Trang chủ » Tranh luận » CNTT và truyền thông Việt Nam: 4 trụ cột thành công

CNTT và truyền thông Việt Nam: 4 trụ cột thành công

Tác giả:

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT và ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) sáng 14/1 đã cùng trực tuyến với độc giả VEF về chủ đề: “Công nghệ thông tin và truyền thông: Điểm đột phá đi lên cho nền kinh tế Việt Nam”.

Xin trân trọng giới thiệu Phần 1 trực tuyến này.

Nhà báo Bình Minh: Kính thưa quý vị độc giả, hôm nay Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Báo VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “CNTT & truyền thông: Điểm đột phá cho nền kinh tế Việt  Nam”. Xin trân trọng giới thiệu 2 vị khách mời tham gia trực tuyến: TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT và ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP).

Kính thưa quý vị và các bạn. Trong những năm qua, CNTT và Truyền thông của Việt Nam đã có bước phát triển lớn mạnh, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Việt Nam thông qua ứng dụng CNTT và Truyền thông vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sản xuất hiệu quả và giải phóng được tiềm năng của mỗi cá thể, mỗi doanh nghiệp và tổ chức.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1755 QĐ-TTg phê duyệt đề án đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT và Truyền thông. Đề án đặt ra kỳ vọng ngành CNTT & Truyền thông Việt Nam sẽ đóng góp vào GDP từ 8-10%, tăng trưởng hàng năm đạt gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tỷ lệ sử dụng Internet sẽ đạt trên 70% dân số. Đây là những mục tiêu lớn và đòi hỏi ngành CNTT & Truyền thông Việt Nam cần có những thay đổi mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Hai khách mời là TS. Mai Liêm Trực, ông Nguyễn Long và nhà báo Bình Minh tại tòa soạn VietNamNet cùng trực tuyến với độc giả (ảnh Lê Anh Dũng)

Để bắt đầu buổi trực tuyến ngày hôm nay, chúng tôi xin điểm lại những thành quả của ngành CNTT & Truyền thông Việt Nam trong 10 năm qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị 58 của Ban Bí thư.

Phát triển vượt bậc ở 4 trụ cột

Nhà báo Bình Minh: Sau đây xin phép đặt câu hỏi đầu tiên cho TS.Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông. Thưa TS. Mai Lâm Trực, ông có thể đánh giá tổng quan về những thành quả trong 10 năm qua của ngành Viễn thông Việt Nam?

TS. Mai Liêm Trực: Những thành quả của ngành CNTT & Truyền thông Việt Nam trong 10 năm qua đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Thông tin Truyền thông cũng như rất nhiều tổ chức, kể cả các nhà báo và xã hội đánh giá.

Nếu tóm lại sự thành công của 10 năm qua, tôi cho rằng CNTT & Truyền thông của Việt Nam đã phát triển rất tốt. Năm 2010 đã kết thúc một thập kỷ có sự phát triển vượt bậc về CNTT & Truyền thông Việt Nam.

Trước hết phải nói đến cơ sở hạ tầng, thể hiện ở tính di động và tính băng rộng. Chúng ta đã biết, hiện nay đã có hơn 30% dân số Việt Nam sử dụng Internet, mật độ điện thoại đạt 180/100 dân cho cả di động và cố định. Mạng lưới dịch vụ được nâng lên rất nhiều.

Chúng tôi đã làm trong ngành này từ lâu, và cũng có những quy hoạch chiến lược, vậy mà tôi ấn tượng rất mạnh và không tưởng tượng được đã có bước phát triển nhanh như thế vào năm 2000, đó là Internet – vấn đề trụ cột.

Trụ cột thứ hai là vấn đề công nghiệp CNTT của chúng ta: Công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số… cũng có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT và nội dung số. Công nghiệp phần cứng cũng đã có bước phát triển tốt, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế về công nghệ. Với thị trường chúng ta gần 100 triệu dân của Việt Nam, tôi cho rằng công nghiệp điện tử, công nghiệp phần cứng cần có bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Tôi mừng vì năm 2010 thì máy di động thương hiệu Việt Nam đã chiếm đến 40% thị phần, đấy là một bước phát triển rất tốt của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

TS. Mai Liêm Trực: Mở cửa, xoá độc quyền DN là khâu quan trọng nhất quyết định thành công của ngành CNTT Việt Nam 10 năm qua (ảnh Lê Anh Dũng)

