Trang chủ » Kinh doanh » Để không sập bẫy chứng khoán năm 2011

Để không sập bẫy chứng khoán năm 2011

Tác giả:

Nhân dịp đầu năm mới, xin nêu ra một số câu chuyện xung quanh chuyện bán mua của các nhà đầu tư, để qua đó góp phần sàng lọc những kinh nghiệm quý mà những nhà đầu tư thông minh hầu như đều tuân thủ.

Chạy đua cùng thị trường

Thời điểm tham gia thị trường rất quan trọng để bắt kịp xu thế tăng trưởng chung. Để tránh những bẫy tăng giá/giảm giá (bull/bear trap), nhà đầu tư thường chờ đợi 4-5 phiên tăng khá vững trãi với khối lượng tăng dần để xác nhận xu thế rõ ràng, hơn là việc mua dần vào khi thị trường giảm mạnh. Sự hưng phấn thái quá của thị trường dễ tạo cho nhà đầu tư tâm lý nôn nóng phải mua/bán bằng được, thậm chí mua/bán giá thỏa thuận chênh lệch 3-4 phiên trần/sàn. Không chỉ vậy, hệ quả tâm lý bầy đàn thường gây ra sự chán nản khi không mua được cổ phiếu “hot”, thay vì đó, họ chuyển sang mua những cổ phiếu dễ mua hơn. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc tranh mua/bán này là nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự thua lỗ.

Thực tế, các cổ phiếu tốt luôn có lực cầu rất dồi dào, vì thế, chúng có lượng dư mua cao hơn và dư bán thấp hơn nhóm cổ phiếu khác. Chọn thời điểm mua cổ phiếu cần mua vào phiên điều chỉnh, phân phối (nếu dự báo vẫn tiếp tục tăng), đặt lệnh chờ “xếp hàng” hơn là mua những cổ phiếu dễ mua hơn (có dư bán lớn) trong cùng phiên hôm đó. Một kinh nghiệm để đánh giá tương đối chính xác xu thế giá cổ phiếu cũng như chỉ số của thị trường (VN-Index, HN-Index) là quan sát diễn biến từ 30 đến 45 phút trước giờ đóng cửa hơn là giữa phiên giao dịch.

Đáy và đỉnh: Tự an ủi bản thân

Trong kinh doanh chứng khoán, ai cũng muốn “mua đáy, bán đỉnh”, tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư hứng chịu kết quả ngược lại “mua đỉnh, bán đáy”. Tại sao lại như vậy? Đơn giản là nhà đầu tư mua/bán liên tiếp theo những sóng lên, không dừng lại và thường bị “kẹp” rất nhiều chứng khoán tại mức đỉnh nhất của thị trường. Do vậy, “thành quả cách mạng” của các nhà đầu tư từ những đợt sóng lên bị tiêu tan bởi chính việc họ vẫn tiếp tục mua vào với mức giá cao nhất!

Nhà đầu tư thông minh nên tự đặt ra mức chốt lời/cắt lỗ phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt

Chuyện chốt lời hay cắt lỗ cũng không quá xa lạ, nhưng tâm lý nhà đầu tư thường hay xuất hiện việc tự an ủi bản thân “lên mãi cũng phải xuống, xuống mãi cũng phải lên!”. Tâm lý A.Q kiểu này chỉ đúng khi nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để giữ trạng thái chờ đợi, đồng thời trung thành với lập trường. Nếu không, họ sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì đặc điểm thị trường có biên độ giá, tạo ra dư bán mạnh trong nhiều phiên. Càng chờ đợi, họ tỏ ra càng chán nản khi chứng khoán giảm liên tiếp, vượt quá sức chịu đựng. Thời điểm họ có thể bán hết được chứng khoán để cắt lỗ chính là lúc thị trường kết thúc giảm sâu và bắt đầu hồi phục. Tại thời điểm đầu năm 2009, rất nhiều nhà đầu tư xả bán hết danh mục tại mức đáy của thị trường (230 điểm) vì tâm lý buồn bực kèm theo dự định sẽ mua lại chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường không chờ đợi quá lâu khi lực cầu bắt đáy đã lật ngược tình thế đưa nhà đầu tư chán nản phải hiện thực hóa khoản lỗ của mình.

Nhà đầu tư thông minh nên tự đặt ra mức chốt lời/cắt lỗ phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt. Hơn thế nữa, kinh doanh chứng khoán nên bám sát diễn biến khách quan của thị trường để xử lý kịp thời, tránh nhận định mang tính chủ quan. Việc mua bình quân giá khi thị trường xuống nên đặt ra các mức giảm cụ thể (-20%, -50%) tùy thuộc vào năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Đòn bẩy: Kỷ luật hay nhân nhượng?

