Trang chủ » Doanh nhân » Bóng hồng đằng sau cuộc chiến Google – Facebook

Bóng hồng đằng sau cuộc chiến Google – Facebook

Tác giả:

Mời bạn đọc VEF theo dõi câu chuyện của Marissa Mayer và tìm ra những câu trả lời thú vị cho riêng mình.

Marissa Mayer – người phụ nữ đằng sau Google

Nói chuyện với nhau trong bữa sáng, Marissa Mayer đã không ngại ngần chia sẻ kế hoạch của công ty cô về những sự đổi mới hấp dẫn trên lĩnh vực di động và các công nghệ địa phương.  

Trong suốt 11 năm qua, Mayer là người cầm trịch sản phẩm độc đáo (vào thời điểm đó) và đậm dấu ấn của Google – trang web tìm kiếm nhanh.  Hiện tại cô đã được chuyển sang bộ phận phát triển sản phẩm địa phương, lĩnh vực nòng cốt như một làn sóng không ngừng của Internet đang vươn tới mọi nơi chúng ta có mặt.  Theo ngôn ngữ của Google, “địa phương” ở đây là ở chỗ bạn sẽ có trong tay những tấm bản đồ tuyệt vời cũng như trình duyệt tìm kiếm trên di động, để giúp bạn hiểu rõ bạn đang ở đâu, đang đi đâu, và xung quanh bạn đang có những gì.  Nhiều dự án nhóm của Mayer cũng đã triển khai rộng ra đến địa hạt xã hội, vì vậy, cô cũng chia sẻ nhiều điều thú vị về Facebook nữa.

Điều làm Mayer – người phụ nữ mệnh danh là “không ngừng nhiệt huyết” – luôn có hứng thú với công việc là thứ mà cô tự gọi là “khám phá theo ngữ cảnh”, hay “tìm kiếm mà không cần tìm kiếm”.  “Chúng tôi chỉ cần biết bạn đang ở đâu, trong hoàn cảnh nào và bạn đang làm gì, chúng tôi có thể nói cho bạn biết khá nhiều điều hay ho”, cô nói.

Ví dụ thế này: “Nếu bạn đang đứng trước một nhà thờ đá ở Tây Ban Nha, chúng tôi sẽ tìm ra được bạn ở đâu trên bản đồ, nhờ GPS có trên chiếc di động của bạn, thậm chí còn biết được bạn đang quay mặt về hướng nào.  Nếu đây là lần đầu bạn đến đó, chắc hẳn bạn là một du khách.  Vì thế, chúng tôi sẽ giúp bạn biết nhiều điều về địa điểm này, ví dụ như nhà thờ này được xây dựng từ bao giờ, ai xây dựng nó, v.v… Hoặc, nếu bạn thường xuyên đi qua nơi này, chúng tôi có thể cập nhật nhiều thông tin thời sự về địa điểm này.”

Cô nhấn mạnh tất cả những tính năng này chỉ họat động dưới sự cho phép của người sử dụng mà thôi.

Marissa Mayer là một trong những phụ nữ quyền lực nhất Thung lũng Silicon khi nắm trong tay quyền điều hành sản phẩm mà triệu người trên TG đang lệ thuộc vào nó.

Mayer cũng giải thích cơ chế họat động của ứng dụng Google Goggles, một phần của ứng dụng Google Mobile hiện đang hoạt động rất tốt trên các phiên bản mới của iPhone và các di động sử dụng hệ thống Android của Google. Mayer đưa ra ví dụ giả thuyết về nhận dạng loài chim – nếu Google biết bạn đang ở đâu, và vào lúc nào của năm, nó thậm chí còn có thể làm một việc một cách rất đáng tin cậy, đó là nhận dạng được loài chim bạn vừa chụp ảnh.  

Marissa: thủ lĩnh cuộc chiến Google – Facebook

Một dạng “khám phá theo hoàn cảnh” khác mà hàng trăm nhà phát triển sản phẩm của Mayer hiện đang nghiên cứu thì lại có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin xã hội về địa điểm mà bạn đưa ra cho ứng dụng biết.  Ví dụ, khi vào một nhà hàng, bạn có thể thấy một phiên bản của menu của nhà hàng đó trên di động của mình, cùng với nhiều lời bình về món ăn. Những lời bình và binh chọn này dựa trên kinh nghiệm của các bạn của bạn, hoặc của khách thường xuyên ăn ở nhà hàng đó.  Mayer đưa ra ví dụ về nhà hàng La Bonne Soupe ở Manhattan.

“Tôi là ‘thị trưởng’ của La Bonne Soupe ở Foursquare”, cô tự hào nói.  “Nó nằm trong danh sách những nhà hàng “phải đến” của tôi ở New York.  Có lẽ tôi tới đó phải đến 30 lần một năm.  Tôi và bạn tôi có lẽ đã từng ăn qua hết tất cả các món ở đó, ít nhất là một lần.  Vì vậy, nếu tôi đưa ra bình luận và bầu chọn cho các món ăn ở đây, hẳn là nó sẽ có ích cho mọi người.”

Là một ‘thị trưởng’ của Foursquare, nghĩa là bạn là người sử dụng dịch vụ xã hội ở địa điểm đó nhiều nhất. Cô nhắc tới việc này là để nhấn mạnh phương thức Google thu thập dữ liệu về các dịch vụ xã hội, để cung cấp những thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho khách hàng.  Facebook đúng là quá nổi tiếng về việc kết nối xã hội ảo, trong khi Google rất ít khi có mặt trong địa hạt đó, thậm chí ngay cả hình ảnh của Google trên những dịch vụ mạng xã hội cũng không phải là nhiều.  

