Trang chủ » VNR500 & FAST500 » DN tư nhân: Bao giờ được coi như con cưng?

DN tư nhân: Bao giờ được coi như con cưng?

Tác giả:

500 DN tăng nhanh nhất 2011: Khối tư nhân đột phá

Bảng xếp hạng FAST500 đã hé lộ rõ hơn đâu là cốt lõi của sức mạnh tăng trưởng và sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam. Đó chính là khu vực kinh tế tư nhân. Đây là nhận định của Vietnam Report trong ngày công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2011, ngày 21/2.

Năm 2011 là năm thứ hai liên tiếp Fast500 – top500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam- được công bố. Fast500 ra đời như một điểm tựa tinh thần, nguồn động viên lớn lao, là bệ phóng cho các doanh nghiệp tư nhân vượt khó. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và chính sách kinh tế đã thật sự tạo điều kiện để phát huy sức mạnh này? Trước sức ép tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân có thể chờ đợi điều gì?

Vai trò đầu tàu mờ nhạt

Về sức mạnh kinh tế và tỷ trọng đầu tư, khối DNNN đang chiếm thế thượng phong trong nền kinh tế. Tuy nhiên, về  hiệu quả kinh tế và tạo việc làm,  không có gì mới khi phân tích FAST500 cho thấy vai trò đầu tàu của khối doanh nghiệp Nhà nước có vẻ khá mờ nhạt.

Trong ba khu vực kinh tế, các doanh nghiệp có vốn sở hữu lớn thuộc Nhà nước tăng trưởng chậm nhất về lao động và tài sản. Trong vòng 4 năm 2007-2010, lao động và vốn chủ sở hữu trong DNNN hầu như không tăng. So với con số tăng 11% và 43% của khối doanh nghiệp tư nhân và 17% và 39% của doanh nghiệp FDI thì đây là một cách biệt rất đáng kể.

Trong ba khu vực kinh tế, các doanh nghiệp có vốn sở hữu lớn thuộc Nhà nước tăng trưởng chậm nhất về lao động và tài sản.

Trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất thuộc các lĩnh vực ngành nghề sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cao, sự xuất hiện của các doanh nghiệp nhà nước cũng rất khiêm tốn. Đặc biệt, không có DNNN nào trong lĩnh vực cơ khí chế tạo có mặt (9/9 doanh nghiệp tư nhân). Có chăng, DNNN chỉ tỏa sáng ở các lĩnh vực ngành nghề đặc thù như khai thác khoáng sản, xăng dầu (11/21 doanh nghiệp tăng trưởng) và ngân hàng (8/25).

Như vậy, các doanh nghiệp ngoài nhà nước một lần nữa được khẳng định là nhân tố chính tạo ra của cải của xã hội và tạo công ăn việc làm bất chấp những khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế gây nên.

Thực tế khắc nghiệt

Là hạt nhân cốt lõi tạo ra tăng trưởng của nền kinh tế, tuy nhiên, có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang phải trải qua những thực tế khắc nghiệt không xuất phát từ nội tại của doanh nghiệp mà từ môi trường kinh doanh hiện tại tại Việt Nam. Trong một thời gian dài, doanh nghiệp chưa nhận được sự đối xử công bằng mà họ đáng được hưởng.

Trong một cuộc khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất của Vietnam Report, các doanh nghiệp được hỏi đã trả lời về 1 trong 3 thách thức lớn nhất của doanh nghiệp. Có 9 thách thức được được ra, trong đó 5 trong 9 thách thức là yếu tố khách quan xuất phát từ môi trường kinh doanh là: cạnh tranh gay gắt từ phía các DNNN và DN FDI; chính sách NN thay đổi quá nhiều; môi trường kinh doanh không ổn định; chi phí tăng nhanh; và thiếu nguồn tiền cho các dự án mới.