Đòn bẩy tài chính là một công cụ hỗ trợ đầu tư khá phổ biến hiện nay, nhưng con dao hai lưỡi này có thể sát thương nhà đầu tư thiếu kỷ luật. Hậu quả có thể nhìn thấy khi nhiều CTCK lẫn nhà đầu tư đã phải hứng chịu rủi ro “trò chơi dao” này đối với việc thao túng giá của cổ phiếu Nhựa An Phát (AAA). Hiện nay, rất nhiều CTCK tỏ ra nhân nhượng với khách hàng, không ép bán khi giá giảm 40-50%, trái với điều khoản trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Điều này vô hình trung làm nảy sinh vấn đề tranh cãi giữa nhà đầu và CTCK khi liên quan tới nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên. Khi tài sản tổn thất quá nặng nề, nhiều nhà đầu tư chuyển sang trách móc, kiện tụng CTCK vì không thực thi tròn trách nhiệm của mình. Nhà đầu tư có thể bị cú sốc tâm lý, do không tuân thủ kỷ luật sử dụng thấu chi, dẫn đến trạng thái chán nản, khó xử. Vì vậy, đứng trước hai lựa chọn: bán cắt lỗ hoặc nộp thêm tiền ký quỹ, nhà đầu tư phải xác định mục tiêu ngay từ đầu nhằm tránh rắc rối nảy sinh trong quá trình sử dụng đòn bẩy do các CTCK cung cấp. Vấn đề kỷ luật và nhân nhượng cần đặt lên bàn cân không chỉ với riêng nhà đầu tư mà cả CTCK để hạn chế những tiêu cực nảy sinh, vì liên quan tới vấn đề tài chính.

Tần suất mua bán

Chơi tiếp hay dừng cuộc chơi là nghệ thuật suy xét và cân nhắc giữa lòng tham và nỗi sợ hãi trong mỗi nhà đầu tư

Tần suất mua bán chứng khoán là vấn đề đáng bàn với nhà đầu tư vì nó tạo ra khoản phí môi giới không nhỏ với các CTCK. Kinh nghiệm thực tế cho thấy việc mua bán thường xuyên không có lợi nếu quy mô vốn đầu tư nhỏ và không sử dụng nhiều tài khoản. Mức phí giao dịch cả 2 chiều mua và bán dao động từ 0,5%-1%. Chênh lệch biên độ sàn HNX lên tới 14% nhưng không phải lúc nào nhà đầu tư cũng nhận định đúng xu thế để hưởng lãi biên từ 5-10%/ngày. Ngoài ra, sử dụng nhiều tài khoản để mua bán thường gây khó khăn trong việc quản lý, chưa kể đến việc lựa chọn chứng khoán có tính thanh khoản cao và mức độ biến động giá mạnh.

Theo kinh nghiệm của nhà đầu tư thành công, họ không cần mua bán quá nhiều, chỉ cần theo kịp sóng xu thế, đạt lợi nhuận kỳ vọng và hiện thực hóa. Lợi nhuận kỳ vọng được nhiều nhà đầu tư cho là yếu tố duy tâm để giành thắng lợi trong kinh doanh. Với họ, chứng khoán là trò chơi “tiền từ túi người này chảy sang túi người khác”, do vậy, lòng tham cũng phải kiềm chế ở mức độ vừa phải.

Biết dừng cuộc chơi

Giống như gameshow “Ai là triệu phú”, nhà đầu tư chứng khoán đứng trước lựa chọn mang tính quyết định: “Chơi tiếp hay dừng cuộc chơi?” với chi phí cơ hội khá đắt. Sai lầm phổ biến khi người ta thắng chứng khoán được gấp 2 lần, họ thường dồn hết tất cả tài sản để nhân gấp 3-4 lần giá trị. Kinh doanh chứng khoán là trò chơi tâm lý giữa hai thái cực: lòng tham và nỗi sợ hãi. Những người chơi thắng cuộc đều áp dụng nguyên tắc vàng: rút phần lớn vốn và lợi nhuận khỏi chứng khoán, chuyển sang các tài sản có độ an toàn cao hơn như bất động sản, vàng, ngoại tệ. Điều này lý giải tại sao sau mỗi đợt “sốt” chứng khoán lắng dịu thì đến lượt bất động sản, ngoại tệ nóng lên nhờ dòng tiền đầu cơ chuyển dịch mạnh mẽ.

Tại thời điểm giữa năm 2007, số lượng người giàu lên nhờ chứng khoán tăng vọt do sở hữu lượng cổ phiếu tăng giá gấp 20-25 lần mệnh giá và thậm chí như cổ phiếu Khoáng sản Bình định (BMC) gấp 80 lần mệnh giá. Những nhà đầu tư thông minh đã kịp chốt lãi tại thời điểm đỉnh cao (trên 1000 điểm), chuyển hóa lợi nhuận đó sang tài sản khác và ngắm nhìn thị trường. Những ai tiếp tục chơi phải chứng kiến tài sản của họ “bốc hơi” theo thị trường lao dốc.

Xét cho cùng, chơi tiếp hay dừng cuộc chơi là nghệ thuật suy xét và cân nhắc giữa lòng tham và nỗi sợ hãi trong mỗi nhà đầu tư. Không nên tạo tư tưởng giàu nhanh bởi chứng khoán, bởi tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng thường dẫn đến quyết định đầu tư sáng suốt hơn tư tưởng tham lam, không có điểm dừng. Đối với những nhà đầu tư thông minh, bảo vệ thành quả đầu tư cũng quan trọng không kém gì việc tạo ra chúng.

(Theo Doanh nhân)