Trang chủ » Điểm nóng » Nói và Làm: Bầu cử dân chủ và bình đẳng doanh nghiệp

Nói và Làm: Bầu cử dân chủ và bình đẳng doanh nghiệp

Tác giả:

LTS: Phát ngôn của những nhà lãnh đạo chân chính thể hiện ý chí, quyết tâm và tầm nhìn. Ngược lại, những lời nói mang tính “mỵ dân”, dù hay ho đến mấy thì sớm muộn cũng bị dân chúng nhận chân. Nhưng không phải lúc nào quyết tâm và khát vọng của những nhà lãnh đạo có tâm cũng dễ dàng được thực hiện. Từ phát ngôn đến hành động là cả một quá trình đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của  bộ máy cấp dưới đến nhận thức, đồng thuận của toàn xã hội .

Bắt đầu từ tuần này, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) mở chuyên mục “Nói và Làm” sáng thứ Hai hàng tuần để cùng bàn luận về khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong các chính sách kinh tế – xã hội lớn của đất nước.

Mời bạn đọc cùng tham gia viết bài và bàn luận. Mọi bài viết, ý kiến thảo luận mời gửi về [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!

Dân chủ thực sự hay dân chủ trình diễn?

Ngày 10/2 , báo VietNamNet dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Không thể coi nhẹ tiêu chuẩn, nặng cơ cấu. Điều quan trọng là phải để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật.

“Tránh dư luận nhân dân cho rằng có thể đi bầu hộ, một người bầu cho cả gia đình, hoặc chuyện đi bầu chỉ là hình thức vì đã chọn sẵn từ trước,” tân Tổng bí thư nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên kể từ khi đắc cử vị trí Tổng Bí thư khóa XI, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến dân chủ thực chất. Tại cuộc họp báo sau Đại hội Đảng XI, ông cũng đã nhiều lần cam kết, phát huy dân chủ thực sự, chứ không phải “dân chủ trình diễn, dân chủ hình thức”.

Không nghi ngờ gì nữa, dân chủ không chỉ là nguyện vọng của dân mà còn là một nhu cầu bức thiết, một động lực nội tại để phát triển đất nước. Qua phát ngôn của người đứng đầu Đảng, người dân có quyền phấn khởi và tin tưởng vào con đường đổi mới mà Đảng đang lãnh đạo, vào quyết tâm thực hành dân chủ của Đảng, được mong chờ trước hết ở chính kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội tới đây. Ý Đảng, lòng dân thuận thì “việc gì cũng xong”.

Lý thuyết là như vậy, nhưng làm thế nào để biến quyết tâm, chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân trên đây thành hành động trên thực tế, khi mà chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc hội vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Các cử tri trẻ đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa XII. Ảnh: website ĐHQG HN

Nhớ lại đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII cách đây 5 năm, cuối ngày Hội đồng bầu cử đã nhận được báo cáo kết quả cử tri đi bỏ phiếu của 63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ trung bình đạt trên 97%, trong đó có tới 4 tỉnh đạt 100% số cử tri đi bầu. Thấp nhất là tỉnh Bắc Ninh nhưng tỷ lệ cũng đạt tới 94,1%. Những nguồn tin không chính thức còn phong phanh rằng ở một số địa phương thậm chí thi đua “không chính thức” xem tổ dân phố nào bầu xong sớm hơn với tỷ lệ cao hơn.

Chỉ trong một ngày ngắn ngủi mà huy động được tới gần 100% cử tri, quả là xuất sắc! Nhưng chính con số gần như tuyệt đối đó đã khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về sự… thiếu hoàn hảo của nó. Cũng vì thế mà có dư luận trong dân rằng có thể đi bầu hộ, một người đại diện cho cả gia đình để bỏ phiếu.

Chưa thấy giải pháp nào mới mẻ để thực thi lời nói của Tổng Bí thư thì ông Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cũng trả lời phỏng vấn trên VietNamNet cho biết số lượng đại biểu ngoài Đảng ở Quốc Hội khóa tới sẽ dao động từ 15 đến 20 %.

