Trang chủ » Tranh luận » Soi chính xác độ mất vốn của ngân hàng Việt

Soi chính xác độ mất vốn của ngân hàng Việt

Tác giả:

LTS: Tiếp mạch bài “nóng” về tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) – báo VietNamNet giới thiệu bài viết mổ xẻ lý do cần phải nhanh chóng tái cấu trúc các ngân hàng Việt cũng như đề xuất các giải pháp của nhóm tác giả đến từ StoxPlus Corporation. Bài viết cũng khép lại chủ đề này, hy vọng ít nhiều gợi mở hướng đi cho các nhà quản lý. Mời độc giả cùng tham khảo và đóng góp ý kiến.

Bài 1: Ngân hàng Việt đối mặt 3 mối nguy

3 nhóm giải pháp

Kinh nghiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới cho thấy việc xác định kịp thời nợ xấu nợ dưới chuẩn, nhanh chóng huy động vốn tự có để bù đắp các khoản nợ này và thực hiện các biện pháp mạnh trong việc cơ cấu lại ngành ngân hàng là yếu tố thúc đẩy nhanh kinh tế nhanh hồi phục và khôi phục lại năng lực cho vay của lĩnh vực ngân hàng.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và nợ công đang diễn ra, nhiều nước đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng giải cứu hệ thống ngân hàng để làm bàn đạp cho việc khôi phục kinh tế (1).

Chúng tôi phân tích các biện pháp mà các nước trên thế giới đã áp dụng thành công để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”) có thể cân nhắc áp các biện pháp này trong việc hoạch định chiến lược.

Nhóm 1: Tái cấu trúc vốn tự có

Mục tiêu chính của nhóm biện pháp này là phải xác định được mức vốn chủ sở hữu thực tế (sau khi đã lập dự phòng đầy đủ cho nợ dưới chuẩn NPL và giảm giá các tài sản) của hệ thống ngân hàng. Từ đó, Chính phủ mới đưa ra được các biện pháp cụ thể như yêu cầu các ngân hàng phát hành thêm vốn, cho vay thêm hoặc phải yêu cầu các ngân hàng có mức an toàn vốn thực tế dưới mức tối thiểu phải sáp nhập hoặc giải thể. Nếu các ngân hàng không có đủ số vốn tối thiểu tự có sẽ khó tồn tại và khó huy động được vốn trên thị trường do được coi là có mức đội rủi ro mất khả năng thanh toán cao.

1.1. Mua lại ngân hàng hay quốc hữu hóa một phần để tăng vốn

Chính phủ có thể đầu tư vào vốn cổ phần của các ngân hàng. Đây là giải pháp đã được thực hiện tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Khởi đầu tại Anh, Chính phủ đã mua cổ phiếu Royal Bank of Scotland (RBS) với giá 50,5 xu/cổ phiếu và sở hữu 67% ngân hàng này. Chính phủ Anh hiện cũng sở hữu 43% ngân hàng Lloyds. Chính phủ Hà Lan hiện sở hữu Ngân hàng ABN Amro.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại chỉ là tạm thời, chính phủ có chiến lược bán lại cổ phiếu cho khối tư nhân khi hai ngân hàng này hồi phục (2).

1.2. Chuyển các khoản vay của NHNN  sang cổ phần

Theo số liệu báo cáo, tổng các khoản NHNN cho các ngân hàng thương mại vay vào thời điểm 31/12/2010 là 210 ngàn tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), nếu không tính các khoản vay cho các ngân hàng quốc doanh và bán quốc doanh thì tổng dư nợ cho vay là 87 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD).

Theo kinh nghiệm của Thái Lan năm 1998, Chính phủ Thái bắt tất cả các ngân hàng phải hạch toán đầy đủ dự phòng cho các khoản nợ xấu vào chi phí (xóa nợ hay writeoff) và qua đó giảm vốn chủ sở hữu. Khi đó, các ngân hàng có vốn chủ sở hữu rất thấp so với trước khi xóa các khoản nợ xấu. Cũng như phương án 1.1 nhưng điểm hay của phương án này là sau khi writeoff thì vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ rất thấp và khi đó rất có lợi cho Chính phủ. Ví dụ nếu trước khi hạch toán vốn của ngân hàng cần tái cấu trúc và 1.000 tỷ, Chính phủ góp thêm vốn 200 tỷ thì chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên nếu nợ xấu của ngân hàng này cần writeoff là 800 tỷ thì vốn sau khi điều chỉnh chỉ còn 200 tỷ. Khi đó Chính phủ Thái bơm thêm 200 tỷ vào vốn điều lệ tức là đã được sở hữu 50% ngân hàng này.

