Trang chủ » Doanh nhân » Việt Nam tránh rập khuôn về kinh tế sáng tạo

Việt Nam tránh rập khuôn về kinh tế sáng tạo

Tác giả:

LTS: Sáng 25/3, bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Kinh tế sáng tạo, đột phá nào cho Việt Nam?” đã diễn ra với các ý kiến tranh luận sôi nổi giữa 3 vị khách mời: TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng và Phạm Kim Hùng, Chủ tịch Công ty CP công nghệ NES. Thậm chí, những quan điểm trái ngược nhau về cơ chế khơi dậy sự sáng tạo đã  được bày tỏ thẳng thắn giữa TS Alan Phan và Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng.

Mời bạn đọc theo dõi lược thuật buổi trực tuyến dưới đây. Nội dung toàn văn buổi trực tuyến sẽ được đăng tải vào thứ Hai tuần tới, 28/3.

Không thể rập khuôn và bắt chước

Mở đầu trực tuyến là những phân tích sâu sắc về mức độ sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Không phải vô cớ khi có khá nhiều ý kiến lo ngại, làm sao Việt Nam có thể bứt phá khi xuất phát điểm của chúng ta vẫn là quốc gia gia công, lắp ráp, rập khuôn công nghệ của thế giới và xuất khẩu nông sản thô. Thứ trưởng Bộ KHCN, ông Nguyễn Văn Lạng, cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này.

Với trải nghiệm 42 năm kinh doanh tại Mỹ, Trung Quốc, từng giảng dạy ở nhiều trường Đại học kinh tế, TS Alan Phan chia sẻ, Trung Quốc ngày nay rất trọng kinh tế sáng tạo. Nhật và Hàn Quốc đã đưa nền kinh tế lên tầm cao chính nhờ sự sáng tạo dù khi bắt đầu Nhật có nhiều vấn đề như Trung Quốc hôm nay, đó là thói quen copy, bắt chước.

Các vị khách mời tại bàn tròn trực tuyến về kinh tế sáng tạo (ảnh Nguyễn Hoàng)

Nói vậy để thấy rằng “Việt Nam đi sau, nhưng còn thời gian, chúng ta vẫn có thể bắt kịp. Trí tuệ là thứ đột phá rất nhanh chóng, không phải quy trình làm việc cổ điển tuần tự”, vị chuyên gia bày tỏ.

Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng Việt Nam cần học hỏi được quốc gia hình mẫu nào đó trong việc phát triển nền kinh tế sáng tạo, ông Alan Phan nói rằng: “Đã gọi là sáng tạo thì không nên bắt chước, copy một quốc gia nào về hình mẫu. Mình phải tạo con đường riêng của mình”.

Dám mạo hiểm là điều tiên quyết 

Trong một nền kinh tế sáng tạo thì phải có những doanh nghiệp sáng tạo. Song nhiều cuộc điều tra cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé, vẫn dùng công nghệ lạc hậu, thiên về nhập khẩu, lắp ráp. Chia sẻ tại buổi trực tuyến về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng khá lạc quan.

Say sưa kể lại những câu chuyện về doanh nghiệp công nghệ mà ông Lạng ấn tượng, có thể nói, vị lãnh đạo này luôn nhìn thấy tiềm năng và giá trị sáng tạo lấp lánh ở mọi nơi. Ví dụ đầu tiên ông kể đến là công ty Robot TOSY.

“Họ có một ý tưởng hơi khác! Khi tôi đặt vấn đề với họ: Các nước tiên tiến làm người máy robot sớm hơn rất nhiều nhưng tại sao, bạn vẫn lao vào con đường làm người máy, trong khi người Nhật, người Mỹ đã rất giỏi. Ông chủ của TOSY đã trình bày với tôi rằng, các nước làm robot nhưng họ có giá thành cao hơn rất nhiều. Chúng tôi có thể làm người máy nhưng giá sẽ thấp hơn rất nhiều lần so với robot cùng loại của nước Nhật”.

Ông Lạng cho biết, TOSY vừa thành công với sản phẩm đĩa bay 3,5 triệu USD đơn đặt hàng nước ngoài. TOSY cũng đã làm được robot đánh bóng bàn. Và tham vọng của TOSY phải có doanh số hàng tỷ USD, là 2 tỷ USD trong một thập kỷ tới.

Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn văn Lạng: “Chúng ta đi sau thì chúng ta phải chọn công nghệ cao” (ảnh Nguyễn Hoàng)

“Họ đặt ra một con số rất rõ. Chúng ta sẽ chờ xem sáng tạo đó có thể thành công không? Tôi nghĩ đó là điều kiện đầu tiên, quan trọng và tiên quyết cho việc phát triển một nền kinh tế sáng tạo”, vị Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những câu chuyện về Trung Nguyên, Vietel, Naiscopr… của Việt Nam, là những người khổng lồ như Facebook, Google và Apple liên tục được nhắc tới.

Tại bàn tròn trực tuyến, chủ tịch Công ty CP Công nghệ Nes Phạm Kim Hùng rất khiêm tốn. Phần lớn trong câu chuyện của mình, vị CEO 8x này chỉ chia sẻ về những bài học trải nghiệm riêng trong những tháng ngày du học ở Mỹ.

Nền kinh tế thế giới đang chuyển động một cách chóng mặt. Có những sự sáng tạo không ngừng có thể làm thay đổi thế giới.

Theo Thứ trưởng Lạng, chúng ta đi sau thì chúng ta phải chọn công nghệ cao. Muốn công nghệ tiên tiến tốt thì chúng ta phải tạo ra công nghệ lõi, công nghệ nguồn, muốn vậy thì đó phải là sáng tạo của người Việt, là sản phẩm của người Việt.

Chính phủ đã phê duyệt đề án chương trình phát công nghệ, có cả những ưu đãi về vốn, về hạ tầng. Thậm chí, Chính phủ cũng đang cân nhắc lập Quĩ đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, ông Alan Phan khuyến nghị, trong bối cảnh lạm phát, bội chi hiện nay, hãy tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho sáng tạo từ khu vực tư nhân, hơn là trông chờ vào Ngân sách Chính phủ.

Ông Lạng nói rằng, sáng tạo đồng nghĩa với mạo hiểm. Sáng tạo đồng nghĩa với ước mơ, hoài bão, tham vọng. Sự sáng tạo không phải điều gì quá cao xa, nó rất gần gũi ngay trong cuộc sống. Nó có thể nằm ngay ở hạt gạo chúng ta ăn, nếu nó nhắc ta nhớ ngay đó là gạo Việt Nam.

Còn TS ALan Phan chia sẻ: Doanh nghiệp Việt Nam cần phải có tư duy phải biết chấp nhận thất bại và không sợ thất bại. Thất bại hay nghèo khó không phải là điều xấu hổ. Sáng tạo là một hành trình cô đơn. Phải biết chấp nhận điều đó, cứ cắm cúi mà làm thôi.

Việt Nam có GDP trên 100 tỷ USD, xuất khẩu trên 80 tỷ USD. Trong đó, nông nghiệp và xuất khẩu thô chiếm 25% kim ngạch, còn lại là sản phẩm công nghiệp nhưng chủ yếu là lắp ráp, như may mặc, giày da, đồ gỗ, các lắp ráp điện tử bán dẫn, cơ khí khác, kể cả đóng tàu.