Trang chủ » Doanh nhân » CEO người Đức làm dâu Việt hơn 20 năm

CEO người Đức làm dâu Việt hơn 20 năm

Tác giả:

Sau đây là cuộc trò chuyện với bà Monika Nguyen Nam – một nữ doanh nhân người Đức – vào một ngày bận rộn trước dịp Tết Nguyên đán, tại văn phòng của bà nằm trên một con đường yên tĩnh ở TP.HCM. Chia sẻ cảm nhận về đất nước “nhà chồng” mà mình đã gắn bó hơn 20 năm, bà nói : “Dù tôi không phải người Việt nhưng trái tim tôi luôn dành cho Việt Nam”.

* Điều gì khiến bà ấn tượng nhất khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam? Bà thấy mọi thứ đã thay đổi ra sao kể từ ngày đó?

– Có sự khác biệt rất lớn! Tôi đến Việt Nam từ năm 1988. Khi vừa bước xuống máy bay, tôi đã cảm nhận cái nóng hầm hập và những loại mùi rất… Việt Nam. Đường phố khi ấy chưa đông đúc như bây giờ và cuộc sống của người dân còn rất khó khăn.

Hơn 20 năm trôi qua, tôi rất vui khi thấy mức sống của người dân Việt ngày càng được cải thiện, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Điều tuyệt vời nhất là đất nước đã mở cửa. So với Trung Quốc, không chỉ tôi mà nhiều khách hàng của tôi cũng thích Việt Nam hơn.

Ở đây, chúng tôi có cảm giác như đang ở nhà, một phần vì các bạn sử dụng ký tự Latin (trong khi nhiều nước Châu Á khác sử dụng chữ tượng hình). Dù người phương Tây không hiểu được tiếng Việt, nhưng ít ra họ cũng đọc được thứ gì đó.

Bà Monika Nguyen Nam – CEO IMR và đồng nghiệp

* Bà có thể chia sẻ một chút với bạn đọc về công việc kinh doanh của bà hiện nay?

– Thật ra, tôi đang điều hành cùng lúc hai công ty kể từ khi chồng tôi qua đời năm 2010. Chồng tôi là mẫu người đàn ông Việt Nam truyền thống.

Năm 2005, ông ấy đã thành lập Công ty IMR chuyên về dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (Business Process Outsourcing), đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý hóa đơn.

Hằng ngày, chúng tôi nhận hàng nghìn hóa đơn từ các công ty Châu Âu. Hầu hết trong số họ đều có hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning – Quản trị nguồn lực doanh nghiệp), trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian để kiểm tra hóa đơn, ngân sách, ghi chú giao nhận…

Nhiều công ty ở Châu Âu hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, vì vậy họ muốn cắt giảm tối đa chi phí. Cả chúng tôi và đối tác đều có lợi. Đây là lý do vì sao chúng tôi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này và thành công.

Hai năm trước, tôi đã quyết định phải “tự động hóa” quy trình làm việc tại công ty, bằng cách áp dụng những kỹ thuật mới để nhận dạng hóa đơn và các văn bản kinh doanh khác. Đây là cơ hội để nhân viên của tôi chuyển sang làm các công việc khác đòi hỏi nhiều trí tuệ hơn.

Năm 2006, tôi thành lập công ty riêng. Tôi đã giúp những doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam thiết lập quy trình sản xuất tại đây từ A-Z: từ việc hiểu về đất nước này, tìm kiếm nơi đặt văn phòng, nhà máy, thiết lập chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng, vận chuyển máy móc từ Đức sang Việt Nam, thuê lao động… Một số trường hợp mất khoảng sáu tháng, một số khác kéo dài cả năm.

Sau này, chúng tôi vẫn tiếp tục giúp khách hàng quản lý chất lượng và kết nối họ với nhau. Ví dụ, chúng tôi có khách hàng từ Ý muốn đặt sản xuất công cụ công nghiệp, và một khách hàng Đức có thể sản xuất chúng tại Việt Nam. Vậy là chúng tôi kết nối họ với nhau.

Tất cả các khách hàng của tôi trong nhiều năm qua đều rất hài lòng và công việc kinh doanh của họ ở Việt Nam đang ngày càng mở rộng. Khi mới khởi nghiệp, chúng tôi chỉ có 5 nhân viên, bây giờ chúng tôi có 50 người.

* Theo bà, nhân tố nào khiến một nữ doanh nhân nước ngoài như bà kinh doanh thành công ở Việt Nam?

– Điều đầu tiên là tôi đã biết đến Việt Nam từ năm 1988. Tuy nhiên, lúc đó tôi chẳng hề dự định kinh doanh. Sau này, tôi và chồng đều đặn về Việt Nam hai năm một lần, và chúng tôi cảm thấy đất nước này đang phát triển. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chính thức kinh doanh ở đây vào năm 2006.

