Trang chủ » Kinh tế 24h » Máy bay Tết: Không ‘cháy’ vé

Máy bay Tết: Không ‘cháy’ vé

Tác giả:

Bắt đầu bay đêm

Gần tháng nay, chị Hoàng Thu phát sốt về việc đặt mua vé máy bay vào Sài Gòn. Mẹ chị đã vào TP.HCM để trông con cháu nội mới sinh hồi tháng 10. Do vậy, năm nay bà không ra Bắc ăn Tết được. Chị Thu muốn vào thăm cháu, thăm bà và quay ra Hà Nội để kịp ăn Tết. Thế nhưng, tìm mua vé máy bay thì không quá khó nhưng giá đắt quá nên kế hoạch của chị Thu phá sản.

Chẳng hạn, nghe tin các hãng hàng không nội địa khuyến mãi chiều Hà Nội – TP.HCM, như chương trình bay một người, miễn phí người cùng bay giá chỉ 490.000 đồng/chặng (chưa gồm thuế và lệ phí) của Jetstar Pacific Airlines, hay chương trình bán vé giá rẻ 250.000 đồng/chặng Hà Nội – Sài Gòn (bay trước Tết) của VietJetAir, chị háo hức đặt mua. Tuy nhiên, khi tìm vé chiều ra (trước Tết âm lịch) thì giá vé tiết kiệm đã hết sạch từ nay đến 29 Tết, may chăng thì chỉ còn giá vé rất cao, đều phổ biến ở mức trên 2 triệu, thậm chí có ngày giá vé lên tới 4,4 triệu đồng/người/chặng, chưa kể thuế và lệ phí. Tính ra bay hai chiều vẫn đắt nên chị Thu đành hẹn người nhà sau Tết mới tiếp tục lên kế hoạch vào Sài Gòn.

Bắt đầu từ ngày 9/1, lịch cao điểm Tết được các hãng hàng không nội địa áp dụng, kéo dài đến hết ngày 7/2/2012.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho hay, do hiện tượng quá tải tại các cảng hàng không trong giờ cao điểm, hãng này sẽ triển khai các chuyến bay đêm trong giai đoạn cao điểm Tết. Chuyến bay nội địa sớm nhất khởi hành lúc 5h30 sáng và chuyến muộn nhất lúc 23h30. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 14/1-22/1/2012 (tức 21-29 tháng chạp) và 24/1-6/2/2012 (2-15 tháng Giêng), Vietnam Airlines sẽ thực hiện kế hoạch khai thác 24/24 giờ trên đường bay trục Hà Nội – TP.HCM.

Đối với chiều TP.HCM, trong ngày cao điểm nhất trước tết – 28 Tết (21/1/2012), hãng cho biết sẽ thực hiện 111 chuyến bay, trong đó 44 chuyến chặng TP.HCM – Hà Nội, 22 chuyến chặng TP.HCM – Đà Nẵng.

Ra Tết, chiều ngược lại từ Hà Nội vào, trong ngày cao điểm nhất là mùng 6 Tết (28/1/2012), Vietnam Airlines thực hiện 112 chuyến bay, trong đó 39 chuyến chặng Hà Nội – TP.HCM, 26 chuyến chặng Đà Nẵng – TP.HCM.

Các chuyến bay đêm cất cánh từ 22h đến 24h, khách hàng sẽ làm thủ tục tại tầng 1 cánh B (từ quầy 71 đến 80) từ ngày 26/1 đến 5/2/2012 (tức ngày mùng 4-14 tháng Giêng). Các chuyến bay nội địa ngoài khung giờ trên vẫn làm thủ tục tại tầng 2 như bình thường (trừ những chuyến địa phương đang được làm thủ tục thường lệ tại tầng 1).

Tránh vạ miệng, tuân theo quy định tại sân bay

2011 là năm có nhiều vụ vi phạm liên quan đến an toàn, an ninh hàng không. Trong khi đó, với chính sách linh hoạt giá vé để ai cũng được bay, nhiều hành khách là công nhân, nông dân, sinh viên, các bạn trẻ… lần đầu tiên đi máy bay nên còn thiếu hiểu biết về các quy định an toàn, an ninh, dẫn đến những hành vi vi phạm đáng tiếc.

