Trang chủ » Điểm nóng » Kinh tế 2011: Những dấu ấn trong một năm biến động

Kinh tế 2011: Những dấu ấn trong một năm biến động

Tác giả:

1. Nghị quyết 11 của Chính phủ: Khẳng định niềm tin trong khó khăn

Cuối năm 2010, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua các mục tiêu: tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế: GDP tăng 7-7,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 7%…

Tuy nhiên, trước nguy cơ về lạm phát tăng cao và bất ổn vĩ mô lộ diện, ngày 24/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước… Đây được cho là sự chuyển hướng đúng đắn để ngăn chặn nguy cơ trước mắt và hướng tới phát triển bền vững.

Sự thực thi các chính sách thắt chặt đã tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ảnh hưởng của nó tới các thị trường tài chính – tiền tệ, bất động sản và khu vực sản xuất gặp khó khăn… nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu đề ra.

Kết quả cuối cùng cho thấy, mặc dù lạm phát vẫn còn cao ở mức khoảng 18% nhưng với tốc độ đã được kiểm soát và giảm dần, GDP tăng trưởng ở mức không hề thấp 6%, các chỉ tiêu vĩ mô được đánh giá ngày càng ổn định… Vì thế, chủ trương này tiếp tục được thực thi trong năm 2012 không gây lo lắng mà trái lại tạo ra niềm tin và sự ủng hộ lớn trong cộng đồng DN và người dân về định hướng và điều hành chính sách.

2. Tái cơ cấu nền kinh tế: Bước chuyển mình để phát triển cao hơn

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đề ra mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Điều này đã trở thành một chủ trương lớn khi vào tháng 10/2011, Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã quyết định thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với mục tiêu: trong 5 năm tới, tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Sau đó, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu DN nhà nước, Bộ KH&ĐT xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… Và rất nhanh chóng, sự kiện tái cơ cấu đầu tiên gây chấn động chính là việc 3 ngân hàng cổ phần Việt Nam Tín nghĩa, Đệ Nhất và TMCP Sài Gòn hợp nhất; tiếp theo Tập đoàn Sông Đà trở thành tập đoàn nhà nước đầu tiên thực hiện tái cơ cấu…

Tái cơ cấu đã trở thành mục tiêu hành động không chỉ của Chính phủ, bộ ngành hay các DNNN mà phương châm chung của cả nền kinh tế để phát triển cao hơn

3. Nóng lại vấn đề kinh tế biển: Phát triển không gian kinh tế rộng lớn và lợi thế của đất nước

Sau những thông tin “nóng” trên biển Đông, vấn đề phát triển kinh tế biển lại được xới lên và trở thành vấn đề nóng trong năm 2011. Biển Việt Nam – một không gian phát triển rộng lớn, một lợi thế kinh tế cần được đầu tư mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự phát triển và hài hòa nhiều mục tiêu lớn

Phát triển kinh tế biển đã được được xây dựng thành một Chiến lược từ 2007, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, nhiều dự án lớn đã được đầu tư lớn… Tuy  nhiên, tất cả vẫn chưa tương xứng và đáp ứng được nhu cầu khai thác và phát triển kinh tế biển. Vì thế, việc đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển kinh tế biển tiếp tục được đặt ra với nhiều yêu cầu và mục tiêu đa dạng hơn phù hợp với tiềm năng và mục tiêu dài hạn của đất nước và dân tộc.

4. Ngân hàng – tiền tệ: Sau biến động hướng tới sự ổn định

Là một lĩnh vực thực thi chính các chính sách của Nghị quyết 11, ngân hàng đã có rất nhiều biến động trong năm 2011. Đáng nói nhất chính là việc chạy đua, cạnh tranh không lành mạnh rồi phá rào lãi suất; những cơn sốt giá vàng gây náo loạn thị trường; tỷ giá biến động và tăng cao trong đầu năm… Có đến ¾ thời gian của năm 2011, thị trường tiền tệ như bấn loạn với những cuộc chạy đua giá vàng, lãi suất, tỷ giá cũng với những nỗi lo về nợ xấu, thanh khoản ngân hàng, làm giá vàng và mất cân đối ngoại hối…

Từ tháng tháng 9, một loạt sự chấn chỉnh mới đã ban hành để thực thi kỷ luật mạnh đưa lãi suất về 14%; chính sách bình ổn giá vàng, hỗ trợ mạnh mẽ các ngân hàng thiếu thanh khoản, ổn định tỷ giá… đưa thị trường dần về ổn định trong những ngày cuối năm. Sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng không chỉ là dấu hiệu 1 năm nhiều biến động, với nhiều bản án kỷ luật, pháp lý được thực thi trong ngân hàng mà còn báo hiệu nhiều chuyển biến mạnh trên lĩnh vực này thời gian tới.