Về ứng dụng CNTT trong hoạt động của xã hội, là trụ cột thứ 3 của CNTT & Truyền thông, tôi cho rằng cũng có bước phát triển tốt nhưng ở cấp Chính phủ, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước phát triển nhưng chậm hơn so với yêu cầu. Ứng dụng CNTT trong xã hội tôi cho rằng mạnh hơn nhiều so với hệ thống trong công ty nhà nước. Mặc dù Chính phủ hiện nay một tuần có thể tổ chức 2-3 cuộc họp thông tin trực tuyến, các website của hệ thống chính quyền đã lên được nhiều, nhưng tôi cho rằng sức mạnh của CNTT, sức mạnh của Internet chưa được các cơ quan nhà nước sử dụng, phát huy hiệu quả tối đa như khả năng vốn có của nó.

Về người dân và cả doanh nghiệp thì tôi cho rằng đã sử dụng một cách rất thông minh, không hẳn như nhiều người quan điểm, coi thông tin di động hay Internet là để trang điểm. Đó là một phần rất yếu, còn đại đa số xã hội, nhất là người dân và các doanh nghiệp, đều coi đó là hiệu quả kinh tế.

Nhà tôi thỉnh thoảng dọn nhà, cần bỏ sách hay đồ cũ chỉ cần gọi di động là chị đồng nát đến ngay tức khắc. Chị bảo rất cần cái điện thoại di động để có được khách hàng. Hay các cháu đi học mà cần xe ôm chỉ gọi điện là xe ôm đến. Anh xe ôm hay chị đồng nát kiếm được đồng tiền rất khó, nhưng vẫn dùng vì liên quan trực tiếp đến hiệu quả công việc của người ta.

Thế thì tôi cho rằng mảng ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước phải làm mạnh hơn. Trong xã hội tôi cho đã có một bước phát triển rất nhanh.

Mảng trụ cột thứ tư của CNTT, tôi cho rằng vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực. Báo chí đã nói rất nhiều, đây là một điểm yếu của Việt Nam. Mặc dù đã có những chuyển biến nhưng vẫn là một thách thức lớn nhất của sự phát triển CNTT & Truyền thông Việt Nam trong những năm tới.

Tôi cho rằng cả 4 trụ cột đều phát triển tốt nhưng hiệu quả chung có hai mảng. Thứ nhất là hiệu quả của bản thân ngành CNTT & Truyền thông. Tức là những người làm việc đó đã đóng thuế, đóng góp vào GDP, có thể nói mức tăng 8% là ví dụ cụ thể. Hay nộp ngân sách nhà nước. Trong 10 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam năm 2010, có 2 doanh nghiệp thông tin di động, tạo công ăn việc làm cho người dân…

Nhưng đóng góp quan trọng hơn, theo tôi, chính là tác dụng – người ta gọi rằng gián tiếp nhưng thực ra là trực tiếp – vì toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội bây giờ không có CNTT không hoạt động được: các hệ thống ngân hàng, các hệ thống bán hàng, và ngay cả các hệ thống thuế quan, xuất nhập khẩu hay trong hoạt động hàng ngày.

Vậy thì, tác động đó còn lớn hơn đóng góp 8-10% vào GDP của bản thân ngành kinh tế CNTT & Truyền thông với cương vị ngành kinh tế kỹ thuật.

Lý do thành công, tôi cho rằng quan trọng nhất của Việt Nam đã mở cửa được thị trường. Trong 10 năm qua, chúng ta đã mở cửa thị trường viễn thông, xoá bỏ dần độc quyền doanh nghiệp, bắt đầu từ năm 2000 khi lần đầu tiên Viettel phát triển dịch vụ 178 để cạnh tranh truyền file đường dài trong nước và quốc tế.

10 năm qua chúng ta đã chuyển từ độc quyền sang thị trường hoàn toàn cạnh tranh và khách hàng bình dân hóa được dịch vụ di động là nhờ cạnh tranh, chất lượng nâng cao, giá thành giảm.

Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cho rằng, việc tổng kết sự phát triển của CNTT & Truyền thông 10 năm qua – nhất là chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh có thể là một điểm tốt, người ta dám dùng (tôi không dám dùng) bài học tốt hoặc bản hình mẫu như những nhà kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã từng phát biểu trên báo chí. Mà tôi chỉ nói rằng chúng ra rút ra được các bài học tốt.

