Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Quỹ Văn hoá Boston đồng hành đưa DN Việt ra thế giới

Quỹ Văn hoá Boston đồng hành đưa DN Việt ra thế giới

Tác giả:

Doanh nghiệp Fast500 Việt Nam gây tiếng vang đến Mỹ

Không hẹn mà gặp, không hứa trước một điều gì cả nhưng Quỹ văn hóa Boston đã bất ngờ dành cho Việt Nam một chuyến thăm nồng nhiệt với đoàn gồm lãnh đạo Quỹ và 2 ca sỹ Opera tài năng Natalie Polito, Erin Merceruio. Không chỉ bởi duyên nợ với Việt Nam, và mà còn là sự đồng hành với sự nghiệp giới thiệu những giá trị văn hoá, tinh thần của Việt Nam với thế giới như Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông về Hoà giải và Yêu thương, như giúp các doanh nghiệp (Fast500), cũng như cùng góp sức hỗ trợ chương trình xây dựng  21 thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu – Vietnam Report G21.

Trong một thập kỉ trước, nhạc trưởng Charles Ansbacher đã sáng lập nên dàn nhạc giao hưởng Boston Landmarks Orchestra với một khát vọng mang lại sức sống, lòng can đảm bằng cảm hứng âm nhạc cho những nơi nghèo đói và chiến tranh. Sứ mệnh thiêng liêng đó cứ đi theo dàn nhạc biểu diễn từ Bosnia đến Sarajevo, Beirut và nhiều nước sau xung đột và chiến tranh nhằm hóa giải nỗi đau và mất mát.

Trong giới quyền quý tham gia vào quỹ văn hóa, có Giáo sư Micheal Dukakis từng là ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc đua với ông Bush cha vào năm 1988. Ông còn là Thống đốc bang Massachusetts trong vài nhiệm kỳ. Quỹ văn hóa còn sự tham gia của bà Swanee Hunt, giảng viên Trường Quản lý nhà nước Kennedy, Đại học Harvard, Cựu Đại sứ Mỹ tại Áo.

Nhạc trưởng Charles

Từ dàn nhạc giao hưởng, thấy mình cần phải làm thêm nhiều điều tốt đẹp cho xã hội nữa nên Charles Ansbacher đã phát triển, sáng lập nên điều lớn hơn: Quỹ văn hóa Boston tổ chức các hoạt động văn hóa lớn cho công chúng ở Boston nói riêng và nước Mỹ nói chung. Quỹ đã quy tụ được nhiều nhà lãnh đạo, nhà hoạt động xã hội, giới quyền quý có uy tín ở Boston và nước Mỹ. Dù hôm nay, nhạc trưởng Charles Ansbacher đã từ biệt nhân gian, nhưng vợ ông  – bà Swanne Hunt và những nhà lãnh đạo của Quỹ tiếp tục thực hiện uớc mơ, khát vọng  còn dang dở của ông.

Bà Swanne Hunt từng là Đại sứ Mỹ tại Áo, bà thuộc dòng dõi gia đình danh giá ở Mỹ. Đến bây giờ bà vẫn còn đau đáu với sự nghiệp của mình, làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh và giải quyết các vấn đề thời hậu chiến. Mọi người vẫn quen gọi bà là “bà Đại sứ” bởi ở bà toát lên vẻ quý phái và thánh thiện, bà không thích quân đội bởi sự can thiệp của vũ trang sẽ hủy hoại rất nhiều thứ.

Khán giả đến xem trong buổi biểu diễn của quỹ văn hoá

Những câu chuyện với bà Swanne luôn đầy nhiệt huyết và tưởng như không dứt bởi bà còn muốn chia sẻ nhiều điều với Việt Nam: “Tôi muốn nói điều này vì Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt với người Mỹ. Ở Mỹ, nhiều người khi nhắc đến hai tiếng “Việt Nam” có nghĩa là nói đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Thậm chí, nhiều người chỉ nói “Nam”, chẳng hạn: “Chúng ta có nên dấn quân vào Afghanistan, hay đó sẽ lại là một Việt Nam khác?“.

