Trang chủ » Kinh tế 24h » Bán vốn Nhà nước tại các tập đoàn: Ế ẩm

Bán vốn Nhà nước tại các tập đoàn: Ế ẩm

Tác giả:

Áp lực ồ ạt rút vốn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau khi chuyển EVN Telecom cho Viettel, hiện còn gần 3.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… Trong đó có 114,9 tỷ đồng vào Ngân hàng An Bình và 1.000 tỷ vào Công ty Tài chính Điện lực. Trừ các doanh nghiệp bất động sản và bảo hiểm, Ngân hàng An Bình và Công ty Tài chính Điện lực có lãi.

Theo yêu cầu của Chính phủ, để thực hiện tái cơ cấu, EVN phải gấp rút thoái vốn triệt để ở tất cả các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm do đứng trước sức ép rất lớn do thiếu vốn đầu tư và mất cân bằng tài chính. Đến nay trong mảng ngân hàng, EVN đang trình Ngân hàng nhà nước về chuyển nhượng vốn 5,3% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank để đảm bảo cho EVN nắm giữ về mức quy định theo luật tổ chức tín dụng. Còn lại lĩnh vực bất động sản, EVN đã giao người đại diện phần vốn của mình tại các công ty cổ phần bất động sản tìm kiếm đối tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, tuy nhiên vẫn chưa thấy người mua.

Với Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), theo Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn, trong thời gian tới tập đoàn sẽ triển khai cơ cấu lại vốn tại một số đơn vị để tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh chính. Hiện tập đoàn đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Vonfram Đắc Nông giá trị 15,66 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cảng Hà Tĩnh (4,6 tỷ đồng); Công ty cổ phần quốc tế Long Thành (7,5 tỷ đồng). Hội đồng thành viên Vinacomin cũng quyết định thoái toàn bộ vốn của mình góp tại Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (10,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà (47,8 tỷ đồng); thoái vốn tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Hàng không (50 tỷ đồng), Công ty cổ phần đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ (10,5 tỷ đồng); Quỹ đầu tư Việt Nam (48 tỷ đồng), nhưng cũng chưa biết khi nào bán được.

Ngoài thương vụ chuyển EVN Telecom cho Viettel, hiện việc thoái vốn của các tập đoàn rất khó khăn vì ít người mua.

Cùng với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tập đoàn tiến hành cơ cấu lại vốn tại các công ty con cổ phần như Công ty cổ phần Đồng Tả Phời, Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện và xây lắp công trình, Công ty cổ phần vận tải và đưa đón thợ mỏ, Công ty cổ phần cơ khí Hòn Gai… để đảm bảo quy định về việc công ty mẹ và công ty con không cùng tham gia góp vốn vào cùng một doanh nghiệp.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng đang là câu hỏi lớn với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại tập đoàn này, từ năm 2007 Vinachem đã góp 7,5 tỷ đồng vào Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS). Vinachem còn để tỷ lệ vốn góp ở Công ty Tài chính Cổ phần hóa chất Việt Nam lên mức 39%, vượt mức cho phép (37%)-nhưng là tỷ lệ vượt đầu tư ra ngoài ngành đến 30% vốn điều lệ. Đến nay, tập đoàn này vẫn đang loay hoay để giảm tỷ lệ vốn góp về mức cho phép, song cũng chưa tìm được đối tác mua.

Tại Tập đoàn Sông Đà (công ty Mẹ), đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp số tiền trên 4.204 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ có 3.046 tỷ đồng, đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ hơn 1.158,6 tỷ đồng. Trong danh mục đầu tư của tổng công ty này có: Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ Thành viên Vietcombank.

Còn theo báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Sông Đà, tập đoàn này đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 6.942 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào các công ty con trên 5.678,6 tỷ đồng, vào các công ty liên doanh, liên kết gần 700 tỷ đồng, đầu tư dài hạn khác 564 tỷ đồng… vượt vốn điều lệ số tiền trên 2.335 tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, đến tháng 6-2011, thời điểm Thanh tra Chính phủ vào thanh tra Tập đoàn Sông Đà, mặc dù hội đồng thành viên tập đoàn đã có nghị quyết thoái vốn nhưng các khoản đầu tư trên được xác định là đã không thu được lợi nhuận, chưa thu hồi được số tiền đã đầu tư và tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước.

Vẫn bình mới rượu cũ

Việc thoái vốn, tưởng chừng đơn giản mà xem ra chưa biết khi nào thực hiện được. Trong khi theo yêu cầu của việc tái cơ cấu như Nghị quyết Trung ương 3, thì còn nhiều vấn đề hóc búa hơn nhiều. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc tái cấu trúc thời gian qua đã làm nhưng mới là đổi mới bề ngoài, còn chất bên trong chưa có. Nói cách khác “rượu” bên trong chỉ là thay từ cái này sang cái khác, còn chất lượng không thay đổi. Tái cấu trúc lần này thực sự khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Nếu không làm không thể phát triển thực sự được.

Theo ông Tiến, bài toán khó đầu tiên khi cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty là sẽ có sự ảnh hưởng lớn đến người lao động. Khi sắp xếp lại, chúng ta phải tính toán lại sản xuất, phải trả họ lại theo đúng giá thị trường. Như xăng dầu phải tiến tới thị trường hóa và phải chấp nhận việc này dù rất khó.

Thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ không thành lập các tập đoàn, tổng công ty ghép lại theo mệnh lệnh hành chính. “Việc tái cấu trúc cũng nhằm thay đổi bộ máy quản lý, quản trị doanh nghiệp. Như vậy phải chấp nhận cuộc chơi là nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty sau khi cổ phần hóa phải rút lui để những người có năng lực hơn lãnh đạo. Nếu những người đứng đầu quyết tâm làm, sắp xếp triệt để thì tiến độ thực hiện dự án sẽ nhanh. Còn không sắp xếp được trong nội bộ, cần sự can thiệp của Chính phủ thì việc sắp xếp sẽ lâu hơn” – ông Tiến nói.

(Theo Tiền Phong)