Tất nhiên, phát triển CNTT & Truyền thông còn nhiều thách thức, nhưng vấn đề quan trọng – bài học kinh nghiệm, những nguyên nhân mà chúng ta có thành công cũng như những thách thức hiện nay, trong thời gian tới có lẽ phần sau ta sẽ nói rõ hơn.

Nhà báo Bình Minh: Kính thưa ông Nguyễn Long, với tư cách là Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam – hiệp hội nghề nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, theo ông, đâu là thành tựu nổi bật của các doanh nghiệp CNTT trong 10 năm qua?

Ông Nguyễn Long: Thực ra, 10 năm nhìn lại thành quả, kết quả của Chỉ thị 58 của Ban Bí thư thì có rất nhiều điều thú vị. Trong 10 năm ấy hoài nghi có, hồ hởi có, lo lắng hạnh phúc cũng có. Với tôi, tôi cảm giác đó là năm bản lề của ngành CNTT & Truyền thông.

Thực ra, quan trọng nhất là nhìn vào mục tiêu mà Chỉ thị 58 đặt ra: CNTT là động lực, là công cụ không thể thiếu được trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Khi tổng kết Chỉ thị 58, tất cả mọi người không ai phủ nhận CNTT đã làm được việc ấy.

Có nghĩa là hiện nay, từ tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội, hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp đến người dân là CNTT trở thành một nhu cầu bức thiết. Cũng có doanh nghiệp đã phát biểu, trước đây ta thường quan niệm cơ sở hạ tầng là điện đường trường trạm thì bây giờ phải là mạng. Mạng ở đây có nghĩa là CNTT, thực ra phải triển khai Interrnet sớmkhi phát triển cơ sở hạ tầng.

Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng đạt được thành tựu như vậy 10 năm qua chúng ta cũng đã va vấp một số khó khăn, như mạng Internet chất lượng kém, giá thành cao không đáp ứng được cho phát triển; rồi Đề án 112, khi ứng dụng cho quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn… ; nền công nghiệp của chúng ta từ lắp ráp máy tính, công nghiệp điện tử như thế nào, công nghiệp phần mềm trăn trở với 250 triệu, 50 triệu USD doanh số và xuất khẩu… Kết thúc 10 năm nhìn lại, chúng ta thấy lớn lên được rất nhiều.

Cũng như ông Trực vừa nói, để khi tổng kết lại, có những điều chúng ta có thể tự hào khi đóng góp quan trọng vào tỷ trọng GDP. Những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đều gặp khó khăn, nhưng tốc độ phát triển CNTT vẫn đạt ngoài 2 con số. Hơn nữa, vế thứ hai, để phấn đấu đưa CNTT & Truyền thông trở thành nền kinh tế mũi nhọn thì còn nhiều điều phải suy nghĩ.

Nghị quyết 58 rất hay, đến bây giờ vẫn còn giá trị, cần triển khai 2 vế: một là động lực, hai là trở thành ngành kinh tế. Trong 10 năm qua, chúng ta đạt được gì? Chúng ta đã phát triển được một ngành và có một cơ quan quản lý độc lập là Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin Truyền thông.

Ông Nguyễn Long: Hành lang pháp lý đã có, vấn đề là thực thi như thế nào? (ảnh L.A.D)

Thứ hai, hàng loạt Bộ luật điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh theo quản lý của Nhà nước ra đời: Luật CNTT, Luật Thương mại Điện tử, vừa rồi là Luật Viễn thông, Luật Công nghệ cao. Tất cả tích hợp lại, tạo môi trường để định hướng cho phát triển là rất tốt, nhưng còn những hướng dẫn để phát triển đúng hướng như thế nào?

Riêng về ngành CNTT chúng tôi thấy cũng chưa thật tương xứng. Công nghệ phần mềm cũng rất chật vật, công nghiệp nội dung số vẫn còn chưa rõ ràng. Chưa tách bạch giữa công nghiệp làm ra công nghiệp nội dung và phần nội dung, dịch vụ nội dung. Chúng ta cảm giác đã rất tốt, nhưng thực ra còn nhiều vấn đề.

Hoặc là phần mềm, công nghiệp phần mềm chúng ta tuy đạt được về con số, nhưng những sản phẩm thương hiệu Việt Nam chúng ta vẫn chưa làm được. Chẳng hạn, Việt Nam vẫn phải bỏ ra vài chục triệu đôla để mua bản quyền. Trong khi đó, Trung Quốc hàng tỷ dân cũng chỉ bỏ ra vài triệu. Đấy là so sánh nội tại của nền công nghệp để thấy chúng ta cần phải thúc đẩy phát triển hơn nữa.

