Trang chủ » Doanh nhân » Quán cà phê ở Tuần báo Quốc tế

Quán cà phê ở Tuần báo Quốc tế

Tác giả:

LTS: Cà phê vẫn được coi là năng lượng cho sáng tạo. Với người làm báo, quán cà phê không chỉ là nơi thưởng thức thứ đồ uống tuyệt vời này, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ đồng nghiệp và nguồn tin.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tiếp tục giới thiệu một bài viết về cà phê và những người làm báo trong loạt bài Kinh tế sáng tạo –  giải pháp đột phá cho Việt Nam bật lên?”

Trong cuộc đời làm báo của mình ông Trần Ngọc Châu, hiện là giám đốc kênh truyền hình tài chính – kinh doanh FBNC, đã gặp không biết bao nhiêu người, thuộc rất nhiều giới khác nhau. Nhưng, với ông, cuộc gặp, cách đây khoảng 22 năm tại toà soạn báo Tuổi Trẻ, với ông Đinh Hoàng Thắng vẫn để lại một ấn tượng khó quên.

“Một nhà ngoại giao từ Hà Nội vào, ăn mặc rất nghiêm chỉnh. Ông trịnh trọng rút ra từ ca táp tờ giấy giới thiệu của Bộ Ngoại giao đưa cho chúng tôi, và nói muốn học hỏi chuyện làm báo”, nguyên Tổng Thư ký Toà soạn Báo Tuổi Trẻ nhớ lại.

Sự ra đời của tờ tạp chí đối ngoại đầu tiên

Năm 1989, trước các biến động ở Đông Âu và Liên Xô, Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là Nguyễn Cơ Thạch nhận thấy rằng Bộ Ngoại giao cần phải có ấn phẩm định kỳ để thông tin cho xã hội, và đồng thời cũng định hướng cho xã hội hiểu rõ những biến động đầy kịch tính trên thế giới lúc đó”, TBT Báo Thế giới & Việt Nam Sơn Thuỷ nhớ lại trong bài viết nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của Tạp chí Quan hệ Quốc tế – tiền thân của báo TG&VN.

Để thực hiện ý tưởng của ông Thạch, nhóm adhoc chuẩn bị thành lập tạp chí, gồm 5 thành viên đều là các viên chức ngoại giao, do ông Nguyễn Ngọc Trường làm trưởng nhóm, đã được cấp tốc lập ra. Và một trong những việc họ cần làm là cử người vào Sài Gòn, nơi mà báo chí có một môi trường năng động và thị trường sôi động

Dân gian hay nói: Mồm tuyên giáo, áo ngoại giao! Nhưng, theo ông Thắng, sự chỉn chu, ngăn nắp của nhà ngoại giao không chỉ dừng ở trang phục, mà, quan trọng hơn, ở cách tư duy và lời nói.

“Chính vì vậy, anh ngoại giao đi làm báo xem chừng không ăn nhập vào đâu cả”, ông Thắng giải thích lý do ông được cử vào Sài Gòn.

Hơn nữa, theo ông Thắng, Chánh Văn phòng BNG Nguyễn Phú Bình, một trong hai quan chức được giao nhiệm vụ chỉ đạo việc ra tạp chí, đã nói rõ tôn chỉ mục đích của Tạp chí Quan hệ Quốc tế là không phải là làm báo cho Bộ Ngoại giao, mà làm báo cho nhân dân đọc. “Ông Bình, theo tôi còn nhớ, đã yêu cầu chúng tôi phải đưa được tờ tạp chí ra sạp”, ông Thắng nói.

Tháng 11/1989, Tạp chí Quan hệ Quốc tế phát hành số đầu tiên. Sau bao gian nan vất vả trong khâu chuẩn bị, từ lo chạy bài, “thiết kế”, “mi”, lãnh đạo báo phải đọc bông và sửa ngay trong nhà in. Tất cả làm trong đêm, đến ba giờ sáng hôm sau mới rời khỏi nhà in. Chỉ ít lâu sau, tạp chí này đã gây được tiếng vang lớn.

