Trang chủ » Kinh tế 24h » Sữa tăng: Bộ Tài chính chưa thể lên tiếng đúng sai

Sữa tăng: Bộ Tài chính chưa thể lên tiếng đúng sai

Tác giả:

Giá tăng chóng mặt

Trong năm 2011, liên tiếp nhiều lần, mặt hàng sữa đã tăng giá. Tuy nhiên, sự tăng giá này dường như không làm các nhà sản xuất “thỏa mãn”. Vì thế, ngay từ đầu năm 2012, các hãng sữa lại đua nhau tăng giá.

Mở màn cho đợt tăng giá lần này là Công ty cổ phần sữa Vinamilk – công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Sau 1 năm thực hiện chương trình bình ổn giá ở hầu hết các mặt hàng trên phạm vi cả nước, ngày 23/1 (tức mùng 1 Tết), Vinamilk đã công bố điều chỉnh giá bán một số loại sản phẩm tăng từ 5-7%.

Theo giải thích từ đại diện Vinamilk, nguyên nhân của đợt tăng giá sữa lần này là do giá nguyên liệu hiện nay đã tăng hơn 20%, các nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng từ 40 – 60%; chi phí đầu vào cho sản xuất như điện, nước, phí vận chuyển, xăng dầu… hiện cũng đã tăng từ 10 – 15% so với cùng kỳ. Vào đầu năm 2011, Vinamilk cũng là doanh nghiệp đầu tiên tăng giá lên 12%.

Sau đó, một loạt các hãng sữa đều viện cớ để tăng giá. Ngày 9/2, Công ty Friesland Campina Việt Nam (với các nhãn hiệu: Cô gái Hà Lan, Yomost, Fristi) gửi thông báo tăng giá một số mặt hàng sữa nước và sữa đặc có đường thêm 5% vào ngày 13/2. Lý do tăng giá được doanh nghiệp này đưa ra cũng là vì nhiều loại nguyên liệu và chi phí sản xuất đã tăng giá so với cùng kỳ.

Cùng ngày 9/2, hầu hết các đại lý sữa trên cả nước đều nhận được bảng thông báo thay đổi giá sữa của các dòng sản phẩm mang nhãn hiệu Anlene bột, Anlene nước và Anmum bột từ Công ty TNHH Fonterra Brands Việt Nam. Theo thông báo này, 12 sản phẩm thuộc nhãn hàng Anlene, Anmun của công ty này sẽ tăng thêm 5 – 10% từ ngày 13/2.

Dân kêu, cơ quan quản lý bình thản chờ

Việc các doanh nghiệp đua nhau tăng giá sữa ngay từ đầu năm khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng và bức xúc. Nhiều người cho rằng, cứ theo đà này, thì không biết giá sữa sẽ đi về đâu. Và, với giá sữa cao như hiện nay, nhiều người lao động có thu nhập thấp sẽ không có đủ tiền để mua sữa cho con.

Hiện mặt bằng giá sữa của nước ta đã cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20-30%. Giá sữa cao, khiến việc tiêu thụ sữa còn chậm. Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ sữa đứng gần thấp nhất thế giới. Điều này cho thấy, trẻ em Việt Nam thua thiệt nhiều so với trẻ em thế giới.

Nhiều người bức xúc, hình như các nhà quản lý và các doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận của họ mà không nghĩ rằng, mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam còn thấp, sữa tăng sẽ làm cho cuộc sống của nhiều người dân thêm khó khăn. Sữa là mặt hàng thiết yếu, nhiều gia đình có con nhỏ không thể bớt khẩu phần sữa của con. Và nhiều gia đình đành phải tiết kiệm chi tiêu để mua sữa cho con.

Việc liên tiếp tăng giá sữa cũng khiến không ít các đại lý, cửa hàng bức xúc. Ông Nguyễn Mười, chủ cửa hàng sữa Nguyễn Mười, ngụ tại số 1 Nguyễn Thông, TP.HCM, cho rằng, hầu hết các hãng sữa viện cớ tăng giá trong đợt này đều quá bất hợp lý và sẽ làm khó người tiêu dùng. Chẳng hạn, nếu tính từ năm ngoái đến nay thì hãng Enlene đã có ít nhất là 3 lần nâng giá và mỗi lần tăng ít nhất là 7 – 9%. Còn với hãng Abbott, dù giá sản phẩm hiện đã rất cao, một số sản phẩm có giá lên tới 1 triệu đồng/hộp, nhưng bình quân cứ mỗi năm hãng này nâng giá 3 lần và mỗi lần tăng từ 7 – 20%.

Trước sự phản ứng của người dân và đại lý về việc tăng giá sữa, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết trên báo Dân trí, hiện Bộ Tài chính đang phân cấp cho các Sở Tài chính tiến hành kiểm tra mặt hàng sữa dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống. Với sữa nhập khẩu dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, qua kê khai hải quan sẽ đối chiếu được giá nhập. “Chúng tôi sẽ phải thành lập các đoàn kiểm tra xem các cơ cấu tính giá: giá nhập, chi phí hộp, đóng gói, quản lý…Từ đó mới quyết định được họ tăng giá hợp lý hay không”, ông Thỏa cho biết.

Theo ông Thỏa, hiện chỉ có Vinamilk đăng ký điều chỉnh giá và TP.HCM chịu trách nhiệm kiểm soát doanh nghiệp này. Còn các nhãn hiệu sữa khác không đăng ký giá, sữa nước và một số loại sữa khác họ có quyền tăng giá theo thị trường nếu yếu tố chi phí đầu vào tăng. Song, hiện tại, Cục Quản lý giá vẫn chưa có cơ sở để kết luận việc tăng giá sữa là bất hợp lý hay không.