Thứ ba, điểm mạnh của chúng ta là ước mơ, khát vọng vẫn còn rất cao. Song, cần phân biệt rõ, trong công nghiệp CNTT chúng ta chọn hướng dịch vụ hay hướng đi sâu về sản phẩm công nghiệp? Rồi tỷ trọng giữa phần cứng, phần mềm và tích hợp – tích hợp ở đây là phần mềm nhúng.

Nên hiện nay, khi viễn thông, di động, Internet phát triển rất mạnh, là nền tảng cho phát triển tốt CNTT thì tôi thấy CNTT vẫn còn đi sau, chậm hơn. Do vậy, cũng còn những lệch lạc khi hạ tầng rất tốt mà không có nội dung thì người ta sẽ chọn nội dung nước ngoài, vì thế giới của CNTT là thế giới mở.

Còn về nguồn lực. Đây là vấn đề mấu chốt để thúc đẩy, nhưng lại là điểm chưa mạnh. Thế giới đánh giá tuổi trẻ Việt Nam có nền tảng để phát triển CNTT rất tốt. Ở đây, theo Chỉ thị 58 thì hiện chúng ta có trên 200.000 người làm CNTT. Rõ ràng khi đặt vấn đề thì đúng, nhưng cách đi của chúng ta chưa đúng – tôi cảm giác thế.

Ví dụ nguồn lực CNTT, hầu hết mọi người đều tưởng là nguồn lực này phải được đào tạo đại học, trong khi đó mảng nghề, mảng dịch vụ thì hiện nay còn rất thấp. CNTT bị ảnh hưởng của sự nghiệp giáo dục còn đang tranh cãi để điều chỉnh nên tuy vẫn vươn lên, đạt đến những danh vị song chưa chắc đã đáp ứng được sự phát triển.

Đột phá về hành lang pháp lý

Nhà báo Bình Minh: Cảm ơn ông Nguyễn Long. Như ông vừa nói thì rõ ràng việc có một Bộ chuyên trách về lĩnh vực CNTT & Truyền thông cũng như là có một loạt những văn bản ban hành về luật về nghị định để giúp đẩy mạnh cái sự phát triển ngành CNTT Việt Nam đã tạo ra sự khởi sắc rất rõ nét trong những năm gần trở lại đây.

Thưa TS. Mai Liêm Trực, với tư cách là Thứ trưởng thường trực của Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những văn bản luật và văn bản pháp quy trong việc đẩy mạnh sự phát triển ngành CNTT & Truyền thông Việt Nam?

TS. Mai Liêm Trực: Đúng như ông Nguyễn Long nói, hồi đó là Bộ Thông tin Truyền thông đã nỗ lực rất lớn, trong 2 năm qua đã ban hành nhiều văn bản pháp luật ở mức cao nhất, tức là thành Luật.  Đó là hành lang pháp lý tốt cho sự phát triển của CNTT & Truyền thông nước nhà.

Trong những năm qua, phải nói rằng, nếu trước năm 2000 phía Chính phủ – hồi là Thủ tướng Võ Văn Kiệt – cũng đã có chính sách mở cửa thị trường để làm sao cho ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng như CNTT Việt Nam phát triển. Ví dụ như các doanh nghiệp Viettel, FPT được thành lập từ năm 1995, năm 2000.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn còn khó khăn. Mãi đến trước năm 2000, Tổng cục Bưu điện đã xây dựng nghị định của Chính phủ cũng như sau đó Tổng cục trình Pháp lệnh về Bưu chính Viễn thông để phù hợp với điều kiện Việt Nam chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại Việt – Mỹ và tham gia WTO. Do đó, đã có bước chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh.

Nhưng hệ thống văn phạm pháp luật còn rất hạn chế, cao nhất cho đến năm 2002 chỉ có Pháp lệnh về Bưu chính Viễn thông. Cho nên, cùng với Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị vào năm 2000 thì đó là bước ngoặt về cơ sở pháp lý, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh. Đấy là việc chúng ta thành công.

Việc chuyển tư duy trong hành lang pháp lý của nhà nước thì cần bắt nguồn từ tư duy quản lý của cấp cao nhất. Ví dụ như khi mở Internet, Việt Nam tham gia mạng Internet toàn cầu năm 1997, lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước có cho chủ trương: quản lý đến đâu mở đến đấy. Tức là, nếu quản lý kém thì hạn chế phát triển.

