Trang chủ » Điểm nóng » Tư nhân “gánh” rủi ro cùng Nhà nước

Tư nhân “gánh” rủi ro cùng Nhà nước

Tác giả:

Hạn chế nợ công

Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vào khoảng 16 tỷ USD/năm, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước chỉ bằng một nửa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông từng chia sẻ rằng khoảng 50-60% nguồn vốn ước tính cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong 10 năm tới phải huy động từ khu vực tư nhân, cả ở trong nước và nước ngoài.

Các nguồn tài chính truyền thống như phát hành trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài và vốn ODA đều làm phát sinh nợ quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình nên những khoản vay ưu đãi và viện trợ đang dần bị cắt giảm.

Bên cạnh đó, những năm qua, thực tế cho thấy ở một số địa phương, đã có những dự án tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng ở địa phương xây dựng những công trình chất lượng tốt mà chi phí thấp hơn nhiều so với dự án Nhà nước đầu tư.

Vì vậy, việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng là xu thế rất hợp lý. Những nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đều đã triển khai mô hình này và rất thành công.

Từ ngày 15/1/2011, Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chính thức có hiệu lực. Đây là hình thức “nhà nước và tư nhân cùng làm” trên nguyên tắc đảm bảo thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân trong và ngoài nước nhưng không dẫn đến nợ công. Theo quy chế, tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước sẽ không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án.

Thông tin từ buổi toạ đàm về hiện thực hoá PPP do ĐSQ Anh tổ chức sáng 21/3, một nhóm công tác liên bộ đã được thành lập để thẩm định chọn lựa những dự án thí điểm đầu tiên theo hình thức “đối tác công-tư” (PPP), dự kiến sẽ được triển khai trong vài tuần tới.

Thị trưởng Khu tài chính London, ông Alderman Michael Bear, một chuyên gia trong lĩnh vực triển khai dự án PPP tại Anh phân tích: “Ưu điểm của hình thức PPP là khối tư nhân sẽ gánh vác rủi ro trong việc vận hành dự án, bởi vì họ có những kỹ năng để vận hành nó thông suốt rồi trao trả lại cho Chính phủ.”

Ông Bear nhấn mạnh hạ tầng chính là “động cơ” không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn cả sự tiến bộ xã hội.

Ông Bear cho biết ông rất tán thành với ý kiến của Thứ trưởng Đặng Huy Đông trong buổi toạ đàm sáng 21/3 rằng điều quan trọng nhất là phải nhận diện và tìm ra được những dự án có lợi nhuận (bankable).

“Khi tiến hành nghiên cứu khả thi, phải thấy được khả năng hoàn vốn. Nhà đầu tư phải trình bày được những phương thức dùng để thu hồi vốn hoặc phải mang lại lợi ích xã hội để Chính phủ sẵn sàng đầu tư,” ông Bear nhấn mạnh.

Ông Bear chia sẻ về một dự án PPP ở Anh mà ông từng tham gia. Đó là dự án làm một đoạn đường lớn rất quan trọng ở phía Bắc nước Anh.Chính phủ rất mong muốn con đường đó được hoàn thiện bởi vì nó cấp thiết đối với mọi lĩnh vực kinh tế của vùng.

Công ty tư nhân tham gia làm đường không thu phí lưu thông mà họ gắn một vệ tinh để đếm toàn bộ số xe qua lại và Chính phủ trả tiền cho công ty dựa trên số lượng xe lưu thông. Như vậy, dự án này được triển khai không phải vì lợi nhuận mà vì lợi ích xã hội.

“Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi phải chấp nhận rủi ro nếu lượng xe cộ lưu thông không nhiều. Và cũng chính vì chấp nhận rủi ro, nên chúng tôi được hưởng lợi bởi vì rủi ro và lợi nhuận luôn song hành,” ông Bear phân tích.

Tập đoàn Bitexco được Thủ tướng Chính phủ giao lập dự án đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết-với tổng mức kinh phí lên tới 14.355 tỉ đồng. Ảnh: DĐDN

Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Rajat Nag cho biết ADB đang tích cực hỗ trợ cho khối tư nhân tham gia vay vốn và hưởng thụ các lợi ích từ các dịch vụ của ADB. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực hoặc dự án quá phức tạp mà khối tư nhân khó có thể thực hiện nên ADB rất ủng hộ mô hình PPP. Ông Rajat Nag cũng nhấn mạnh là cần lựa chọn kỹ lưỡng những dự án có ý nghĩa thiết thực với xã hội và thực sự có nhu cầu để triển khai.

Cuộc chơi sòng phẳng

PPP có  vẻ là giải pháp tối ưu cho phát triển hạ tầng ở Việt Nam hiện nay nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý nếu không được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ về vốn, và đấu thầu, có thể sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng lại tồi.

Tiêu chí tối thượng của DN là tối đa hóa lợi nhuận nên Nhà nước phải có những cơ chế giám sát và ràng buộc trách nhiệm xã hội của DN tư nhân. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng có thể có cầu, có đường nhưng lại ô nhiễm cho khu vực dân cư xung quanh.

Những năm qua, khu vực tư nhân đã bắt đầu tham gia làm hạ tầng theo kiểu đổi đất lấy hạ tầng nhưng cách đổi không sòng phẳng. Nhờ quan hệ, họ có thể lấy được những chỗ đất có giá trị thương mại cao nhưng công trình lại không có giá trị xã hội tương xứng.

Cũng có trường hợp thỏa thuận cho doanh nghiệp triển khai xây dựng còn Nhà nước giải tỏa mặt bằng nhưng thời gian giải tỏa kéo dài khiến giá đầu vào tăng, doanh nghiệp kêu.

Trước kia bắt đầu triển khai hình thức BOT, các nhà đầu tư nước ngoài hào hứng tham gia nhưng sau đó do triển khai không tốt nên họ rút dần.

“Quan trọng nhất là quy hoạch phải rất minh bạch, tránh trường hợp “lái đất để tránh nhà quan chức” thì nhà đầu tư mới hào hứng tham gia,” bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, PPP không phải là “cuộc chơi” dành cho mọi doanh nghiệp tư nhân. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không nhìn thấy sự hấp dẫn bởi tỷ suất lợi nhuận không cao và quá trình thu hồi vốn lại tốn rất nhiều thời gian.

Nhưng ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc từng phát biểu trên báo chí rằng “các dự án PPP vẫn mang tính ổn định và hấp dẫn đối với những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn. Sau 30 năm, họ vẫn có thể “lượm” được tiền từ các dự án này.”

Rõ ràng, với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi với hàng hoá nhập khẩu để thực hiện dự án, miễn tiền sử dụng đất hoặc thuê đất, sẽ có không ít “đại gia” tư nhân sẵn sàng “nhào vô”, cùng gánh vác rủi ro trong đầu tư cơ sở hạ tầng với Nhà nước.