Đây đã được xem là biện pháp rất cứng rắn của Chính phủ Thái Lan trước sức ép của Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ tiền Tệ Quốc tế IMF, những đơn vị tài trợ chính cho cuộc tái cấu trúc này. Nhiều ngân hàng thương mại Thái đã phải tìm mọi biện pháp tự đi tìm đối tác tăng vốn thay vì sử dụng vốn của Ngân hàng Trung ương Thái.

1.3: Vốn đối ứng (Matching Fund Scheme)

Chính phủ tiến hành rà soát và xác định nhóm ngân hàng “xấu” cần phải tái cấu trúc và lúc đó Chính phủ sẽ khuyến khích nhà đầu tư từ bên ngoài.  Đây là hình thức đồng tài trợ hay đầu tư. Ví dụ nếu nhà đầu tư bỏ 1.000 tỷ vào tăng vốn cho ngân hàng nào đó gặp khó khăn thì Chính phủ cũng cam kết góp vốn thêm 1.000 tỷ để vực dậy ngân hàng này. Vốn này thường được dùng từ các quỹ đặc biệt do Chính phủ lập ra để tái cấu trúc ngành.

1.4: Mở rộng room sở hữu nước ngoài trong thời gian nhất định

Đây là biện pháp mà Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng thành công. Một số ngân hàng được tăng hạn mức cho nhà đầu tư nước ngoài (room) lên mức rất cao, ví dụ 75% từ mức 30% hiện tại của Việt Nam, để nhà đầu tư mới có thể vào kiểm soát, chi phối và vực dậy trong khoảng thời gian 10 năm. Cổ đông nước ngoài phải cam kết sau thời hạn 10 năm thì phải giảm tỷ lệ sở hữu của họ xuống mức theo luật định thông qua việc bán lại cho cổ đông trong nước hoặc chỉ phát hành cho cổ đông trong nước để giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Theo chúng tôi, đây là biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước có thể tính để nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian khó khăn nhất định của một nhóm ngân hàng.

Một số ý kiến cho rằng nên cho nước ngoài chi phối các ngân hàng tại Việt Nam để tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng trong nước. Theo chúng tôi, điều này sẽ làm gia tăng rủi ro bị nước ngoài chi phối ngành huyết mạch này của chúng ta. Nếu bị nước ngoài chi phối  thì hậu quả có thể sẽ vô cùng lớn chứ không phải như một số ngành khác như thức ăn chăn nuôi, một số mặt hàng nông sản vốn đã bị phía Trung Quốc chi phối.

Nhóm 2: Giải quyết vấn đề thanh khoản

Theo nhóm biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra cơ chế thanh khoản đặc biệt, hay còn gọi là Special Liquidity Scheme, và dùng các giao dịch phi tiền mặt như bảo lãnh các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng để tạo sự tin tưởng khi các ngân hàng và các tổ chức cho vay lẫn nhau.

Nhưng không phải bảo lãnh “suông” hay bảo lãnh “ngầm”, NHNN sẽ công khai tính phí bảo lãnh rất cao nhằm cứu thanh khoản của các ngân hàng gặp khó về luồng tiền. Biện pháp này đã từng được áp dụng ở Việt Nam qua trường hợp của ngân hàng Nam Đô sau đó được BIDV mua lại vào năm 1998.