“Chúng tôi cuối cùng cũng đã biết rằng mình cần phải hiểu ‘xã hội’ theo nghĩa cho đúng”, cô thừa nhận. “Khi nghĩ về Web, chúng ta sẽ thấy có bốn mảng chính – tìm kiếm, video, di động và xã hội.  Google đã làm rất tốt ở ba mảng đầu tiên, nhưng mảng cuối thì lại chưa.  Tuy vậy, chúng tôi đúng là cần biết được bạn của bạn là ai, và bạn quen và biết những người nào.  Tôi nghĩ là có khá nhiều cách để chúng tôi phát triển sản phẩm theo hướng đó.”

Để làm việc trực tiếp với Facebook, mối đối tác rất tiềm năng về lĩnh vực này, Mayer đã phải hướng các vấn đề và mâu thuẫn giữa hai bên về tính cởi mở của Google:  trong khi Google ủng hộ một mạng xã hội mở rộng, thì Facebook lại theo chiều hướng khép kín.  Gần đây, Google đã loại bỏ tính năng cho phép người sử dụng Facebook chuyển toàn bộ danh sách địa chỉ liên lạc từ Gmail sang Facebook, với lý do là bởi chính Facebook đã không cho phép người sử Gmail chuyển danh sách này sang Facebook.  “Chúng tôi nghĩ ai đó cần phải cởi mở hơn với ‘tính mở’ của mạng xã hội.”

Và rồi cô phát hiện ra rằng, có khá nhiều ứng dụng có thể giúp Google tìm hiểu được bạn của bạn là ai. Ví dụ, Google Latitude, một ứng dụng cho phép bạn theo dõi địa điểm thực của bạn thân hay người thân mọi lúc mọi nơi trên bản đồ.  Ứng dụng này đã được áp dụng thành công trên Android và BlackBerries cách đây khá lâu, và vừa rồi mới được áp dụng trên iPhone.  

Ngay khi bạn cho Google Latitude biết ai là bạn của mình, những thông tin đó có thể được chuyển sang cho các dịch vụ khác, ví dụ như cho việc cung cấp thông tin về menu của nhà như đã nói ở trên chẳng hạn – và tất nhiên, là dưới sự cho phép của người sử dụng.  Điều cốt yếu là Google có thể có rất nhiều cách để kết nối xã hội, chứ không phải chỉ có một cách là xây dựng hẳn một mạng xã hội để cạnh tranh với đối thủ và ép mọi người ở trong chiếc khuôn đó.

Nỗ lực đổi mới vừa song song, vừa khác biệt

“Chúng tôi cuối cùng cũng đã biết rằng mình cần phải hiểu ‘xã hội’ theo nghĩa cho đúng”

Google’s Maps hiện nay đang được cải tiến hằng ngày, Mayer chia sẻ.  Các phiên bản mới của Google’s Maps, hiện chỉ có trên các di động sử dụng Android và BlackBerry, có nhiều tính năng tốt hơn như tải hình ảnh nhanh hơn, zoom nhanh hơn và có thể ghi nhớ các địa điểm mà bạn hay qua lại.  iPhone có lẽ sẽ không có được những phiên bản mới này trong ngày một ngày hai, vì trong khi Apple sử dụng dữ liệu của Google, các ứng dụng vẫn được thiết kế và kiểm soát bởi Apple.

Bản thân Mayer luôn mang theo hai chiếc máy theo người – một chiếc iPhone 4 và một chiếc Nexus S – một thiết bị mới có phần cứng và phần mềm được thiết kế bởi Google, do Samsung sản xuất và ở Mỹ chỉ được bán cho mạng T-Mobile.

Một vài chuyên gia trong nhóm làm việc của Mayer đang nghiên cứu thêm nhiều ứng dụng cho phép người sử dụng nói vào chiếc di động, sau đó được chuyển thành chữ trên màn hình, thậm chí thêm một bước nữa là chỉ cần nhấn nút, chiếc máy sẽ đọc đoạn chữ vừa nhập bằng một ngôn ngữ khác. Một nguyên mẫu của ứng dụng này, áp dụng với tiếng Nhật, đã được sử dụng trong một cuộc chơi “tìm kho báu” của nhân viên ở Tokyo năm nay.

Những đổi mới đáng dè chừng như vậy sẽ được đưa ra công chúng sớm thôi. Đó là thành quả của một bộ gồm nhiều đổi mới, vừa song song, vừa khác biệt, trong lĩnh vực tin học mà Google đang nhanh chóng tìm tòi và nghiên cứu.

“Nếu chức năng dịch thuật không họat động được tốt như vậy, chúng tôi có lẽ đã không thể làm gì nhiều hơn”, Mayer nói. “Hoặc như nếu chuyển đổi ngôn ngữ viết sang nói hay nói sang viết không được đến như vậy, chúng tôi cũng chẳng làm gì hơn được.  Mục tiêu lớn tiếp theo chúng tôi nhắm tới sẽ là chức năng nhận diện hình ảnh, ví dụ như nhận dạng chim hay khuôn mặt người chẳng hạn.”

Lần đầu phỏng vấn Mayer là hồi năm 2005, khi ấy, cô ấy đã chia sẻ về tiềm năng của Google trong việc phát triển phần mềm cho dự án khám phá địa phương.   Cùng lúc đó, cô ấy cũng dành ra rất nhiều năm để gìn giữ được sự thanh thoát và tính giản đơn cho trang tìm kiếm Google.  Tôi hy vọng, sự thanh thoát đơn giản này cũng sẽ được áp dụng với các sản phẩm sắp ra mắt của Google.  Có lẽ, những sản phẩm ấy có thể thay đổi cách chúng ta làm mọi việc khi chúng ta phát triển cùng thế giới.