Trang chủ » Điểm nóng » Thừa công suất, xe máy nội ngắc ngoải

Thừa công suất, xe máy nội ngắc ngoải

Tác giả:

Cung gấp đôi cầu

Hiện các doanh nghiệp sản xuất xe máy đang không ngừng gia tăng đầu tư để nâng cao công suất.

Mới đây, công ty HondaViệt Nam đã quyết định đầu tư thêm 120 triệu USD xây dựng nhà máy xe máy thứ ba tại tỉnh Hà Nam, nâng năng lực sản xuất xe máy của doanh nghiệp này lên 2,5 triệu xe/năm.

Không chấp nhận thua kém, doanh nghiệp xe máy lớn thứ hai là Yamaha Việt Nam cũng chuẩn bị chi 2 tỷ yên (tương đương 50 triệu USD) để tăng công suất của nhà máy tại Hà Nội lên gấp hai lần hiện nay, hướng tới sản lượng 1,5 triệu xe/năm.

Piaggio Việt Nam sau khi đưa nhà máy thứ nhất với công suất 100.000 xe/năm vào hoạt động (tháng 6/2009), hiện đang đầu tư nhà máy thứ hai để nâng công suất sản xuất xe máy lên 300.000 xe/năm.

Tập đoàn SYM (Đài Loan), hiện có nhà máy sản xuất xe máy tại Đồng Nai và Hà Nội với công suất 300.000 xe máy/năm và Suzuki Việt Nam cũng có 2 nhà máy sản xuất xe máy  tại Đồng Nai với công suất 200.000 xe/năm.

Ngoài ra còn phải kể đến các doanh nghiệp xe máy 100% vốn trong nước hiện cũng còn giữ công suất khoảng 100.000 xe/năm.

Tổng cộng, tính tới cuối năm 2012, khi các nhà máy mới của Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam và Piaggio Việt Nam đi vào hoạt động, thì tổng công suất xe máy của các doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 5 triệu xe/năm.

Trong khi đó, sức tiêu thụ xe trên thị trường có hạn. Số liệu từ công ty Honda Việt Nam cho thấy, năm 2009, Việt Nam tiêu thụ 2,75 triệu xe máy, tăng 8% so với năm 2008. Sang năm 2010, riêng bốn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là Honda, Yamaha, SYM và Suzuki đã tiêu thụ được 2,69 triệu xe. Nếu tính cả số xe tiêu thụ của Piaggio, của các công ty 100% vốn trong nước và xe nhập khẩu (92.000 chiếc) thì lượng xe tiêu thụ cả nước vào khoảng 3 triệu xe, tăng trưởng so với năm 2009 khoảng 10%.

Như vậy, có thể khẳng định công suất sản xuất xe máy sắp tới của Việt Nam sẽ vượt xa so với nhu cầu.

Có lạc quan “tếu”?

Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn lạc quan vào sự tăng trưởng của thị trường xe máy Việt Nam. Không đưa ra con số dự báo tăng trưởng các năm tới, nhưng ông Tetsuya Kawahara, trợ lý giám đốc điều hành khối bán hàng xe máy của Honda Việt Nam, cho rằng “thị trường xe máy Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Mức sống của người dân ngày càng nâng cao, tiêu chuẩn lựa chọn xe cũng sẽ cao hơn hiện tại và nhu cầu cũng sẽ đa dạng hơn”.

Công ty Honda cũng cho biết quyết định nâng công suất sản xuất xe máy lên 2,5 triệu xe/năm là nhằm giải quyết sự mất cân bằng giữa nguồn cung – cầu của xe máy Honda thời gian vừa qua – điều này vốn gây nên vấn đề giá xe cao, đặc biệt là các dòng xe tay ga. Vì thế, việc tăng công suất được kỳ vọng sẽ đáp ứng kịp thời và tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Yamaha và Piaggio cũng nhận định, sản lượng hiện thời chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nên phải tăng công suất.

Có ý kiến nhận xét rằng, không cần hoạt động hết công suất, chỉ cần Honda Việt Nam đạt mức kế hoạch đề ra cho năm 2011 là 1,9 triệu xe và Yamaha Việt Nam đạt 1 triệu xe, thì hai doanh nghiệp này cũng đã chiếm đến 80% thị phần. Nếu  hoạt động hết công suất, thời gian tới, chỉ cần 3 doanh nghiệp là Honda, Yamaha và Piagio Việt Nam sẽ chiếm trên 4 triệu xe, vượt xa nhu cầu của thị trường.

Nhưng, theo dự báo của Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, khi lượng xe máy tại Việt Nam đạt tới con số 30 triệu xe, thị trường sẽ bão hòa. Thời điểm này dự báo sẽ rơi vào những năm 2017-2020.

Bộ Công Thương cũng cho biết, tổng số dân của Việt Nam vào năm 2020 là khoảng 99,6 triệu người, và số xe máy lưu hành đạt khoảng 33,5 triệu chiếc, đưa tỷ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam lên tới 2,97 người/xe. Tại Thái Lan, tỉ lệ này hiện nay là 2,9 và đã đạt mức bão hòa. Trong thời gian từ nay đến năm 2020, tăng trưởng xe máy không còn cao nữa.

Sự biến mất của các doanh nghiệp nội

Như vậy cuộc cạnh tranh trên thị trường xe máy sẽ ngày càng khốc liệt. Khi công suất dư thừa, cung vượt cầu thì giá phải giảm. Sẽ có những doanh nghiệp không thể tồn tại. Và trong cuộc đua tranh này, thiệt thòi và yếu thế nhất chính là các doanh nghiệp xe máy 100% vốn trong nước.

Nếu năm 2000, Việt Nam có 57 doanh nghiệp xe máy 100% vốn trong nước (số liệu năm 2005). Số lượng lắp ráp xe năm 2000-2001 khoảng 1,268- 2,169 triệu chiếc, chiếm 86% thị phần. Song, đến năm 2010, rất nhiều doanh nghiệp xe mấy nội biến mất. Đến nay, cả nước chỉ còn 5-10 công ty còn sản xuất. Sản lượng lắp ráp cũng rất thấp, chỉ vào khoảng 57.000 xe các loại.

Điểm yếu của các doanh nghiệp xe máy 100% vốn trong nước là kiểu dáng mẫu mã riêng không có, phải vay mượn và sao chép nhiều,  thương hiệu không mạnh, chất lượng không cao.

Trong khi đó, xe máy của các doanh nghiệp FDI thì có thương hiệu mạnh, chất lượng tốt, dịch vụ bảo hành bảo dưỡng rộng khắp. Giá cả nhiều mẫu xe cũng khá thấp, chỉ cần từ 11 triệu đồng cũng sở hữu được một chiếc xe nên tất yếu người tiêu dùng quay sang lựa chọn các dòng xe do doanh nghiệp FDI sản xuất.

Cạnh tranh trên thị trường xe máy đang ngày càng khốc liệt. Thời gian, tới cơ hội tồn tại của các doanh nghiệp xe máy nội được dự báo sẽ không còn nhiều.