Trang chủ » Điểm nóng » Tản mạn cuối năm: Gieo lương tâm, gặt sự tử tế

Tản mạn cuối năm: Gieo lương tâm, gặt sự tử tế

Tác giả:

Ai cũng có điều gì đó muốn nói, muốn chia sẻ, hỏi han, chọc ghẹo pha trò, góp nhặt nhiều câu chuyện buồn vui rôm rả. Chúng ta cũng có dịp nghe lại nhiều “điệp khúc” nhắc nhở của các bậc tiền bối, cha chú, mà có khi đã được nghe nhiều lần từ tấm bé.

Má tôi hay nói để động viên các con mỗi khi có việc khó khăn thử thách lớn trong đời sống: “Tuế bất hàn vô dĩ tri tùng bách, sự bất nan vô dĩ tri quân tử” – Tuân Tử (Tạm dịch: Trong năm có trời đông giá lạnh mới biết sức sống của cây tùng, cây bách; cuộc đời có sự việc khó khăn thử thách mới biết có người tài, quân tử).

Má tôi cũng hay căn dặn thằng em trai làm nghề kỹ sư xây dựng phải làm ăn có đức độ, không làm ăn gian dối, bớt xén của người khác. Chúng tôi thường cười cho qua, vì đời sống bây giờ, cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai thật khó phân biệt vì chúng đan xen, ngụy trang quá kỹ lưỡng, đến và đi nhanh quá.

Má tôi cũng dạy, nên gieo lương tâm và lòng tốt vào trẻ thơ, con người để gặt hái sự tử tế, lòng nhân ái, thương yêu, chia sẻ về lâu dài!

Lương tâm và sự tử tế liệu có đã biến thành món hàng xa xỉ hay quý hiếm đến độ khó thấy, khó tìm trong thời nay? Luật nhân quả nhãn tiền như người đời hay nói, liệu có còn hiệu nghiệm và có ai khác còn tin vào nhân – quả?

Khó khăn của doanh nghiệp trong năm qua

Chúng ta đang gặp khó khăn nan giải trong việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là kinh doanh vì lợi nhuận của bản thân doanh nghiệp và lo đời sống cán bộ nhân viên công ty mình hay làm nhiệm vụ điều tiết kinh tế vĩ mô (?) có tính phi lợi nhuận hay dịch vụ công ích, an sinh xã hội, do Nhà nước và nhân dân giao phó?

Các doanh nghiệp nhà nước như Điện lực, Xăng dầu đang bị “soi” vì báo cáo lỗ và đòi tăng giá bán hàng, trong khi có mức lương bình quân cao vượt trội so với các doanh nghiệp khác trong xã hội và luôn có hàng chục ngàn tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, thậm chí có báo chí còn cho rằng có dấu hiệu chuyển lời sang các đại lý phân phối hay doanh nghiệp sân sau!

DNNN đang có đội ngũ lao động chỉ chiếm 4,4% trên tổng số lao động xã hội nhưng đang nắm giữ quá nhiều nguồn lực quốc gia liệu có hợp lý ( DNNN nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế; chi phối 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% nguồn vốn ODA – theo TBKTSG)?

Nói cách khác, họ đang chia nhau lợi nhuận của doanh nghiệp nhờ kinh doanh độc quyền, lợi thế so sánh về cơ sở vật chất, vốn liếng được giao ưu đãi, trong khi chuyển phần lỗ hay bất lợi trong sổ sách kế toán sang cho “phần trách nhiệm bình ổn giá” hay “nhiệm vụ điều tiết vĩ mô” – dịch vụ công ích – để lý giải phần thua lỗ nặng qua nhiều năm kinh doanh!

Ngoài ra, DNNN làm ăn thua lỗ mà lương các quan Sếp luôn cao khủng, nhà cao cửa rộng, văn phòng công ty tiếp tục xây mới hoành tráng, trang trí nội thất cao cấp chẳng thua các doanh nghiệp thượng đẳng của nước ngoài, thì chẳng phù hợp với tình trạng một doanh nghiệp thông thường đang thua lỗ hay khó khăn chút nào !

