Trang chủ » Kinh tế 24h » Giới trẻ kiếm Tết để mua điện thoại, laptop

Giới trẻ kiếm Tết để mua điện thoại, laptop

Tác giả:

Vừa bước chân lên xe buýt, Phạm Đức Long (Đại học Luật Hà Nội) đã cầm trên tay cuốn catalo của một hãng mỹ phẩm vừa lẩm nhẩm đọc tên loại mỹ phẩm.

Từ cả tuần nay, mỗi khi đi tới trường, Long tranh thủ học thuộc tên, công dụng và nhớ hình dáng các loại mỹ phẩm để giới thiệu với khách hàng. Long cho biết: “Mình tranh thủ làm thêm vừa kiếm được tiền, vừa tăng khả năng giao tiếp. Nghe bạn bè giới thiệu, mỗi tháng làm tốt cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Cứ thử một tháng có tiền đi về ăn Tết đã”.

Long cho biết, rất nhiều bạn cùng lớp đã nhận các việc làm thêm nhân dịp tết để kiếm thêm. Phổ biến nhất vẫn là tiếp thị hoặc bán hàng hóa theo giờ. Ai năng động và có sức khỏe có thể kiếm được một khoản kha khá để mua thứ mình thích dịp tết. Mình sẽ đổi con điện thoại khá hơn tý để dùng.

Nguyễn Thị Quyên (Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) kết thúc kỳ thi cũng vội vàng tìm việc làm thêm trong thời gian nghỉ. Quyên làm thu ngân cho cửa hàng bánh ngọt ở phố Trúc Bạch: “Từ nay đến tết mà về quê chơi thì phí. Mình học kế toán, làm việc được ở đây cũng ngộ ra được rất nhiều thứ như là sử dụng các phần mềm quản lý trên máy tính”, Quyên tâm sự.

Công việc được các bạn sinh viên tìm kiếm để làm dễ dàng nhất trong thời gian nghỉ chờ tết là giới thiệu và phát miễn phí các sản phẩm tiêu dùng: bột giặt, mỳ chính, mỹ phẩm… ở các siêu thị, chợ, cổng các trường đại học, cao đẳng.

Đây là công việc bán thời gian, các bạn sinh viên làm trong khoảng thời gian ngắn và có thể kiếm được một khoản tiền từ vài trăm tới vài triệu đồng. Vũ Văn Duy (sinh viên Trường Cán bộ Quản lý Giao thông Vận tải) cũng vừa kiếm được chỗ bán hàng, giới thiệu sản phẩm trong siêu thị Big C với mức lương 2 triệu đồng/tháng. “Những việc như thế này được trả lương theo ngày, làm bao nhiêu thì làm, không bị ràng buộc các loại giấy tờ. Có khoảng 1 – 2 tuần nghỉ để chờ học kỳ mới, mình cũng xin đi làm”, Duy chia sẻ.

Quê ở Thái Nguyên, bố mẹ buôn bán, lại chỉ có một mình nên bố mẹ Long đã lo chu đáo cho cậu con trai xuống Hà Nội ăn học. Thế nhưng Long suy nghĩ: “Công việc này cũng không mất nhiều thời gian. Vì thế mình nghĩ nếu làm được thì nên làm. Ngoài giờ lên thư viện, đi tới giảng đường thì mình gặp gỡ bạn bè, người quen để giới thiệu và bán sản phẩm. Mình mong muốn có tiền để mua tặng mẹ bộ mỹ phẩm của Orifame trong dịp Tết”.

Bạn Chu Thị Hoa (Học viện Báo chí Tuyên truyền) được bạn bè giới thiệu đến bán hàng tại Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại số 1 Tràng Tiền. Hàng ngày, từ 7h sáng Nguyệt đi xe buýt từ chỗ ở (khu Trương Định) lên Tràng Tiền để làm việc tới 11h trưa rồi tiếp tục bắt xe về trường học. “Mình làm việc đến khoảng 20 âm thôi. Có đủ tiền mua điện thoại thì nghỉ làm, về quê ăn tết với bố mẹ”, Nguyệt nói.

Trong khi đó, mỗi sáng, Lưu Thanh Loan (sinh viên năm thứ 3, khoa Kế toán, Đại học Lao động Xã hội) dậy lúc 6h30 sáng để đi làm ở Công ty chuyên kinh doanh sim điện thoại đa năng. Mỗi ngày, Loan làm 8 tiếng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. “Ngày nào mình cũng phải nói tới vài chục cuộc điện thoại, tư vấn, giới thiệu sản phẩm. Công việc tuy mệt nhưng vui. Mình mua được những thứ mình thích; rèn luyện khả năng giao tiếp, tạo thói quen sinh hoạt điều độ. Mình đang tiết kiệm để mua một cái Netbook”, Loan hồ hởi khoe.

Còn Nguyễn Thu Giang (Đại học Luật Hà Nội) và một nhóm bạn đang xin làm tiếp thị sản phẩm trong vòng một tuần ở ngay siêu thị Big C. Giang cho biết: “Số tiền kiếm được, mình sẽ cùng các bạn góp lại, mua quà mang cho các em nhỏ ở bãi Phúc Xá, Long Biên. Bọn mình cũng đã quyên góp được một ít quần áo mùa đông ấm. Mình hy vọng, những món quà nhỏ của bọn mình sẽ mang lại niềm vui cho các em ấy nhân dịp Tết sắp về”.

Đi làm thêm có tiền đã hấp dẫn nhiều sinh viên, tuy nhiên, do nhiều người chưa có kinh nghiệm nên cũng gặp không ít sự cố. Rất nhiều bạn đã phải từ bỏ công việc giữa chừng vì chưa quen làm công tác tiếp thị phải đứng hàng giờ nơi đông người, có bạn thì không làm nổi tư vấn khi gặp những khách hàng khó tính… Nhất là những bạn nhận làm bán hàng, những ngày giáp tết thường phải làm việc với cường độ lớn, có khi làm thêm đến khuya… nên đã bị ốm, mất cả tết.

Đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố Hà Nội cho biết, nhu cầu lao động thời vụ dịp tết đang tăng lên. Trong đó, có nhiều vị trí được chính các DN yêu cầu là đối tượng học sinh, hoặc sinh viên làm thêm như: bán hàng, tiếp thị, tư vấn tại chỗ… đây thường là những công việc làm theo giờ và có mức lương khá hấp dẫn đối với các bạn trẻ có ý định làm thêm trong thời gian ngắn”.

Tuy nhiên, những công việc này cũng đòi hỏi một số kỹ năng và nhất là cường độ khá cao trong những ngày sát tết nên các bạn trẻ cần lựa chọn kỹ khi quyết định.