Trang chủ » Tranh luận » Thị trường và phúc lợi an sinh

Thị trường và phúc lợi an sinh

Tác giả:

Cách đây 20 năm, giá lắp đặt một điện thoại để bàn tại TP.HCM là trên dưới 7 triệu đồng. Quy ngang ra vàng, 7 triệu đồng lúc ấy tương đương với 7 chục triệu bây giờ. Giá cao đến mức khó tin vậy nhưng không phải ai có nhu cầu cũng được đáp ứng.

Nay thì khác, chỉ cần nhấc điện thoại lên là có ngay mọi thứ tận nhà, muốn bao nhiêu cũng có. Từ chỗ phải đi xin, phải lót tay cậy nhờ, nay tôi được săn đón, mời chào. Từ chỗ lạnh lùng, hắt hủi, nay người ta tranh nhau đi tìm sự hài lòng ở tôi. Sự hài lòng của tôi ở đây lại chính là lẽ sống của họ. Cuộc tranh đua như vậy diễn ra không ngừng đã cung cấp năng lượng cho phát triển và tiện ích xã hội. Quá trình chuyển hóa của bưu chính viễn thông là một trường hợp lý thú. Tôi cho đây là sự đổi đời.

Thực ra, không riêng gì ngành bưu chính viễn thông, nhiều ngành kinh tế khác cũng đã đạt được những bước tiến dài trên con đường phát triển theo ước lệ thị trường. Chỉ tiếc, đó không phải là trường hợp của ngành điện hay xăng dầu.

Ta nhớ lại, hoạt động bưu chính viễn thông trước đây chủ yếu gồm thư tín, bưu phẩm, điện thoại có dây và điện tín (telex). Đó là các lĩnh vực độc quyền. Nhưng kể từ khi công nghệ thông tin bùng nổ (ở VN là từ sau những năm 1990), hầu như các hoạt động cơm gạo độc quyền kia đều bị cạnh tranh và/hoặc có nguy cơ bị đào thải. Thay vào đó là máy nhắn tin, điện thoại di động, máy tính cá nhân, Internet… Các chiến binh từ trên trời ập xuống này cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm dịch vụ truyền thống của bưu chính viễn thông. Chiếc máy vi tính nối mạng có thể sắm vai như một bưu điện và hơn thế nữa. Cùng lúc, sự lấn sâu của nhiều thực thể đồng hành khác (như logistics) đã phá vỡ thế độc tôn, thức tỉnh “con rùa” một thuở, đặt ngành bưu chính viễn thông trước sự lựa chọn sống còn.

Không thể bảo thủ, bưu chính viễn thông đã buộc phải cải cách, chấp nhận mở cửa cạnh tranh, du nhập công nghệ mới và đuổi bắt cách làm của thế giới. Quá trình này của sự xuất hiện của những “kẻ mới đến”, giúp nguồn cung phong phú, sản phẩm dịch vụ tốt lên mà giá lại rẻ. Trước một thị trường cởi mở như vậy, tình trạng độc quyền đã lặng lẽ mất đi, nhưng điều đáng ghi nhận là bưu chính viễn thông vẫn không mất thế dẫn đạo…

Năm 2011, trong điều kiện lạm phát tăng cao và giá cả leo thang chóng mặt, bưu chính viễn thông là ngành duy nhất có giá giảm hoặc đứng yên. Hiện tượng “cá biệt” này phần nào nói lên hiệu lực “bình ổn” có thể tìm thấy ngay trong tương tác thị trường. Tương tác này như chất men cộng sinh thông qua sự can thiệp của thị trường. Việc đưa giá lắp đặt điện thoại từ “7 chục triệu” về con số không chỉ là chuyện nhỏ. Ngày nay, người ta có quyền nói không với bưu chính viễn thông và nhiều lĩnh vực khác, nhưng với điện và xăng dầu thì không thể. Không ai có quyền không đổ xăng hay không dùng điện…

Xăng dầu từ lâu đã là câu chuyện. Tình trạng “buôn chuyến” trong điều kiện chưa có sự hỗ trợ của công cụ phòng vệ để bảo hiểm rủi ro (hedging), chưa minh bạch về tiêu chí tính toán hợp lý… đã làm cho giá xăng tại VN bị méo mó, thường xuyên gây tranh cãi. Loại trừ các nước có điều kiện đặc thù và chế định đặc biệt về xăng dầu (như Singapore hay các nước châu Âu), so với Mỹ, giá xăng tại VN thường cao hơn giá bình quân của Mỹ trên dưới 2.500 đồng/lít. Giá xăng bình quân ở Mỹ thời điểm tháng 12/2011 là khoảng 3, 4 đôla/gallon (khoảng 18.500 đồng/lít). Mỹ lại là nước nhập xăng dầu, không hề có chuyện bao cấp và có lẽ cũng ít có trường hợp xăng độn hoặc đong thiếu như ở ta.

