

Đối với người sử dụng “Tài khoản margin”, lợi nhuận mang lại sẽ tăng lên nhiều lần nếu khoản đầu tư có lãi. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro liên quan đến từng giai đoạn của thị trường, đến từng cổ phiếu và đến từng khách hàng. Việc không quan tâm đúng mức đến công tác quản trị rủi ro đã đặt “người dùng margin” và “người cấp margin” vào tình thế bi đát như thị trường đã được chứng kiến trong năm 2010 vừa qua. 

Lời bàn: Có kinh doanh là có vay nợ, do vậy hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ “Đòn bảy tài chính” sẽ còn có đất để phát triển. Lợi ích của hoạt động này (đối với nhà đầu tư, đối với tổ chức cung ứng dịch vụ và đối với thị trường) đã quá rõ, vấn đề còn lại là từng thành viên tham gia phải tìm cách để giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất mà hoạt động này có thể gây ra.

Đối với nhà đầu tư cần phải: (i) xác lập “Điểm tựa”, gồm xác định được “thời thế “của thị trường, hiểu được “triển vọng lợi nhuận” của danh mục cổ phiếu được tài trợ bằng vốn vay; (ii) xác lập được kỳ vọng lợi nhuận mong muốn (về mặt thời gian và mức lợi nhuận) và nguồn vốn tự có có thể huy động; (iii) xác lập tỷ lệ “đòn bảy” cần sử dụng, mức “dự phòng” về nguồn lực và “đường rút” khi cần thiết. Kỷ luật đó cần phải được tuân thủ.

4. Hoạt động thao túng trên thị trường

Cùng với sự phát triển của thị trường và thiếu những công cụ giám sát hữu hiệu của các cơ quan quản lý, hoạt động thao túng trên TTCK nước ta trong năm 2010 đã có sự thay đổi mạnh mẽ về diện (không chỉ dừng lại ở một vài cổ phiếu đơn lẻ, mà còn đối với cả chỉ số chung của thị trường), về mức độ tinh vi (không chỉ đơn thuần thông qua hoạt động giao dịch trực tiếp trên thị trường, mà còn thông qua hoạt động truyền bá tin đồn, thông qua các bản phân tích và nhận định về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp, thông qua các tuyên bố hùng hồn với những con số rất ấn tượng nhưng lại rất khó kiểm chứng), về phạm vi lôi cuốn (không chỉ lôi cuốn các nhà đầu tư tham gia, mà còn lôi cuốn cả các công ty chứng khoán và các thành viên chủ chốt của các công ty niêm yết).

Kết hợp với dịch vụ cho vay (bằng tiền hoặc bằng chứng khoán) và việc “lạm bàn” chính sách ngày càng nở rộ, hoạt động thao túng trong năm 2010 đã ảnh hưởng nhiều đến “túi tiền” của nhiều người, làm cho thị trường vốn đã khó đoán định càng trở nên khó đoán định hơn và sự trồi sụt lên xuống thường diễn ra với quán tính mạnh hơn một khi “cái cớ” để “đánh lên” hoặc “đánh xuống” xuất hiện hoặc mất đi hiệu lực.

Lời bàn: Loại bỏ hoàn toàn hoạt động thao túng trên TTCK là một điều không tưởng. Các biện pháp giám sát chỉ có tác dụng làm giảm thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của hoạt động này mà thôi. Do vậy, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin và tránh các hoạt động giao dịch theo kiểu “kỵ sĩ không đầu” là cách tự bảo vệ mình hiệu quả nhất trong một thị trường với các hoạt động thao túng ngày càng tinh vi hơn.

5. Hoạt động phát hành cổ phiếu theo kiểu “tận thu”

“Tận thu” có lẽ là từ phù hợp nhất để nói về hoạt động phát hành cổ phiếu có thu tiền trong năm 2010. Tính đến 20/12/2010, có 305 công ty trên cả 02 sàn (trong số 376 công ty đã đăng ký phát hành trong năm 2010) đã phát hành thành công, với 5.726 triệu cổ phiếu (trong số 8.108 triệu cổ phiếu đã đăng ký phát hành) đã được phát hành ra thị trường. Trong số đó lượng cổ phiếu phát hành có thu tiền (cho cổ đông hiện hữu, cho cán bộ công nhân viên, phát hành riêng lẻ) chiếm khoảng 67%.

Đấy là về mặt qui mô, còn về mặt phương thức phát hành thì rất uyển chuyển: khó phát hành đại chúng thì lại chuyển sang phát hành riêng lẻ, khó bán giá cao thì chuyển thành theo mệnh giá, khó thành công thì hủy bỏ hoặc hoãn lại,..Mục đích của đợt phát hành và kế hoạch sử dụng vốn của đợt phát hành còn mang nặng tính đại khái.

So với bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng và quá trình xét duyệt của nó, thì bộ hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng và quá trình xét duyệt cấp phép phát hành quá là dễ dãi, mặc dù khả năng thu nợ của ngân hàng còn được đảm bảo bằng các khoản thế chấp, chứ với cổ đông chỉ có bằng “niềm tin và kỳ vọng” vào ban lãnh đạo công ty phát hành. Thị trường đã nhận ra điều đó, bằng chứng là sự sụt giảm giá kéo dài của cổ phiếu cho đến trước ngày chốt danh sách cổ đông (đây là điều ngược lại so với sự hồ hởi của những năm trước).

Theo khảo sát biến động giá cổ phiếu của các công ty đã phát hành thêm cho cổ đông hiện hữ trong năm 2010 của StoxPlus, 40.7% mã bị giảm giá trong vòng 02 tuần trước thời điểm chốt danh sách cổ đông.

Lời bàn: Cùng với quá trình cải tổ và hoàn thiện dần hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng tập trung vào vai trò kênh huy động vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, thì vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của TTCK đối với doanh nghiệp ngày càng được củng cố. Các doanh nghiệp ngày càng hướng tới TTCK để tìm kiếm nguồn vốn trung và dài hạn cho nhu cầu đầu tư phát triển của mình và hoạt động phát hành ngày càng nở rộ. Huy động vốn qua TTCK được hiểu một cách đơn giản là DN bán ra “lời hứa” dưới dạng cổ phiếu và trái phiếu cho nhà đầu tư để thu tiền về.

Do vậy, để đặt đúng chỗ đồng vốn của mình, thị trường cần phải quan tâm và giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động hiện tại của doanh nghiệp, về lộ trình phát triển hợp lý của doanh nghiệp – đó là những cái tạo ra nhu cầu về huy động vốn của doanh nghiệp, cái đảm bảo “lời hứa” của doanh nghiệp khi phát hành.