Trang chủ » Thế giới » Nghi vấn quanh “con đường tơ lụa sắt” của Trung Quốc

Nghi vấn quanh “con đường tơ lụa sắt” của Trung Quốc

Tác giả:

Hôm 18/1, tờ China Daily cho biết, Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối Khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc với Singapore. Tuyến đường sắt này sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam.

Tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Ủy ban Cải cách Phát triển, cho biết tuyến đường sắt cao tốc trên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nam Ninh trong 5 năm tới, sẽ làm tăng lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Xung quanh câu chuyện này, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Báo VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến, trong đó có nhiều câu hỏi đang chờ giải đáp. Mời độc giả cùng tham gia ý kiến. Thư từ xin gửi về địa chỉ [email protected] hoặc tham gia tranh luận trực tiếp ở cuối bài.

Cao tốc hay không cao tốc?

Bài báo trên China Daily mở đầu với đoạn viết: “Khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây – sẽ tăng cường nỗ lực xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc (high-speed railway) nhằm mang đến sự kết nối khác với các nước ASEAN, khối hiện là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực này, trong 5 năm tới”.

Tờ báo này trích dẫn lời ông Long Li, Giám đốc Sở giao thông khu tự trị cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư 15,6 tỷ Nhân dân tệ (2,36 tỷ USD) để xây dựng tuyến đường sắt này nối Nam Ninh với Singapore qua Việt Nam, tuyến đường đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore”.

Hành lang Kinh tế Nam Ninh – Singapore, kênh kinh tế xuyên biến giới giữa Trung Quốc và khối ASEAN, được bắt đầu từ Nam Ninh và băng qua Hà Nội (Việt Nam), Viên Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và tới Singapore.

Tuy nhiên, theo độc giả thai.nguyenquang@… , tuyến đường sắt chạy qua 7 nước (tại Việt Nam có hai đoạn nằm trong dự án) được Hội nghị các bộ trưởng Giao thông – Vận tải ASEAN lần thứ 6 ở Brunei thông qua, không phải là đường sắt cao tốc.

Độc giả này dẫn “Chương trình hành động Brunei 2011 – 2015”, trong đó có đoạn: Xây dựng các hành lang giao thông trên đất liền (đường bộ và đường sắt) hiệu quả, an toàn… nối kết tất cả các thành viên và đối tác thương mại láng giềng.

Theo đó, trong này chỉ nhắc tới hai chữ “đường sắt”, chứ không hề có từ “cao tốc” (high-speed).

Độc giả Trung Nghĩa cho rằng “đây là tuyến đường sắt tốc độ cao khổ 1m chứ không phải đường sắt cao tốc” vì với con số dự toán nêu trên thì 250 km đường làm ở Việt nam chỉ có chi phí 450 triệu USD, so với con số dự toán 50 tỉ USD cho tuyến cao tốc Bắc – Nam là rất thấp.

Điểm thứ hai là chỉ với chiều dài hơn 100km mà dự kiến có tới 12 ga tức là 10km/ga thì không thể là đường sắt cao tốc được.

Điểm thứ 3 là tổng dự toán cho tất cả dự án dài hàng nghìn km qua rất nhiều nước Đông Nam Á chỉ hết có 3 tỉ USD thì càng không phải là chi phí của dự án cho đường sắt cao tốc tương đương với dự án mà ta đang nói tới ở Việt nam.

Cạnh tranh với hàng giá rẻ sẽ ra sao?

Hầu hết ý kiến độc giả khi trao đổi về vấn đề này đều tỏ ra lo ngại về hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ nhân cơ hội “con đường tơ lụa sắt” mà tràn ngập thị trường trong nước, đe dọa các ngành hàng nội địa, triệt tiêu sức cạnh tranh của hàng nội.

Bản đồ đường sắt (dự kiến) ngang qua Việt Nam.

Độc giả caolo_thaploi@ thốt lên rằng: “Hàng hóa giá rẻ và kém chất lượng sẽ tràn ngập Việt Nam”.

Theo độc giả tienquanpt@… xét về mặt trước mắt thì rõ ràng chúng ta không có nhiều lợi ích, thậm chí còn gặp vô cùng khó khăn khi hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ lại càng rẻ hơn. Không cẩn thận nó còn phá hỏng cả nền sản xuất của Việt Nam, nếu các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, không những thế nó còn phá hỏng cả tâm lý người tiêu dùng khi quen lựa chọn hàng rẻ tiền.

Tuy nhiên, độc giả này cho rằng, Trung Quốc cũng có mặt hạn chế. Trung Quốc chỉ nổi tiếng với hàng giá rẻ chứ không hoặc chưa nổi tiếng với hàng cao cấp, chất lượng.

Nhớ lại cách đây 10 năm khi mà xe máy Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, nhà nhà, người người ai cũng có thể mua xe máy…vì nó quá rẻ. Còn bây giờ thì sao? Hiếm người muốn mua xe Trung Quốc, kể cả người nông dân nghèo cố gắng cóp nhặt cũng phải mua 1 chiếc Honda Vietnam, SYM, Yamaha…

Theo độc giả tienquanpt@…, để đối phó với bối cảnh này không còn cách nào khác là Việt Nam phải chấp nhận. Không phải thấy rủi ro trước mặt mà né tránh, cứ để đường sắt đi qua và tạo mọi điều kiện để nó đi qua trong khuân khổ lợi ích Việt Nam. Cứ để hàng Trung Quốc vào Việt Nam miễn là không nhập lậu, không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể tận dụng “con đường tơ lụa sắt” này để phát triển kinh tế.

Theo độc giả Tiencham, ta có thể yêu cầu Trung Quốc phải sử dụng nhân công Việt Nam và kỹ sư Việt Nam trong quá trình xây cất đoạn đường băng qua lãnh thổ nước ta. Làm như vậy ta sẽ có thể tạo thêm việc làm cho dân ta và có được kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng tàu cao tốc, và đồng thời kiếm soát được quá trình xây cất của họ trên lãnh thổ ta.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng tuyến đường này để tăng cường giao thương với các nước trong khối ASEAN.  Nếu coi con đường này là cầu nối giao thương thì ta chính là trung tâm cầu nối đó. Nó sẽ làm tăng vị thế của ta trong tương lai.