Cho nên, khi Tổng cục Bưu điện triển khai Internet trong toàn quốc sau 2 năm thì thấy rằng tư duy đó không còn phù hợp, hạn chế sự phát triển. Tổng cục đã trình với cấp cao và Chính phủ đã ra Nghị định 55 năm 2001 về phát triển Internet với tư duy: quản lý phải theo kịp với phát triển – một tiến bộ về tư  duy cấp cao.

Từ đấy mới soi vào hành lang pháp lý, cho các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta ra đời. Phải nói rằng, từ các nghị định chuyển lên pháp luật, pháp lệnh và những năm gần đây Bộ Thông tin Truyền thông đã làm rất nhiều luật chuyên ngành.

Ví dụ, trước Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông thì làm cả Bưu chính, cả Viễn thông, cả Tần số vô tuyến điện. Nhưng vừa rồi, trên cơ sở pháp lệnh thì tách ra làm 3 luật: Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Vô tuyến điện riêng – Đó là sự cụ thể hóa hệ thống văn bản pháp luật.


Bên lĩnh vực CNTT thì những văn bản pháp luật như ông Nguyễn Long vừa nêu lên, từ việc thương mại điện tử cho đến những quy định của Chính phủ, luật CNTT… phải nói là hành lang pháp lý khá đầy đủ. Tuy nhiên, ở đây tôi vẫn nêu ra, đó là một cơ sở pháp lý tốt, phù hợp với WTO mà chúng ta cam kết. Song, việc thực hiện, triển khai để thực hiện theo các hệ thống pháp luật ấy vẫn còn những hạn chế.

Tôi ví dụ là luật quy định các thành phần kinh tế có thể tham gia phát triển viễn thông và Internet, nhưng hiện nay phải nói rằng đến 90-95% vẫn là các doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta chưa mở được cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào thị trường viễn thông và Internet, nhất là những dịch vụ không có hạ tầng.

Rõ ràng từ việc có hành lang pháp lý, cần triển khai như thế nào mới quan trọng – tất nhiên, ở đây có vai trò của nhà nước, vai trò của doanh nghiệp và kể cả của người tiêu dùng.

Nhưng tôi cho rằng hành lang pháp lý rất tốt, hệ thống pháp luật rất tốt đã là cơ sở rất tốt. Thời gian tới, nếu từ hành lang pháp lý đấy, bằng những thông tư, nghị định, những quy định cụ thể và những chính sách cụ thể thì Việt Nam sẽ có một bước phát triển mới có tính chất đột phá hơn cho CNTT & Truyền thông nước nhà.

Nhà báo Bình Minh: Thưa ông Nguyễn Long, các văn bản về pháp quy được Bộ Thông tin Truyền thông ban hành thời gian qua đã giải quyết được những vấn đề cho các doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam chưa? Vì trước đây, như chúng tôi được biết thì có những khi việc chẳng hạn như định giá cho một phần mềm thì chi phí của thiết kế cấu trúc phần mềm đôi khi còn bị áp chung với các định giá để thiết kế trong xây dựng chẳng hạn. Khi đó luật quá là thiếu. Với góc độ hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về những văn bản này?

Ông Nguyễn Long: Như ông Trực vừa nói, trong vòng 10 năm mà chúng ta hình thành được một ngành – có cơ quan chuyên trách nhà nước quản lý ngành đấy, ra được bộ luật là môi trường chính để cho phát triển – điều rất đáng ghi nhận.

Nhưng như ông Trực vừa nói thì vấn đề là thực thi như thế nào, cụ thể hóa thế nào. Ví dụ mà nhà báo đưa ra thực ra cũng là băn khoăn 10 năm qua, từ thời ông Trực còn là Thứ trưởng thường trực phụ trách CNTT. Nghị định 52 định mức đầu tư xây dựng cơ bản trong lĩnh vực CNTT bây giờ vẫn còn đấy.

Mấu chốt vấn đề thì chúng tôi lại nghĩ khác. Trong Luật CNTT cũng rất kỳ vọng để CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển xã hội, có những ngành nghề khác có chiều sâu. Nhưng chúng ta cũng biết hiện nay còn rất khó khăn, CNTT còn phải phấn đấu nhiều.