“Một phần do nó rất mới lạ ở nước ta lúc bấy giờ. Mặt khác, Ban Biên tập cũng rất mạnh dạn đưa ra các vấn đề nóng hổi và không kém phần nhạy cảm”, TBT Sơn Thuỷ lý giải

Theo ông Sơn Thuỷ, loạt bài với tiêu đề Làn sóng văn minh thứ ba (tên một luận thuyết rất có tiếng lúc bấy giờ của Nhà tương lai học Alvin Tofler), lý giải những thay đổi là do khủng hoảng bên trong Liên Xô – Đông Âu là chủ yếu và do sự chuyển tiếp các nền văn minh gây ra, đã được đón nhận nồng nhiệt từ Bắc chí Nam.

Còn ông Thắng cho biết thêm tác giả của bài báo, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, đã được tuyên giáo tỉnh ủy ở một số địa phương mời tới nói chuyện.

Trong khi đó, bài Thế giới thay đổi, còn chúng ta? của Thứ trưởng Nguyên Dy Niên đã tạo ra hai luồng dư luận trái chiều. Mặc dù, cũng theo ông Sơn Thuỷ, chiều ủng hộ vẫn chiếm đa số.

Theo ông Thắng, khi đã lên làm bộ trưởng, ông Nguyễn Dy Niên, mỗi lần đến làm việc với ban biên tập, vẫn nửa đùa nửa thât: “Vì bài trên báo các cậu tớ suýt bị kiểm điểm.”

“Bây giờ nhìn lại mới thấy các loạt bài này đã được thực tế chứng minh là đúng”, TBT Sơn Thuỷ nhìn nhận một cách thận trọng. Còn ông Nguyễn Ngọc Trường, người tổng biên tập đầu tiên, ngay từ lúc đó đã coi sự tiếp nhận trái chiều này như một hướng đi đúng.

“Bài viết mà không gây tranh cãi làm sao gọi là thành công được. Ngoài việc chuyển tải thông tin, báo chí còn phải khiến dư luận quan tâm đến thông tin mà nó chuyển tải, thông qua việc thể hiện quan điểm của họ”, ông Trường, người sau này trở thành một chuyên gia bình luận quốc tế có tiếng, đoan chắc.

Báo Thế giới & Việt Nam, “hậu sinh” của tuần báo Quốc tế.

Sau chuyến đi “mở đường” của ông Thắng, có ba phóng viên trẻ, cũng vốn xuất thân từ ngành ngoại giao như ông Thắng, đã được cử vào thực tập ba tháng tại Báo Tuổi Trẻ. Đối với ông Sơn Thuỷ đó là khoá đào tạo báo chí đầu tiên, trước khi ông tham dự những khoá đào tạo ở nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, hay Hàn Quốc.

Còn ông Thắng, kể từ chuyến đi đó, hầu như năm nào cũng vào lại Sài Gòn. Tuy đã có thành công bước đầu, tờ tạp chí của họ vẫn còn có rất nhiều điều cần học.

“Chẳng hạn, điều chúng tôi đau đáu nhất và luôn đặt ra với những người làm báo ở Sài Gòn là thị trường báo chí có phân khúc nào dành cho chúng tôi” ông Thắng nói.

Không chỉ dừng ở Tuổi Trẻ, ông Thắng còn đến nhiều toà báo khác. Ông còn nhờ cả Sở Ngoại vụ giới thiệu để gặp nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn, kể cả Tướng Tình báo Phạm Xuân Ẩn – nguyên phóng viên của Tuần báo Time, để học hỏi kinh nghiệm, nhất là cách đưa một tờ báo ngoài Bắc vào “đứng chân” được ở Sài Gòn.

Riêng với ông Châu, điều ông Thắng nhận được còn hơn cả những mối quan hệ công việc. Họ đã trở thành những người bạn ngoài đời.

Khi ông Châu chuyển qua Saigon Times Group, ông Thắng lại tìm đến đó. Câu chuyện vẫn vậy, xung quanh chuyện làm báo và viết báo.

Tại đây, ông Thắng đã học thêm nhiều bí quyết nhà nghề khác trong việc tổ chức khai thác và cập nhật thông tin. Tất cả để chuẩn bị cho một bước ngoặt quan trọng của tờ tạp chí đối ngoại.

Tờ “weekly” và giờ “happy”

Nửa đầu của những năm ’90 đánh dấu bước khởi đầu mạnh mẽ trong quá trình hội nhập của Việt Nam, theo phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”. Những dấu mốc quan trọng có thể kể ra là việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc năm 1991, bình thường hoá quan hệ với Mỹ năm 1995, và gia nhập ASEAN cùng năm đó.

“Trước nhu cầu thông tin nhanh hơn, đầu năm 1994, tạp chí Quan hệ Quốc tế (hàng tháng) đã chuyển thành tuần báo”, ông Sơn Thuỷ giải thích về bước ngoặt quan trọng này, nhằm phục vụ cho hội nhập quốc tế – một  sứ mạng của toàn dân tộc, chứ không chỉ riêng ngành ngoại giao.

Nhưng chủ trương dù đúng, dù hay, là một chuyện, việc có thực hiện có thành công hay không lại là một chuyện khác. “Những báo cáo tuần, báo cáo tháng khô khan, công thức,mà phần lớn là phục vụ nội bộ của các đơn vị chức năng trong bộ dường như đã không đủ độ cập nhật cho một tờ tuần báo”, ông Thắng nhớ lại về thách thức hồi đó.

Cũng chính Thứ trưởng Lê Mai, theo lời ông Thắng, đã đưa ra tiêu chí cho tờ tuần báo là bài viết trên Báo Quốc Tế phải khác với các báo cáo của các đơn vị trong bộ. “Ông Lê Mai bảo phải hấp dẫn, nhưng vẫn phải an toàn, tức là không được sai sót về chính trị”, ông Thắng nói.

“Gần như cùng một lúc với việc chuyển sang làm tuần báo, chúng tôi, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Mai (người đã từng là một diễn giả ngẫu hứng tại quán cà phê của CLB SGT – NV), đã cho mở một quán cà phê nho nhỏ ở ngay trên đầu toà soạn”, ông Thắng kể tiếp.

Hàng sáng, sau giờ giao ban ở Bộ Ngoại giao, một số cán bộ cấp vụ lại rảo chân sang bên số 6 Chu Văn An, leo cầu thang lên tầng trên cùng để uống cà phê. Các phóng viên và biên tập viên của Báo Quốc Tế tranh thủ hỏi han về những vấn đề thời sự quốc tế, tuỳ theo khu vực, hay lĩnh vực, mà họ phụ trách.

“Gọi nó là quán cà phê 2 trong 1 cũng được. Bởi quanh cái khu toàn công sở đó, thời bấy giờ  khó mà kiếm được một quán cà phê nào khác. Đó là cách làm chúng tôi học được ở SGT Group, nhưng với qui mô nhỏ hơn nhiều”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, theo ông Thắng, còn có một điều khác biệt nữa. Đó là quán cà phê ở Báo Quốc Tế do các công đoàn viên xinh đẹp của tờ báo điều hành.

Ông Trường bổ sung thêm rằng để duy trì cái quán cà phê đó với những happy hours (giờ miễn hoặc giảm giá), sau đó có phục vụ thêm ăn sáng và buffet, Báo Quốc Tế của ông đã tìm cách liên doanh được với Tập đoàn Truyền thông Ringier (Thuỵ sĩ) trong lĩnh vực quảng cáo và phát hành.

Ông Trường cũng cho biết, hàng tuần họ luôn mời một quan chức ngoại giao nào đó đến trình bày về một chủ đề nổi cộm nhất định. Thảng hoặc, cũng có các nhà văn, hay nghệ sĩ, đến đó nói chuyện.

“Gọi là happy hours cho nó văn vẻ, chứ mời được các nhà ngoại giao đến đó uống cà phê để phóng viên có thông tin và kiến thức để viết báo  là quí lắm rồi”, ông Trường nói.

Từ những happy hours đó, nhiều thông tin báo chí nóng hổi đã được phóng viên báo khai thác. Một trong số những breaking news mà ông Thắng còn nhớ là thông tin về chủ trương trả lương hưu cho những người làm việc cho Pháp trước đây.

Khi bài viết này xuất hiện trên Báo Quốc Tế, nó đã gây chấn động ở Sài Gòn đến mức nhưng công chức từng làm cho Pháp đã ầm ầm kéo đến Sở Ngoại vụ để xác nhận thông tin. “Ông Giám đốc đã gọi điện ra cho báo với ý trách móc. Nhưng chúng tôi đã bảo lưu quan điểm rằng đã là chủ trương thì trước sau cũng phải công khai, không nên giấu làm gì”, ông Thắng kể lại.

