Trang chủ » Tranh luận » “Chặt chém” du khách: Cần địa phương ra tay

“Chặt chém” du khách: Cần địa phương ra tay

Tác giả:

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) – báo VietNamNet trích dẫn gợi ý về những biện pháp ngăn chặn tình trạng chèn ép du khách hiện nay của một số lãnh đạo DN lữ hành, cơ quan quản lý và nghiên cứu. Khép lại chủ đề bằng bài viết này, mong rằng những ý kiến phàn nàn, kêu ca về du lịch Việt Nam “chặt chém” sẽ thưa dần trên các phương tiện truyền thông trong thời gian tới.

Tránh để người dân “nhờn” luật
(PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)

Theo tôi, lỗi để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách là do hai phía: nhận thức của người dân và sự buông lỏng quản lý.

Trên thực tế, người dân nhiều địa phương chỉ cần biết cái lợi trước mắt mà quên đi lòng tự trọng. Tình trạng này thường xảy ra ở một xã hội mà nhận thức còn kém.

Trong khâu quản lý (quản lý ngành và lãnh thổ), vẫn còn tình trạng buông lỏng, đặc biệt trong quản lý lãnh thổ. Cần tăng cường năng lực cho nhà quản lý lãnh thổ về các biện pháp mềm, con người… nếu không tình trạng “chặt chém” du khách sẽ là vấn đề muôn thuở. Cũng cần phạt thật nặng nếu phát hiện có hành vi “chặt chém” du khách, ngược lại khách cũng có nơi để phản ánh và xử lý tình trạng này, thay vì không biết kêu ai hoặc kêu cũng không có ai xử lý như hiện nay. Để người làm du lịch không nhờn luật, người xử lý cũng phải có trách nhiệm trong công việc, với sự phát triển của ngành.

PGS.TS Phạm Trung Lương

Tuy nhiên, nhận thức của người dân chỉ nâng lên khi có mức sống nhất định, nếu quá nghèo thì người ta vẫn bất chấp vì nếu không làm vậy thì không còn đường sống. Do vậy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng chặt chém là do cuộc sống khó khăn, nghèo khó.

Hiện tại tôi thấy bi quan vì chưa nhìn thấy yếu tố nào để hạn chế tình trạng “chặt chém”. Tôi nói vậy là có căn cứ, bởi cách đây 12 năm, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã tham mưu Tổng cục Du lịch trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 07/2000 về Tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch. Nhưng hơn 10 năm qua, các địa phương hầu như không thực hiện và tình trạng trên vẫn tái diễn.

Theo tôi, để phát triển du lịch bền vững và tránh tình trạng “chặt chém”, trong quá trình phát triển du lịch, cần chia sẻ lợi ích với người dân. Tại các địa phương nên thành lập các tổ tự quản do người dân lập ra và quản lý, kinh phí thu được chia lại để người dân tự làm, tự bảo nhau, tránh các mệnh lệnh hành chính. Vấn đề ở đây là để người dân thấy được quyền lợi, lợi ích có được khi tham gia những hoạt động như thế.

Bốn kiến nghị cần làm ngay
(Ông Trần Thế Dũng, PGĐ Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)

Có thể thấy các biện pháp hiện nay để bảo vệ du khách trước nạn chèo kéo, chặt chém, lừa đảo tại các điểm tham quan, danh lam thắng cảnh nổi tiếng là rất kém. Để hạn chế, tiến đến xoá bỏ tình trạng này, cần có sự góp sức từ nhiều phía: quản lý Nhà nước, quản lý ngành, các địa phương, người trực tiếp làm du lịch, cộng đồng xã hội và du khách.

Trước mắt, có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

1. Du khách đến điểm tham quan nào, nơi ấy chịu trách nhiệm

Chẳng hạn, với khách du lịch bị kẻ xấu dùng thủ đoạn ép buộc “Ăn cá… giá chục triệu đồng” như ở Hạ Long thì ban quản lý vịnh không thể đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ, họ đã được Nhà nước phân công quản lý vùng vịnh ấy và bán vé kinh doanh. Khi mọi bất trắc xảy ra làm khách du lịch thiệt hại, tất nhiên, ban quản lý phải chịu trách nhiệm xử lý; thậm chí bồi thường cho khách. Ngoài ra, họ còn phải hạn chế các hiện tượng quấy nhiễu du khách khác như ăn xin, chèo kéo, móc túi…

Du khách bị hành rong quấy nhiễu (ảnh TT)

Tương tự, ở những điểm tham quan không thuộc trách nhiệm của ban quản lý mà để xảy ra tình trạng nhà hàng chặt chém, khách bị cướp giật… thì chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc xử lý, hỗ trợ khách.

