Trang chủ » Kinh tế 24h » Danh sách ‘đen’ các dự án bất động sản

Danh sách ‘đen’ các dự án bất động sản

Tác giả:

Đứng đầu danh sách này chính là là CTCP Bất động sản AZ (AZ Land). Số là, từ cuối năm 2009, thị trường bất động sản Hà Nội đã xôn xao thông tin dự án CT1, CT2 Vân Canh do công ty này làm nhà đầu tư thứ cấp đang ra hàng, với giá bán khoảng 14 – 15 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, hàng trăm khách hàng đã phải trả khoản tiền “chênh” tới gần 300 triệu đồng/căn hộ chờ mãi chẳng thấy bàn giao nhà. Kéo đến hỏi chủ đầu tư, khách hàng mới “té ngửa” ra rằng hợp đồng chuyển giao dự án giữa chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) với AZ Land vẫn chưa xong. Quá chán nản, nhiều nhà đầu tư đã đăng tin rao bán lại các căn hộ tại dự án này với giá chỉ còn 12 triệu đồng/m2 và không tính chênh lệch một đồng nào.

Cũng được chào bán từ năm 2009, dự án tòa tháp Diamond Tower, nằm trong dự án Nam An Khánh do Sudico làm chủ đầu tư dù đã được bán qua tay nhiều chủ đầu tư với giá lúc đỉnh điểm hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống và chưa rõ ông chủ đích thực của dự án này là ai.

Ở phân khúc đất nền, 2 dự án bị các sàn giao dịch bất động sản “dị ứng” nhất hiện nay là Thanh Hà Cienco 5 và Kim Chung – Di Trạch. Cả hai dự án này đều được nhà đầu tư thứ cấp chào bán và “thổi giá” lên gấp vài lần giá gốc nhưng cho đến nay tính pháp lý của dự án vẫn chưa rõ ràng nên các hợp đồng góp vốn bị coi là ít giá trị pháp lý. Mới đây, một nhà đầu tư đã “may mắn” bán được một nền biệt thự tại dự án Kim Chung – Di Trạch với giá 2,5 tỷ đồng, trong khi người này đã phải mua với giá 5,5 tỷ đồng hồi năm 2010.

Không chỉ ở dự án CT1 và CT2 Vân Canh, AZ Land cũng đang sa lầy tại các dự án khác như dự án Tòa nhà AZ Lâm Viên Complex (tại 107 Nguyễn Phong Sắc) cao 25 tầng, tiến độ hoàn thành trong quý IV/2012 nhưng đổ xong trần tầng 2 thì phải tạm dừng từ trước Tết Nhâm Thìn; dự án AZ SKY Tower tại Khu đô thị mới Định Công. Cả 2 dự án này đều đã được chào bán từ lâu nhưng chưa biết ngày nào mới hoàn thành.

Trao đổi về những dự án và chủ đầu tư  chậm tiến độ nêu trên, nhiều nhân viên tại các sàn giao dịch bất động sản khu vực Hà Nội cho biết, nguyên nhân cơ bản là khả năng tài chính của chủ đầu tư không đảm bảo, nếu không muốn nói là không có khả năng để tiếp tục triển khai dự án. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, do thị trường khó khăn và chủ đầu tư đã đầu tư quá dàn trải, khiến tiền thu được của khách hàng không được đổ vào dự án nên tiến độ các dự án kể trên gần như “bất động”.

Nguyên nhân thứ hai là tính pháp lý của dự án không đảm bảo. Bởi sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã chuyển nhượng từng phần của dự án cho nhà đầu tư thứ cấp ở nhiều cấp độ. Nhiều hợp đồng huy động vốn đã trải qua 5, 7 lần chuyển nhượng càng khiến cho tính pháp lý của hợp đồng ngày càng mờ nhạt, rủi ro của nhà đầu tư tiếp theo ngày càng tăng.

Chính vì vậy, các sàn giao dịch bất động sản đã không dám mạo hiểm đứng ra môi giới cho những loại hợp đồng này. “Phí ít mà trách nhiệm thì nhiều, trong khi các sản phẩm “sạch” lại đang được chào bán tràn lan, tha hồ lựa chọn thì chả dại gì chúng tôi lại đi chào mời các sản phẩm “có vấn đề” làm gì”, nhiều nhân viên môi giới cho biết.

(Theo ĐTCK)