Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Còn hờ hững với DN lớn, nộp thuế nhiều

Còn hờ hững với DN lớn, nộp thuế nhiều

Tác giả:

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, cùng với các bất cập nội tại nền kinh tế khiến chính sách tài khóa của Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập trên nhiều mặt như thu ngân sách thiếu tính bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào các khoản thu không tái tạo, không bền vững như khoản thu từ bán tài nguyên, đất đai…

Cùng với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và cam kết gia nhập WTO, hàng rào thuế quan sẽ ngày một thu hẹp, do vậy khả năng thu từ hoạt động nhập khẩu sẽ giảm sút trong những năm tới… Những sức ép về việc giảm thâm hụt ngân sách và tập trung nhiều hơn các các biện pháp kích cầu buộc Chính phủ Việt Nam nhìn nhận và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thu ngân sách, chủ yếu thông qua nguồn thu từ thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đóng vai trò quan trọng.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam

“Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17 tháng 5 năm 2011 tại Quyết định số 732/QĐ-TTg. Bộ Tài chính cũng đã có Quyết định 2162/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và các đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch cải cách hệ thống thuế là hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và theo cơ cấu tăng nguồn thu nội địa (không kể dầu thô) trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Tôn vinh 1.000 DN nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (ảnh VNR)

Mục tiêu cụ thể đặt ra là hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện bảo đảm bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.

Về chính sách thuế đối với thuế TNDN, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 đề ra phương hướng:

Thứ nhất, điều chỉnh giảm mức thuế suất TNDN theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh;

Thứ hai, đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;

Thứ ba, bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; bổ sung các quy định để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế như: hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế, hiện tượng “vốn mỏng” khi xác định chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay, điều chuyển hoặc đánh giá lại tài sản khi tái cơ cấu doanh nghiệp, thỏa thuận trước về giá của các doanh nghiệp liên kết.

Chưa động viên doanh nghiệp lớn, nộp thuế nhiều

Chính sách thuế TNDN là công cụ điều tiết vĩ mô, yếu tố tăng tính cạnh tranh giữa các quốc gia. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, một số quốc gia đã điều chỉnh hệ thống chính sách thu ngân sách thông qua cải cách cơ cấu hệ thống thuế (nâng cao vai trò của thuế thu nhập, thuế tiêu dùng), chính sách giảm dần thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN).

Điển hình, Chính phủ Nhật đã ra quyết định cắt giảm thuế TNDN từ 40%  xuống 35%, áp dụng từ ngày 1/4/2011.  Mục tiêu của Nhật là giảm thuế doanh nghiệp về mức 25-30%, ngang với ở các quốc gia là đối thủ cạnh tranh ngang tầm của nước này, trong thập niên tới (Thuế TNDN ở Mỹ là 35%, ở Anh hiện ở mức 28%, ở Trung Quốc là 25%). Động thái này nhằm đáp ứng lời kêu gọi của cộng đồng doanh nghiệp Nhật, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vật lộn với tốc độ tăng trưởng trì trệ. Với việc cắt giảm thuế nói trên, Nhật Bản hy vọng sẽ có thêm nhiều việc làm và hoạt động đầu tư sẽ được đẩy mạnh trong nền kinh tế Nhật. Nhật Bản cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Nhật sử dụng số tiền thuế TNDN tiết kiệm được cho mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống lại tình trạng giảm phát kéo dài.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang chờ đợi Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế suất TNDN, nhưng có lẽ điều này sẽ không diễn ra sớm. Quyết định 21/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gia hạn nộp thuế TNDN đã cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian một năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V). Chính phủ có Nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình Quốc hội cho giảm một phần thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa (đang thuộc diện được giãn) như: doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày…

Việc Chính phủ thực hiện giãn, và đề xuất giảm thuế cho DN sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Nhưng về lâu dài, chính sách giảm thuế sẽ kích thích sản xuất và phát triển, tăng cường nguồn vốn cho DN tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh và giúp bồi dưỡng nguồn thu.

Chính sách miễn giảm thuế TNDN đang thực hiện tập trung ưu tiên cho những DN nhỏ và vừa – những doanh nghiệp khó khăn nhất và cần được tiếp sức sớm nhất, đã tạo ra những tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đang nộp thuế nhiều và liên tục thì Chính phủ vẫn chưa có chính sách hỗ trợ, động viên nào. Cần khách quan mà nhìn nhận rằng, chính việc giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp lớn – các doanh nghiệp là đầu tàu, là quả đấm thép, các doanh nghiệp tạo nên diện mạo của nền kinh tế Việt Nam mới thực sự kích thích sản xuất và tăng trưởng.

Hiện tại, các doanh nghiệp nộp thuế nhiều mới chỉ được vinh danh trong các chương trình như Bảng xếp hạng Top 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong ba năm liên tục (V1000) do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report)  phối hợp với Báo VietNamNet công bố.

Hy vọng rằng trong khuôn khổ Chiến lược và Kế hoạch thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chính phủ và Bộ Tài Chính sẽ sớm đưa ra lộ trình phù hợp, cụ thể để tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.