Một điểm nữa là tôi biết tiếng Việt. Ở Việt Nam, tôi chẳng khác nào “cá gặp nước”, tôi không chỉ sống sót mà còn bơi lội thoải mái ở đây. Với tôi, hầu như không có khác biệt nào giữa Đức và Việt Nam.

Bà Monika Nguyen Nam và đồng nghiệp

Chìa khóa chính là ngôn ngữ. Nếu bạn không hiểu ngôn ngữ thì bạn không thể hiểu tình cảm và tâm tư của những người xung quanh.

Và dĩ nhiên, tôi luôn là một người Đức thực thụ. Tôi muốn đem đến điều gì đó cho Việt Nam, giúp Việt Nam bắt kịp với các tiêu chuẩn của thế giới. Tôi cũng rất hạnh phúc khi được làm việc với những người Việt trẻ.

Tuổi trung bình của các nhân viên ở đây là dưới 30, tất cả họ đều hăng say học hỏi và làm việc. Những gì chúng tôi cần làm là cho họ một cơ hội và sự tự do để tự mình làm mọi thứ. Ít nhất, chúng tôi có thể cho họ những chỉ dẫn và để họ tự tìm con đường của mình.

Người Việt rất thông minh và yếu tố này góp phần vào sự thành công của công ty chúng tôi. Có thể nói, sự kết hợp giữa cá tính Đức và tính cách Việt đã tạo nên sự thành công của chúng tôi.

* Là quản lý của một công ty trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, bà có lời khuyên nào cho các công ty nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam?

– Trước khi bắt đầu, tôi nghĩ họ nên tạo cơ hội cho nhân viên người Việt được đào tạo tại nước ngoài, bất kể là nhà đầu tư đó đến từ đâu. Cho dù nhân viên của bạn được đào tạo từ những trường đại học hàng đầu và tốt nghiệp với tấm bằng khá giỏi, họ vẫn thiếu rất nhiều kinh nghiệm thực tế.

Đây là vấn đề lớn mà Việt Nam và cả Trung Quốc đang phải đối mặt.

Những nhân viên mới ra trường không phân biệt được thứ gì là tốt nhất, thứ gì tốt và thứ gì là bình thường, nên họ không tìm ra được lỗi của sản phẩm. Vì vậy họ cần phải học hỏi. Nhưng học ra sao? Phải có ai đó chỉ cho họ.

Các nhà đầu tư nước ngoài không có gì phải lo lắng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ tìm thấy những nhân viên thông minh, nhưng họ cần đầu tư vào việc huấn luyện.

Lời khuyên của tôi cho các nhà đầu tư nước ngoài là hãy mang nhân viên ra nước ngoài, để họ làm việc và học hỏi ở đó, và khi trở lại Việt Nam, những nhân viên này sẽ thấu hiểu được mục tiêu và yêu cầu mà công ty muốn đạt được.

* Bà đã từng ăn Tết ở Việt Nam bao giờ chưa? Bà cảm nhận ra sao về dịp lễ hội truyền thống này?

– Tôi đã ăn Tết ở Việt Nam nhiều lần lắm rồi. Tết là dịp để cả gia đình sum họp. Đôi lúc tôi ước gì ở Đức cũng có Tết. Năm mới ở Đức chỉ có mỗi một ngày trong khi Tết kéo dài và chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Và dĩ nhiên là tôi thích tất cả các món ăn Việt dành cho ngày Tết. Lần này tôi đã mang bánh tét và tré về Đức. Bạn tin không, tôi còn mang về Đức cả một cành đào nữa. Nhà tôi ở Đức có bàn thờ với ảnh thờ của các thành viên trong gia đình.

* Sở thích của bà là gì?

– Tôi thích chơi golf, nhưng đó là một môn thể thao rất tốn thời giờ, nên tôi chỉ có thể chơi vào cuối tuần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cảm thấy ngại chơi golf ở Việt Nam. Một giờ chơi tốn khoảng 150 đô la, và tôi biết mức lương của nhân viên, nên tôi không muốn chơi golf ở đây nữa.

Tuy vậy, ở Đức thì tôi là một tay golf cự phách. Tôi cũng chơi piano, không giỏi lắm, chỉ để thư giãn thôi. Tôi cũng đọc rất nhiều sách và yêu thích vẽ tranh sơn dầu.

* Bà tin tưởng những giá trị cốt lõi nào trong cuộc sống?

– Tôi nghĩ chúng ta nên đặt ra một số “luật lệ” cho bản thân và cố gắng tuân thủ nó. Trở thành một người tốt và cố gắng không ganh tị với ai cả. Ganh tị không giúp bạn khá hơn. Khi bạn nhìn thấy ai đó đang sở hữu những thứ tốt hơn mình, đừng ghét họ.

Thay vào đó, bạn nên hỏi chính mình: “Mình nên làm gì để có được thành công như vậy?”, và học hỏi từ những người đó. Hãy hòa hợp với gia đình và môi trường tự nhiên. Hãy sống tốt, và bạn sẽ không phải sợ điều gì cả.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ rất thú vị!

(Theo Doanh nhân Sài Gòn)