Tôi nhớ trước đây ông Nguyễn Tri Diện, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt đã từng can thiệp kịp thời một vụ “chém” giá khách sạn, và mới đây, Bí thư Thành uỷ TP. Hội An Nguyễn Sự cũng đã chỉ đạo chính quyền phường kiểm điểm một chủ tiệm hớt tóc đã nhiều lần đòi khách nước ngoài trả giá cao đồng thời chấn chỉnh đội xe xích lô có dấu hiệu “chặt chém”. Chính cách hành xử quyết liệt và nhanh chóng của hai vị lãnh đạo trên đã giúp phục hồi niềm tin của du khách. Thiết nghĩ, nếu địa phương nào mà lãnh đạo tâm huyết và quyết đoán như 2 vị trên thì ngành du lịch đã tiến bộ từ lâu.

2. Thành lập công ty bảo vệ du lịch

15 năm trước, ngành du lịch TP.HCM đã hơn một lần đề nghị xin thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Nhưng rất tiếc mô hình này không được tán thành, thay vào đó là lực lượng bảo vệ du khách trực thuộc Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Thực tế cho thấy, lực lượng này không thể can thiệp, ngăn chặn được chuyện du khách gặp cảnh chèo kéo, lừa đảo… mà ngược lại, họ còn bị côn đồ hăm dọa, mắng chửi. Vậy làm thế nào để bảo vệ du khách?

Ông Trần Thế Dũng (ảnh Ng.Hà)

Theo tôi, nếu Nhà nước không tán thành mô hình cảnh sát du lịch thì nên chăng nên thành lập công ty bảo vệ chuyên nghiệp, hoạt động độc lập với đội ngũ nhân viên có trình độ ngoại ngữ, được huấn luyện nghiệp vụ du lịch, võ thuật và trang bị công cụ hỗ trợ như roi điện, gậy sắt để có thể bảo vệ mình và du khách… Họ có trách nhiệm vừa bảo vệ du khách vừa tuần tra cơ giới tại khu vực được giao. Và nên trao cho họ quyền được ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm phạm du khách giống như công ty vệ sĩ Long Hải, Thăng Long…

3. Giải quyết căn cơ về thu nhập cho người làm du lịch

Ngành du lịch Việt Nam thu hút khách quanh năm với 2 nguồn: khách nội địa và khách quốc tế.

Khách nội địa thường đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài từ sau Tết nguyên đán đến tháng 8, đặc biệt cao điểm trong tháng 6, tháng 7. Riêng khách nước ngoài vào Việt Nam từ tháng 9 đến tháng 2 sang năm. Thời gian còn lại lượng khách sẽ giảm bởi tùy thị trường.

Trong khi đó, đội ngũ  hướng dẫn viên phần nhiều hành nghề tự do và  một số ít đầu quân vào đơn vị nào đó hưởng lương phụ cấp theo chế độ cộng tác viên. Những lúc có khách đi tour, mỗi ngày HDV sẽ nhận  bình quân 250.000 đồng nếu phục vụ khách nội địa và 500.000 đồng nếu hướng dẫn khách quốc tế hoặc đưa khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, theo thông lệ hướng dẫn inboud sẽ được tiền tips 3-5 USD/ngày người như phần thưởng về tinh thần phục vụ khi kết thúc tour, riêng hướng dẫn nội địa nếu phục vụ tốt vẫn được tiền tips của du khách nhưng lúc có lúc không và mức độ tùy vào lòng hảo tâm của khách (khác các nước trong khu vực Đông Nam Á buộc mỗi ngày khách phải chi 3 USD cho tài xế và hướng dẫn).

