Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Hậu khủng hoảng: Tăng cường xuất khẩu, hút vốn FDI

Hậu khủng hoảng: Tăng cường xuất khẩu, hút vốn FDI

Tác giả:

Bối cảnh và triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực

Khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008, nó từng được xem là dấu chấm hết cho kỷ nguyên kinh tế học tự do. Sự sụp đổ của các nền kinh tế tự do kiểu mới và chủ nghĩa tôn thờ “thị trường tự điều tiết”  làm sống lại lập luận của John Maynard Keynes. Trên khắp thế giới, kể cả tại Mỹ, suy thoái kinh tế  khiến cho vai trò của nhà nước và sự  tái điều tiết thị trường được quan tâm và  áp dụng. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cho rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 đánh dấu: “sự xuất hiện trở lại của nhà nước” và “sự kết thúc của ý thức hệ về sự bất lực của khu vực công“. Trong bối cảnh đó, rất nhiều nước đã thực hiện các gói kích thích kinh tế, từ những nền kinh tế đang phát triển cho đến những nền phát triển.

Hầu hết dự báo cúa các tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ vẫn tiếp tục ảm  đạm trong năm 2012: tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức của năm 2011, hay thậm chí còn thấp hơn, dòng thương mại và vốn đầu tư tư nhân toàn cầu cũng vẫn ở trong tình trạng ngừng trệ. Năm 2012, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn từ hệ thống tài chính yếu kém, tỷ lệ nợ công và  thâm hụt ngân sách cao, cùng với mức lãi suất thấp  ở các nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, rủi ro về mặt xã hội sẽ gia tăng trong năm 2012 khi các hệ thống bảo đảm thu nhập và an sinh cho người dân sẽ không còn hoạt động hiệu quả nữa khi nền kinh tế liên tục gặp khó  khăn.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của thế giới trong năm 2012. Động lực chính cho triển vọng này là việc Trung Quốc tiếp tục  “hạ cánh mềm”, với tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ. Kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi nhẹ  do sản xuất công nghiệp trở lại bình thường, gói kích thích tài chính phát huy tác dụng và quá trình tái thiết sau thảm họa tăng tốc. Áp lực lạm phát cũng đang giảm bớt ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Tăng trưởng của các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Singapore, Malaysia và Hồng Kông sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu đi ở Eurozone.

Tuy nhiên, theo WB, các nền kinh tế đang phát triển lại đang dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro của kinh tế toàn cầu và  suy giảm của các nền kinh tế phát triển. Dự  kiến, do nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển giảm sút, giá dầu mỏ và nguyên liệu sẽ giảm trong năm 2012. Điều này làm giảm thu nhập của những nước xuất khẩu song cũng làm giảm áp lực lạm phát đối với những nước nhập khẩu các loại hàng hóa này. Song trong một kịch bản xấu hơn, một cuộc khủng hoảng sâu rộng diễn ra ở các nền kinh tế phát triển sẽ tác động nghiêm trọng đến cán cân thanh toán và thu nhập của những nước dựa vào xuất khẩu và kiều hối.

Tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam

Về thị trường xuất khẩu

Tình hình kinh tế khó khăn ở  ba thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam (EU, Mỹ, Nhật Bản) chắc chắn sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, dù trong năm 2011 kim ngạch xuất khẩu của chúng ta tăng trên 33%.

Tuy vậy, cũng có những yếu tố  tích cực để chúng ta đặt niềm tin vào mục tiêu tăng trưởng 13% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012. Trước hết là do cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu là nguyên liệu thô và sơ  chế, cùng hàng tiêu dùng thiết yếu có độ co giãn cầu hẹp nên thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Tiếp đó, năm 2012 là thời  điểm Việt Nam và các đối tác phải thực hiện các cam kết của WTO, AFTA, ASEAN +, cùng một loạt các cam kết đối tác chiến lược, FTA và BTA khác; điều này sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị  trường các nước được thuận lợi hơn. Hơn nữa, dẫu thị trường EU và Mỹ gặp đôi chút khó  khăn bởi các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước nhằm hồi phục kinh tế sau khủng hoảng, thì thị  trường Nhật Bản lại đang rất cần nguồn hàng hóa tiêu dùng bổ sung sau thảm họa sóng thần (11/3/2011). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản và thực phẩm của Việt Nam xâm nhập và trụ vững tại thị trường khó  tính này. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và đang phát triển khác, nơi mà các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn.

Về vốn ODA và các khoản tín dụng tài trợ

Do khủng hoảng nợ công châu Âu, các khoản tín dụng mà khu vực này dành cho châu  Á đang bị xem xét cắt giảm. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn Việt Nam sẽ phải chịu những hệ  lụy nhất định. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên vốn ODA sẽ đi kèm theo những điều kiện ít  ưu đãi hơn. Trong số các nhà tài trợ  cho Việt Nam, hiện mới chỉ có Nhật Bản vẫn cam kết ưu tiên cấp vốn ODA cho chúng ta, một vài  đối tác khác trong EU cũng đã hứa sẽ không đưa Việt Nam vào danh sách cắt giảm viện trợ.

– Về vốn FDI

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đang tạo cho Việt Nam cơ hội thuận lợi để đón các dòng vốn đầu tư rút chạy khỏi những thị  trường rối loạn tìm đến những nơi ổn định và có khả năng sinh lời cao. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Á năng động, lại có môi trường chính trị – xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ suy thoái chung của thế giới vẫn duy trì được ở mức gần 6%, … chắc chắn sẽ là một lựa chọn không tồi đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Thêm vào đó, xu hướng đầu tư  và sản xuất quốc tế mới dưới hình thức không nắm giữ cổ phần (NEM), sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam tham gia nhanh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hoạt động sản xuất theo hợp đồng, nhượng quyền kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, … Điểm  ưu việt của NEM so với các hình thức đầu tư  khác là ưu tiên thúc đầy chuyển giao công nghệ  dưới sự bảo hộ của một hợp đồng được ký kết, nên nếu biết lựa chọn thì đây sẽ  là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận được những công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các dòng vốn  đầu cơ cũng ngày càng lớn, sẵn sàng nhảy vào để kiếm lời khi nhận biết được cơ hội và rút đi khi thấy rủi ro là một thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì ngay cả khi xuất hiện với tư cách là nhà đầu tư trực tiếp thì họ vẫn có thể thông qua việc sang nhượng hoặc mua bán cổ phiếu để rút vốn từ thị trường này rót vào thị trường khác, hoặc chỉ đơn giản là cất trữ thu gom ngoại tệ hay kim loại quý làm nhiễu loạn thị trường tài chính – tiền tệ, nhất là tại các nền kinh tế đang phát triển nơi các công cụ và biện pháp quản lý thị trường tài chính – tiền tệ còn lỏng lẻo.

Buổi Lễ tôn vinh và Diễn đàn FAST500 sẽ  diễn ra vào ngày 10/04/2012 tại TP. Hồ Chí Minh, với sự đồng hành của VIETNAMWORKS. Đặc biệt trong buổi Lễ sẽ có sự xuất hiện của các Giáo sư đến từ Hoa Kỳ sẽ trình bày trước các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam về việc quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST500 được công bố để nghi nhận một cách khách quan thứ hạng về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả  kinh doanh mà các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam đã nỗ lực đạt được. Tham khảo thêm trên website: www.fast500.vn/