Trang chủ » Kinh doanh » Tiền đồng chảy mạnh vào ngân hàng

Tiền đồng chảy mạnh vào ngân hàng

Tác giả:

Theo báo cáo sợ bộ của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi tại các ngân hàng đến cuối tháng 2 tăng khoảng 6% so với tháng 1/2011. Trước đó, số dư tiền gửi tháng 1 đã giảm khoảng 2% so với tháng cuối năm 2010. Như vậy, tính chung hai tháng đầu năm 2011, tổng lượng tiền gửi so với cuối năm 2010 tăng gần 2%.

Chuyển “ngắn” sang “dài”

Mới 9h30 sáng ngày 7/3, tại phòng tín dụng chi nhánh Vietcombank Kỳ Đồng (phường 9, quận 3, TP.HCM) đã có hàng chục khách đến gửi tiền. Anh Hùng, một khách hàng yêu cầu “chuyển tiền từ tài khoản sang sổ tiết kiệm” với kỳ hạn hai tháng, thổ lộ: “Trước đây, nếu gửi tiết kiệm, tôi chỉ “lướt sóng” tiền gửi khoảng 1, 2 tuần cho linh hoạt, nhưng giờ  quyết định gửi dài hạn”. Tuy không giải thích cặn kẽ vì sao đổi từ “ngắn” sang “dài”, nhưng anh Hùng cũng cho biết, vì anh chưa biết “làm gì với số tiền nhàn rỗi này”.

Một khách hàng khác tên Trần Phương Thảo, giao dịch tại Vietcombank (đường Lũy Bán Bích) còn “táo bạo” hơn, khi “đáo hạn” số tiền gửi trước đó ở kỳ ngắn hạn lên kỳ hạn 6 tháng.

Thông thường, những ngày đầu tháng là những ngày các phòng giao dịch, chi nhánh của hầu hết các ngân hàng đều thưa khách vì thế sự “tấp nập” nói trên chứng tỏ điều khác lạ. Quan sát cho thấy, tần suất giao dịch ở nhiều chi nhánh của các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Agribank, ACB… những ngày qua diễn ra khá dày, không kém gì các ngày cuối tháng, khi người dân tới các ngân hàng để thanh toán các khoản tiền nước, tiền điện…

Một tuần trở lại đây, số tiền VND mà người dân gửi đang tăng lên.

Giám đốc một chi nhánh của Ngân hàng Techcombank thừa nhận: “Những ngày sau Tết, chiều hướng gửi VND  giảm hẳn. Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, số tiền VND mà người dân gửi đang tăng lên, tăng hơn trước đó bình quân khoảng 10%”. Tại chi nhánh, phòng giao dịch đã thế, tại Hội sở, con số tăng còn lớn hơn.

Theo một số ngân hàng thương mại, số tiền đồng hiện nay trên thị trường TP HCM “chảy” mạnh nhất là vào ngân hàng ACB. Tuy nhiên ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân của ACB, không thừa nhận.

Chia nhỏ rủi ro?

Ngoài tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng, nhiều câu hỏi đặt ra: tiền đồng ở đâu chảy vào ngân hàng, khi mà khoảng hai tuần trước đó, nhiều ngân hàng còn phải nâng lãi suất lên 17, 18% để “cứu” thanh khoản? Theo tiết lộ của một số phòng tín dụng  các ngân hàng nói trên, nguồn tiền đổ vào ngân hàng thời điểm này chủ yếu “chuyển dịch” từ thị trường chứng khoán sang.

Anh Phan Thanh Dũng, một nhà đầu tư chứng khoán đến giao dịch tại ACB, ngày 7/3, nói: “Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa có gì sáng sủa, nhà đầu tư chúng tôi dù chưa rút hẳn vốn khỏi thị trường, nhưng cần phải biết “chia nhỏ rủi ro”. Sự chia nhỏ rủi ro này, theo anh Dũng là “đầu tư mỗi nơi một ít”, đồng nghĩa với việc có một số tiền chảy sang tiết kiệm.

Với việc dòng tiền đồng đang dịch chuyển mạnh sang kênh ngân hàng,  nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ dư VND trong khi thời điểm này cho vay không dễ, bởi lãi suất quá cao.

“Với lãi suất cho vay từ 19%, 20%, thậm chí là 23% như hiện nay, dự báo các ngân hàng sẽ có một đợt chạy đua cho vay quyết liệt”, ông Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng nhìn nhận.

Lãnh đạo một số chi nhánh các ngân hàng lớn đang có lượng tiền đồng đổ về nhiều cũng nhìn nhận  khả năng lãi suất cho vay sẽ cạnh tranh hơn và nếu VND tiếp tục đổ vào nhiều thì lãi suất cho vay sẽ giảm.

(Theo Đất Việt)