Trang chủ » Điểm nóng » Tái cấu trúc kinh tế và cuộc đổi mới lần hai

Tái cấu trúc kinh tế và cuộc đổi mới lần hai

Tác giả:

Làm sao để tái cấu trúc phải trở thành nhu cầu tự thân bức thiết ở mọi bộ ngành, doanh nghiệp, phải sục sôi mạnh mẽ như những năm đầu của thời kỳ đổi mới 20 năm trước?

Hai cuộc khủng hoảng và cái giá của tăng trưởng chiều rộng

Nhìn lại 20 năm qua, Việt Nam đã có 4 kế hoạch 5 năm. Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, giai đoạn 5 năm đầu (1991-1995), nền kinh tế Việt Nam có sức bật mạnh nhất. GDP vào năm 1995 đã tăng 9,5% là mức cao nhất cho đến nay. Sang năm 1996, GDP vẫn ở mức tương đương.

Động lực làm nên sự tăng trưởng thần kỳ này chính là đổi mới thể chế, Việt Nam chuyển từ cơ chế cũ tập trung bao cấp sang mở cửa hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới, xác định con đường kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của tăng trưởng này chỉ kéo dài 4 năm từ 1992-1996. Khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ vào năm 1997 đã phủ bóng ảm đạm lên nền kinh tế Việt Nam ở 4 năm kế tiếp (1997-2000). GDP bị kéo tuột xuống mức 4,8% vào năm 1999, là đáy suy giảm tính tới nay, cho thấy nội lực của kinh tế Việt Nam còn yếu ớt và lệ thuộc lớn vào bên ngoài.

Sau 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn dậm chân ở nấc 1 của quá trình công nghiệp hóa (ảnh P.Huyền)

Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Giai đoạn 5 năm thứ ba, 2001-2005, kinh tế Việt Nam lại bứt phá với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2005, GDP đạt 8,4%, năm 2006 tăng 8,2%. Lý do cho sự hồi sinh này là diễn biến kinh tế khu vực và thế giới thuận lợi, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000, luật Đất đai đã hậu thuẫn cho sự bùng nổ kinh tế tư nhân.

Giai đoạn 5 năm lần thứ tư, 2005-2010, Việt Nam vào WTO và nhận được nhiều lời tán dương như là một ngôi sao đang lên, có thể trở thành con rồng, con hồ của châu Á. Nhưng rốt cục, khủng hoảng tài chính Mỹ đã kéo Việt Nam xuống cái đáy thứ hai của suy giảm với mức GDP 5,32% vào năm 2009.

Giờ đây, mở đầu cho kế hoạch 5 năm mới (2011-2015), nền kinh tế lại lâm vào tình trạng tái lạm phát cao, dự kiến trên dưới 18% và tăng trưởng thấp, dự kiến 5,8-6%, bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng. Lo ngại hơn nữa là những cảnh báo về một đợt suy thoái kép bên ngoài có thể lại diễn ra.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam bấy lâu dựa trên lợi thế lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, phụ thuộc xuất khẩu, dựa trên vốn đầu tư. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng này đã trở thành con dao hãi lưỡi.  Chúng ta định hướng là một nước xuất khẩu mạnh nhưng rồi lại rơi vào cảnh nhập siêu triền miền, thu hút FDI với lượng vốn khổng lồ nhưng khả năng hấp thụ lại quá hạn chế và càng hội nhập sâu trong WTO, nền kinh tế càng bị tổn thương bởi việc chấp nhận cắt bỏ hàng rào thuế quan trong khi năng lực sản xuất trong nước vẫn thấp kém.

Ngoài thành tựu lớn nhất là trở thành nước có thu nhập trung bình, sau 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn dậm chân ở nấc 1 của quá trình công nghiệp hóa, tức là vẫn ở giai đoạn gia công, lắp ráp là chủ yếu.