Con người luôn lắng nghe âm nhạc bằng con tim và tấm lòng. Bởi vậy mà âm nhạc, đặc biệt hơn đối với dòng nhạc giao hưởng thính phòng đã dẫn dắt con người bằng đức tính cao thượng. Cao thượng trước hết với chính mình, rồi cao thượng với người khác. Rộng lượng với chính dân tộc mình thì sẽ biết rộng lượng với dân tộc khác. Vì lẽ đó mà Quỹ văn hóa Boston thực sự bày tỏ tâm huyết gây dựng một tình cảm tốt đẹp bằng những hoạt động văn hóa có giá trị lớn để từ đó có thể quảng bá văn hóa Việt Nam rộng lớn ra thế giới, và những mong Quỹ văn hóa Boston có thể trở thành một Đại sứ Văn hóa Việt Nam tại Mỹ.

Giáo sư Micheal Dukakis

Nghệ thuật vốn rất sòng phẳng và khắc nghiệt. Những bản nhạc có lời sẽ còn được đánh giá cả ở giai điệu và cả bởi ca từ, lời lẽ hay dở được phân minh rành rọt. Và với một tác phẩm giao hưởng cũng vậy, nhạc cổ điển dẫn đường người nghe bằng sự rung cảm và trí  tuệ.

Nghe tác phẩm “Khúc hát nàng Solveig”, của nhạc sỹ vĩ đại người Nauy Grieg, nhạc sĩ Tchaikovsky đã nói rằng “Bản nhạc đã không còn ca hát. Nó đang kêu gọi. Nó kêu gọi con người hãy đi theo nó đến một xứ sở, nơi không đau khổ nào có thể làm nguội lạnh tình yêu, nơi không có ai giành giật hạnh phúc kẻ khác, nơi mặt trời sáng chói như vòng triều thiên trên đầu một nàng tiên trong cổ tích“.

Một tác phẩm giao hưởng kêu gọi con người đừng giành giật hạnh phúc của nhau, đó phải chăng là một thông điệp rõ ràng trong xã hội hôm nay, một xã hội quá chú trọng phát triển về kinh tế mà sao lãng những giá trị văn hoá, tinh thần. Đó cũng chính là mong muốn của Quỹ văn hóa Boston đến thăm Việt Nam lần này trong việc đưa thương hiệu của các doanh nhân, doanh nghiệp (Fast500), chương trình Vietnam Report G21 ra toàn cầu bằng con đường âm nhạc, văn hóa.

Những cuộc vận động hô hào khẩu hiệu, những bài phát biểu với những lời lẽ bóng bẩy tất cả đều không đủ sức lay động nhân gian bằng những giai điệu âm nhạc. Những giai điệu âm nhạc sâu lắng, truyền cảm hứng có đủ sức mạnh làm tan biến sự hận thù bằng lòng bao dung. Ai đó đã khóc khi nghe quốc ca Việt Nam do giàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Boston bởi thương xót cho đất nước mình nhỏ bé giữa thế giới bao la, thương cho con người Việt Nam chịu bao đau khổ để tiếp cận với ánh sáng của trí tuệ và văn minh.

Buổi Lễ tôn vinh và Diễn đàn FAST500 sẽ diễn ra vào ngày 10/04/2012 tại TP. Hồ Chí Minh, với sự đồng hành của VIETNAMWORKS. Đặc biệt trong buổi Lễ sẽ có sự xuất hiện của các Giáo sư đến từ Trường ĐH Kinh doanh Harvard sẽ trình bày trước các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam về việc quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc nền kinh tế.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST500 được công bố để nghi nhận một cách khách quan thứ hạng về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả  kinh doanh mà các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam đã nỗ lực đạt được. Tham khảo thêm trên website: www.fast500.vn.