Trang chủ » Tranh luận » Vụ Sacombank: Thâu tóm hay cơ hội thay đổi quản trị

Vụ Sacombank: Thâu tóm hay cơ hội thay đổi quản trị

Tác giả:

Lộ trình hai năm

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 17/2/2012 có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) về một số nội dung chương trình đại hội cổ đông thường niên của Sacombank năm tài chính 2011.

Trong đó, với tư cách là cổ đông lớn (9,73%) và được ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), Eximbank vừa có văn bản đề nghị bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát của Sacombank tại đại hội cổ đông sắp tới.

Eximbank đề nghị nguyên tắc đề cử đại diện vào thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát và yêu cầu Sacombank điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 trình đại hội đồng cổ đông, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch 2012 tăng thêm ít nhất 15% và đề nghị Sacombank không chuyển nhượng các tài sản lớn của ngân hàng trong thời gian này.

Vụ việc khá căng thẳng khi đáp lại yêu cầu trên, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết việc yêu cầu miễn nhiệm HĐQT ngân hàng là chưa có tiền lệ, chưa cần thiết, HĐQT có nhiệm kỳ cho tới 2015 (đã được NHNN thông qua) và hiện chưa chốt danh cổ đông do vậy việc ủy quyền thời điểm hiện tại chưa chắc vì cổ đông có thể thay đổi.

Hơn thế, để có thể bầu bổ sung thành viên và HĐQT thì cổ đông phải nắm giữ cổ phiếu ít nhất 10% trong vòng 6 tháng, trong khi Eximbank mới nhận chuyển nhượng 9,61% cổ phần từ Ngân hàng ANZ trong tháng 1/2012, chưa đủ thời gian.

Phản ứng lại những phát biểu của ông Thành, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank cho biết, ông không có ý định hù dọa và khẳng định có đủ điều kiện triệu tập họp cổ đông bất thường để bầu lại HĐQT Sacombank.

Ông Dũng cũng cho biết, hiện tại, trong số 51% cổ phần được ủy quyền, đại diện Eximbank có ít nhất 17% cổ phần nắm giữ trên 6 tháng. Trong khi đó, theo điều lệ của Sacombank, cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 10% trên 6 tháng có thể cử đại diện vào HĐQT, Ban kiểm soát.

Còn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định tại điều 25 của Sacombank thì cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên.

Hiện tại, đại diện Eximbank cho biết, chưa chốt danh sách ứng viên chuẩn bị ứng cử vào HĐQT Sacombank nhưng việc nhắm một số vị trí thì đã có.

Trên thực tế, vụ mua gom cổ phiếu Sacombank (STB) dường như đã được thực từ gần 2 năm qua và các tin đồn này bắt đầu bùng nổ từ tháng 7/2011 với những câu chuyện như: có một “đại gia” bất động sản và ngân hàng đang dòm ngó chiếc ghế Chủ tịch HĐQT STB nên đã âm thầm gom cổ phiếu trong thời gian gần đây. Thậm chí còn có đồn đại rằng “đại gia” này tuyên bố sẵn sàng vét hết tất cả số cổ phần được bán ra.

Chỉ trong vòng hơn 1 tuần cuối tháng 6 cho tới đầu tháng 7, đã có tổng cộng trên 26.34 triệu cổ phiếu STB được giao dịch thỏa thuận, trong đó có những phiên dư mua thỏa thuận đến 4 triệu cổ nhưng không có người bán.

Tình hình trở nên rõ ràng hơn khi một loạt các cổ đông lớn – những cổ đông đông nắm giữ cổ phiếu STB trong cả chục năm qua, tuyên bố bán ra. Cụ thể, tháng 8/2011, Dragon Capital bán 61 triệu cổ phiếu (6,66%) một phần (hơn 30 triệu cp) cho ông Chang Hen Jui, chồng bà Huỳnh Quế Hà – phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Sacombank.

Tiếp đến, Công ty CP Cơ điện lạnh REE (REE) bán toàn bộ hơn 42 triệu cp (3,92%) “cho một nhóm nhà đầu tư trong nước”.

Nhóm nhà đầu tư mua trường kỳ kia là ai, trên thực tế chỉ là đồn đại như là đại diện của một ngân hàng A hay một ngân hàng P gì đó. Không nhà đầu tư nào biết đó là ai. Cho tới khi, một đại diện mới xuất đầu lộ diện là Eximbank với việc mua lại toàn bộ 103 triệu cổ phiếu STB (9,61%) từ Ngân hàng ANZ.