Đổi mới lần hai: chất lượng hơn GDP danh nghĩa

Sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta vẫn còn nằm ở vị trí của nhóm 40% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Chưa nói tới giấc mơ trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 thì thành tựu “nước thu nhập trung bình” mới đạt được cũng đang rất mong manh. Áp lực cho nền kinh tế Việt Nam phải tái cơ cấu, đổi mới chiều sâu để có nội lực mạnh, sức cạnh tranh cao đang rất cấp bách.

Tái cấu trúc nền kinh tế là việc làm cấp thiết hiện nay (ảnh P.Huyền)

Theo kế hoạch của Chính phủ, trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 là 3 lĩnh vực gồm đầu tư công và phân cấp đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư, nhiệm vụ cấp thiết là lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, giảm đầu tư công, điều trị tận gốc căn bệnh xin -cho, chạy đua thành tích bằng mọi giá, đầu tư ồ ạt, dài trải mà không tính hiệu quả kinh tế. Cụ thể như việc quán triệt nguyên tắc chỉ khuyến khích sản xuất, tăng thu ở những địa bàn có lợi thế tiềm năng thực sự, mang lại hiệu quả lợi nhuận, tạo ra nguồn thu đúng và đủ. Việc lập dự toán ngân sách Nhà nước dựa trên kết quả đầu ra thay vì đầu vào như hiện nay.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ sẽ rà soát làm rõ nguyên nhân chậm trễ quá trình cổ phần hóa DNNN, đánh giá toàn diện hiệu quả, tình trạng thua lỗ của Tập đoàn, Tổng công ty và từ đó hoàn thiện tái cơ cấu các đơn vị này, đổi mới quản trị.

Trọng tâm thứ ba là ở lĩnh vực ngân hàng, được cho là cấp bách nhưng nhạy cảm với sự ổn định của nền kinh tế. Tái cơ cấu ngành này sẽ theo hướng giảm bớt số lượng các ngân hàng thương mại, xác đinh lại qui mô cần thiết, nâng cao chất lượng các tổ chức tín dụng.

Có thể nói, đề bài tổng thể của câu chuyện tái cơ cấu này thì đã rõ nhưng giải pháp chính sách cụ thể vẫn còn mơ hồ. Tái cấu trúc nền kinh tế đã được nhắc tới rầm rộ từ 3 năm trước khi khủng hoảng tài chính Mỹ xảy ra, để rồi giờ đây vẫn còn là dự án trên giấy. Kế hoạch của Chính phủ đặt ra cho thấy sẽ phải mất thêm 1 năm nữa để “nghiên cứu, làm đề án” trước khi đi vào hiện thực!

Thẳng thắn nhận định, TS Trần Du Lịch cho rằng, mọi mục tiêu của các kế hoạch 5 năm trước dường như chỉ chú trọng vào tốc độ tăng GDP, mà không chú trọng vào chất lượng tăng trưởng. Các kế hoạch này đều có nội dung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng trên thực tế không có chính sách để thúc đẩy sự chuyển dịch, như qua hệ thống luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô.

Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cấu trúc phải như câu chuyện đổi mới kinh tế 20 năm trước của Việt Nam. Chính phủ cần tạo ra những chính sách mà ở đó, các thành phần kinh tế phải tìm được động lực đổi mới cho mình, các địa phương không ham thành tích tăng trưởng bất chấp mọi giá như hiện nay.

Đã có ý kiến cho rằng, có thể Chính phủ không cần đặt mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu % như một chỉ tiêu cứng vì đó chỉ là GDP danh nghĩa mà quan trọng hơn là phải đi vào từng lĩnh vực với các thước đo hiệu quả cụ thể.

Như TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, mục tiêu kinh tế của Nhà nước phải thể hiện qua chính sách cụ thể nhằm  tác động vào thị trường, chính thị trường sẽ tác động vào định hướng đầu tư hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, tái cơ cấu không phải là chính sách hô hào, kêu gọi hoặc là mệnh lệnh hành chính, hiển nhiên là động lực của sự phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.