Trang chủ » Điểm nóng » Phí “bôi trơn” ảnh hưởng nghiêm trọng tới FDI

Phí “bôi trơn” ảnh hưởng nghiêm trọng tới FDI

Tác giả:

Bên cạnh Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chỉ dựa trên ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam, năm 2010, lần đầu tiên, khối doanh nghiệp FDI cũng tham gia và góp tiếng nói riêng. Những ý kiến của 1.155 doanh nghiệp FDI đến từ 47 quốc gia về công tác điều hành kinh tế các tỉnh đã cho thấy rõ hơn những điểm đen trong môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Trong đó, 84% là DN có 100% vốn nước ngoài. 16% doanh nghiệp FDI đã giải ngân được toàn bộ vốn đầu tư. Tỷ lệ giải ngân trung bình là 62% vốn đăng ký. Tới 67% hoạt động trong ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp FDI có thể được coi là đầu tư công nghệ cao và sử dụng công nghệ, hoặc thiết bị hiện đại. 25% doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Chi phí hoa hồng quá lớn

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh ở các tỉnh, dường như có sự trái chiều với doanh nghiệp trong nước khi FDI đánh giá sự năng động và cơ sở hạ tầng các tỉnh là khá tốt.

Tuy nhiên, cảm nhận tích cực này không bù đắp, khỏa lấp được nỗi lo nghiêm trọng về vấn nạn hối lộ, sự không rõ ràng trong chính sách của các địa phương.

Tiến sĩ Edmund Malesky, trưởng nhóm nghiên cứu PCI, đại diện USAID nhấn mạnh, không chỉ với doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngòai cũng than phiền cho rằng, chi phí không chính thức là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. 20% doanh nghiệp FDI đã phải trả khoản phí này khi đăng ký kinh doanh. 40% doanh nghiệp phải chi hoa hồng khi đấu thầu, mua sắm công. 70% doanh nghiệp FDI phải tốn kém cho khoản bôi trơn để thông quan hàng hóa nhanh hơn.

“Chẳng còn cách nào khác, với ngành như hoa quả, nếu ách tắc quá lâu thì sẽ bị thiệt hại lớn”, ông nói.

Tuy nhiên, khỏan phí này đã giảm hơn khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp dịnh thương mại song phương.

Dù đã phải trả thêm khoản bôi trơn này, thì việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp FDI cũng không dễ dàng hơn. Theo tiến sĩ Edmund, các DN FDI khá chật vật với thủ tục qui định ở địa phương, đa số phải đợi chờ hơn 1 tháng để hoàn tất thủ tục pháp lý, gấp đôi so với doanh nghiệp trong nước. Ông cho biết, đây là gánh nặng cho các doanh nghiệp FDI.

Họ cũng bị thanh, kiểm tra nhiều hơn. Sự ổn định trong vấn đề sử dụng đất cũng thấp hơn, khi chỉ có 1/3 doanh nghiệp FDI có giấy chứng nhận sử dụng đất so với hơn ½ doanh nghiệp trong nước.

Một điểm đen khác là vấn đề chất lượng lao động. Chỉ có mỗi 18% doanh nghiệp có cảm nhận tích cực về chỉ số này. Các doanh nghiệp đã mất công mất sức thêm để đào tạo tay nghề cho lao động.

Đầu tư FDI góp phần thúc đẩy kinh té.

Thuế không níu giữ được FDI

TS Edmund Malesky, chia sẻ, có 10 yếu tố tác động để thúc đẩy quyết định đầu tư của FDI vào Việt Nam. Đầu tiên là chi phí và chất lượng lao động, ưu đãi thuế và đất đai, sự ổn định chính trị, chi phí nguyên vật liệu, trung gian, sức mua người tiêu dùng, qui mô thị trường nội địa, hạ tầng khu công nghiệp và tính ổn định kinh tế vĩ mô…

Kết quả điều tra thể hiện, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế của các tỉnh không hiệu quả, không trúng. Vì 88% nhà đầu tư đã chọn các tỉnh có chính sách ưu đãi thuế bằng, hoặc kém hơn.

Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận trung bình ở FDI tại Việt Nam là 20%, tương đương 17.000 USD/ đơn vị lao động là khá tốt, trong đó, riêng khu vực dịch vụ là tới 28%. Song, lại có một số nhà đầu tư cho biết thua lỗ trong năm vừa qua, cũng là tỷ lệ 20% doanh nghiệp FDI. Điều này đã gây ra tranh cãi tại sao họ thua lỗ. Có thể, số lỗ đó chỉ là do chuyển giá nội bộ giữa doanh nghiệp FDI này với Công ty mẹ ở nước ngoài mà thôi.

Song, vị chuyên gia của USAID khẳng định, các doanh nghiệp FDI dù có lãi hay thua lỗ nhưng họ đều có một góc nhìn chung rằng, nguyên nhân là do điều kiện thị trường. « Họ thường nói thế và đó là điều cần suy nghĩ. Họ không nghĩ môi trường chính sách của Việt Nam có thể hỗ trợ họ thành công. Nói cách khác, chiến lược thu hút các nhà đầu tư FDI với chính sách khuyến khích như hiện nay của Việt Nam chưa phát huy hiệu quả, TS. Edmund nói.

Ông cho hay, rất đáng lưu tâm khi các doanh nghiệp FDI lại ít chọn doanh nghiệp trong nước làm thầu phụ, hợp tác và tới 54% hàng hóa và dịch vụ trung gian được các doanh nghiệp này mua ở bên ngoài, sau đó, họ lại xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông nói, điều đó có nghĩa, tác động lan truyền từ FDI vào nền kinh tế Việt Nam là rất thấp.

Vấn đề đặt ra cho các nhà điều hành kinh tế của Việt Nam là làm sao, níu giữ nhà đầu tư và thu hút FDI thế hệ tương lai ? Theo ông, chính sách khuyến khích sẽ phải thay đổi trong thời gian tới, không chỉ là ưu đãi trực tiếp mà quan trọng hơn, các tỉnh phải cải thiện ngay công tác thông tin, chất lượng đào tạo nghề cho lao động và nhất là chi phí thời gian, làm sao rút gọn lại hơn nữa.

Bên cạnh đó, một nhu cầu của các nhà đầu tư FDI trong tương lai là vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền cần được các tỉnh quan tâm. Ông khuyến nghị, các tỉnh cũng cần nghiên cứu xem, vì sao, tới 54% hàng hóa, dịch vụ được các doanh nghiệp FDI hiện nay nhập bên ngoài và xuất khẩu mà không chọn đối tác là doanh nghiệp trong nước.