Riêng hành vi mở cửa thoát hiểm, theo Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT), năm qua đã xảy ra 10 vụ, trong đó có 7 vụ là do hành khách mở nhầm hoặc cố tình mở, dẫn tới bung cầu trượt…

Còn Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, trong tổng số 20 vụ việc vi phạm quy định an toàn hàng không năm 2011, có đến 14 vụ liên quan đến việc hành khách hút thuốc và sử dụng điện thoại trên máy bay. Và mới đây nhất là trường hợp một hành khách đã bị phạt hành chính 750.000 đồng vì lén lút vào phòng vệ sinh để hút thuốc trên chuyến bay VN186 từ TP.HCM đi Hải Phòng ngày 6/1.

Hơn nữa, những câu nói đùa, những lời “vạ miệng” hay tung tin về việc có bom trên máy bay cũng là điều cấm kỵ nhưng năm qua, hành khách cũng liên tục vi phạm. Điển hình, một hành khách người Pháp bị phạt 15 triệu đồng vì nói có bom trong hành lý; một vận động viên bị phạt 20 triệu đồng vì tung tin có bom khi đang trên đường đi thi đấu thể thao cho người khuyết tật; hay một nam thanh niên nói đùa với bạn gái trong hành lý có bom cũng bị phạt… Thiệt hại hơn cả là hãng vận chuyển và hành khách đi cùng khi máy bay phải hoãn lại để kiểm tra, rà soát bom mìn, đổi máy bay…  tốn kém tới cả trăm triệu đồng.

Chưa kể, ngày Tết hành khách cũng rất dễ say rượu, chòng nghẹo tiếp viên… và không tuân thủ các quy định tại sân bay hay tiếp viên hàng không.

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam vừa chỉ thị tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm tra, soi chiếu, bảo đảm an ninh cho chuyến bay, hành khách… trong giai đoạn cao điểm Tết. Đặc biệt, hành khách không được mang vật nổ, vũ khí lên tàu bay và hợp tác khi an ninh hàng không yêu cầu cởi áo khoác ngoài, thắt lưng, bốt cao cổ khi qua máy soi chiếu.

Nhận vận chuyển đào, mai Tết

Đến nay, các hãng không như Air Mekong, Jetstar Pacific đều đã nhận vận chuyển đào, mai, quất dịp Tết cho đến hết 7/2.

Trong khi đó, Vietnam Airlines nhận vận chuyển loại hàng hoá đặc biệt này trễ hơn, bắt đầu từ chuyến bay ngày 2/1 đến hết 1/2/2012 (tức từ ngày 9 tháng Chạp đến hết ngày 10 tháng Giêng).

Theo quy định, các hãng chỉ chấp nhận chuyên chở đào, mai, quất… dưới dạng hành lý ký gửi khi đã được đặt chỗ trên hệ thống đặt giữ chỗ. Cành đào, cành mai cần buộc thành bó, có bao bọc ngoài, kích thước không quá 150x40x40 cm (Vietnam Airlines) hoặc 120x50x50 cm (Jetstar Pacific). Các hãng đều thông báo mỗi hành khách chỉ được vận chuyển một bó dưới dạng hành lý ký gửi theo chuyến bay. Riêng Jetstar Pacific số lượng vận chuyển trên mỗi chuyến bay không quá 30 bó.

Mọi cành đào, cành mai mang theo dưới dạng hành lý đều phải trả cước vận chuyển. Mức cước dao động của Vietnam Airlines là từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng/bó (đã bao gồm VAT), tùy theo từng đường bay. Còn Jetstar Pacific áp dụng mức phí 250.000 đồng/bó chặng TP.HCM và Đà Nẵng, 350.000 đồng/bó trên các đường bay TP.HCM và Hà Nội, Hải Phòng, Vinh.

Trường hợp cành đào, cành mai của khách hàng không được đặt chỗ trước trên hệ thống đặt giữ chỗ thì chỉ được chấp nhận vận chuyển dưới dạng hàng hóa.