Ngoài ra, để giải quyết thanh khoản, NHNN có thể cho vay nhưng có đảm bảo dưới hình thức trái phiếu có bảo đảm. Ví dụ như một ngân hàng A. muốn vay NHNN 1.000 tỷ đồng thì không phải vay thuần túy mà phải theo trái phiếu có đảm bảo (hay còn gọi là covered bonds). Tức là ngân hàng này phải tìm được ra các khoản vay tốt (có giá trị cao hơn 1.000  tỷ đồng) và gói lại thành các trái phiếu. NHNN sẽ mua trái phiếu bảo (repo) có đảm bằng ròng tiền từ các khoản vay tốt của A. với giá chiết khấu, ví dụ 80%. Lúc đó khoản vay được đảm bởi ròng tiền của các khoản vay thương mại tốt này. Với hình thức này, ngân hàng sẽ có vốn hoạt động và NHNN có được sự an toàn trong việc cho vay các ngân hàng thương mại.

Nhóm 3: Cải thiện lòng tin

Đây có lẽ là giải pháp quan trọng nhất và khó nhất. Để có được lòng tin tốt hơn của công chúng vào hệ thống ngân hàng là minh bạch hóa thông tin và thể hiện một kế hoạch tái cấu trúc mạnh mẽ và quyết liệt. Câu chuyện minh bạch này rất giống với thông điệp của Ủy ban An toàn Giao thông của nước Úc là “hãy để các đối tượng tham gia giao thông biết được những gì đang diễn ra trên đường và rủi ro để tránh họ bị bất ngờ. Còn việc họ tham gia giao thông là một việc họ phải và sẽ vẫn phải làm hàng ngày”.

Ngoài ra, Chính phủ có thể xem xét tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên để gia tăng lòng tin của công chúng. Ở Việt Nam hiện tại, mức bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng (2.500 USD) và đã có một số ý kiến nâng mức bảo hiểm này (3).

Nhóm 4: Nhóm giải pháp chính sách

Cải thiện về môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, ..v..v. Đây là nhóm các giải pháp mang tính lâu dài và đòi hỏi sự đồng bộ. Ví dụ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng muốn thành công thì phải tái cấu trúc cả hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khối các DNNN, các vấn đề về mất cân đối về kỳ hạn cho vay và huy động… Đây là các rất học búa trong mọi chương trình cải tổ bởi nó không đơn thuần là các vấn đề về mặt kỹ thuật tài chính. Bài viết này không đi sâu vào các vấn đề mang nặng tính định tính này.

Việt Nam nên bắt đầu từ đâu?

Để thực hiện các biện pháp trên thì cần có những điều kiện cơ bản về việc xác định một cách rõ ràng và chính xác nhất có thể mức độ mất vốn của các ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Xin lưu ý con số này phải được đưa ra từ các cuộc rà soát đặc biệt với nhiều chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế chứ không phải con số trên sổ sách kế toán do các ngân hàng báo cáo vào công bố.

Xác định rõ chất lượng tài sản, giá trị nợ xấu nợ dưới chuẩn tại các ngân hàng thương mại và tính toán mức dự phòng rủi ro tín dụng từ đó đánh giá mức độ đảm bảo của vốn tự có.

Chúng tôi xin nhấn mạnh lại là các ngân hàng cần phải minh bạch trong việc phân loại kịp thời nợ xấu và nợ dưới chuẩn (non-performing loan “NPL”) để có các biện pháp làm sạch danh mục tín dụng và đảm bảo có đủ nguồn vốn để bù đắp các khoản lỗ.

Cải tổ phải bắt đầu nhìn thẳng vào sự thật. NHNN nên chỉ đạo nghiêm ngặt các ngân hàng thương mại rà soát nghiêm minh chất lượng tài sản, đánh giá trung thực tình hình tài chính sau đó mới nên đưa ra chiến lược tái cơ cấu vốn và tái cơ cấu ngành. Càng trì hoãn công việc này thì sẽ càng làm trì hoãn chương trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (4).

Giải quyết nợ xấu và thanh lý các tài sản không nằm trong hoạt động cốt lõi

NHNN cần nghiên cứu mô hình cho phép các ngân hàng có nợ xấu cao tách biệt hoạt động tốt “ngân hàng tốt “good bank” và các khoản nợ dưới chuẩn NPL “ngân hàng xấu -bad bank” ra hai pháp nhân khác nhau. “Ngân hàng xấu” sẽ tập trung vào giải quyết triệt để các khoản nợ xấu, còn ban lãnh đạo ngân hàng có thể tập trung phát triển hoạt động cho vay mới có hiệu quả “good bank”. Các khoản nợ NPL sẽ được chuyển sang “ngân hàng xấu” theo mức giá thực chất sau khi đã được lập dự phòng đầy đủ. Việc tách biệt giữa “ngân hàng tốt” và “ngân hàng xấu” đã được nhiều nước áp dụng thành công, ví dụ như Ngân hàng Northern Rock tại Anh và nhiều ngân hàng khác ở Mỹ và châu Âu (5).