Buổi Lễ tôn vinh và Diễn đàn FAST500 sẽ diễn ra vào ngày 10/04/2012 tại TP.HCM, với sự đồng hành của VIETNAMWORKS. Đặc biệt trong buổi Lễ sẽ có sự xuất hiện của các Giáo sư đến từ Trường Đại Học Kinh doanh Harvard sẽ trình bày trước các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam về việc quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST500 được công bố để nghi nhận một cách khách quan thứ hạng về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh mà các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam đã nỗ lực đạt được. Tham khảo thêm trên website: www.fast500.vn

Tuy các doanh nghiệp không cảm thấy một áp lực cạnh tranh gay gắt từ phía các DNNN và DN FDI, được hiểu chủ yếu là về thị trường và sản phẩm, nhưng phần lớn doanh nghiệp tư nhân cho biết rất khó tiếp cận vốn để thực hiện các dự án mới, hay phải chịu mức chi phí cao, đặc biệt là chi phí vốn.

Không những không nhận được ưu đãi vốn phục vụ cho sản xuất theo chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân khá khó khăn để đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ các ngân hàng, cũng như là phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” khiến cho không ít doanh nghiệp bị đẩy vào tình cảnh phải dừng sản xuất hoặc xin nộp đơn phá sản.

Nếu xét đến các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp tăng trưởng, có thể thấy thực tế này được phản ánh rõ nét. Vào năm 2007, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, vốn chủ sở hữu và trên doanh thu (ROA, ROE, ROR) bình quân của khối DN Nhà nước và DN tư nhân là tương đương; lần lượt là 0,5%, 20%, 0,5%. Đến năm 2010, các chỉ số này đều được cải thiện nhưng có một sự tách biệt đáng kể giữa hai khối; hiệu quả của các DNTN chỉ còn tương đương 1 nửa so với các DNNN (2,5% so với 5,5%; 13% so với 24%; 2,1% và 5,7%), có nghĩa là, cùng một đồng vốn bỏ ra, các doanh nghiệp tư nhân chỉ nhận lại còn được 1 nửa so với các DNNN. Trong một môi trường khắc nghiệt như vậy, thành tựu hiện nay của các doanh nghiệp tăng trưởng thuộc khu vực tư nhân lại càng đáng trân trọng.

Chờ đợi gì ở tái cấu trúc kinh tế?

Để duy trì nhiệt huyết tăng trưởng, điều đầu tiên các doanh nghiệp tư nhân FAST500 chờ đợi là một sự tin tưởng của xã hội và Nhà nước vào doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước cần khẳng định cam kết mạnh mẽ rằng các doanh nghiệp tư nhân được quyền cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước. Và khi các DNNN thất thế trong cạnh tranh, thì các DNNN phải được cho phép phá sản, tránh tính trạng khi DNNN khó khăn thì lại xin ưu đãi, trợ giúp của nhà nước. Cần điều chỉnh quan niệm doanh  nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo.

Tiếp theo, các doanh nghiệp tư nhân FAST500 mong chờ những điểm nghẽn của nền kinh tế về hạ tầng cơ sở, về  nhân lực, về khoa học, công nghệ sẽ được dần khai thông. Các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân của Việt Nam đang thực sự gặp khó khăn về năng lực cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực và thế giới. Nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước tăng cường đầu tư vào hạ tầng, vào nhân lực, vào khoa học và công nghệ, qua đó tạo ra ảnh hưởng tràn tới toàn nền kinh tế, khả năng thành công của các doanh nghiệp FAST500 trên thương trường quốc tế vẫn rất xa vời.

Trong quá trình đó, sự liên kết của các doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam – những ngôi sao đang lên của nền kinh tế  – trong BXH FAST500 là nhân tố khá quyết  định cho khả năng thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.  Hy vọng, mai đây, năm năm hay mười năm nữa, có thể trong số 500 doanh nghiệp ngày hôm nay có những doanh nghiệp trưởng thành sải cánh rộng lớn mạnh mẽ thóat khỏi sự khó khăn mà vươn cao, vuơn xa đến nhân loại, và qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam.