Trang chủ » Tranh luận » Phục sinh CK: Thấy mới tin hay tin là thấy

Phục sinh CK: Thấy mới tin hay tin là thấy

Tác giả:

Rất có thể nỗi lo xa của chúng tôi trong bài nhận định đầu tiên sau Tết âm lịch về “đổ vỡ cuối cùng” đối với TTCK sẽ trở nên hão huyền. Mà nếu sự hão huyền trên lại trở thành hiện tồn, hẳn là thị trường đã tạo đáy từ nửa đầu tháng Giêng năm 2012 mà chẳng có mấy người đoán định được. Về sau này, người ta sẽ có dịp để kỷ niệm con số 366 điểm của chỉ số VNI và 55 điểm của chỉ số HNX như những cái mốc lịch sử.

Thấy rồi mới tin

Còn giờ đây, thị trường vẫn lặng lẽ tiến lên trong vô số hoài nghi. Thế xuống trúc trắc như thế nào thì khi lên cũng đầy khúc mắc. Cái cách đi lên như thế cũng chẳng khác mấy hai đợt “phục hồi kỹ thuật” vào tháng 6 và tháng 9 năm 2011. Thậm chí trong đợt tăng này, độ phục hồi của chỉ số HNX tính đến nay chỉ khoảng 11%, trong khi hai đợt phục hồi trước đạt tới 20-22%.

Cũng chẳng có thông tin đặc biệt nào để kích động cho thị trường phục hồi. Nếu đợt tăng giữa năm 2011 còn mang ý nghĩa phản ứng kỹ thuật sau một trận dổ dốc quá đỗi ngọt ngào khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ thiếu nước ngất xỉu, và đợt tăng vào tháng 9/2011 được xem là phản ứng đón đầu giảm lãi suất, thì trong tháng 12/2011 và đầu tháng 1/2012, thị trường không đến nỗi lao dốc nhưng cũng chẳng có hy vọng nào cho lãi suất cho vay giảm từ thái độ “ngoan cố” của Ngân hàng nhà nước.

Vậy thì còn lại nguyên cớ gì để các công ty chứng khoán đang hút chết, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị ám ảnh bởi sang chấn hoang tưởng “chợt cười chợt khóc”, dựa dẫm như một lý do tối thiểu để tồn tại trong cái thị trường vốn bị nhiều người xem là trò đỏ đen này?

Điểm thú vị nhất của dạng thái TTCK chính là ở chỗ đó. Tương lai của chứng khoán là cái mà không phải ai, hay nói cách khác là đại đa số người tham gia vào trò chơi này không thể sờ thấy, nắm lấy được.

Trong khi đó, các thị trường bất động sản và TTCK ở Việt Nam ta vẫn luôn bị những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, S&P hay Credit Suisse liệt vào loại có độ minh bạch rất thấp. Trên hết, đó chính là lý do tại sao trong mấy năm trời qua, cả hai thị trường này đã bị “bỏ rơi” một cách khủng khiếp đến thế – một sự bỏ bê sốt sắng không khác gì lòng nhiệt tình vào lúc đánh lên hai thị trường này.

Thế nên, lại càng đúng hơn với triết lý không có lấy vài phần trăm cơ may đoán định được tương lai trong các thị trường đầu cơ ở Việt Nam, mà đỉnh điểm về tính trắng đen cao cấp của chúng là TTCK.

Đơn giản là, nếu sờ được, nắm được tương lai của chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư đã không trở thành kẻ trắng tay trong hai năm qua, và cũng không xuất hiện cả một đội ngũ hùng hậu các nhà triệu phú đô la cũ và mới trên sàn chứng khoán.

