Trang chủ » Kinh doanh » Những cổ phiếu nguy cơ bị huỷ niêm yết

Những cổ phiếu nguy cơ bị huỷ niêm yết

Tác giả:

Những doanh nghiệp lỗ triền miên

Cổ phiếu VTA của CTCP Gạch men Vitaly có lẽ sẽ là mã thứ hai bị bắt buộc hủy niêm yết cùng với FPC. Năm 2008 và 2009, VTA lỗ 4,7 tỷ đồng và 34,5 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2010, VTA lỗ gần 28 tỷ đồng.

Để tránh nguy cơ bị hủy niêm yết, nửa đầu năm 2010, Ban lãnh đạo VTA đã làm mọi cách để đưa con số thua lỗ xuống mức thấp nhất. Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên của Công ty, kiểm toán viên nhận xét: “6 tháng đầu năm 2010, VTA đã ngưng trích khấu hao của 5 dây chuyền sản xuất với tổng chi phí khấu hao ước tính là 5,99 tỷ đồng. Như vậy, nếu Công ty trích bổ sung khấu hao và phân bổ thương hiệu thì số lỗ sau thuế trên báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2010 sẽ từ lỗ 19,34 tỷ đồng thành lỗ 29,09 tỷ đồng”.

ĐHCĐ thường niên của VTA tổ chức cuối tháng 7/2010 đã “đặt” kế hoạch lỗ 17,42 tỷ đồng năm 2010, gần như đánh một dấu chấm hết cho “số phận” cổ phiếu này trên sàn HNX.

Một mã khác chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2010, nhưng cũng gây sự chú ý của NĐT về khả năng bị hủy niêm yết, đó là cổ phiếu TRI của CTCP Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco. 9 tháng đầu năm 2010, TRI công bố lãi 10,6 tỷ đồng, hoàn thành 570% kế hoạch năm (1,86 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều NĐT vẫn cảnh giác với kết quả kinh doanh của TRI, vì đây là cổ phiếu có tiếng “thất thường”. 9 tháng đầu năm 2008, TRI công bố lãi gần 750 triệu đồng, nhưng quý IV/2008 bất ngờ công bố lỗ hơn 146 tỷ đồng. Năm 2009, TRI đặt kế hoạch lãi 17 tỷ đồng, nhưng cán đích cuối năm thua lỗ 82,29 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2010, Công ty mẹ công bố lỗ gần 40 tỷ đồng, nhưng sau khi hợp nhất báo cáo tài chính lại trở thành lãi gần 42 tỷ đồng, nhờ việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính vào các công ty con Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc đúng ngày 30/6. Ba năm qua, câu chuyện lỗ lãi của TRI giống như một bộ phim lắt léo mà NĐT giống như người xem phim chỉ thấy các nút thắt tháo gỡ ở phần cuối. Và lần này vẫn không ngoại lệ!

Ở lại một con tàu sắp chìm là một việc làm kém khôn ngoan. Tuy nhiên, hiện tại, NĐT muốn tháo chạy khỏi các cổ phiếu trên cũng không dễ dàng, vì thanh khoản rất hạn chế. Giá cổ phiếu VTA rơi xuống thấp hơn nửa mệnh giá và gần đây có lúc giao dịch chưa tới 2.000 đơn vị/phiên. Cổ phiếu TRI chỉ được giao dịch cầm chừng trong phiên khớp lệnh đóng cửa. Riêng NĐT đang nắm giữ cổ phiếu FPC thì thực sự như ngồi trên đống lửa. Cổ phiếu này đã bị tạm ngưng giao dịch từ tháng 5/2010 cho tới nay.

Trao đổi với ĐTCK, một đại diện của HOSE cho biết, các cổ phiếu thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bắt buộc phải hủy niêm yết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ ra quyết định chính thức dựa trên báo cáo tài chính đã qua kiểm toán. Riêng trường hợp của FPC sẽ có chút “chiếu cố”. Cổ phiếu này có thể được cho phép giao dịch trở lại trong thời gian tới, giống như cổ phiếu IFS của CTCP Thực phẩm Interfood vừa được giao dịch trở lại tháng trước. Cơ sở của việc này xuất phát từ kết quả kinh doanh của FPC đã có cải thiện trong quý IV/2010 (lãi 5,8 tỷ đồng so với số lỗ 259 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước).

Một cổ phiếu khác công bố lãi “khủng” trong năm 2009 và 9 tháng đầu năm 2010, nhưng cũng đang đối mặt với nguy cơ bị buộc hủy niêm yết. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, lãnh đạo DN này cùng một số đối tượng đã lập ra nhiều công ty để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế nhằm chào bán cổ phiếu và hỗ trợ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên HOSE 2 năm trước. Số phận cổ phiếu này sẽ được chính thức công bố khi có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra.

Cổ phiếu bị cảnh báo: Đến hẹn lại lên

Đại diện cơ quan quản lý cho biết, các cổ phiếu lỗ năm 2010 sẽ được xếp ngay vào diện bị cảnh báo, mà không cần chờ đến kết quả kiểm toán. Danh sách này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới. Một số gương mặt có khả năng rơi vào “danh sách đen” là MHC, VKP, FBT, BAS… khi nhiều quý qua có kết quả kinh doanh nghèo nàn.

Trái ngược với sự mau mắn công bố con số lợi nhuận ấn tượng của các DN lãi lớn, các DN trải qua nhiều quý hoạt động kém cỏi khá chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc.