Trang chủ » Kinh doanh » Nhu cầu bất động sản Hà Nội còn rất lớn

Nhu cầu bất động sản Hà Nội còn rất lớn

Tác giả:

Nhiều phân khúc vẫn hấp dẫn

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị tham vấn Chiến lược Phát triển Nhà ở quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030 diễn ra tại Hà Nội hôm 8/3, ông Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ niềm tin đồng thời đưa ra những nhìn nhận khá lạc quan về triển vọng của thị trường trong năm nay.

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị thắt chặt mà nguồn cung căn hộ tại Hà Nội được dự báo sẽ rất lớn trong 1-2 năm tới, ông Hà cho rằng, thị trường sẽ có khó khăn nhất định, nhưng với sự điều chỉnh, thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp và người dân, sẽ vẫn có những cơ hội mở ra.

“Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm của mình để thu hồi vốn và người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn với sản phẩm mà mình mong muốn. Nói thắt chặt tín dụng thì nhà ở sẽ không có giao dịch là không đúng.

Sẽ vẫn có giao dịch, thậm chí có những phân khúc giao dịch sẽ mạnh hơn vì lãi suất cao, giá ngoại tệ, vàng cao, người dân sẽ có điều kiện để đầu tư bất động sản, tranh thủ giá giảm để mua” – ông Hà nói.

Có ý kiến cho rằng, tín dụng cho đầu tư bất động sản giảm sẽ tác động làm giảm nguồn cung nhà ở? Ý kiến ông thế nào?

Không phải. Thị trường bất động sản có độ trễ nhất định, thường sau 2, 3 năm. Chu trình của 1 dự án từ khi chuẩn bị đến lúc đầu tư hoàn thiện thường mất 3-4 năm, những dự án lớn phải mất 10 năm, vì vậy chính sách sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nguồn cung của thị trường. Không phải bị thít vốn mà thị trường nhà ở sẽ gặp khó ngay.

Không thiếu vốn cho những dự án hiệu quả

Vậy ông có cho rằng tín dụng cắt giảm, nhiều dự án bất động sản đang triển khai phải tạm dừng lại vì thiếu vốn không?

Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đề cập việc thắt chặt cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản nhưng thực tế việc ngân hàng cho dự án nào vay thì phải xem xét đến tính khả thi của dự án. Đó là tiêu chí của tín dụng.

Ảnh minh họa: Pháp luật Việt Nam.

Theo tôi Nghị quyết 11 đã rất rõ: không khởi công dự án mới, những dự án không hiệu quả. Rõ ràng khi nguồn tín dụng hạn chế thì phải tính xem dự án đó có hiệu quả không, phục vụ được các mục tiêu xã hội gì. Ví dụ nhà ở cao cấp theo tôi không nên cho vay, ít nhất là trong giai đoạn này. Còn nhà giá trung bình, thị trường đang thiếu, những dự án đã khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ thì không có lý do gì lại không cho vay.

Năm 2010, tín dụng bất động sản của Hà Nội chỉ có 12% trong khi con số ở TP HCM là hơn 50%. Diễn biến hai thị trường này năm nay có khác nhau như thế nào, thưa ông?

Tất nhiên quy mô của thị trường TP.HCM lúc nào cũng lớn hơn Hà Nội. Hơn nữa đặc điểm của thị trường TP.HCM là nguồn vốn dành cho bất động sản phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Trong khi đó nguồn vốn của Hà Nội chủ yếu do tiết kiệm của cá nhân, gia đình, vay vốn từ ngân hàng để mua nhà ít.

Hiện tại có thể thấy thị trường Hà Nội chưa bị ảnh hưởng nhiều lắm bởi việc thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Nghĩa là nguồn cầu của Hà Nội và khả năng mua nhà của người dân ở đây vẫn còn rất nhiều.

Với phân khúc nhà thu nhập thấp, có thực tế ngân hàng đang đình trệ cho các nhà phát triển dự án vay vốn?

Thật ra đình trệ ở đây là do vướng mắc vì thủ tục. Theo thông báo của Ngân hàng Phát triển Việt nam là không thiếu vốn cho vay, quan trọng là việc hoàn thiện thủ tục đất đai, dự án, đối tượng… từ phía nhà phát triển dự án thì ngân hàng mới có thể cho vay được.