Kinh doanh, làm ăn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài mấy năm qua, quả là thử thách lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một chị bạn là chủ một doanh nghiệp tư nhân phân phối hàng tiêu dùng nói: “năm nay nếu làm huề vốn, đủ tiền trả lãi vay ngân hàng, trả lương cho nhân viên thì xem như là thành công rồi!”.

Chị cho hay, thấy các quan chức ngân hàng nhà nước bảo, lãi suất ngân hàng cho vay giảm còn 17-19%/năm cho doanh nghiệp, nhưng chị cam đoan là các doanh nghiệp tư nhân vẫn phải vay với lãi suất hơn 20%/năm cho tới tận tháng 12 năm nay!

Hỏi thăm rất nhiều doanh nghiệp tư nhân và thậm chí các cán bộ tín dụng của các ngân hàng cũng nói “thông cảm” nhé… lãi suất thấp hơn 20%/năm chỉ dành cho các doanh nghiệp có quan hệ tốt nào đó với ngân hàng… doanh nghiệp xuất khẩu có cam kết bán ngoại tệ lại cho ngân hàng… mới có mức lại suất tốt dưới 20%/năm!

Vậy là nhìn chung cả năm 2011, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đa số doanh nghiệp tư nhân phải gánh chịu mức lãi vay khủng trên 20% trong suốt quá trình kinh doanh. Do đó, việc các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, sa thải công nhân, không đầu tư trang bị mới, đóng cửa tạm dừng hay phá sản không phải chuyện lạ.

Điều đáng nói là ngay cả các doanh nghiệp có nền tảng hoạt động tốt cũng sẽ bị tổn thương nặng trong quá trình “chống lạm phát bằng chính sách lãi suất cao này”! Bằng chứng là hiện có rất nhiều các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, vốn là các doanh nghiệp tốt, có sự minh bạch tương đối cao, phải chịu sự suy giảm giá cổ phiếu nặng nề làm nản lòng các cổ đông và nhà đầu tư cũng như khả năng huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Lý do có thể thấy một phần là do lãi suất ngân hàng quá cao, vay nhiều lỗ nhiều, các tài sản có giá trị nhất của doanh nghiệp hay cá nhân chính là bất động sản thì đang đóng băng, không thể bán nhanh tạo nguồn vốn lưu động hay đầu tư được, họ đành bán tháo cổ phiếu, thậm chí dưới giá trị sổ sách để có vốn hoạt động cầm chừng.

Hai anh bạn thân làm nghề đầu tư bất động sản và cổ phiếu cho rằng, xu thế suy giảm này lại càng làm người ta muốn bán nhanh cổ phiếu, cắt lỗ, hoặc chờ mua giá rẻ hơn nữa trong tương lai. Tâm lý này đang hại thị trường chứng khoán non trẻ ở ta, khiến nó tiếp tục khó khăn thêm nữa!

Trong khi đó các giao dịch cho tới giờ vẫn là (T+4) khiến nhà đầu tư nghi ngờ các khả năng một số cá nhân và tổ chức đầu tư có mối quan hệ thân hữu “ngoài luồng” thì sẽ có cách giao dịch nhanh hơn (T+4) nên sẽ có ưu thế thông tin hơn. Điều này chờ đợi các nhà điều hành thị trường những giải pháp nhằm minh bạch hơn nữa, sòng phẳng rõ ràng hơn các quy định, điều luật trong sân chơi.

Thị trường chứng khoán do vậy không còn phản ánh giá trị sinh lời đích thực và thương hiệu của doanh nghiệp, suy giảm giá trị tổng thể của mọi doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế và giới đầu tư nước ngoài.

Anh bạn kinh doanh bất động sản tại Hà Nội cho hay, hiện tượng vỡ nợ năm nay cũng xuất hiện nhiều hơn vì mất thanh khoản trong kinh doanh bất động sản trong khi các đại gia vỡ nợ thì đầu tư nhiều vào nhà đất, vốn đang bị mất giá rất nhiều so với nhiều thời kỳ hoàng kim trước đây, mà vẫn khó tìm được người mua vì không ai dại vay tiền mua nhà đất mà lãi suất tới hơn 20%/năm!