Chẳng hạn, về đầu tư xây dựng cơ bản thì phải nói, hiện mục lục chi ngân sách của chúng ta cho CNTT chưa có, trong khi đó là vấn đề quan trọng để đưa nó thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trọng điểm. Gần đây mới có một thông tư liên bộ về chi thường xuyên cho chi dùng CNTT mà cũng chỉ lác đác, lẫn lộn, mặc dù những đầu tư, chi phí cho hệ thống CNTT, vận hành hệ thống CNTT để làm nội dung cho sự phát triển CNTT là rất cần thiết.

Tiếp đó, phải có mục thống kê nhà nước về CNTT. Chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay trong ngành CNTT & Truyền thông, đặc biệt là CNTT, các con số rất lệch nhau. Bây giờ người ta quy đổi ra triệu đôla cho dễ, người thì bảo 800 người thì bảo 750.

Thực ra khi có mục chi ngân sách và tiến tới là mục trong thống kê nhà nước thì chúng ta mới cụ thể hóa được bộ luật đấy và nó sẽ trả lời bao nhiêu % GDP. Sẽ rõ ràng hơn là chúng ta tự tổng hợp từ khắp nơi. Đấy cũng là một nhiệm vụ không phải là chỉ của Bộ Thông tin Truyền thông mà cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp và xã hội.

Còn nhiều các khoản mục khác mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đưa vào được cuộc sống tốt. Ví dụ như việc chứng thực chữ ký điện tử, chúng ta hy vọng sẽ bùng nổ thanh toán điện tử hoặc các định mức như ta đề cập đến.

Trong lĩnh vực CNTT, tuy đã có nhưng chưa rõ ràng, bởi chúng ta chưa xác định được chúng ta ở đâu. Đang có một hướng dẫn duy nhất về định mức nhưng lại theo một phương pháp luận khác, tức là khi anh có lộ trình, quy trình để làm một cái thì anh tính được.

Nhưng để xây dựng một ứng dụng mới, một sản phẩm mới mà trong đó giá trị của tư vấn thiết kế, thiết kế hệ thống rất cao không được ghi nhận. Hoặc những phần mềm tuy giá trị nhỏ nhưng công triển khai toàn bộ tới bước này rất lớn. Giai đoạn giữa là khi tôi có nhà, có khung sẵn rồi nhưng anh xây dựng hiện còn yếu.

Vì vậy, hiện xây dựng các dự án CNTT, đặc biệt là trong dự án ứng dụng và sản phẩm mới, thì vẫn còn là vấn đề. Cái này chúng tôi đã nhiều lần góp ý, chúng tôi nghĩ rằng Bộ Thông tin Truyền thông cùng với các bên liên quan cũng đang rất nỗ lực.

Một vấn đề nữa cũng liên quan là để phục vụ phát triển, phải có lộ trình. Như chúng ta nói về chính phủ điện tử chẳng hạn. Hiện nay, ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc phạm trù thương mại điện tử đã rất tiến bộ, các tỉnh thành đếu có website, đều có cổng dịch vụ công cấp 1-2 nâng lên. Nhưng hiện vẫn thiếu sự đồng bộ, mạnh ai nấy làm. Nhà nhà làm cổng. Một cái khung, một cái kiến trúc, một chuẩn mực cho hệ thống CNTT phục vụ công tác điều hành cũng rất cần.

Tuy nhận thức được là quan trọng, nhưng để tìm ra giải pháp, có những hướng dẫn cụ thể  để thực hiện thì chưa có. Nếu hiện nói về số lượng thì rất tốt: số cán bộ dùng Internet, số các cổng thông tin… nhưng chất lượng chưa tốt.

Ví dụ hôm qua, trên một tờ báo có đưa cảnh xếp hàng để đăng ký doanh nghiệp qua cổng Sở KH-ĐT ở Hà Nội chẳng hạn. Hệ thống này đáng lẽ rất tốt nhưng triển khai lại chưa tốt. Như vậy còn việc chúng ta phải làm. Nhưng nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng tất cả anh em trong giới CNTT, những người có trách nhiệm để thúc đẩy CNTT đều nhìn thấy việc này và mọi người cũng đang trăn trở để làm sao có được cách đi tốt nhất.

(còn tiếp)

Phần 2 của buổi trực tuyến, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mời độc giả theo dõi các giải pháp để phát triển ngành CNTT & Truyền thông trong thời gian tới. Mọi ý kiến đóng góp, tranh luận xin gửi về địa chỉ: [email protected].