Giá xăng ở ta cao là do người tiêu thụ bị đòi giá thị trường trong khi đầu cung lại chưa theo thị trường. Nhìn vào cơ cấu đầu mối cung ứng xăng dầu, ta có thể thấy ở đó hầu như ruột thịt. Nói “thống lĩnh 30%” hay “độc quyền 90%” trong điều kiện ấy chẳng có gì khác biệt. Quyền lực và ảnh hưởng của các anh nhà giàu này lại không phải nhỏ (nhóm lợi ích). Yêu cầu minh bạch, do vậy, chỉ có thể dừng lại ở lời kêu gọi, và việc nền kinh tế (và người dân) phải gánh chịu các khoản lỗ do “lỡ nhập giá cao” là điều chẳng lạ. Thêm bối cảnh Nhà nước quản lý và Nhà nước sở hữu còn chưa rõ, việc trông đợi các “đứa con thống lĩnh” kia góp sức bình ổn thị trường trở nên xa vời. Thay vào đó, Nhà nước lại mất quá nhiều thời gian để “bình ổn” chính những anh “nòng cốt” này.

Điện là nỗi lo khác… Thật khó hiểu, một tổ chức chịu trách nhiệm trước quốc gia về lĩnh vực tiện ích công thiết yếu như ngành điện lại được phép quăng nhiều ngàn tỷ đồng vào những cuộc chơi may rủi hoàn toàn không kinh nghiệm để ôm về đống lỗ nhiều chục ngàn tỷ đồng. Khó hiểu hơn, khi khoản lỗ đã quá thảm hại, những người chịu trách nhiệm trực tiếp lại phân biệt lỗ điện với lỗ khác để xoa dịu dư luận và “xin” tăng giá điện. Ô hay, lỗ nào lại chẳng là lỗ? Vả lại, nếu lỗ điện dân chịu thì lỗ khác ai chịu? Đáng lẽ trong điều kiện kinh tế còn thấp như VN, tổ chức điện lực cần tồn tại dưới thực thể kinh tế công (statutory body) có luật riêng như nhiều nước trước đã làm. Về lâu dài, vẫn ở thế dẫn đạo, nó sẽ quản đường trục (backbone, như của viễn thông) để các thực thể đầu cuối tham gia cung ứng điện cạnh tranh cho thị trường. Ở nhiều nước, người dân cũng có thể đầu tư bán điện (điện mặt trời) lên phương tiện này.

Việc mạo hiểm vào các phép thử thiếu bài bản trong quá trình “tham gia thị trường” như trường hợp của điện lực (và các trường hợp tương tự khác) là điều đáng tiếc. Những thất bại kiểu này thực ra đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ rất sớm, và người viết cũng đã có một số phân tích trên nhiều diễn đàn từ sau những năm 2000.

Đem vấn đề làm ăn thua lỗ của điện lực hay của xăng dầu ra làm giá thị trường chưa phải là cách làm sòng phẳng. Lấy lí do xã hội hóa để chuyển các lĩnh vực tiện ích thiết yếu phục vụ dân sinh sang cơ chế thị trường trong điều kiện chưa có các yếu tố cần và đủ là điều không thuyết phục. Hơn nữa, chẳng phải cứ kinh tế thị trường là cái gì cũng thị trường. Nhiều mặt xã hội vẫn rất cần sự hiện diện của tiện ích công. Người dân có quyền được hưởng các tiện ích và phúc lợi an sinh miễn phí, hoặc với phí tổn nhẹ nhàng. Làm sao có? Thuế là một phần. Phần khác không nhỏ là lợi ích từ khối tài sản khổng lồ được giao cho các doanh nghiệp nhà nước, là buộc doanh nghiệp nhà nước phải phục vụ nhân dân…

Xã hội hóa kinh tế là để tăng năng suất, thêm sự lựa chọn nhờ nguồn cung phong phú, để nâng cao mức sống người dân, chứ không phải (không nên) là cách đẩy gánh nặng chi phí cho xã hội hay (tệ hơn) để có nguồn thu từ các tiện ích công đang có. Chủ trương tốt đẹp này không chỉ có ở ta mà ở đâu trên thế giới người ta cũng làm vậy. Tiếc rằng, đã có lúc, có nơi ta làm thái quá… Một đoạn đường chỉ non trăm cây số, lại là quốc lộ, từ TP.HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu mà người lái xe phải đóng tới 3 lần lộ phí thì có quá đáng?

Năm 2012, giá điện và nước sẽ lại tăng cao. Chưa biết giá sinh hoạt có thông cảm nhẹ tay…

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số Tết)