Rà soát chất lượng tài sản: không có nghĩa là chỉ có tín dụng cho vay

Theo số liệu hợp nhất của 43 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay khách hàng chỉ chiếm chưa đến 60% trong tổng tài sản 175 tỷ USD của các ngân hàng này. 40% còn lại tương đương khoảng 70 tỷ USD thì phần lớn là đầu tư chứng khoán (trong đó có trái phiếu các loại): 25 tỷ USD và cho các ngân hàng thương mại khác vay: 31 tỷ USD. Riêng số dư 25 tỷ USD đầu tư chứng khoán gấp 1,8 lần tổng vốn chủ sở hữu.

Thực tế này theo quan sát của chúng tôi rất nhiều ngân hàng dùng các cơ chế như trái phiếu, đầu tư ủy thác qua hoạt động quỹ đầu tư để hạch toán các khoản tài trợ mang bản chất tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu. Do đó, theo chúng tôi, chất lượng tín dụng cần được đánh giá tổng thể hơn bao gồm cả các khoản đầu tư tài chính và cả các khoản khác trên bảng cân đối tài sản và các tài khoản ngoại bảng thay vì chỉ có dư nợ khách hàng.

Thành lập Ban cơ Tái cấu trúc quốc gia về hệ thống ngân hàng

Khi đã xác định được mức vốn thực của các ngân hàng thương mại sau khi đã bù đắp các khoản thiệt hại về nợ xấu và dự phòng, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp để yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn hoặc phải sáp nhập với nhau để đạt được mức vốn tối thiểu đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng theo như các giải pháp mà tác giả đã phân tích ở phần trên.

Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc và thành lập “Ban Tái cấu trúc Ngân hàng”. Theo tác giả, mục tiêu của Ban đặc biệt này là: 1) yêu cầu các ngân hàng có vấn đề về vốn tự có phải tăng vốn hay sáp nhập; 2) cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay liên ngân hàng; 3) lập quỹ tái cấu trúc và đầu tư vào các ngân hàng không tự tăng được vốn; 4) đưa ra đề xuất lên chính phủ về việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số trường hợp đặc biệt; 5) đưa ra khung pháp lý để các ngân hàng có thể mua bán nợ NPL.

Khi có Quỹ tái Cấu trúc, NHNN có để mua cổ phần của các ngân hàng có mức vốn dưới tỷ lệ an toàn. Như nêu ở phần trên đây là phương thức rất phổ biến được chính phủ Mỹ và Chính phủ các nước châu Âu đang áp dụng để cứu các ngân hàng của mình (6).

Ngoài ra để đẩy mạnh việc cải tổ hệ thống ngân hàng, Chính phủ cần phải cân nhắc thực hiện đồng bộ chương trình cải cách khối doanh nghiệp để giải quyết các khoản nợ xấu đang treo lơ lửng và tạo ra một khối doanh nghiệp vững mạnh, và từ đó khôi phục lại sức mạnh của hệ thống tài chính. Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết về vấn đề liên quan đến tăng cường cơ cấu nợ doanh nghiệp, thủ tục phá sản và quản trị doanh nghiệp.
______________________

Tham khảo:

(1). Chính phủ Anh bỏ ra 37 tỷ Bảng (tương đương 63 tỷ USD) vốn để quốc hữu hóa một phần ngân hàng Royal Bank of Scotland và Lloyds. Mỹ chỉ cứu AIG (85 tỷ USD) và đã không ngại khi cho Lehman Brothers phá sản. Gần đây nhất, Chính phủ Pháp và Bỉ đã đưa ra kế hoạch EUR 90 tỷ (tương đương 123 tỷ USD) để giải cứu Dexia Bank.