Sacombank sẽ tốt lên?

Một điều làm nhiều nhà đầu tư hiện đang là cổ đông nhỏ lẻ của STB lo lắng là rất có thể ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng sau vụ “thâu tóm” này. Thực tế là sau một đợt tăng khá mạnh sau khi Sacombank mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ, giá STB đã chứng kiến nhiều phiên giảm sàn.

Sự “ra mặt” của Eximbank cũng khiến giá cổ phiếu STB giảm trong mấy phiên gần đây.

Mặc dù vậy, với một số người, nếu Eximbank thành công trong vụ này thì tình hình sẽ trở nên tốt đẹp hơn đối với chính Sacombank.

Trong 20 năm hình thành và phát triển, Sacombank đã có những tiến bộ vượt bậc với việc vươn lên là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam với số vốn không ngừng tăng trưởng. Tổng tài sản hiện có lên tới 160.000 tỉ đồng, hơn 10.000 nhân viên, 400 chi nhánh, phòng giao dịch ở ba nước Đông Dương, 1 triệu khách hàng.

Có tới 80% các điểm giao dịch là bất động sản thuộc sở hữu riêng và chiến lược phát triển thành ngân hàng hàng đầu của Việt Nam và có tiếng nói trong khu vực là rất đáng chú ý.

Mặc dù vậy, có thể thấy, trong những năm gần đây, với vị thế của mình, hoạt động kinh doanh của Sacombank không được  như mong muốn của nhiều nhà đầu tư.

Tỷ suất lợi nhuận không cao, mà một lý do được ông Đặng Văn Thành đưa ra là đầu tư cho lâu dài với một biểu hiện rõ nét là việc 80% chi nhánh và phòng giao dịch thuộc sở hữu riêng của ngân hàng.

Chính trong “tối hậu thư” của mình, Eximbank yêu cầu chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch 2012 tăng thêm ít nhất 15%.

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, giới đầu tư nhiều người tỏ ra khá lo ngại không phải vì hoạt động kinh doanh của Sacombank mà ở hoạt động của một số công ty con và những công ty có liên quan với ngân hàng này.

Trong đó phải kể đến CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS). Công ty này đã có một khoản lỗ kỷ lục trong năm 2011 với 610 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất mà một doanh nghiệp niêm yết công bố lỗ trong mùa kết quả kinh doanh năm 2011.

Riêng trong quý IV, chi phí hoạt động kinh doanh gần 400 tỷ đồng và chi phí quản lý 20 tỷ dẫn đến hoạt động kinh doanh chính lỗ 275 tỷ đồng. Ngoài ra còn có khoản lợi nhuận khác âm 122 tỷ đồng. Công ty chưa công bố thuyết minh nên không rõ đây là lỗ từ hoạt động gì.

Trong năm 2011, Ngân hàng Sacombank đã thoái vốn tại SBS từ 56,4% xuống dưới 11%, qua đó SBS không còn là công ty con mà chỉ là một khoản đầu tư tài chính của Sacombank.

Với Sacomreal (SCR) – do ông Đặng Hồng Anh (con ông Đặng Văn Thành) làm chủ tịch HĐQT, quý IV/2011 đã lỗ 66,38 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2011, SCR lãi 17,04 tỷ đồng trong đó phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ là 15,86 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 426,64 tỷ đồng cả năm 2010.

Một số công ty khác như Đường Bourbon Tây Ninh (SBT) – do vợ ông Thành, Huỳnh Thị Bích Ngọc là chủ tịch HĐQT và con gái là bà Đặng Huỳnh Ức My là thành viên và Thành Thành Công (do bà Ngọc làm chủ tịch) có hoạt động khá tốt nhưng vẫn khiến nhiều cổ đông Sacombank lo ngại.

Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt mà hoạt động của nó có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác và liên quan tới sự ổn định của nền kinh tế.

Với nhiều nhà đầu tư, một mô hình hoạt động như Ngân hàng Á Châu (ACB), trong đó chủ tịch HĐQT là một thành viên tương đối độc lập và cơ cấu cổ đông khá phong phú, sẽ tốt hơn nhiều. Thực tế, ACB là một ngân hàng hoạt động khá hiệu quả cho dù quy mô cũng tương đương như STB. Giá cổ phiếu này khá ổn định (ở mức trên dưới 20.000 đồng/cp) chứ không có thời điểm nào xuống thấp tới 12.000 đồng như STB.