Trang chủ » Điểm nóng » “Phù thủy marketing” làm hiệu trưởng trường kinh doanh TQ

“Phù thủy marketing” làm hiệu trưởng trường kinh doanh TQ

Tác giả:

Khi rời khỏi văn phòng của Rupert Murdoch tại tòa báo The Sun với một tấm séc lớn, John Quelch nhận ra mình cũng khá ham thích kinh doanh. Ông học Sử tại Oxford và trước đó chưa từng nghĩ nhiều đến vấn đề này. Nhưng năm 1972, ông “ra tay” giúp đỡ Cherwell, một tờ báo sinh viên, sau khi các biên tập viên tự mãn và khó chịu (loại người, theo ông, đôi khi vẫn thấy ở đại học này), làm “bẩn” tờ báo được đặt theo tên một dòng sông thơ mộng này.

Chàng thanh niên Quelch khi đó đã rất gan dạ. Anh xuất hiện tại văn phòng của ông Murdoch với một kế hoạch kinh doanh sơ sài tưởng như sẽ không được chấp nhận và bước ra với một khoản tiền lớn. Các biên tập viên của Cherwell bị xử lý đích đáng. Peter Stothard bị điều chuyển sang làm biên tập cho tờ Times (vẫn thuộc tập đoàn News Corp của Murdoch). Howard Davies trở thành Chủ tịch của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Anh. Quelch đảm nhận Cherwell.

Chính lần “tiếp xúc” với kinh doanh đầu tiên đó đã thôi thúc Quelch theo học MBA. Nhưng trong những năm 1970 u ám tại Anh, cũng chẳng còn mấy sinh viên quan tâm tới ngành quản trị. (Thực tế, phải đến 24 năm sau Oxford mới mở một trường kinh doanh). Vì thế Quelch quyết định tới Mỹ, trước tiên theo học trường Wharton và sau đó đến Trường kinh doanh Harvard, nơi ông dành gần như toàn bộ sự nghiệp và trở thành một giảng viên có tiếng về marketing. Ông cũng từng có thời gian ngắn làm hiệu trưởng Trường kinh doanh Luân Đôn.

Và giờ ông sắp tới Trung Quốc. Vào cuối tháng này, ông sẽ trở thành hiệu trưởng của Trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc – châu Âu (CEIBS) ở Thượng Hải. Đây được coi là trường kinh doanh tốt nhất tại Trung Quốc đại lục.

Người ta đã nói nhiều về đào tạo kinh doanh tại Trung Quốc, thứ khiến CEIBS có thể thu hút được một hiệu trưởng tầm cỡ như Quelch. Tuy nhiên, ông không nên đặt hy vọng sẽ được quyền tự chủ nhiều như tại Harvard. Mọi hoạt động giáo dục tại Trung Quốc đều chịu sự quản lý chặt chẽ. CEIBS, mở cửa năm 1994 với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu, là trường tự chủ bậc nhất so với hầu hết các trường khác. Nhưng theo yêu cầu, CEIBS vẫn phải có một đối tác của nhà nước, Đại học Giao thông Thượng Hải. Và Quelch sẽ có một người đồng hành tới Bắc Kinh, với cương vị đồng hiệu trưởng phía Trung Quốc.

Giáo dục kinh doanh tại Trung Quốc còn rất non trẻ, nhưng thị trường đang tăng trưởng quá nhanh. Nhu cầu rất lớn. Theo ông Haiyong Ma, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Trường Xuân, hiện Trung Quốc có hơn 30.000 sinh viên MBA theo học trong 184 chương trình được phê chuẩn. Tuy nhiên, chất lượng chưa đồng đều. Chỉ có vài chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều sinh viên thích đi du học hơn khi có điều kiện, vì tin rằng bằng MBA tại Mỹ, Hồng Kông, Singapore mang nhiều sức nặng hơn.

CEIBS là một trong số ít trường tại Trung Quốc có khả năng và muốn cạnh tranh với các trường đẳng cấp toàn cầu. Trường thu hút được khá đông đảo giảng viên và sinh viên nước ngoài theo học chương trình MBA. Không giống như một số trường kinh doanh Trung Quốc khác, trường này trang bị cho sinh viên làm việc tại các công ty đa quốc gia, chứ không phải trong doanh nghiệp nhà nước.

Người ta thường nói nước Mỹ vận hành bởi các luật sư, còn Trung Quốc vận hành bởi các kỹ sư, ông Quelch chia sẻ. Và tư duy này cũng thể hiện rõ trong giáo dục kinh doanh. Ông nói, có quá nhiều học giả Trung Quốc nghiên cứu các chủ đề định lượng như tài chính và kinh tế học và sinh viên Trung Quốc cũng có xu hướng theo học những ngành này hơn.

Vì thế, các trường học Trung Quốc vẫn phải dựa vào những con người phương Tây, như Quelch, để đảm trách các môn học phức tạp hơn như nguồn nhân lực, tiếp thị và lãnh đạo. Những giáo sư này thích sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (case-study), nhưng một số sinh viên Trung Quốc của họ cảm thấy không thoải mái với các cuộc tranh luận quá nóng trong lớp mà môn học yêu cầu. CEIBS chấp nhận các nghiên cứu tình huống, và điều này chắc chắn làm Quelch hài lòng, bởi ông là tác giả của nhiều nghiên cứu như thế, với 3,4 triệu bản sao đã được bán.

Ngoài lớp học, các doanh nhân Trung Quốc khó có khả năng tiếp thu các kỹ năng quản lý mềm. Kết quả, theo ông Quelch, là sự thiếu hụt các nhà quản trị có thể hoạt động ở quốc tế. Khi các công ty Trung Quốc mở rộng ra thế giới, nhu cầu những con người như thế chắc chắn sẽ tăng lên.

Năm ngoái, 740 sinh viên khóa học MBA Executive (Khóa quản trị kinh doanh thực hành) ngắn hạn của CEIBS đã tốt nghiệp, biến đây trở thành chương trình đào tạo ngắn hạn lớn nhất thế giới, Quelch nói. Nhưng kế hoạch sẽ còn mở rộng nữa. Ông hy vọng sẽ nhập khẩu vào đây thứ văn hóa “quý giá”: cựu sinh viên trở về tài trợ tiền cho trường cũ. Điều đó sẽ rất khó khăn. Người đóng góp ở Trung Quốc đổi lại có thể sẽ muốn được “đền đáp” điều gì đó, chẳng hạn như một chỗ trong trường cho con cái họ. (Một số nhà hảo tâm Mỹ cũng vậy).