(2). Thực tế trước đó, RBS đã lỗ kỷ lục 24,1 tỷ bảng (tương đương 34.2 tỷ USD) trong năm 2008 do hạch toán dự phòng nợ NPL vào chi phí và do đó ăn gần hết vốn của RBS. Hậu quả là tỷ lệ an toàn vốn CAR thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo yêu cầu và mức 10% theo kỳ vọng của thị trường.

RBS có hệ số dư nợ/tiền gửi là 163% vào năm 2008, có nghĩa là RBS phải đi vay 63% số vốn trên thị trường vốn. Một điểm cực kỳ quan trọng và có thể khác với ở Việt Nam là, khi RBS có hệ số CAR rất thấp thì các ngân hàng và định chế tài chính khác sẽ cắt đứt quan hệ tín dụng với RBS và RBS sẽ mất khả năng vay vốn trên thị trường liên ngân hàng do lo ngại là số vốn còn lại của RBS sẽ không đủ để bù đắp các khoản lỗ trong tương lai. Trong tình huống này, RBS mất thanh khoản hoàn toàn và lẽ đương nhiên, Chính phủ đã ra tay thay vì để phá sản như Lehman Brothers. Chính phủ ra tay bằng cách mua cổ phiếu của ngân hàng với giá rất rẻ (50 xu/cổ phiếu) và yêu cầu RBS thực hiện chương trình tái cấu trúc tài sản và nguồn vốn trong đó bao gồm bán đi hết các tài sản không thuộc phạm vi hoạt động cốt lõi. Tương tự, ngân hàng Lloyds đã phải đóng cửa nhiều chi nhánh ở nước ngoài và bán 300 tỷ bảng tài sản (25% tổng tài sản) không nằm trong hoạt động cốt lõi.

(3). Ví dụ ở Anh đã gia tăng mức bảo hiểm tiền gửi tối đa từ 35.000 bảng (55.000 USD) lên 85.000 (135.000 USD) sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại Philipines, mức bảo bảo hiểm tiền gửi là 500.000 peso (12.000 USD).

(4). Ví dụ ở Thái Lan, để giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1997, Ngân hàng Trung ương Thái (BOT) đã siết chặt quy định về phân loại nợ và chuẩn mực kế toán về lập dự phòng rủi ro tín dụng. BOT đã yêu cầu các ngân hàng thương mại Thái phân loại tất cả các khoản vay quá hạn lãi hoặc gốc ba tháng thành nợ dưới chuẩn không hiệu quả. Kết quả là tỷ lệ NPL tăng lên đến 45% và hàng loạt ngân hàng thiếu vốn hoặc rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán (tổng công nợ lớn hơn tổng tài sản) cần phải tái cấu trúc vốn.

(5). Năm 2010, Ngân hàng “Bad Bank” của Northen Rock báo cáo có lãi 200 triệu bảng (320 triệu USD) do quản lý tốt nợ xấu trong khi Good Bank của ngân hàng này báo cáo… lỗ.

(6). Trước đây tại Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã cho phép và khuyến khích các ngân hàng thương mại thành lập các Công ty Quản lý Nợ và Tài sản xấu “AMC” để thúc đẩy Chương trình Tái cơ cấu Ngân hàng cuối thập niên 90. Theo chúng tôi hiểu mô hình AMC trước đây cũng đã được áp dụng thử ở Ngân hàng Công thương Việt Nam thời khủng hoảng Epco – Minh Phụng năm 2001- 2002 nhưng không được áp dụng triệt để.

Điển hình là thương vụ Bộ Tài chính Anh sở hữu 67% cổ phần của ngân hàng RBS và 43% ngân hàng Lloyds.

Vào thời điểm cuối năm 90, Ngân hàng Trung ương Thái (BOT) đã lập quỹ “Credit Support Scheme”. BOT khuyến khích các ngân hàng hợp nhất như cung cấp vốn đối ứng cho bên mua lại ngân hàng con, và đứng ra bảo lãnh khoản lỗ từ danh mục nợ xấu (sau khi đã lập đầy đủ dự phòng) trong các năm hoạt động đầu tiên. Ngoài ra BOT còn cung cấp vốn cho các ngân hàng dưới dạng vốn cổ phần thông thường và vốn cổ phần có ưu đãi. Các ngân hàng có quyền mua lại vốn đầu tư của ngân hàng BOT với giá gốc cộng với chi phí vốn.