Trang chủ » Điểm nóng » Nói và làm: Thanh khoản tốt lên, quên giảm lãi suất

Nói và làm: Thanh khoản tốt lên, quên giảm lãi suất

Tác giả:

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ 4/2/2012, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời báo giới một số vấn đề liên quan đến thanh khoản hệ thống ngân hàng, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng… Trong đó, một điểm quan trọng mà bà Hồng đưa ra là tình hình hệ thống ngân hàng hiện được cải thiện rất nhiều.

Trong dịp Tết, theo quy luật của các năm, nhu cầu thanh khoản tăng cao. NHNN đã bơm ra một lượng tiền lớn nhằm giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo được khả năng chi trả cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở kỳ hạn ngắn (7 ngày và 14 ngày), chỉ một vài phiên là thực hiện theo kỳ hạn 21 ngày. Do vậy, đã tránh được đầu năm có một lượng tiền quá lớn gây khó khăn trong việc xử lý vấn đề thanh khoản của hệ thống. Nhìn chung, thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được đảm bảo.

Sau Tết, tiền đã quay trở lại các ngân hàng và thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất dồi dào. Việc hút tiền về thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở cũng đã được triển khai tốt. Số liệu từ giới đầu tư cũng cho thấy, trong tuần từ 30/1 – 3/2 (tuần sau Tết Nguyên đán), NHNN đã bơm ra thị trường mở hơn 23.200 tỷ đồng và hút về hơn 80.000 tỷ đồng. Mức hút ròng trong tuần là 56.843 tỷ đồng.

Hoạt động hút tiền về mạnh mẽ trong những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn không những không gây khó khăn cho các ngân hàng mà theo khẳng định của đại diện NHNN thanh khoản các tổ chức tín dụng dường như vẫn rất dồi dào.

Lãi suất liên ngân hàng ngày 4/2 cũng cho thấy điều này. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng của một kỳ hạn lần đầu tiên kể từ đầu 2011 đến nay xuống dưới 10%/năm. Mức 9,5%/năm cũng là mức thấp nhất của kỳ hạn 3 tháng kể từ 8/10/2010.

Trước Tết (sáng 12/1), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết tốc độ tăng lạm phát trong những tháng cuối năm giảm xuống tạo ra kỳ vọng, tiền đề để hệ thống ngân hàng có thể giảm được lãi suất. Tuy nhiên đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Thanh khoản của hệ thống là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối.

Nếu đúng như tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì lãi suất ngân hàng có thể sắp giảm bởi điều kiện cần là lạm phát hạ như Thống đốc nhận định đã có và điều kiện đủ là thanh khoản cải thiện cũng được đại diện cơ quan này phát ngôn.

Ngay cả trong trường hợp, “thanh khoản đang là vấn đề nhức nhối” thì NHNN cũng cho biết đã và đang cùng hệ thống các ngân hàng thương mại tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng.

Đây không chỉ là mục tiêu riêng của NHNN mà trước đó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung giảm lãi suất cho vay và cho rằng hoàn toàn có thể đưa lãi suất về mức hợp lý với lạm phát bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.

Rõ ràng, NHNN đã nhận thức khá rõ nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế về việc được tiếp cận vốn với một mức lãi suất thấp hơn.

Nhu cầu được vay lãi suất thấp thực sự là cấp bách khi mà đa số các chuyên gia cho rằng với mức lãi suất hiện nay (khoảng 20%) thì các doanh nghiệp không thể sống nổi. Thực tế, thống kê chưa đầy đủ năm qua đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, giả sử lạm phát giảm xuống 9-9,5% trong năm 2012 thì lãi suất có thể chỉ giảm xuống 14-16%/năm, quá cao để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng và nhờ đó hồi sinh.

Thực tế là như vậy, nhưng phải chăng NHNN đã có những cái khó hơn như lạm phát kỳ vọng vẫn cao? và thanh khoản ngân hàng thực chất chưa được cải thiện? để tính tới việc hạ lãi suất. Hay lãi suất đang còn vướng điều gì nữa mà chỉ giới ngân hàng mới biết mà không nói ra nổi.

Về lạm phát, có khá nhiều lo ngại nhưng cũng nhiều người tin tưởng Chính phủ sẽ kéo được về mức dưới 10%. Cơ sở là lạm phát trong nhiều tháng qua, kể cả tháng giáp Tết (tháng 1/2012) đều ở mức dưới 1%/tháng.

Theo đánh giá của Thống đốc, nhiều năm qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng rất lớn. Trong 10 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng trung bình 29,4%/năm. Trong 5 năm là 33%/năm. Như vậy, tăng trưởng tín dụng rất là mạnh, trong khi đó phần lớn nguồn vốn huy động được là ngắn hạn.

So với quy định của NHNN, cơ cấu sử dụng nguồn vốn của hệ thống các ngân hàng chưa chuẩn. Phần lớn nguồn vốn huy động được là nguồn vốn ngắn hạn trong khi đó các tổ chức tín dụng lại sử dụng một tỷ lệ rất lớn cho vay trung và dài hạn.

Theo quy định của NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 30%, nhưng trên thực tế các tổ chức tín dụng đã vượt con số này từ lâu. Có tổ chức lên tới 60-70%, có tổ chức đến cả 100%. Điều đó thể hiện, vốn thì ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn, đến khi thắt chặt lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát như năm vừa qua, lập tức các tổ chức này khó khăn về thanh khoản.

Rõ ràng, vấn đề thanh khoản đã nghiêm trọng từ nhiều năm nay và để giải quyết tận gốc rễ chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng với mức lãi suất quá cao hiện nay và những cơ sở ban đầu, rất nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng NHNN sẽ sớm đưa ra quyết định giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán trong mấy phiên gần đây vẫn tiếp tục duy trì được đà đi lên cho dù được dự báo sẽ bước vào một đợt điều chỉnh.

Nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường do việc hạ lãi suất trong năm 2012 là một nhiệm vụ chính trị. NHNN kêu khó nhưng chắc chắn vẫn phải tìm biện pháp. Việc sai lầm của một số ngân hàng không thể bắt toàn bộ xã hội phải gánh chịu khi mà các điều kiện hạ lãi suất đã đến.

Hơn nữa, cũng phải nhấn mạnh rằng, thanh khoản cũng chỉ là vấn đề của một số ngân hàng, không phải là tất cả. Rất nhiều những ngân hàng cả quốc doanh lẫn cổ phần đang có thanh khoản tốt. Thực tế, không ít ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất ở một số lĩnh vực cho vay, có các chương trình mở rộng tiếp cận vốn cho DN… Như vậy, điều kiện đã có, nhiều ngân hàng đã sẵn sàng; chẳng lẽ chỉ vì một vài vướng mắc ở những ngân hàng yếu kém khiến DN và cả nên kinh tế cứ phải trông chờ và thất vọng.