Tệ hơn cả là hoạt động phân tích kỹ thuật thị trường, một bộ môn khoa học thực thụ đã được các công ty chứng khoán mài công rèn giũa, đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn chỉ bằng một trò chơi nhỏ nhoi của nhóm cầm chịch thị trường: làm giá những cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn. Điều đó, như đã được đề cập quá nhiều lần, đã tồn tại dai dẳng từ cuối năm 2010 cho đến hết năm 2011, được tất cả những con mắt trần tục nhận thấy, trừ Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Cũng rất khác với tâm trạng tại những TTCK phát triển, nơi nhà đầu tư có thể đặt niềm tin vào, và niềm tin đó được cụ thể hóa thông qua một chỉ số VIX nào đó (chỉ số đo lường trạng thái Phố Wall), người ta đang ngày càng nói nhiều về sự “khủng hoảng niềm tin” ở TTCK Việt Nam.

Kết quả là, trong khi nhà đầu tư Mỹ có thể lựa chọn quan niệm kinh doanh theo lời dạy của Chúa Giêsu “Tin là thấy”, thì ở nước ta chỉ có thể là ngược lại, bao giờ cũng ngược lại: thấy rồi mới tin.

Tin là thấy

Cũng bởi vậy, một khi thị trường “được” phục hồi, cả niềm tin lẫn hoạt động phân tích kỹ thuật đều khó có cơ hội trở lại thời hoàng kim của nó. Thay vào đó, mỗi nhà đầu tư phải vận động đến mức tối đa cái trực cảm, nhạy cảm của mình. Chỉ để cảm nhận mà thôi…

Như đã từng bình luận gần đây, cái không khí mà chúng tôi cảm nhận được có phần giống với bầu không khí suy sụp toàn diện vào đầu năm 2009.

Rõ là Warren Buffett vẫn không sai, vì cũng như đầu năm 2009, không khí cuối năm 2011 cũng được tích hợp bởi hai chiều kích hoàn toàn trái ngược nhau: một bên tận lực bán tháo, còn bên kia âm thầm gom hàng.

Thị trường đầu cơ cũng vì thế mà âm thầm sinh ra. Tính cho đến nay, cái thị trường đầu cơ ấy đã chạy được một quãng đường, tuy chưa dài nhưng cũng không còn ngắn.

Và cảm nhận của chúng tôi đã đạt đến cảm xúc cao độ khi vào phiên giao dịch đầu tiên sau Tết âm lịch 2012, chính bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ đã đứng ra đánh cồng khai trương – một hành động ấn tượng và là một hình tượng rất có ý nghĩa đối với những nhà đầu tư có thói quen liên hệ giữa lời nói và hành động của giới chức chính quyền.

Còn nhớ vào đầu năm 2009, trong bối cảnh tai họa ngân hàng Lehman Brothers vẫn thấm đẫm hậu quả, giới chức lãnh đạo của Bộ Tài chính Mỹ đã xuất hiện trên sàn giao dịch Nasdaq, như một biểu hiện không chỉ có ý nghĩa về tinh thần. Quả thực, sau đó tất cả các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng vọt như diều gặp gió.

Còn vào năm con rồng này, chúng tôi tin rằng bộ trưởng tài chính Việt Nam đang làm một điều gì đó mang tính thực chất hơn nhiều so với tuyên bố cũng của một lãnh đạo ngành tài chính nước ta vào tháng 3 năm 2008 “Nếu có tiền tôi sẽ mua ngay cổ phiếu vào lúc này”.

Chứng khoán thiếu tiền ư? Chắc chắn sẽ có tiền. Nhưng thị trường sẽ không thể có được một cái gì đó gọi là bền vững nếu thiếu niềm tin, trong khi lại lúc nhúc những toan tính ích kỷ của các tiểu chủ, bao gồm cả mặt bằng dân trí và đạo đức kinh doanh “có vấn đề” của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Với niềm tin là một thứ xa xỉ, điều đó phụ thuộc vào phần người của mỗi chúng ta.

Để làm cho thị trường này phục hồi đủ dài và đủ cao theo mục tiêu của nhóm 1%, hơn nữa còn trở thành một kênh huy động vốn và dẫn vốn đúng nghĩa như mong mỏi của bộ trưởng Huệ, và trên hết để các nhà đầu tư nhỏ lẻ bớt đi cơ hội nằm trong 99% còn lại, có lẽ chúng ta nên mặc nhiên chấp nhận lời di huấn: Tin là thấy.