Hướng đi mới và hội quán sáng tạo

“Nhưng chỉ hai năm sau bắt đầu có xu hướng phát triển chậm lại. Phía Thuỵ Sỹ rút khỏi liên doanh”, ông Sơn Thuỷ nhớ lại, nhưng không giải thích nguyên nhân.

Trong khi đó, đầu năm 1996, ông Nguyễn Ngọc Trường rời tờ báo đi làm đại sứ ở Mexico. Những nỗ lực cải tiến của những người kế nhiệm như ông Đinh Hoàng Thắng, rồi ông Nguyễn Văn Vĩnh, tình hình phát hành vẫn khó khăn. Đặc biệt là từ khi tờ báo buộc phải ra ở riêng.

Hội quán sáng tạo ở Hà Nội. Ảnh: TTO

Quán cà phê cũng cũng bị dẹp, tuy những người lập ra nó không nhớ rõ vào thời điểm nào. “Tôi được phân công về báo năm 1999. Tôi không thấy còn quán cà phê đó nữa”, nguyên Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thiệp nhớ lại.

Nhiều người hay nhắc tới một sự cố mà họ cho là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của tờ báo. Đó là sự ra đi đột ngột của Thứ trưởng Lê Mai, người được coi là “bà đỡ” cho những bước đột phá trước đó của tờ báo.

Sau 5 năm chuyển sang làm công tác nghiên cứu, năm 2005, ông Sơn Thuỷ đã quay lại Báo Quốc Tế với cương vị Tổng Biên tập. Để rồi hơn một năm sau, ông trình làng đề án đổi mới toàn diện tờ báo với cái tên mới “Báo Thế giới & Việt Nam”.

Ông Sơn Thuỷ giải thích: “Nội dung Báo dựa trên một khái niệm hội nhập là con đường hai chiều: thế giới vào Việt Nam và Việt Nam ra thế giới.”

Với tôn chỉ mục đích mới, tờ báo nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Từ Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, TBT Thời báo Kinh tế Đào Nguyên Cát, đến TBT Báo Hà Nội Mới Đại tá Hồ Quang Lợi…

Có điều, chỉ hơn một năm sau, số phát hành của tờ báo lại đi theo chiều ngược lại. “Số phát hành của báo giảm dần và chạm đáy vào năm 2009 trong cơn bão suy giảm kinh tế và báo chí chung trên thế giới và Việt Nam”, ông Sơn Thuỷ lý giải.

Mặc dù vậy, ông Sơn Thuỷ nói rằng ông vẫn tự tin vào hướng đi mà mình đã chọn. Cơ sở để ông Sơn Thuỷ tự tin là báo TG&VN sở hữu một nguồn tài nguyên lớn, mà ông nói văn hoa là mỏ sắt Thạch Khê, với hơn 90 đại sứ quán và tổng lãnh sự quán – những cần ăng ten trên toàn cầu -, và hơn 2000 cán bộ nhân viên ngoại giao.

Khoảng 20 năm trước, những đồng nghiệp ở Sài Gòn cũng nói với ông Đinh Hoàng Thắng rằng những người làm báo ngoại giao đang ngồi trên một mỏ vàng mà chưa biết cách đào. Ông Trường và ông Thắng đã mở cái quán cà phê ở số 6 Chu Văn An để tìm cách khai thác mỏ vàng đó. Họ đã có những thành công nhất định, dù không trọn vẹn.

Để khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ông Sơn Thuỷ đã không cần phải mở lại quán cà phê ở số 6 Chu Văn An nữa. Bởi đã có Trung Nguyên làm việc đó thay ông, với Hội quán Sáng tạo được mở ngay trước cổng Bộ Ngoại giao vào giữa năm 2009. Mặc dù, Đặng Lê Nguyên Vũ có những mục tiêu riêng của mình.

Chắc hẳn ông Sơn Thuỷ đang tìm phương cách tốt nhất để khai thác mỏ sắt đó, trong khi mong đợi cơn bĩ cực của làng báo sớm qua đi. Tuy nhiên, ít nhất, ông cũng có thể tìm thấy ở Hội quán Sáng tạo này sự chia sẻ các trải nghiệm thành bại từ ông Chủ tịch Tập đoàn Trung nguyên – người luôn kiên định với tư duy sáng tạo và đột phá, dù hơn một lần đã phải trả giá vì chúng.