Trang chủ » Kinh tế 24h » IFC tiếp tục đầu tư vào ngân hàng Việt Nam

IFC tiếp tục đầu tư vào ngân hàng Việt Nam

Tác giả:

Cuối tháng 12/2010, ABBank đã phát hành thành công 600.000 trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 24 tháng với tổng mệnh giá phát hành là 600 tỷ đồng cho hai nhà đầu tư là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Maybank.

Maybank mua 120 tỷ đồng trái phiếu nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 20% sau khi chuyển đổi và IFC mua 480 tỷ đồng trái phiếu nhằm sở hữu 10% vốn điều lệ sau khi chuyển đổi. IFC sẽ trở thành cổ đông vào tháng 12/2012 sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Đi kèm là khoản tài trợ 25 triệu USD dự kiến ký với Ngân hàng An Bình trong quí I/2011.

Như vậy, vào cuối 2012, hai cổ đông Maybank và IFC sẽ nắm giữ 30% – tỉ lệ tối đa theo quy định hiện nay đối với cổ đông nước ngoài – tại ABBank. Với nguồn đầu tư này, ABBank đã có đủ vốn để tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu theo lộ trình đến 2013.

Ngoài nguồn vốn nhận được, hợp tác đầu tư giữa ABBank, IFC sẽ hỗ trợ về nâng cao năng lực quản trị, giám sát tuân thủ, sản phẩm. IFC cũng đang hỗ trợ phát triển sản phẩm SMEs, khoản vay dài hạn để tài trợ cho chương trình hiệu quả năng lượng, hỗ trợ thêm nguồn vốn bảo lãnh thương mại cho khách hàng xuất nhập khẩu. Phía Maybank sẽ hỗ trợ về Quản lý rủi ro, nâng cao quản trị, phát triển nghiệp vụ và đào tạo, đồng tài trợ dự án.

Theo các chuyên gia, việc huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài luôn luôn là mục đích nhắm đến của nhiều doanh nghiệp và định chế tài chính vì nguồn vốn từ thị trường quốc tế rất dồi dào, giá cả cạnh tranh. Thời gian gần đây, dù khủng hoảng kinh tế chưa qua đi nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam lại nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với nhiều nhà đầu tư lớn, khi thị trường khó khăn chính là lúc họ có điều kiện chọn được những đối tác tốt với giá hợp lý. Chính vì thế, bất chấp khó khăn, nguồn vốn ngoại vẫn tận dụng cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

IFC là một ví dụ điển hình, hồi cuối năm ngoái, định chế đã đầu tư khoảng 311 triệu USD vào VietinBank, trong đó sẽ mua khoảng 186 triệu USD cổ phần của VietinBank (tương đương 10%). Ngoài ra, IFC sẽ cung cấp cho VietinBank một khoản vay thứ cấp trị giá 125 triệu USD, thời hạn vay 10 năm.

Trước đó, IFC đã thành công với nhiều thương vụ đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam như Á Châu, Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Techcombank, Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Eximbank… IFC cũng đã tham gia vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam ngay từ giai đoạn đầ và mới đây nhất là ABBank…

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cũng nhấn mạnh, để thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn trong thời điểm hiện nay thì các ngân hàng, DN càng phải chứng minh được năng lực và điều kiện theo các đòi hỏi rất chặt chẽ như: hệ thống quản trị hướng theo chuẩn mực quốc tế, hệ thống kiểm soát tuân thủ phải hoạt động hiệu quả, bộ máy nhân sự quản lý ổn định ít biến động và có kế thừa, kế hoạch kinh doanh tăng trưởng bền vững, phát triển điểm mạnh riêng biệt.

Điều quan trọng nữa là phải sẵn sàng mở rộng quan hệ, đón nhận hợp tác từ bên ngoài và sẵn sàng thay đổi thói quen vì mục tiêu phát triển.  Bên cạnh đó, ngoài các yếu tố tự thân này, thì môi trường kinh tế vĩ mô cũng có ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến việc huy động vốn của DN.