Trang chủ » Điểm nóng » Điện, than, xăng dầu: Tiếp tục tăng theo theo thị trường

Điện, than, xăng dầu: Tiếp tục tăng theo theo thị trường

Tác giả:

Đó là những thông điệp chủ chốt về thị trường hóa giá các mặt hàng chiến lược đưa ra tại hội nghị ngành tài chính của Bộ Tài chính diễn ra hôm 24/12.

Giá than sẽ tăng bằng 80% giá xuất khẩu

Giá cả các mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, là đầu vào của nền kinh tế vẫn luôn là bài toán đau đầu của lãnh đạo Bộ Tài chính. Tại hội nghị ngành tổ chức hôm 24/12, Phó chủ tịch Tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành thẳng thắn nói, chúng tôi đề nghị được tăng giá than trong nước cho điện bằng 90% giá xuất khẩu trong năm tới. Giá than hiện đang chênh 1.191.000 đồng/tấn so với giá xuất khẩu. Tỉnh đã bị hụt tới 2.715 tỷ đồng từ chênh lệch giá than trong nước và bán cho nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Chính phủ chỉ đồng ý cho mục tiêu cố gắng giá than bán cho điện vào năm tới tăng bằng 80% giá than xuất cho các ngành khác.

Nhìn lại câu chuyện thị trường hóa giá than- điện này, thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho hay, giá than chưa được thực hiện theo nguyên tắc thị trường mà Chính phủ phê duyệt là giá bán than cho các đối tượng tiêu thụ than tối đa bằng khoảng 90% giá than xuất khẩu cùng loại. Điểm lại, năm 2011 Bộ Tài chính mới đồng ý tăng 5% giá bán than cho điện. Tuy nhiên mức tăng này chỉ tính bằng 57 -63% giá thành tiêu thụ than năm 2010. Vì chưa tính đủ giá than theo thị trường, cộng với các yếu tố tỷ giá, giá nhiên liệu… nên giá điện điều chỉnh ngày 1/3/2011 mới tăng 15,28% (165 đồng/kwh) so với giá điện năm 2010 trong khi tính đủ thì giá điện phải tăng 49%.

Mới đây, 20/12/2011, giá điện tăng thêm 5% (62 đồng/kWh) nhưng giá than bán cho điện vẫn giữ nguyên. Do đó năm 2012, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện cùng với thời điểm điều chỉnh giá điện bằng khoảng 72% – 80% giá thành tiêu thụ than năm 2010, đồng thời, chưa thực hiện ngay theo nguyên tắc giá bán than cho các đối tượng tiêu thụ than tối đa bằng khoảng 90% giá than xuất khẩu cùng loại.

Giá điện sẽ tăng ở mức kiềm chế theo hướng tạm thời phân bổ một phần các chi phí còn “treo lại” chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện trước đây như: chênh lệch tỷ giá, lỗ lũy kế năm 2010 do mua điện giá cao, giá than bán cho sản xuất điện… , cùng đó tiếp tục các chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo khi điều chỉnh tăng giá điện.

Tạm thời chưa để doanh nghiệp xăng dầu tự định giá

Về mặt hàng quan trọng khác thường gây tranh cãi là xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp chia sẻ, xăng dầu năm 2011 có tăng, giảm, trong đó 2 lần tăng ở tháng 2-3, duy trì giữ giá ở 5 tháng tiếp theo rồi giảm 2 lần ở tháng 8 và 10. Trong khi đó, giá thế giới năm 2011 đều biến động theo xu hướng tăng là chủ yếu. Bằng việc áp dụng các biện pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu xăng, ma dút về 0%; diesel, dầu hỏa về 5% nên mặt hàng này cơ bản đã được bình ổn giá.

Năm 2012, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường vẫn được duy trì.

Năm 2012, ông Nghiệp cho biết vẫn giữ nguyên tắc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở như các mức thuế nhập khẩu xăng, madut vẫn ưu đãi như trên (05 và 5%) chưa đủ so với quy định của Barem thuế hiện hành (cao nhất thuế suất 40%), giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bù từ Quỹ Bình ổn giá.

Vì vậy, trước mắt tạm thời Bộ Tài chính chưa để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tự quy định giá như quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ. Khi giá thế giới giảm, cần khôi phục lại giá cơ sở theo quy định và khi đó, Bộ sẽ giao doanh nghiệp tự quy định giá trong biên độ cho phép được quy định tại Nghị định này.

Bày tỏ quan điểm về điều hành giá nói chung, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, chủ trương của Bộ là kiên trì nguyên tắc giá thị trường đối với điện than, xăng dầu, chậm nhất vào năm 2013. Năm 2012, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Giá, Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành các văn bản, Thông tư, hướng dẫn Luật Giá này, trước mắt phối hợp các Bộ ngành liên quan hoàn thiện  cơ chế điều hành về điện, xăng dầu, các quy chế về bình ổn giá, theo hướng Luật Giá đã quy định.

Mặc dù vậy, nhận định của Bộ Tài chính về khả năng diễn biến giá cả năm 2012 cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Theo bộ này, thị trường trong năm 2012 cũng sẽ xuất hiện những nhân tố kéo giá cả không tăng quá cao, thậm chí bình ổn và có những loại giảm do Chính phủ tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả và thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 11.

Sẽ thanh kiểm tra Petrolimex và EVN

Vấn đề người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất lo ngại nhất là câu chuyện minh bạch giá cả xăng dầu, điện trong các đợt điều chỉnh vừa qua và sắp tới. Bộ trưởng Vương Đình Huệ hứa hẹn, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh giá này với nguyên tắc điều chỉnh liều lượng và thời điểm theo lộ trình phù hợp. Mức tăng giá điện sẽ phải theo lộ trình đủ bù đắp được chi phí hợp lý, lợi nhuận phù hợp không chỉ cho EVN mà còn để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư khác, vì hiện tại nhu cầu về điện của chúng ta rất lớn. Việc nâng giá cũng cần giải pháp hỗ trợ cho người nghèo thu nhập thấp, kể cả thu nhập trung bình. Với đối tượng này, mức tăng giá sẽ thấp hơn.

« Việc tăng giá điện tác động tới CPI rất nhỏ, chúng ta cần đồng thuận chia sẻ với nhà nước, tránh tạo tâm lý “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu EVN tiết giảm chi phí các khâu, giảm bớt tiêu hao điện năng…cùng với đó là thực hiện tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung phát triển ngành điện, đặc biệt trước mắt phát triển hệ thống lưới điện, đảm bảo đồng bộ các khâu sản xuất, cung ứng, truyền tải điện được thông suốt , bộ trưởng Huệ bày tỏ.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành tài chính đã cho hay, đi kèm với điều chỉnh giá, Bộ sẽ áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra tập trung ở các mặt hàng trọng yếu này, tăng cường trên các địa bàn trọng điểm.

Năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện Petrolimex. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị ngoài ngành điện, bán điện cho ngành điện, than bán cho điện, trên cơ sở đó có bức tranh đầy đủ đối với điện lực, nhằm minh bạch quá trình này, đảm bảo cho điều hành giá của Chính phủ theo đúng chủ trương đã vạch ra.

Chỉ đạo hội nghị ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Điện, xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông… vẫn còn bao cấp lớn, cả cho người giàu. Chúng ta sẽ phải kiên trì giá theo cơ chế thị trường.

« Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình điều hành giá theo thị trường, không gây sốc cho nền kinh tế với phải có hỗ trợ cho gia đình nghèo, chính sách », Phó Thủ tướng yêu cầu.