5. BĐS – chứng khoán đi xuống: Tìm lại giá trị thực để chọn hướng đi mới

Thắt chặt tín dụng phi sản xuất với hai trọng điểm là BĐS và chứng khoán; cắt giảm đầu tư công… cộng với những khó khăn khác từ nền kinh tế đã khiến chứng khoán và BĐS bị ảnh hưởng nặng nề, sụt giảm mạnh mẽ.

Cuối năm, chỉ số VN Index vẫn ở mức khoảng 350 điểm còn HNX index xuống mức thấp nhất từ trước đến nay dưới 60 điểm. Các mã cổ phiếu bị mất giá mạnh, nhiều công ty chứng khoán khó khăn và mất thanh khoản, nhà đầu tư thua lỗ nặng nề… Thị trường chứng khoán mất đi sự sôi động và gần như tê liệt chứng năng huy động vốn.

BĐS không chỉ bị ngưng mà còn giảm tín dụng. Không có nguồn vốn, chủ đầu tư không thể triển khai công trình, dân đầu tư hết tiền đầu cơ… thị trường gần như mất thanh khoản, giá cả đã giảm mạnh nhưng nhà đất vẫn đóng băng. Nhiều doanh nghiệp BĐS khó khăn nguy cơ phá sản, nhiều nhà đầu tư đã phải bán tháo đêt thoát thân…

Từ khó khăn này, mới lộ ra những bấp hợp lý của thị trường buộc chính các DN, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhận rõ hơn những điểm yếu để tái cơ cấu nhằm định hướng lại để phát triển đúng thực chất hơn. Ngay từ trong khó khăn, đã có những tín hiệu vui từ những phân khúc nhà đất bình dân, từ vụ IPO của BIDV thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm…

6. DN phá sản nhiều: Sự thanh lọc cho một quá trình cạnh tranh mới

Khó khăn của nền kinh tế mà trực tiếp là lãi suất tăng cao, giá cả đầu vào tăng mạnh, thị trường co hẹp, nhà nước tiết giảm đầu tư, dân cắt giảm chi tiêu… một bộ phận lớn DN đã vấp phải nhiều khó khăn. Thông báo từ VCCI đã cho thất có gần 50 ngàn DN phá sản, ngừng sản xuất, kéo theo nhiều lo ngại về các vấn đề tăng trưởng kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, với 50 ngàn DN so với con số gần 2 triệu đã đăng ký hoạt động không hẳn đã là nhiều. Dưới góc nhìn kinh tế thì đó là một sự đào thải cần thiết, một sự hủy diệt sáng tạo để thanh lọc và chọn lựa những cơ thể khỏe mạnh cho chu kỳ cạnh tranh mới.

Chính vì thế, dù khó khăn và phá sản nhưng trong những khảo sát gần đây, các DN vẫn bày tỏ ủng hộ chính sách chặt chẽ của chính phủ để tạo ra sự ổn định lâu dài. Niềm tin đó của DN như được tiếp thêm sức mạnh khi Nghị Quyết mới về doanh nhân của Bộ Chính trị ra đời đã khẳng định vai trò của doanh nhân và để ra những chủ trương hỗ trợ DN và doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát triển.

7. Vỡ nợ tín dụng đen: Góc khuất của nền kinh tế và sự trả giá của lòng tham

Hiếm có năm nào liên tiếp có các vụ vỡ nợ tín dụng đen như năm nay. Đầu tiên là vụ vỡ nợ trên thị trường chứng khoán của “trùm Như” với thiệt hại cuối cùng có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng và dây dưa tới nhiều ngân hàng. Sau đó là hàng loạt vụ vỡ nợ lớn ở Hà Nội rồi lan ra các tỉnh thành khác như: Thái Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ninh… với số thiệt hài đều từ con số hàng trăm tỷ trở lên…

Tất cả các vụ vỡ nợ đều có liên quan đến sự đầu tư nóng một cách tham lam trên thị trường chứng khoán, vàng, BĐS theo cách huy động tín dụng đen lãi suất cao để đầu cờ hòng kiếm lãi lớn. Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều, giá rớt, nợ không trả được gây ra nhiều vụ đổ vỡ lớn.

