Trang chủ » Doanh nhân » Chân trời mới cho thiện nguyện phi lợi nhuận

Chân trời mới cho thiện nguyện phi lợi nhuận

Tác giả:

Năm 1984, anh sinh viên nhãn khoa Jordan Kassalow tham gia một đợt tình nguyện chữa trị mắt miến phí cho những người dân nghèo vùng nông thôn Mexico. Rất nhiều trong số họ từng khổ sở không thể kiếm việc làm, chỉ vì thị lực yếu mà không có đủ tiền mua kính thuốc. Kassalow nhận thấy rằng, khoảng 70% các bệnh nhân này có thể đeo loại kính mẫu làm sẵn để trưng bày tại các hiệu thuốc. Anh tự hỏi “Tại sao chúng ta không thử phổ biến cho người dân địa phương cách mua bán kính mắt phù hợp?”.

Mười bảy năm sau đó, Kassalow cùng đồng nghiệp Scott Berrie thành lập một tổ chức phi lợi nhuận – nay lấy tên VisionSpring. Mạng lưới VisionSpring thông qua 9.000 nữ nhân viên đã phân phối 600.000 cặp kính tại 7 quốc gia, trong đó có Bangladesh, Ấn Độ và Nam Phi. Tháng 2/2010, VisionSpring khai trương cửa hàng đại diện đầu tiên ở El Salvador, cung cấp kính thuốc thông thường và kính mắt chất lượng cao- kê tại chỗ theo đơn thuốc của bác sĩ nhãn khoa.

Chỉ với 290.000 USD thu nhập trong cả năm 2010, VisionSpring vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các nguồn đóng góp tài trợ: Trong năm 2010, số tiền các nhà hảo tâm trợ giúp cho tổ chức lên tới 1.7 triệu USD. Kassalow – nay 49 tuổi- chưa hài lòng với điều đó. Mục tiêu của ông là xây dựng được một tổ chức từ thiện có thể tự túc nguồn cung tài chính: “Chúng tôi dùng đến những đồng đô la cuối cùng để tìm cách tạo lập một mẫu tổ chức có khả năng kinh doanh sinh ra lợi nhuận”.

Kasslow trong các chiến dịch từ thiện của mình.

Tham vọng của ông đang từng bước trở thành hiện thực. Năm 2005, Kassalow trang bị vốn cho mỗi nhân viên bán hàng – phần lớn là những phụ nữ lớn tuổi và các bà mẹ đơn thân đang xoay sở đủ cách để kiếm thêm thu nhập – một bộ “đồ nghề” 25 cặp kính râm. Cả bộ trị giá khởi điểm 75 USD, (2.5 USD/cặp); họ sẽ bán lại với giá khoảng 4 đến 7 USD/đôi kính.

Tuy nhiên, khi những người phụ nữ này đã vận động hết tiềm lực mua hàng từ bạn bè, hàng xóm hay cả từ các làng lân cận, họ nhanh chóng không thể “tẩu tán” thêm sản phẩm nữa. Kể cả nếu lượng kính tồn lại được bán hết, VisionSpring vẫn chịu thua lỗ: tổng thiệt cho một cặp kính bao gồm sản xuất, vận chuyển, huấn luyện người bán hàng là 17.5 USD. “Như vậy, chúng tôi làm rất tốt công việc thiện nguyện và rất tệ trong công việc kinh doanh”, Kassalow cười.

Ba năm sau đó, Kassalow đi một bước tiến lớn khi hợp tác với BRAC. BRAC là một tổ chức hỗ trợ tín dụng cho các nước đang phát triển, đặt trụ sở tại Bangladesh; thuê nữ nhân công bán các mặt hàng chăm sóc sức khỏe như băng sơ cứu, aspirin.

Kassalow nhận thấy rằng 80,000 người bán hàng tháo vát của BRAC sẽ giúp VisionSpring mở rộng quy mô đáng kể khi không phải trừ hao chi phí cho huấn luyện và quản lý nhân sự. Trong năm 2008, VisionSpring bán được 98,000 đôi kính với giá 1.7 USD/cặp – nhưng vẫn chịu thiệt 9.3 USD mỗi đôi. Một năm sau, 2009, doanh số là 201,000 đôi và chỉ còn chịu mất 7 USD/đôi. Tuy thế, cứ với tốc độ này, muốn tránh được thua lỗ chỉ có một cách là lượng kính  bán ra phải vượt con số 1 triệu.

Năm ngoái, Kassalow bắt đầu triển khai chăm sóc nhóm khách hàng cần loại kính đặc biệt hơn những loại kính mắt đang được phân phối. Vì vậy, tháng Hai vừa qua, cửa hàng tại El Salvador ra đời. Kính cao cấp được bán với giá 15 USD/đôi; dịch vụ khám và kê đơn tại chỗ bởi bác sĩ của cửa hàng là 4.50 USD/người. Người bán hàng nếu giới thiệu khách đến mua kính ở đây cũng sẽ được hưởng hoa hồng 1 USD. Kassalow cho biết chi nhánh El Salvador (bao gồm cửa hàng và bán hàng bên ngoài) đã cho lợi nhuận từ năm 2010.

Để tiếp tục hạn chế phí tổn, Kassalow ký hợp đồng với các nhãn hiệu có tiếng như ClearVision và FGX International. Dẫn lời Alec Taylor, giám đốc điều hành FGX: “VisionSpring đang trải thảm đỏ cho chúng tôi bước vào thị trường mới” FGX đang cung cấp 10.000 cặp kính cho VisionSpring, với chiết khấu đáng kể. Và như thế, ước mơ và viễn cảnh Kassalow hướng tới đang trở thành hiện thực.