Với định hướng đó thì người dân sẽ suy luận : hoặc là 80% những người ưu tú của đất nước xứng đáng và cần thiết trở thành đại biểu Quốc hội nằm trong Đảng, hoặc là cố gắng sắp xếp để Đảng nắm ít nhất 80%  ghế trong Quốc hội.

Vậy định hướng như phát biểu của ông Phạm Minh Tuyên sẽ có ý nghĩa thực sự, hay lại đi ngược với chỉ đạo của Tổng Bí thư về một kỳ bầu cử dân chủ, đúng pháp luật và “tránh dư luận cho rằng chuyện đi bầu chỉ là hình thức vì đã chọn sẵn từ trước”?

Tư nhân “đá” bình đẳng cùng sân với DNNN

Không phân biệt và bình đẳng giữa các các DN là chủ trương đã được khẳng định trong các chính sách lớn của nhà nước những để điều đó được thực thi đầy đủ trên thực tế là điều không dễ dàng.

Đầu năm mới, có dịp đến làm việc với các doanh nhân trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định ủng hộ việc thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân. Đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Điều này tiếp tục khẳng định chủ trương của nhà nước trong việc tạo lập môi trường kinh doanh cũng như sự đối xử bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, đóng góp cho sự phồn thịnh của nước nhà.

Nhưng thực tế thì các DN dân doanh đã được đối xử bình đẳng chưa thì có lẽ không phải bàn luận.

Chúng ta nói không phân biệt nhưng trong khi các DN tư nhân chật vật không tìm kiếm được mặt bằng kinh doanh thì ở TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều DNNN lớn chiếm giữ hàng ngàn ha đất mà việc thu hồi rất khó. Chúng ta nói không phân biệt nhưng có rất nhiều tập đoàn lớn nắm giữ những tài nguyên lớn của quốc gia đang được hưởng cơ chế đặc biệt trong việc khai thác và thụ hưởng trong khi các DN tư nhân để tiếp cận được các nguồn tài nguyên này là điều không thể.

Trong khi DNNN được ưu tiên và bảo lãnh cho vay rất nhiều khoản tín dụng lớn cả trong và ngoài nước nhưng sử dụng không hiệu quả thì DN tư nhân thì rất khó khăn tiếp cận vốn. Rất nhiều  DNNN hàng năm vẫn được cấp phát vốn ngân sách và được thụ hưởng những hạ tầng cơ sở do nhà nước đầu tư còn các DN tư nhân thì “đừng mơ” tới đặc quyền đó. Nói không ưu đãi nhưng các nguồn vốn và công trình đầu tư của nhà nước vẫn dành sự ưu ái cho các DNNN còn tư nhân thật khó tham gia và trúng thầu.

Có hàng ngàn câu chuyện DN tư nhân “kêu gào” bởi không thể “thắng” nổi các “ông” Nhà nước vì tuy đá cùng sân, nhưng lại nhận được những ưu đãi quá khác biệt. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế lại phản ánh bức tranh hoàn toàn ngược lại.

Một tính toán được nhiều chuyên gia thừa nhận cho thấy với 1 tỷ đồng vốn đầu tư thì doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra 1,8 tỷ đồng, trong khi đó doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài chỉ có thể tạo ra 0,8 tỷ đồng.

Rõ ràng, chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp dân doanh đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Chính một bộ phận lớn các DNNN được đầu tư, hỗ trợ mọi nguồn lực quan trọng của đất nước lại làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. Nếu những nguồn lực này được giải phóng và được phát huy cao nhất thì kinh tế Việt Nam chắc chắn sáng sủa hơn rất nhiều.

Nhưng tại sao một chủ trương, một quyết tâm lớn như vậy của người đứng đầu Chính phủ vẫn chưa được thực hiện? Đâu là những khúc mắc và đâu là những điểm đột phá để giải quyết sự ách tắc này?

Cùng với câu hỏi “Tại sao”, cũng cần quy trách nhiệm cho những cá nhân, cơ quan nào phải triển khai thực hiện biến chỉ đạo của Thủ tướng thành hiện thực, thành việc phải làm cụ thể  chứ không thể để tình trạng việc chung không ai nhận.