Trang chủ » Tranh luận » EVN thời ông Đào Văn Hưng: Vỡ mộng viễn thông, chứng khoán

EVN thời ông Đào Văn Hưng: Vỡ mộng viễn thông, chứng khoán

Tác giả:

>> EVN thời Chủ tịch Đào Văn Hưng: thiếu điện – cắt điện
>> EVN thời Chủ tịch Đào Văn Hưng: Điệp khúc chậm tiến độ

Nhân viên EVN: khốn khổ vì viễn thông

Đầu tư ngoài ngành của EVN đến nay đều chưa được hiệu quả như mong đợi. Trong đó, phi vụ EVN Telecom có lẽ là một thất bại đau đớn nhất. Trong 5 ngành EVN lấn sân, tham vọng làm viễn thông của EVN đã khiến hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên điện lực trên cả nước phải chịu khốn khổ nhất.

EVN Telecom được cấp phép kinh doanh viễn thông công cộng từ năm 2001, là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam, sở hữu đầu số 096 và băng tần 450 MHZ.

Khi mới ra đời, EVN rất tự tin cho rằng, phát triển mạng viễn thông điện lực là một chiến lược đầy tiềm năng vì EVN có nhiều lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong hạ tầng.

Nổi bật là công nghệ truyền dẫn tín hiệu viễn thông trên chính hệ thống đường dây truyền tải điện. Ngoài 40.000 km cáp quang truyền dẫn trên khắp 63 tỉnh thành, EVN Telecom hơn hẳn các mạng khác khi tận dụng được lưới điện từ cao thế 500kV, 220kV, 110kV đến lưới trung thế, hạ thế để “phát sóng” điện thoại.

EVN Telecom đã tham gia vào các mạng cáp quang lớn nhất thế giới và khu vực như tuyến cáp biển Liên Á, sở hữu 50Gbps và từ đây, kết nối đến các trung tâm chuyển tiếp lưu lượng như HongKong, Singapore, Nhật Bản, Mỹ và các nước Châu Âu. Với những thế mạnh đó, mạng EVN Telecom tự quảng cáo là mạng có tốc độ truyền dẫn cao nhất.

Báo cáo Tổng kết thi đua khen thưởng giai đoạn 5 năm 2006-2010, Tập đoàn mẹ EVN rất tự hào chắc nịch: “Chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,6 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ”.

Tuy nhiên, với những người ngành điện, đây thực sự là một báo cáo không thực tế. Bởi nhiều thuê bao của EVNTelecom đang là các thuê bao ảo. Cho đến nay, số khách hàng sử dụng mạng 096 thực chất đa phần thuộc hệ thống EVN và đây được coi là một quy định bắt buộc. Trên thực tế, với băng tần thấp, hầu hết người tiêu dùng từng sử dụng điện thoại điện lực đều than phiền, mạng kém, bị nhiễu sóng cao.

Xem lại chính sách phát triển điện thoại EVN Telecom, có nhiều chuyện dở khóc, dở cười khiến không ít cán bộ ngành điện phải cất tiếng oán thán. Điển hình, đó là chính sách ép các công ty điện lực trên cả nước phải kiêm thêm mảng kinh doanh phát triển mạng viễn thông. Từ thời mới khai mạng, các nhân viên điện lực đã bị giao chỉ tiêu công việc chẳng liên quan đến điện như phải thu cước khó đòi, phải phát triển thuê bao điện thoại.”

Một nhân viên EVN từng trải qua thực tế này cho biết: “Nếu họ bỏ công sức để đi phát triển thuê bao thực sự thì rất khó vì khách hàng. Thế nên, họ đành phải mượn chứng minh thư để hòa mạng 1 tháng 2 thuê bao cho đủ chỉ tiêu để khỏi bị cắt thưởng, trừ lương. Các thuê bao này bắt buộc phải tăng cước vào cuối tháng nên đó là lúc các nhân viên điện lực phải dùng các máy này để gọi lung tung nhằm phát sinh cước mặc dù không có nhu cầu gọi điện thoại”.

Chưa hết, các nhân viên điện nếu không thu được nợ cước còn phải bỏ tiền túi ra bù vào. Không chỉ bị bắt làm “kinh doanh viễn thông”, các nhân viên điện còn phải kéo cáp viễn thông, kéo cáp quang, chạy máy phát các trạm BTS… Thỉnh thoảng, lại nhận được một công văn mang tính chỉ đạo từ  EVN Telecom….”

Ông Đào Văn Hưng đã sai lầm ngay từ khi có ý tưởng tận dụng nguồn nhân lực ngành điện để ồn ào làm viễn thông. Một chính sách maketing và kinh doanh thiếu chuyên nghiệp như vậy cộng với dịch vụ sóng kém, hậu quả là số lỗ 1.057 tỷ đồng của EVN Telecom năm 2010 hay lỗ hơn 805 tỷ đồng riêng hoạt động kinh doanh viễn thông toàn Tập đoàn cũng là dễ hiểu.

Scandan chứng khoán

Một dấu ấn đau xót lớn khi đầu tư ngoài ngành của EVN là vụ scandan tại công ty chứng khoán Hà Thành (HASC)- doanh nghiệp có 16,5% vốn góp của EVN và các thành viên như điện lực Khánh Hoa, Điện lực 3 và điện lực Đà Nẵng.

Sau 4 năm liên kết đầu tư này, HASC đã “lọt” TOP công ty chứng khoán được đánh giá là kém nhất và đang bên bờ vực phá sản. Ủy ban Chứng khoán Việt Nam đã liệt HASC vào danh sách kiểm soát đặc biệt và thời hạn cho HASC “hồi sức”, đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ kết thúc trong quý I năm nay.

Trước đó, tháng 4/2011, cựu Chủ tịch HĐQT của HASC Trương Duy Sơn đã bỗng dưng biến mất, để lại khoản thâm hụt tới 100 tỷ đồng trong tài khoản công ty dẫn tới, HASC đành phải làm một việc bất đắt dĩ là siết nợ tài sản cá nhân của ông này. Đến tháng 6/2011, cơ quan An ninh điều tra của công an Tp Hà Nội đã khởi tố vị cựu chủ tịch HASC về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và công an Vĩnh Phúc khởi tố về tội mua dâm. Sau đó, chứng khoán HASC đã bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký.

Với sự ra đời của Công ty bất động sản điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land), EVN tiếp tục mở rộng thêm danh mục đầu tư ngành ngoài của mình đầy rủi ro. Ngoài EVN, còn có Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực 2 và Công ty Đầu tư và xây dựng Thanh niên Xung phong góp vốn ở công ty này. Ở lĩnh vực hấp dẫn như bảo hiểm, EVN cũng có tên với sự tham gia thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm toàn cầu.

Nếu để gọi là thành công khi đầu tư ngành ngoài đối với EVN, có thể kể đến trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), nơi EVN là cổ đông chiến lược nắm giữ 30% vốn điều lệ và công ty CP Tài chính điện lực  (EVNfinance), doanh nghiệp có 40% vốn góp của EVN.

Đây là hai đơn vị duy nhất EVN tham gia đầu tư có kết quả kinh doanh lãi. Tuy nhiên, EVN sẽ phải sớm thoái vốn khỏi ABBank và EVN Finance theo chỉ đạo của Chính phủ để tập trung cho ngành chính.

Giai đoạn năm 2005-2007, nền kinh tế tăng trưởng nóng. Chẳng riêng gì EVN, hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước khó lòng cưỡng nổi sức hấp dẫn của chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và cả viễn thông. Những yếu tố tưởng như thiên thời, địa lợi, nhân hòa đó đã cộng hưởng lại thành một lực đẩy mạnh mẽ để các tham vọng lấn sân kinh doanh ngành ngoài thêm bùng phát.

Nếu thua lỗ kinh doanh điện có thể đổ lỗi cho cơ chế giá điện bán thấp hơn giá thành, việc làm điện chậm tiến độ đổ lỗi cho nhà thầu Trung Quốc kém năng lực, thiếu điện mùa khô đổ lỗi tại trời. Còn thật khó đổ lỗ cho ai khác về những yếu kém khi kinh doanh ngành ngoài như vậy.

Trong tổng số vốn đầu tư tài chính dài hạn 49.996,5 tỷ đồng thì lượng vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (Viễn thông Điện lực, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) là 4.551,4 tỷ đồng, chiếm 9,01%/vốn đầu tư và 4,13%/ tổng nguồn vốn điều lệ của Công ty mẹ. Giá trị đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (45.065,9 tỷ đồng, chiếm 90,14 % so với vốn đầu tư); hiệu quả đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ đạt rất thấp.

(Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước)