Trang chủ » Điểm nóng » Lobby ở Việt Nam: không thể chỉ là đồng tiền qua lại

Lobby ở Việt Nam: không thể chỉ là đồng tiền qua lại

Tác giả:

Vận động hành lang (lobby) đã được thể chế hóa từ rất lâu ở nhiều nước, nhưng với Việt Nam, có vẻ như đây vẫn là lĩnh vực nhạy cảm. Nhưng phải thừa nhận rằng, dù khoác tấm áo gì đi chăng nữa, lobby đã thực sự tồn tại ở nước ta từ lâu. Quan trọng là phải chính thức hóa nó một cách minh bạch, tránh để lobby chỉ còn là đồng đô la đi qua đi lại.

Tại Lễ công bố 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2010 (VNR500) vừa qua, GS. Stephen Walt của ĐH Harvard, ông Alex Malley (TGĐ CPA Australia), bà Tôn Nữ Thị Ninh và TS. Trần Sĩ Chương đã cùng thảo luận chủ đề này.

Thể chế dân chủ khó ngăn cản lobby

TS. Trần Sĩ Chương, người đã từng làm công tác lobby trong Quốc hội Mỹ, cho rằng chính trường như thương trường, và sản phẩm cực kỳ quan trọng của nó là thông tin. Thông tin phải đưa từ người dân đến chính quyền và chính sách ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Có khi người dân là người nhận thông tin hoặc người đưa thông tin và dòng thông tin phải lưu loát.

Phiên thảo luận về lobby tại lễ công bố 500 DN lớn nhất Việt Nam (ảnh VEF)

Ông Chương dẫn ví dụ nếu một người nông dân ở Bạc Liệu có việc muốn lên Quốc hội thì việc tìm ai, nói cái gì và trình bày như thế nào thì phải có người chuyên nghiệp để biết tổ chức và đặt vấn đề.

“Hai người ngồi với nhau là đã có nhu cầu lobby nhau rồi. Chúng ta lobby nhau hàng ngày,” TS. Chương phân tích. “Vậy, trong một hoạt động tập thể hoặc hoạt động quốc gia, dĩ nhiên lobby là hoạt động cơ bản, tự nhiên. Nếu là tự nhiên thì nó nên được chính thức hóa và thể chế hóa.”

Chính vì vậy, giá trị của lobby chính là ở sự minh bạch của nó. Minh bạch không có nghĩa nhà nước có quyền kiểm tra, kiểm soát và trừng phạt hành động của những người hoạt động lobby mà minh bạch là để những người làm trong hoạt động này có quyền kiểm soát nhau.

Có thể coi nước Mỹ là nơi hoạt động lobby sôi nổi nhất thế giới cũng chính bởi sự tương tác và kiểm soat lẫn nhau của các nhóm lợi ích trên chính trường.

“Lobby là một phần của hệ thống Chính phủ Mỹ. Chúng tôi có hệ thống rất mở và nhiều cách để đặt các nhóm ở Mỹ cố tác động đến chính trị gia khiến họ làm theo những gì mà họ muốn,” Ông Stephen Walt, giáo sư Quan hệ Quốc tế, trường Hành Chính Kennedy, Đại học Harvard, khẳng định.

Các nhóm lobby có thể trả tiền để đăng các bài báo gây ảnh hưởng tới công chúng, có thể quyên góp tiền cho các đảng phái chính trị tranh cử. Thậm chí, họ còn giúp đỡ các cơ quan lập pháp thảo các dự luật quốc gia. Tất cả các hoạt động này đều hợp pháp.

“Lobby giúp các DN gây ảnh hưởng tới hệ thống chính trị một cách cởi mở và hợp pháp. Khi có một thể chế dân chủ thì rất khó để ngăn cản các hoạt động lobby,” GS Walt nhấn mạnh.

Tương tự ở Úc, lobby cũng là một hoạt động hợp pháp.

“Nhưng bên cạnh lobby chính thức, một hoạt động nữa đang ngày càng trở nên phổ biến là tranh luận công chúng (public debate),” ông ông Alex Malley, Tổng giám đốc điều hành toàn cầu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia, cho biết.

Chính các tranh luận công khai trong người dân đã tác động trực tiếp tới nền chính trị Úc và nó cũng có tác dụng như một kiểu lobby chính sách.

Đồng tiền là chất xúc tác chứ không thể tham nhũng

Theo GS Stephen Walt thì trong hoạt động lobby, đồng tiền đóng vai trò thúc đẩy. Nhưng đồng tiền đó hoạt động như thế nào, cách thức mà các nhóm quyết định chính sách và các nhà làm luật nhận tiền cũng như biến đồng tiền đó thành chính sách, đạo luật cụ thể thì cần được quy định rõ.  Trên thực tế, luật của Mỹ quy định rõ những giới hạn của lobby.

“Bạn không thể đưa thẳng tiền cho các chính trị gia để họ bầu cho những chính sách mà bạn muốn. Đó sẽ là một hình thức tham nhũng. Nhưng bạn có thể đưa tiền cho chính trị gia để giúp họ tái đắc cử. Hiện nay đã có quy định hạn chế số tiền mà cá nhân và doanh nghiệp được tài trợ,” GS Walt chia sẻ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội, khẳng định trong một câu chuyện lobby ở Quốc hội, bà không hề nhìn thấy “đồng đô la đi qua đi lại”. Khi đó, Việt Nam thông qua điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và Đầu tư và bà Ninh đã cầm trong tay thư của Phòng Thương mại Úc, Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại châu Âu đề xuất sửa đổi một số phần trong luật đó. Thực chất khi ấy người phương Tây đang lobby chính sách ở Quốc hội Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra yêu cầu in 3 bức thư đó lưu hành cho tất cả đại biểu quốc hội biết để cân nhắc.

Quốc hội Việt Nam đã rất cởi mở tiếp nhận các đề xuất từ phía nước ngoài, thậm chí, theo bà Ninh là “cởi mở hơn cả Quốc hội Mỹ” bởi vì thực chất của lobby là vấn đề lợi ích. Các bên vận động chính sách cũng chỉ vì lợi ích của nhóm mình, hoặc vì lợi ích dân tộc nếu xét trên cấp độ quốc gia.

“Trong xã hội lành mạnh, sẽ có lobby và counter-lobby (lobby ngược). Vấn đề của nhà nước là phải khách quan vì lợi ích cao hơn nữa,” bà Ninh khẳng định.

Theo bà, nếu có vài “đại gia” liên tục được đề xuất tới Chinh phủ và một số doanh nghiệp khác rất cần đề đạt nhưng không tiếp cận được thì sân chơi không công bằng, không cởi mở và không dân chủ.

“Vai trò của chính phủ là tạo kênh mở cho các nhóm lợi ích có thể đến nói cho chính phủ nghe. Quyết định cuối cùng vẫn là của chính phủ nhưng phải nghe các bên chứ không chỉ một bên,” bà Ninh chia sẻ.

Việt Nam đã đi lobby chính sách tại nước ngoài chưa? Đâu là kinh nghiệm khi vận động hành lang bên ngoài lãnh thổ quốc gia? Mời quý độc giả đọc phần tiếp theo của chủ đề này trong ngày mai.