Trang chủ » Tranh luận » Trực tuyến với Trưởng phái đoàn EU và Đại sứ Hungary tại VN

Trực tuyến với Trưởng phái đoàn EU và Đại sứ Hungary tại VN

Tác giả:

Độc giả có thể nghe bàn tròn trực tuyến với Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Sean Doyle và Đại sứ Hungary Vizi László tại đây.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới đang chuyển dịch về phương Đông. Cùng hòa vào dòng chảy này của thế giới, châu Âu đang xích lại gần châu Á, đặc biệt trên lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác Việt Nam – EU cuối năm 2010, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định đó là mối quan hệ “lâu dài, phát triển không ngừng, nhanh chóng, thay đổi về chất” một cách toàn diện trên các lĩnh vực cũng như trong hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu.

“Rõ ràng vị trí địa chính trị, địa kinh tế của hai bên có tầm quan trọng và chúng ta đã nhận ra điều đó. Chúng tôi nhận thức rõ vị trí của châu Âu và châu Âu cũng nhận thức vị trí của Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Đây là một nhân tố quyết định để có thể gặp nhau. Bên cạnh đó là nhân tố lợi ích khi cả hai bên đều có lợi ích, mở rộng hợp tác với nhau”, ông Khoan nói.

Đáp lại lời ông Khoan, ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam nhận định mối quan hệ giữa hai bên đã thay đổi, chuyển từ “dự án” sang “chương trình”, chuyển từ “hỗ trợ chính sách” sang “hỗ trợ kinh tế”.

Đại sứ Hungary Vizi László và Đại sứ EU tại Việt Nam Sean Doyle tham gia trực tuyến tại VietNamNet chiều24/1/2011

Với tổng số vốn ODA cam kết trong giai đoạn 1996 – 2009 là 10 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam, giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cơ chế tài trợ hiện thời của EU với Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Hiện Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, thay vì nhóm nước nghèo nên trong năm 2011, EU sẽ nghiên cứu một cơ chế tài trợ hiện đại, phù hợp hơn với Việt Nam.

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã từng phát biểu rằng kinh nghiệm nhiều nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình đi trước cho thấy một trong những nguyên nhân là việc cắt hoặc giảm nhanh hỗ trợ ODA của các nhà tài trợ.

Đại sứ Hungary Vizi László

Vậy sắp tới sẽ có những thay đổi nào để phù hợp với tình hình hiện tại, nhưng không khiến nền kinh tế Việt Nam “hụt hẫng” vì thiếu khoản viện trợ từ châu Âu? Việt Nam sẽ phải chuẩn bị và ứng xử ra sao trước những thay đổi này?

Về đầu tư, tính đến hết năm ngoái, 21/27 nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 13,3 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt tới gần 10 tỷ euro (hơn 12 tỷ đô la Mỹ) trong năm 2010, tăng 15,9% so với năm 2009; và FDI của EU cũng đã tăng đáng kể, gấp 6 lần, trong năm 2010.

Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam (PCA) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso ký tắt vào tháng 10/2010 sẽ được chính thức thông qua vào năm 2011. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU vào năm 2010 đã thống nhất ở cấp cao về việc khởi động các vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Tuy nhiên, những năm qua, một số mặt hàng của Việt Nam, như giầy da hay con cá tra, vẫn bị gây “khó dễ” khi tìm đường vào thị trường khó tính này.

Đại sứ EU tại Việt Nam Sean Doyle

Liệu những hiệp định mới này có thực sự mở toang cánh cửa vào thị trường châu Âu và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cả hai nước? Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để chủ động trước những thách thức cửa thị trường châu Âu?

Châu Âu là cái nôi của cách mạng công nghiệp từ thế kỷ 18, dẫn tới sự chuyển dịch khỏi khu vực nông nghiệp và mang lại sự thịnh vượng chung cho cả châu lục. Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ với mục tiêu tới năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Quá trình phát triển của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng tăng trưởng chưa cao, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo…

Một trong những ưu tiên hàng đầu của EU tại Việt Nam là hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đâu là những bài học từ châu Âu mà Việt Nam có thể tiếp thu trên con đường phát triển? Đặc biệt là từ Hungary, một nước rất thành công trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Từ tháng 1/2011, Hungary là chủ tịch luân phiên của Liên minh EU trong 6 tháng.

Ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và ông Vizi László, Đại sứ Hungary tại Việt Nam sẽ cùng thảo luận các chủ đề này tại buổi bàn tròn trực tuyến với VEF lúc 2h chiều ngày 24/1.

Mời độc giả đón đọc lược thuật trực tuyến với hai đại sứ vào ngày mai.