Trang chủ » Điểm nóng » Nói và làm: Cam kết và hy vọng của sự đồng lòng

Nói và làm: Cam kết và hy vọng của sự đồng lòng

Tác giả:

Hơn một tuần qua, các tập đoàn đã lần lượt ký cam kết thực hiện cắt giảm chi tiêu tại các tập đoàn nhà nước. Qua đó, tất cả đều thể hiện quyết tâm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả một cách thực chất nhất. Điều này đang được kỳ vọng khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu DNNN.

Người ta đang nói đến một một làn sóng “thắt lưng, bộc bụng” tại các “tập” này “tổng” kia, khi chỉ trong một thời gian rất ngắn từ trung tuần tháng 2/2012 trở lại đây nhiều “ông lớn” như các Tập đoàn Bảo Việt, Dệt may, điện, than và xăng dầu…lần lượt ký cam kết với Bộ Tài chính để cắt giảm 5 – 10% chi phí trong quý I và số tiền mà các tập đoàn này dự kiến sẽ tiết kiệm trong cả năm 2012 lên tới từ vài trăm đến cả ngàn tỷ đồng.

Thoạt tiện, người ta cho rằng đó là do các tập và tổng công ty thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, quản lý, nâng cao hiệu quả SXKD của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Nói thể là không sai, nhưng cần phải thừa nhận một thực tế: trong bối cảnh hiện nay chuyện tiết giảm chi phí, thậm chí phải thắt lưng buộc bụng là điều không thể đặng đừng. Không phải chỉ riêng Việt Nam, đây là vấn đề thời sự của cả thế giới, ngay cả các quốc gia giàu nứt đố, đổ vách tại Âu, tại Mỹ người ta cũng đã làm cả đấy thôi.

EVN cam kết tiết kiệm 1.800 tỷ nhờ giảm chi phí và tiết kiệm điện năng.

Nhưng nói thật, mấy “đại gia” quốc doanh xưa nay làm ăn ít hiệu quả do cái máu tiêu hoang, đồng vốn bỏ ra mà hiệu quả thua xa mấy anh tư nhân nhỏ. DNNN mất 2,2 đồng vốn mới có một đồng lợi nhuận, trong khi DN tư nhân chỉ cần 1,3 đồng đã thu về một đồng lời. Đấy là chưa kể cái nạn đầu tư ngoài ngành, đầu tư dây dưa chậm tiến độ và cả không ít sai phạm quản lý và tham nhũng…

Nên nay, dù bên ngoài trống giong cờ mở để ký cam kết tiết giảm nhưng không phải ai cũng rõ “tiết” cái gì, “giảm” như thế nào và tiền đó để vào đâu…?

Lâu nay người ta cứ nghĩ đơn giản rằng tiết giảm là chuyện cắt giảm chi phí từ chi phí cho những cái bóng đèn  bất lúc trời sáng, tờ giấy báo cáo trước in một mặt thì này in 2 mặt, rồi tiền trà, tiền thuốc..

Đành rằng, suy nghĩ đó không sai nhưng hẳn nhiên là còn phiến diện. Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, vấn đề tiết giảm chi phí còn bao hàm cả việc các DN phải tăng cường năng lực quản trị để hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh.

Tiết kiệm, vì thế không đơn thuần là cắt giảm chi phí mà từ cùng một lượng chi phí tạo ra nhiều lợi nhuận nhất, bỏ ra lượng chi phí thấp nhất, phát huy hiệu quả cao nhất trên số vốn đầu tư để tăng thêm tỷ suất lợi nhuận trên một đồng vốn cũng là những giải pháp tiết kiệm hoàn hảo.

Nghe ra thì tiết kiệm chi phí tại các tập đoàn lớn đâu có đơn giản như chuyện người nghèo tiết kiệm chuyển từ nấu bằng gas chuyển sang dùng than tổ ong, cũng phức tạp lắm đấy chứ.

Nhưng nếu “thành tâm” họ có thể làm được, cứ nhìn cái gương của  Tập đoàn Dệt may Việt Nam mà xem. Không đợi đến khi có “NQ 01”, từ năm  2011 do kinh tế trong nước và thế giới rất khó khăn DN này đã nâng cao năng lực cạnh tranh lại tiết giảm được hàng trăm tỷ đồng do tập trung nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị tài chính, đặc biệt là quản trị chi phí và giá thành.

Vì thế, dẫu khi nền kinh tế chung bết bát Tập đoàn vẫn đạt doanh thu kỷ lục (36 ngàn tỷ), nộp ngân sách cả ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, bằng các biện pháp quyết liệt như giảm định mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, giảm chi phí hành chính họ đã tiết kiệm được 741,9 tỷ đồng.

Đến lúc này, người ta mới ngả ngửa ra. Bởi mới cắt giảm có 5% thôi mà số tiền tiết kiệm được đã bằng số lãi của một nhà băng thương mại hạng trung thu được trong cả một năm trời rồi. Hiệu quả vậy, sao chúng ta không làm sớm hơn để cho bao nhiêu trăm tỷ này, ngàn tỷ nọ cứ phải trôi sông, trôi bể qua cánh cửa: Hoang phí?

Vấn đề tiết giảm chi phí lần này được toàn xã hội quan tâm cũng bởi một lẽ: thông thường thì khi “thắt” thì người ta cứ “cắt” đủ thứ, nào là chi phí sản xuất, chi phí quản lý, rồi cả lương bổng của người lao động nhưng nay thì có khi không phải vậy.

Chỉ theo cam kết của ngành dệt may sang năm 2012, dù giảm 5% chi phí các loại  nhưng họ vẫn cam kết tăng 15% lương cho người lao động! Tất nhiên, con số chốt sổ lương của người lao động dịp cuối năm sẽ chứng minh cam kết này là hư hay thực.

Nhưng rõ ràng, hiệu quả bước đầu trong việc tiết giảm chi phí từ đơn vị này cho thấy các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoàn toàn có thể tiết kiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả với nhiều cách thức khác nhau, chứ không chỉ là chuyện cắt tiền trà thuốc hay xén bớt lương bổng…

Dân xứ ta có một tập tính rất hay: không làm thì thôi, chứ đã làm thì cả làng, cả nước cùng làm. Chỉ trong “mươi ngày” rồi đã có tới “mươi ông lớn” đua nhau đăng ký cam kết tiết giảm chi phí đấy thôi. Chỉ có điều họ có làm thực không hay chỉ lấy cái cam kết về đính lên tường nhà máy cho oai?