Trang chủ » Kinh doanh » Cổ phần hóa BIDV: IPO khủng thời cạn tiền

Cổ phần hóa BIDV: IPO khủng thời cạn tiền

Tác giả:

Giá bao nhiêu?

Cách đây hơn 3 năm, Vietcombank đấu giá với mức khởi điểm là 100 ngàn đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, thị trường liên tục đi xuống và nhiều nhà đầu tư đã ôm quả đắng vì cho đến hôm nay giá vẫn chỉ mức 22 ngàn đồng/cổ phiếu. Soi lại chuyện cũ của ngân hàng cổ phần đầu tiên CPH và không ít DNNN khác đã IPO với mức giá rất cao nay đều rớt xuống thấp khiến cho không ít nhà đầu tư phải cảnh giác hơn.

Điều này là thực tế vì trong giai đoạn hiện nay, chứng khoán đang khó khăn và nguồn tiền trên thị trường đang có dấu hiệu cạn kiệt. Dẫu biết BIDV là một ngân hàng lớn nhưng điều quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư lúc này là giá đắt hay rẻ.

Nói về điều này, một chuyên gia chứng khoán cho biết, dù là một cổ phiếu tiềm năng nhưng đầu tư vào chứng khoán lúc này, nhà đầu tư đều phải các định dài hạn và ăn cổ tức chứ khó hy vọng cổ phiếu lên giá để “lướt” nên mức giá là yếu tố quan trọng.

BIDV cho biết mức giá khởi điểm đã được tính toán và trình lên Ngân hàng Nhà nước và cơ quan này trình Chính phủ quyết định. Giá khởi điểm chỉ có thể có vào ngày 6/12.

Chứng khoán khó khăn, nhà đầu tư đang cạn tiền nên IPO sẽ có nhiều thách thức.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, vấn đề là quan điểm xây dựng giá của BIDV và các cơ quan quản lý. Nếu thiên về bảo vệ lợi ích và thu lợi từ các tài sản của nhà nước và muốn có mức thặng dư cao thì mức giá sẽ cao. Và tất nhiên, quyền lợi nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ gây khó khăn cho IPO vì trong thời điểm chứng khoán hiện nay, giá cao thì không ai dám bỏ tiền.

Nếu theo giá đúng giá trị DN và nương theo thị trường thì bản thân DN phải vượt qua được “nghi ngờ” về thất thoát tài sản nhà nước, đổi lại sẽ bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư nhưng điều quan trọng hơn là sẽ đảm bảo cho thành công IPO và cả tiến trình CPH về sau như: chọn đối tác chiến lược, niêm yết và bán thêm cổ phiếu… Trong trường hợp này, Vietinbank là một ví dụ.

Trên thị trường hiện nay, đã có nhiều dự đoán về giá cho BIDV, so sánh với các trường hợp ngân hàng và DNNN lớn đã cổ phần hóa, nhiều người đã đặt ra khung dưới hai chấm. Trong khi đó, một cách tính thuyết phục hơn là so sánh giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 40 ngàn tỷ, trong khi số vốn sổ sách là 22 ngàn tỷ là khoảng 1.8 đã được nhiều người đồn thổi.

Chưa thể trả lời về mức giá cụ thể, nhưng đại diện BIDV cho biết, từ các phương pháp định giá tài sản, DN đã có khung giá và đề xuất chọn mức giá đúng với giá trị của DN,  phù hợp với thị trường và có sự dự báo diễn biến để dự phòng cũng như tham khảo bài học các ngân hàng đã IPO. Điều quan trọng là giá phải phản ánh đúng cung cầu. Thành công của IPO chính là bán được hết cổ phiếu với giá tốt nhất có thể.

Đại diện BIDV cho rằng, việc chọn giá sẽ cân đối lợi ích DN, nhà nước và cổ đông nhưng điều quan trọng là cả cơ quan quản lý và DN đều thống nhất rằng, CPH không phải đặt lợi ích thu nhiều tiền mà phải phù hợp với thị trường để đạt mục đích cao nhất là chyển đổi, nâng cao hiệu quả DN. Vì thế, điều đầu tiên là phải có một mức giá phù hợp, Nên lưu ý rằng, nếu so sánh với các DN tương đồng nhưng làm sau, lại rơi vào thời điểm thị trường khó khăn nên sẽ kém hấp dẫn và buộc phải tính toán hợp lý để có thành công.

