Trang chủ » Tranh luận » Nhận dạng các ‘nhóm lợi ích’ về đất đai

Nhận dạng các ‘nhóm lợi ích’ về đất đai

Tác giả:

TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (IPSARD) thuộc Bộ NN&PTNT khẳng định các nhóm đặc quyền đặc lợi này đang lợi dụng các dự án, chương trình và ưu tiên đầu tư để làm giàu mà không đem lại hiệu quả công cộng.

Nói với BBC ngày 31/1/2012, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nhận dạng hai nhóm đặc quyền đang làm cho việc sử dụng đất đai ở Việt Nam trở nên kém hiệu quả:

“Thứ nhất, đó là các nhóm xây dựng các dự án, chương trình, khu vực ưu tiên đầu tư, mà họ lợi dụng ưu tiên đó vào các mục đích không đem lại hiệu quả công cộng. Chẳng hạn như là mang tiếng làm dự án sản xuất, thật ra lại làm dự án chia lô bán nền. Mang tiếng làm dự án vui chơi công cộng, thực ra lại là những khu đầu tư để đầu cơ đất”.

“Loại thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao đất, tiếng là đất công, đất của nhà nước, nhưng một đơn vị, một cá nhân, một tập thể khi được giao, sử dụng nó để cho thuê, đầu tư, thậm chí sử dụng vào mục đích đem lại lợi ích cho nhóm, đơn vị, bộ phận hay địa phương đó”.

Ông Sơn nói các đối tượng đặc lợi, đặc quyền hay nhóm lợi ích này “không đóng góp vào cái chi tiêu chung cho đất nước, không nộp thuế lại cho toàn dân”.

Xử lý thế nào?

Vụ tranh chấp đất đầu năm 2012 giữa chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đặt ra nhiều câu hỏi về luật pháp, “nhóm lợi ích” và hành xử giữa chính quyền với dân chúng.

Trước câu hỏi cần có giải pháp như thế nào để xử lý các nhóm đặc quyền, đặc lợi này cũng như để đáp ứng một tầm nhìn chiến lược cho phát triển đất nước, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nói: “Chúng ta cần phải có thay đổi lại một cách toàn bộ, tổng thể trong việc quản lý đất đai. Hiện nay đang bàn về vấn đề sở hữu, là căn bản nhất: xác nhận nó là sở hữu toàn dân hay nhà nước như hiện nay, hay gọi đấy là hình thức đa sở hữu, tức là có cả sở hữu toàn dân, cộng đồng và tư nhân”.

“… Thấp hơn là nội dung về chính sách, chẳng hạn như hệ thống quản lý đất đai, phải làm bản đồ, phải tiến hành cấp phép, cấp chứng chỉ sử dụng, quản lý đất cho từng người dân, từng đối tượng một để họ có thể nắm rõ, biết được đất đai của họ được sử dụng; có được những chứng chỉ ấy, để họ có thể giao dịch, cầm cố, trao đổi lại cho các đối tượng cầm bán hoặc cho thuê, hoặc cho lại các thế hệ sau một cách thuận lợi”.

Ngoài ra, ông Sơn lưu ý: “Những người có thể sử dụng được một cách hiệu quả thì có thể tích tụ, tập trung, thuê thêm. Những người nào sử dụng kém hiệu quả hoặc đầu cơ, thì phải bị thu hồi, phải bị đánh thuế nặng”.

“Vấn đề hàng đầu”

Báo cáo của Viện Chiến lược phát triển Nông thôn (IPSARD) đề nghị phải quy định rõ ràng và thống nhất cơ quan nào có quyền trưng thu, chuyển giao đất nông nghiệp của nông dân, tránh tình trạng lạm quyền.

TS. Đặng Kim Sơn cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi chính sách quản lý đất đai phải đi từ pháp “chế chung của đất nước”, cho đến chính sách của từng bộ ngành và cho tới cả “cách hành xử, cư xử” của mỗi công dân để hình thành “quan hệ thị trường” trong lĩnh vực về tài nguyên đất đai. Ông lưu ý thế mạnh mà Việt Nam cần phải biết bảo vệ và phát huy hiện chính là “đất đai nông nghiệp” và “con người”.

Ông cảnh báo: “Nếu không khai thác được đất đai cũng như con người, trước hết về mặt kinh tế chúng ta không chỉ lãng phí một nguồn tài nguyên chính mà thật sự chúng ta đã từ bỏ lợi thế để chúng ta có thể đưa nền kinh tế tăng trưởng một cách vững bền và hiệu quả.

“Ai cũng biết Việt Nam là nước lợi thế rõ ràng nhất là phát triển nông nghiệp. Phải bắt đầu từ đấy. Đó là nền tảng và điểm xuất phát.”

Về mặt xã hội, TS. Đặng Kim Sơn cảnh báo nếu không xử lý tốt vấn đề đất đai, thì Việt Nam sẽ khó đảm bảo được công bằng xã hội. Ông nói: “Đây không những là nguồn gốc của tham nhũng, nó làm hỏng đội ngũ quản lý ở các cấp, mà đây còn là nguồn gốc của sự bất bình của dân chúng làm cho ổn định xã hội không đảm bảo.

Không còn nghi ngờ gì, vấn đề đất đai là một trong những vấn đề hàng đầu mà chúng ta phải xử lý trong thời gian tới để đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển vững bền và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường”.

Mới đây, IPSARD đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại học Harvard tiến hành một nghiên cứu về Chính sách và Luật lệ đất đai, trong đó có nội dung về trao đổi, thu hồi và bồi hoàn cho người dân chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác.

Nghiên cứu đưa ra một khuyến nghị giải pháp yêu cầu nhà nước cấp tất cả các giấy tờ, chứng nhận đất đai cho người dân, dù đó là đất nông nghiệp, đất rừng, mặt nước, hay đất ở để dân có sổ, giấy chứng nhận, bằng khoán để người dân có thể thực hiện được các hoạt động giao dịch thị trường và giao dịch pháp lý.

Báo cáo của IPSARD cũng đưa ra khuyến nghị để đảm bảo người dân có đất đai chuyển nhượng, giao dịch được đảm bảo các quyền về thông tin, dịch vụ thuận tiện và rẻ hơn.

Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng yêu cầu sự minh bạch, nhất quán trong nguyên tắc tính toán giá cả giao dịch, bồi hoàn đất đai một cách thỏa đáng, thân thiện với thị trường, nhằm tránh thiệt hại cho dân, đặc biệt quy định rõ chỉ có đối tượng nào mới được phép đứng ra thu hồi, chuyển đổi đất của dân để có thể sử dụng hiệu quả nhằm tránh việc đất đai rơi vào tay các “nhóm lợi ích” nêu trên.

Theo BBC, Tầm nhìn)