Vì vậy có thể nói, ngày công, thu nhập của hướng dẫn viên nội địa không đều, không đủ sống. Khi đã túng thiếu còn đâu sự nhiệt tình để phục vụ khách, chưa kể khó tránh cám dỗ từ hoa hậu hĩ của những nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất mỹ nghệ, trung tâm thương mại… “đi đêm” với hướng dẫn viên, tài xế nhằm móc túi du khách.

Để giải quyết vấn đề này, các hãng lữ hành nên áp dụng chế độ lương bổng của hướng dẫn viên, tài xế du lịch giống như nước bạn, tức là ngoài giá tour, khách còn dành khoản tiền tips cố định cho những người trực tiếp phục vụ mình. Đó vừa là đạo lý, sự tri ân của cả 2 phía, vừa tạo thu nhập ổn định cho những người trực tiếp làm du lịch, cũng là gián tiếp nhắc họ phải công tâm với công việc, hết lòng với du khách và nói không với tiêu cực.

4. Thông tin đầy đủ cho khách hàng

Trên những tuyến điểm du lịch, du khách hầu hết chưa biết nhiều về nơi đến như đời sống, sinh hoạt của dân bản địa, môi trường xung quanh. Chính vì vậy, cộng với sự chủ quan, cả tin dẫn đến nhiều trường hợp khách bị kẻ bất lương lợi dụng chèn ép, bắt nạt, moi tiền với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Để bảo vệ du khách, không gì hơn là nhà điều hành tour, hướng dẫn viên… trước khi khởi hành nên thông tin, cảnh báo cụ thể với du khách tình hình xã hội, những mặt tốt cũng như hiện tượng tiêu cực tại các điểm đến như một sự cảnh báo, nhắc nhở khách cảnh giác, đề phòng.

Từ trước đến nay, trên ấn phẩm cẩm nang du lịch, website của các sở, ban, ngành, hiệp hội, các hãng lữ hành chỉ đơn thuần thông tin hoạt động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch… Nói cách khác là phản ảnh những mặt tích cực có lợi cho du lịch chứ hiếm khi phê phán, đấu tranh những sự việc làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Đó là cách làm “cổ điển” lâu nay vẫn thế. Vậy từ nay, nên lập hẳn chuyên mục tập trung “đánh” thẳng vào những “con sâu” để khách tránh xa và xây dựng một môi trường du lịch ngày càng trong lành hơn.

Trong chờ vào sự quyết liệt của địa phương
(Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch)

Tình trạng “chặt chém”, lừa đảo du khách, tuy không diễn ra phổ biến nhưng là những “con sâu” làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, mà trách nhiệm trước hết thuộc về các địa phương. Là cơ quan quản lý ngành dọc, chúng tôi đã thường xuyên có văn bản nhắc nhở các tỉnh, thành có danh lam, điểm đến nổi tiếng.

Để nâng cao nhận thức người dân, trong các chương trình giáo dục, đào tạo du lịch cộng đồng, các dự án đều chú trọng vào việc này, bởi chúng tôi hiểu rằng chất lượng điểm đến quyết định chất lượng sản phẩm du lịch. Từ thái độ người đón tiếp (công an cửa khẩu, hải quan), lái xe, nhà hàng… đến khi khách về nước, mình không thể giám sát hết được mà các chính quyền, người dân các địa phương cần có ý thức làm việc đó cho thật tốt, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Nếu du khách không vào Việt Nam nữa thì tất cả đều đói, như đợt khủng hoảng du lịch năm 2003 chẳng hạn.  Khách không đến địa phương thất thu, người dân thất thu chứ chưa nói đến lợi ích quốc gia. Trong khi thời đại toàn cầu, thông tin lan rộng nên khách chỉ cần vào internet là biết.

Ngoài ra, chuyện “chặt chém” vãng lai thỉnh thoảng vẫn xảy ra – điều đó là khó tránh khỏi. Giống như đi du lịch các nước, tình trạng ăn cắp cũng xảy ra thường xuyên. Trong việc này, trước hết phải giáo dục những người làm du lịch trong ngành, du lịch cộng đồng. Không phải chúng tôi đùn đẩy trách nhiệm, nhưng đó là các vấn đề của địa phương. Tổng cục Du lịch không thể làm được trừ khi địa phương ra tay quyết liệt.