Khó khăn kinh tế năm nay khiến nhiều người lo lắng không biết sang năm sẽ ra sao! Dự báo tình hình kinh tế Châu Âu trì trệ trong khủng hoảng nợ công từ Hy Lạp lan sang các nước vùng Địa Trung Hải, và Nhật Bản vẫn còn trì trệ sau thiên tai động đất, sóng thần; nước Mỹ thì vẫn còn loay hoay với tỷ lệ thất nghiệp 9-10%. Trung Quốc có dấu hiệu phát triển chậm lại vì lần đầu tiên sau vài thập niên mới xuất hiện việc đầu tư nước ngoài suy giảm! Lương công nhân Trung Quốc tăng nhanh khiến chi phí đầu tư vào Trung Quốc không còn rẻ nữa. Các xung đột lợi ích địa chính trị, lãnh thổ với các láng giềng khiến cho đầu tư vào Trung Quốc cũng đang bị xem xét lại.

Các đầu ra sản phẩm, các thị trường khách hàng lớn có nguy cơ bị tắc nghẽn, chậm lại, thì liệu một nước đang phát triển và dựa chủ yếu vào xuất khẩu thô như Việt Nam có chịu ảnh hưởng hay không?

Gieo lương tâm, gặt hái sự tử tế và phát triển

Căn bệnh lạm phát, suy giảm phát triển kinh tế khiến mọi quốc gia lo lắng. Các tác động của nó làm rung chuyển các nền tảng xã hội. Việt Nam có mối lo hội nhập phát triển kinh tế, chịu sự tương tác của nền kinh tế thị trường, mọi nền tảng pháp luật đều phải xây dựng và hoàn chỉnh liên tục để thích nghi với tình hình mới.

Con người lớn bé đều phải thích nghi với môi trường sống thay đổi, nạn kẹt xe, cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống giao thông công cộng hầu như chưa được đầu tư đúng mức, quy hoạch đô thị không đồng bộ và thiếu động lực cũng như tư duy dài hạn, ô nhiễm môi trường nặng nề do khí thải và khói bụi, tình trạng quan liêu nhũng nhiễu tại các địa phương trong các khâu thủ tục hành chính khiến tốc độ phát triển và hợp tác kinh tế chịu ảnh hưởng, tụt hậu.

Đời sống văn hóa, đạo đức xã hội cũng chịu tác động lớn từ hội nhập và thay đổi môi trường sống từ nông thôn ra đô thị và từ đô thị nhỏ sang đô thị lớn, kể cả tác động của sản phẩm công nghệ từ điện thoại di động, Internet, lướt Web, thời trang, các dịch vụ giá trị gia tăng…v.v. lên thói quen suy nghĩ và hành vi ứng xử của từng gia đình, từng cá thể.

Các rường cột xây dựng và chống đỡ cho lương tâm con người phải chịu nhiều thử thách to lớn. Làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn, mưu cầu một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn mà vẫn giữ được lương tâm trong sạch. Có một lương tâm trong sạch và thanh thản thì người ta mới đối xử với nhau tử tế, thân thiện, sẳn lòng giúp đỡ lẫn nhau trong đời thường.

Điều ngược lại đang xảy ra, là khi người ta kiếm được quá nhiều tiền bằng đủ thứ thủ đoạn, thậm chí lừa lọc, hại nhau, để rồi sau đó dùng tiền để cố gắng cứu chuộc lương tâm, mua lấy sự thanh thản, bình an của lương tâm bằng cách làm điều tử tế, từ thiện, mua đồ phong thủy, cúng kiến để cầu an, để được làm người tử tế.

Tìm kiếm sự phát triển kinh tế xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống con người là lý lẽ chung của nhiều quốc gia, dân tộc. Phát triển kinh tế trong nền tảng giữ được một lương tâm hướng thiện, giữ được sự tử tế tràn ngập trong con tim của mỗi người dân, thể hiện qua nét mặt thanh thản, vui tươi, hồn nhiên của mỗi vị quan và dân sẽ là sức mạnh vĩ đại của một dân tộc lớn.

Những ngày cuối năm và đầu năm mới, cũng là những cơ hội vui để chúng ta thường gặp nhau và cầu chúc cho bản thân, nguyện cầu cho nhau một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, đất nước thanh bình, đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển tươi đẹp hơn.