Nguyên nhân chính của các vụ đổ bể này xuất phát từ lòng tham và thiếu hiểu biết nhưng từ đây cũng lộ ra một phần còn khuất của nền kinh tế cần được quan tâm chấn chỉnh.

8. Giá thị trường và đòi hỏi minh bạch của các DN độc quyền

Đầu năm 2011, khi lạm phát cao nhưng Chính phủ vẫn buộc phải chấp nhận tăng giá điện, xăng dầu… đó là một phần trong lộ trình giá cả đã và sẽ được thực hiện.

Đỉnh điểm của những lo lắng và tranh cãi quanh giá cả và độc quyền của các DN là khi những quan điểm và con số xung quanh giá xăng dầu, có sự bất nhất giữa Petrolimex, Bộ Công thương với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, kết luận kiểm tra đã được công bố vào tháng 12/2011 cho thấy Petrolimex và các DN xăng dầu không lỗ mà có lãi, thậm chí các DN này còn bị nghi vấn chuyển lãi sang các DN con của mình. Còn với EVN, những thua lỗ, nợ nần, thất bại đầu tư ngoài ngành và nhất là chuyện lượng cao đã trở thành những thông tin gây ra nhiều thắc mắc khi giá điện tăng…

Từ đó, lộ trình giá cả thị trường là điều phải thực hiện nhưng đi kèm đó với sự minh bạch thông tin, xây dựng một thị trường cạnh tranh và cơ chế kiểm soát tốt từ Chính phủ.

9. Môi trường kinh doanh mất điểm: Muốn cạnh tranh quốc tế, phải chiến thắng chính mình.

Những diễn đàn và điều tra cuối năm của các tổ chức kinh tế quốc tế uy tín, các cộng đồng đầu tư lớn đã cho thấy một kết quả không vui khi môi trường kinh doanh của Việt Nam bị mất điểm. Bên cạnh những vấn đề cũ về hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính… thì lần đầu tiên ổn định vĩ mô cũng đã được cảnh báo.

Sự mất điểm của môi trường kinh doanh trong điều kiện kinh tế khó khăn đã gây ra nhiều thất vọng cho các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế. Lời tham vấn từ các đối tác này cho thấy, Việt Nam đã từng đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách môi trường kinh doanh. Thành một nơi hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao với các nước khác. Tuy nhiên, để cạnh tranh quốc tế thành công, điều quan trọng là luôn phải nỗ lực để vượt lên và chiến thắng chính mình.

10. Các công trình lớn quốc gia: Niềm vui và những điều tiếng

Sự kiện nhà ga sân bay Đà Nẵng đưa vào hoạt động cuối năm 2011 có thể xem là điển hình cho một năm nhiều niềm vui những cũng lắm điều tiếng cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Vui mừng khi thông đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, khánh thành đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm; khánh thành thủy điện Sơn La và khởi công Lai Châu… Tuy nhiên, đi kèm đó cũng là những cầu chuyện còn nhiều điều đáng nói của các công trình hạ tầng: đường cao tốc mới làm xong đã bị hỏng, nhà ga sân bay Đà Nẵng quá chậm trễ phải dồn ép và cách chức mới đẩy nhanh tiến độ, sân bay Nội Bài còn nhiều công trình dang dở, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình chậm trễ nhiều lần, cố gắng lắm mới thông xe tạm được 1 phần. Cảng quốc tế Vân Phong sau nhiều năm khởi công vẫn chưa thành hình, giấc mơ về cảng trung chuyển quốc tế chưa biết bao giờ mới thành. Cảng Lạch Huyện ở phía Bắc chậm khởi động, di dời cảng ở TP Hồ Chí Minh thất bại…

Mới đây nhất, các hãng tàu du lịch cao cấp đã từ chối vào cảng Hải Phòng vì hạ tầng yếu kém có lẽ là minh chứng sinh động nhất cho vấn đề này. Việt Nam sẽ còn nỗ lực nhiều để cải thiện điều này.