Thị trường lấy đâu ra hơn 1000 tỷ đồng

Theo phương án CPH, BIDV sẽ bán ra thị trường 3% vốn điều lệ, với số cổ phiếu là 84.754.146 cổ phần. Tính theo mệnh giá, con số này đã là hơn 847 tỷ đồng. Nhưng nếu mức giá khởi điểm cao hơn 1.0 thì số tiền sẽ lên đến hơn 1.000 tỷ thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. So với các vụ CPH ngân hàng khác nước đây, dù tỷ lệ đấu giá thấp nhưng số tiền lại lớn hơn.

Với tình hình thị trường còn khó khăn, nhà đầu tư đang tỏ ra chán nản thì liệu có huy động đủ vốn để nuốt hết lượng cổ phiếu này. Đây là một vấn đề đáng lo ngại khi thị trường đang có dấu hiệu cạn tiền và nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không có nhiều hy vọng về sự hồi phục sớm của thị trường.

Thị trường đi xuống, liệu có nuốt hết hơn 1000 tỷ đồng cổ phiếu.

Tuy nhiên, quan sát diễn biến vĩ mô trong những tuần gần đây cũng như thực tế thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã cho rằng, 3% chắc chắn không thể là một con số lớn so với quy mô thị trường. Đáng nói hơn, thị trường trong những ngày gần đây đang có dấu hiệu ấm lên, đấu giá trái phiếu Chính phủ sau nhiều lần thất bại đã có những phiên thành công lớn. Đặc biệt, với cam kết có những điều chỉnh tín dụng nâng đỡ chứng khoán và BĐS đang là tín hiệu tốt khiến cho thị trường nhiều dấu hiệu đi lên ngày từ tháng 12 này.

Trong khi đó, đại diện BIDV cũng tỏ ra tự tin khi cho rằng, BIDV thực hiện CPH vào lúc thị trường có khó khăn nên đã lường hết các bất lợi. Tuy nhiên, với lộ trình CPH đã định sẵn chúng tôi vẫn nỗ lực thực hiện với mục tiêu cao nhất là đổi mới và tái cơ cấu DN, hướng tới sự phát triển bền vững và dài hạn. Chắc chắn, BIDV sẽ có sự hấp dẫn trên thị trường.

Đối với một DN, việc CPH là phải hướng tới mục tiêu dài hạn và phải khẳng định cam kết đó bằng nỗ lực của mình để tạo niềm tin cho giới đầu tư. Vì thế, những biến động của thị trường dù có ảnh hưởng nhưng nếu thực hiện một cách khôn ngoan vẫn sẽ thành công và có lợi cho dài hạn.

Trong khi đó, khi các nhà đầu tư cá nhân còn khá lo lắng thì tín hiệu từ nhà đầu tư tổ chức lại tỏ ra nhiều lạc quan hơn. Đây là điều khá dễ hiều khi các tổ chức thường hướng tới đầu tư dài hạn và có những toan tính chính xác hơn. Theo tính toán của các công ty chứng khoán thì khi các tổ chức đầu tư, các định chế và thậm chí các DN  trong nước tham gia thì con số 1000 tỷ đấu giá sẽ không có gì là lớn.

Trong một phân tích khác, một chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết, nếu nhiều DNNN CPH trước đây thường lấy con số giá trị vốn thực tế được đánh giá lại, từ đó mới xây dựng giá khởi điểm ở mức cao hơn khiến cho giá khởi điểm rất cao. Trong trường hợp BIDV chỉ lấy giá trị sổ sách để làm căn cứ xác định giá khởi điểm là rất có lợi cho nhà đầu tư và thị trường. Nên biết rằng, chênh lệch giữa vốn định giá lại và vốn sổ sách làm căn cứ ở đây chênh nhau 1,8 lần. Nếu so sánh với nhiều DN với cách làm trước đây thì đó đã là một yếu tố có lợi.